TCCS - Ngày 15-5-2024, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18-5); Kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959 - 2024); Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Nâng tầm vị thế quốc gia”.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương; các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị - xã hội; các doanh nghiệp, viện, trường, tập đoàn kinh tế trong và ngoài ngành; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ qua các thời kỳ.

Bộ Khoa học và Công nghệ, tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước, được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL, ngày 4-3-1959, của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 18-6-2013, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua, quy định ngày 18-5 hằng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Quang cảnh lễ kỷ niệm_Ảnh: Khánh Nguyên

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt, cũng là dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959 - 2024) và trao Giải thưởng khoa học mang tên cố GS Tạ Quang Bửu - một trong những người đặt nền móng trong việc xây dựng và phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản ở Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của ngành khoa học - công nghệ Việt Nam, cùng tri ân sự nỗ lực cống hiến không mệt mỏi của biết bao thế hệ nhà khoa học, cán bộ quản lý, đóng góp quan trọng, thiết thực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, cách đây 61 năm, ngày 18-5-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đến dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội nghị phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam). Người căn dặn: Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi... Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học và kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ... 

Theo Thủ tướng Chính phủ, lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động khoa học - công nghệ nước nhà trong suốt hơn 60 năm qua. Với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học - công nghệ và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, nhà khoa học, ngành khoa học và công nghệ nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, các nhà khoa học và đội ngũ cán bộ kỹ thuật của chúng ta đã vượt lên hoàn cảnh, mang tinh thần và nhiệt huyết của mình đóng góp quan trọng vào các chiến công, chiến thắng của quân và dân ta, như chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 và đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bước sang giai đoạn hòa bình, đội ngũ nhà khoa học, cán bộ khoa học và kỹ thuật đã phát huy tinh thần sáng tạo, đóng góp vào các công trình có ý nghĩa quan trọng, thay đổi diện mạo của đất nước, như Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Thủy điện Sơn La, Đường dây 500 kV Bắc - Nam, các công trình dầu khí, các công trình cầu, đường, sân bay, bến cảng, khai hoang, cải tạo vùng Đồng Tháp Mười, nghiên cứu y học, vaccine, ghép tạng,...

Trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, cùng với các kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng rõ nét. Lực lượng khoa học - công nghệ Việt Nam tham gia tích cực và đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, chúng ta đã hình thành được hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam; về các yếu tố nền tảng, đường lối phát triển cơ bản, các chính sách về kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đúc rút được các bài học kinh nghiệm quý báu.

Đội ngũ những người làm khoa học ngày càng lớn mạnh. Nhiều nhà khoa học Việt Nam có tầm ảnh hưởng khu vực, quốc tế, mang lại vinh dự, tự hào cho đất nước, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ, trong đó có các nhà khoa học xuất sắc đi đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu. 

Các đại biểu tham quan triển lãm giới thiệu những thành tựu khoa học - công nghệ tiêu biểu trong 65 năm qua và khu vực gian hàng trưng bày các kết quả nghiên cứu_Ảnh: Khánh Nguyên

Xếp hạng quốc tế về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Trong 10 năm qua, tính từ năm 2013, thứ hạng của Việt Nam tăng 30 bậc, từ vị trí 76 lên 46. Việt Nam liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn, nhất là trong thế hệ trẻ. Đến nay, Việt Nam đã có 4 “kỳ lân” khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ (MoMo, Sky, Mavis, VNLIFE), xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, đồng thời ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, kết quả đạt được và những đóng góp của đội ngũ các nhà khoa học nói riêng và ngành khoa học - công nghệ nói chung cho đất nước. Những kết quả thành công và đóng góp của khoa học - công nghệ như đã nêu trên là minh chứng rõ nét khẳng định: Đây là một chủ trương, đường lối hết sức đúng đắn, phù hợp với bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước trong thời gian qua và còn giá trị trong giai đoạn mới, những năm tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nền khoa học - công nghệ của đất nước vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: 1- Nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là với khoa học xã hội và nhân văn; 2- Cơ chế, chính sách quản lý khoa học - công nghệ còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa dựa trên đặc thù của hoạt động khoa học - công nghệ, chưa có đột phát trong chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng…; 3- Kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; 4- Thị trường khoa học - công nghệ phát triển còn chậm, chưa xây dựng được sàn giao dịch công nghệ hoạt động hiệu quả; 5- Đội ngũ các nhà khoa học, người làm khoa học - công nghệ còn chưa nhiều, chưa đồng đều;…

Thủ tướng Chính phủ đánh giá, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học - công nghệ đã phát triển bùng nổ trên tất cả các lĩnh vực và đang làm thay đổi sâu sắc thế giới, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung theo hướng thông minh hơn, hiệu quả hơn và với tốc độ nhanh hơn, biến động khó lường.

Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới, cần phát huy hơn nữa vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương, với phương châm “hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, quản trị thông minh”, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11-1-2024, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1-11-2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế””. Trước mắt, tập trung vào 3 nội dung: Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển bao trùm, toàn diện; đầu tư thích đáng về hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khoa học xã hội và nhân văn.

Hai là, tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh nhân lực khoa học - công nghệ, khuyến khích khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, tăng cường các hình thức hợp tác công tư tham gia đào tạo nhân lực khoa học - công nghệ. Tập trung phát triển mạnh thị trường khoa học - công nghệ để góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ba là, các bộ, ngành, địa phương cần kiên trì, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chính sách vượt trội cho khoa học - công nghệ về thể chế, cơ sở vật chất, nhân lực; trong đó, có các chính sách ưu đãi, trọng dụng, tôn vinh, khen thưởng cho người làm công tác khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm khơi dậy niềm đam mê, khuyến khích sự dấn thân trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ, nhất là nhà khoa học trẻ, các nhà khoa học đang hoạt động trong điều kiện khó khăn như ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Bốn là, đối với các doanh nghiệp, cần coi hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng nâng cao năng lực năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Năm là, có chính sách phù hợp tăng cường thu hút các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế có uy tín đang làm việc ở các nước có thể đóng góp phù hợp vào sự phát triển khoa học trong nước thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng để đào tạo đội ngũ nghiên cứu trong nước tiếp cận với khoa học - công nghệ tiên tiến, hội nhập thế giới.

Sáu là, đối với các nhà khoa học, cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Các nhà khoa học cần nhận thức trọng trách lớn lao đối với đất nước, dám dấn thân, dám hy sinh, dám chấp nhận rủi ro. Lịch sử đã ghi nhận nhiều tấm gương cống hiến của các nhà khoa học đối với vận mệnh quốc gia.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024_Ảnh: Khánh nguyên

* Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 và Kỷ niệm chương tặng PGS, TS Trần Mạnh Trí, ngành hóa học và TS Nguyễn Thị Kim Thanh, ngành vật lý; tham quan triển lãm giới thiệu những thành tựu khoa học - công nghệ tiêu biểu trong 65 năm qua và khu vực gian hàng trưng bày các kết quả nghiên cứu, sản phẩm của các lĩnh vực quốc phòng, ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, y tế, khoa học xã hội và nhân văn thời gian qua./.