TCCS - Ngày 9-5-2024, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng chủ trì Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng để công bố Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ; rà soát cơ chế chính sách đặc thù phát triển vùng; kế hoạch điều phối vùng và đánh giá việc triển khai các dự án trọng điểm của vùng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng chủ trì hội nghị_Ảnh: TTXVN

Hội nghị đánh giá, ngay sau khi Nghị quyết số 30-NQ/TW, của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 14/NQ-CP, của Chính phủ được ban hành, các bộ, ngành và địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng đã khẩn trương quán triệt các nội dung, ban hành các kế hoạch hành động, tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Qua hơn 1 năm triển khai, vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được những kết quả tích cực. Mặc dù thời gian triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ được hơn 1 năm và Hội đồng điều phối vùng vừa được thành lập, nhưng được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dành ưu tiên nguồn lực tập trung, nhất là nguồn lực ngân sách trung ương, các bộ, địa phương trong vùng đã quán triệt nội dung, ban hành các kế hoạch hành động, phối hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Về cơ bản, kinh tế - xã hội từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn. Chất lượng kết cấu hạ tầng vùng đồng bằng sông Hồng ngày càng được cải thiện, có 4/11 địa phương nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có kết cấu hạ tầng tốt nhất cả nước. Thể chế và bộ máy điều phối vùng đã được hoàn thiện. Hoàn thành quy hoạch vùng và 9/11 quy hoạch tỉnh làm nền tảng, định hướng cho thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của các địa phương được giữ ổn định. Công tác đối ngoại được mở rộng cả về đối tác và nội dung hợp tác, trong đó chú trọng đối ngoại kinh tế, xúc tiến thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, vùng còn một số khó khăn về hạ tầng đô thị, các vấn đề về môi trường có tính liên vùng; khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực cho phát triển, các hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của các đại biểu; nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quy hoạch; yêu cầu các địa phương trong vùng khẩn trương hoàn thiện xây dựng quy hoạch và chương trình hành động thực hiện quy hoạch.

Đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai bài bản các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 30-NQ/TW, của Bộ Chính trị, về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong suốt quá trình từ khi xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động thực hiện nghị quyết và xây dựng các quy hoạch 6 vùng kinh tế - xã hội, trong đó có Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch tỉnh trong vùng, với tư duy mới, cách làm mới, niềm tin mới, tầm nhìn mới, tạo ra giá trị mới.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương sự cố gắng của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân trong vùng trong việc xây dựng trình cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách; xây dựng, khởi công các dự án kết nối vùng; nỗ lực đạt được thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, với những kết quả “cân, đong, đo, đếm được”, tạo khí thế mới, động lực mới, đổi mới sáng tạo hơn.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, quá trình phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng còn đối mặt với một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng; thiếu quỹ đất, thiếu cơ chế, thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp; hạn chế về tính liên kết; hạn chế trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng; hạn chế trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, phòng, chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, phát triển văn hóa - xã hội chưa đáp ứng nhu cầu; chưa phát huy được giá trị văn hóa đặc sắc của vùng.

Chỉ rõ 3 bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Phải bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, cả vùng để tổ chức thực hiện có hiệu quả thực chất; phát huy tinh thần tự lực, tự cường của mỗi tỉnh, thành phố nhưng phải liên kết chặt chẽ, hiệu quả để phát triển chung cho cả vùng; có cơ chế, chính sách thông thoáng, có hạ tầng thông suốt, có quản trị thông minh.

Quang cảnh hội nghị_Ảnh: TTXVN

Việc xây dựng quy hoạch là quan trọng, song việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng không kém. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng bảo đảm “truyền thống, liên kết, bứt phá, bao trùm, toàn diện và bền vững”.

Trong đó, triển khai quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội vùng bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; tuân thủ nghiêm và đồng bộ quy hoạch; xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Cùng với đó tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ về phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, đẩy mạnh hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; làm mới các động lực cũ, tập trung cho các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh thông tin, truyền thông để nhân dân hiểu, nắm rõ, ủng hộ, làm theo, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra - dân giám sát - dân thụ hưởng".

Nhất trí với hội nghị về việc tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc, khơi thông cho phát triển./.

Trung Duy (tổng hợp)