Khủng hoảng tài chính toàn cầu: Những bước đi cứu trợ
Dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn khối có thể giảm 0,4% vào năm tới và tỷ lệ tăng trưởng cao nhất chỉ có thể ở mức 1,5% vào năm 2010. Số liệu mới công bố của Liên hiệp châu Âu (EU) cũng thừa nhận kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (ơ-rô) lần đầu tiên đã rơi vào suy thoái với GDP giảm 0,2% trong quý II và quý III.
Giới học giả kinh tế nhận định rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay mang những đặc điểm chưa từng có. Cuộc khủng hoảng lần này chủ yếu lan rộng qua con đường tài chính và trong bối cảnh vai trò truyền thống của khu vực tư nhân bị tan vỡ, các chính phủ đã phải can thiệp bằng những biện pháp mạnh mẽ.
"Bơm" tiền cho các ngân hàng
Ngay sau vụ ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ đánh dấu vụ phá sản lớn nhất tại Mỹ; Merrill Lynch bị Bank of America Corp thâu tóm; American International Group (AIG) - tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới mất khả năng thanh toán do những khoản thua lỗ liên quan tới nợ cầm cố ngày 15-9, các ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới đã đổ hàng tỉ USD vào các thị trường tiền tệ với nỗ lực hạ nhiệt tình trạng căng thẳng và ngăn chặn sự đóng băng của hệ thống tài chính toàn cầu. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố kế hoạch bơm 85 tỉ USD vào AIG và nắm giữ 80% cổ phần. Ngân hàng Barclays của Anh mua lại một phần tài sản tại Bắc Mỹ của Lehman với trị giá 1,75 tỉ USD...
Sau kế hoạch giải cứu giá trị lên đến 700 tỉ USD, bước đi mới nhất trong hàng loạt nỗ lực cứu trợ của Chính phủ Mỹ là kế hoạch do Bộ Tài chính, FED và Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi ngân hàng liên bang Mỹ cùng đưa ra ngày 24-11 nhằm cứu trợ Citigroup, một tập đoàn tài chính khổng lồ mà sự sụp đổ của nó có thể tàn phá nền kinh tế cũng như hệ thống tài chính vốn đang chao đảo của Mỹ. Kế hoạch này bao gồm việc mua số cổ phiếu trị giá 20 tỉ USD của Citigroup cũng như bảo đảm cho các tài sản rủi ro trị giá hàng trăm tỉ USD.
Tính tới thời điểm này, FED đã bơm hàng trăm tỉ USD vào hệ thống tài chính thế giới, và có thể sẽ chính thức áp dụng chính sách bơm thêm lượng USD khổng lồ nữa vào hệ thống này. Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ - với khả năng sẽ vay nợ tới 1.500 tỉ USD trong năm tài khóa này - sẽ còn tiếp tục vay nợ thêm nữa để có thêm tiền cho việc giải cứu các ngân hàng nếu cần và cho kế hoạch kích thích kinh tế có thể lên tới 700 tỉ USD của chính quyền Tổng thống mới đắc cử B. Obama.
Tại châu Âu, Chính phủ Bỉ và Hà Lan quyết định chi 16 tỉ USD để quốc hữu hóa một phần ngân hàng chung Fortis NV trong khi Chính phủ Ðức cam kết chi 35 tỉ ơ-rô để bảo lãnh cho tập đoàn tín dụng bất động sản Hypo Real Estate Holdings AG mà cổ phiếu đã sụt giảm tới hơn 60%. Bộ Tài chính Ðức thông báo tất cả các tài khoản tiền gửi ngân hàng tại Ðức sẽ được bảo hiểm không có giới hạn. Các ngân hàng trung ương của Anh, Na Uy, Nhật Bản, Áo, Ðan Mạch, Thụy Ðiển, Thụy Sĩ, Canada và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng tham gia vào chương trình cứu trợ toàn cầu mới lần này. Ngày 8-10, Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch cứu trợ cả gói trị giá 500 tỷ bảng nhằm khôi phục lòng tin đối với hệ thống ngân hàng trong nước. Chính phủ Iceland đã mua lại 75% cổ phần trong Ngân hàng Glitnir - ngân hàng lớn thứ ba ở Iceland. Ngân hàng Dexia của Bỉ và Pháp được khoản tiền cứu trợ khẩn cấp 6,4 tỉ ơ-rô, tương đương 9,2 tỉ USD, từ Chính phủ hai nước nói trên và các cổ đông lớn. Chính phủ Bỉ và các cổ đông lớn của Dexia sẽ cung cấp tổng số tiền 3 tỉ ơ-rô, trong khi ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Pháp là Caisse des Depots et Consignations sẽ "bơm" 3 tỉ ơ-rô. Chính phủ Luc-xăm-bua cam kết mua lượng cổ phần trị giá 376 triệu ơ-rô của bộ phận Dexia đang hoạt động ở nước này.
Tại Pháp, Tổng thống N.Xác-cô-di cùng Thủ tướng F.Fi-lông và các chủ ngân hàng, các hãng bảo hiểm Pháp thảo luận những giải pháp bảo hộ các ngân hàng trong nước, trong đó có việc giải quyết vấn đề khan hiếm tiền mặt, đồng thời tìm kiếm nguồn vốn để các ngân hàng trong nước có thể tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn.
Liệu pháp "sốc" hạ lãi suất
Sau khi tiến hành cứu trợ một số ngân hàng đứng trước bờ vực phá sản để tránh hiệu ứng dây chuyền, chính phủ các nước đã tiến hành sửa đổi các quy định hiện hành, nâng mức bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, ngăn chặn nguy cơ rút tiền gửi hàng loạt của người dân tại các tổ chức tài chính. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương các nước tiến hành cắt giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thậm chí bơm hàng trăm tỉ USD vào hệ thống tài chính - ngân hàng.
Theo Chủ tịch FED Ben Bernanske, sắp tới, FED có thể sẽ tuyên bố hạ lãi suất cơ bản thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, từ mức 1% hiện nay (lần hạ lãi suất thứ tám trong năm 2008). Ngày 4-12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định cắt giảm 75 điểm phần trăm lãi suất cho vay chủ chốt, xuống còn 2,5%. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) công bố mức cắt giảm 100 điểm (1%) lãi suất cho vay cơ bản, xuống còn 2%, mức thấp nhất kể từ năm 1939. Các ngân hàng trung ương của Ca-na-đa, Thụy Ðiển và Thụy Sĩ đều có những bước đi tương tự: Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) bất ngờ tuyên bố giảm lãi suất xuống mức 1% - mức giảm kỷ lục của ngân hàng này. Ngân hàng Riksbank của Thụy Ðiển giảm từ 4,75% xuống 4,25%.
Sự phối hợp đồng bộ mang tính lịch sử này đánh dấu một nỗ lực quốc tế nhằm loại bỏ nguy cơ rằng mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng tín dụng có thể dẫn tới sự suy thoái toàn cầu thê thảm. Theo chuyên gia kinh tế quốc tế hàng đầu Julian Jessop, tại Tổ chức phân tích dự đoán kinh tế Capital Economics (Anh), việc giảm lãi suất sẽ đem lại một lực đẩy, ít nhất là tạm thời, đối với lòng tin đang lung lay của mọi người. Mặc dù vậy, ông cũng cảnh báo rằng động thái này không phải là một giải pháp hoàn chỉnh, chỉ ra rằng FED cũng đã giảm tỷ lệ lãi suất từ 5,25% hồi tháng 9 năm ngoái xuống còn 1% nhưng vẫn không thể cứu vãn được hệ thống tài chính.
Các ngân hàng trung ương châu Á cũng nhập cuộc với các đối tác phương Tây, đồng loạt cắt giảm tỷ lệ lãi suất: Ngân hàng trung ương Hàn Quốc, Hồng Công, Ðài Loan đều hạ tỷ lệ lãi suất chính của mình. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, chỉ có lãi suất thấp hơn không thôi thì không thể chạy chữa được căn bệnh khủng hoảng lòng tin đã ăn sâu vào tâm trí mọi người.
Cứu ngành chế tạo xe hơi
Khủng hoảng ngành chế tạo xe hơi lan rộng suốt từ Mỹ, châu Âu tới châu Á buộc các nhà sản xuất ô-tô phải cắt giảm sản xuất và cả nhân công. Tổng thiệt hại của các tập đoàn GM, Ford và Chrysler lên tới 28,6 tỉ USD trong sáu tháng đầu năm nay. Hãng Toyota của Nhật Bản thậm chí giảm tới 39%. Tại Italia, ngành công nghiệp bị thiệt hại nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng lần này là sản xuất và chế tạo ô-tô, với mức giảm 66,8% - mức cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển hàng đầu của EU. Các nhà sản xuất ô-tô đã yêu cầu chính phủ trợ giúp. Ba hãng xe hơi GM, Ford và Chrysler yêu cầu 34 tỉ USD. Ngày 10-12, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật tái cơ cấu và tài trợ ngành công nghiệp ô-tô trị giá 14 tỉ USD. Theo Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, việc thông qua dự luật trên sẽ tạo đà cho ngành công nghiệp sản xuất ô-tô cũng như nền kinh tế Mỹ phục hồi. Tuy nhiên, ngày 11-12, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu chống kế hoạch giải cứu ngành công nghiệp xe hơi của nước này. Ðây thật sự là một đòn giáng mạnh vào các hãng xe hơi hàng đầu nước Mỹ đang sắp cạn sạch tiền mặt sau một thời gian dài nỗ lực kêu cứu. Còn các nhà công nghiệp ô-tô châu Âu hy vọng có thể vay được khoảng 40 tỉ ơ-rô để cải thiện tình hình, nhưng theo tin mới nhất, họ sẽ chỉ được cấp 5 tỉ ơ-rô.
Những gói kích thích khổng lồ
Mới đây, một loạt chính phủ các nước đã công bố gói kích thích kinh tế để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và ngành tài chính nói riêng. FED công bố các kế hoạch bơm 800 tỉ USD vào hệ thống tài chính để mua các chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp và tài sản. Tổng thống đắc cử Mỹ Obama tuyên bố sẽ hợp sức cùng chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm G. Bush để phục hồi kinh tế đất nước. Ông khẳng định sẽ tôn trọng những cam kết với chính quyền hiện tại trong giải quyết các khó khăn, đồng thời ủng hộ kế hoạch cứu tập đoàn Citigroup cũng như gói cứu trợ trị giá 700 tỉ USD để vực dậy thị trường tài chính. Ông B.Ô-ba-ma cũng có kế hoạch tạo ra 2,5 triệu việc làm vào năm 2010.
Là "nạn nhân" chịu ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp của cơn bão tài chính- tín dụng đến từ bên kia bờ Ðại Tây Dương, tuy nhiên EU lại không có ngay được một kế hoạch phòng, chống chung. Hai tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) mới quyết định tung kế hoạch kích thích kinh tế cả gói chung cho toàn bộ 27 nước thành viên với số tiền 200 tỉ ơ-rô kèm nhiều biện pháp "ưu đãi". Ðể kế hoạch này được áp dụng, EU cần có được tiếng nói chung tại hội nghị Brussels trong hai ngày 11 và 12-12.
Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di đưa ra kế hoạch khôi phục nền kinh tế bằng việc đầu tư cho doanh nghiệp để tăng cường khả năng cạnh tranh và phát triển công nghiệp. Ông N.Xác-cô-di nhấn mạnh chính sách xã hội tốt nhất hiện nay không phải là sự trợ giúp mà phải tiếp tục đầu tư phát triển công nghiệp. Theo ông, thay vì đổ tiền vào các dự án hỗ trợ, Pháp nên rót tiền vào các dự án phục vụ phát triển. Một số phương hướng trong kế hoạch của ông N.Xác-cô-di: cho vay trước thuế khoảng 30.000
ơ-rô đối với các cá nhân làm việc độc lập ở nhà, thúc đẩy các chương trình đầu tư của các thành phố, miễn thuế nghề nghiệp đối với vốn đầu tư doanh nghiệp trong năm 2009. Tổng thống Sarkozy cũng tuyên bố thành lập Quỹ chiến lược đầu tư (FSI) và coi đó là mấu chốt của chính sách thúc đẩy công nghiệp nước nhà. Quỹ này có tổng số vốn đầu tư lên đến 20 tỉ ơ-rô, trích từ Quỹ tiền gửi quốc gia.
Chính phủ Anh quyết định bơm 20 tỉ bảng (29,82 tỉ USD) vào nền kinh tế nhằm ngăn chặn một cuộc suy thoái sâu. Trọng tâm của kế hoạch trên sẽ cắt giảm tạm thời thuế giá trị gia tăng đối với nhiều mặt hàng. Chính phủ khẳng định cam kết trước đó hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ không có khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính... Nhật Bản công bố gói cứu trợ trị giá 26.900 tỉ yên (khoảng 274 tỉ USD) nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với đời sống của người dân nước này. Riêng CHLB Ðức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu muốn theo đuổi kế hoạch phục hồi nền kinh tế của mình trị giá 31 tỉ ơ-rô trong thời gian hai năm. Ðức cho rằng đề xuất của EC là "các biện pháp dân túy không hiệu quả", đồng thời khẳng định mỗi nước nên tự có kế hoạch đối phó khủng hoảng thay cho kế hoạch chung của Brussels.
Biện pháp của những nền kinh tế mới nổi
Chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ "thực hiện các chính sách tài chính năng động cùng với các chính sách tiền tệ tương đối linh hoạt" với gói kích thích khổng lồ 586 tỉ USD được dành cho 10 lĩnh vực, trong đó có kết cấu hạ tầng, an sinh xã hội từ nay đến năm 2010, tiêu dùng của người dân, đặc biệt là nhà ở giá rẻ, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường và tái thiết các vùng bị thiên tai. Một phần của gói kích thích cũng được dành cho khu vực tư nhân, song Chính phủ Trung Quốc chưa công bố sẽ chi cho các dự án mới cũng như các liên doanh bao nhiêu. Cuối tháng 11, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã công bố mức cắt giảm lãi suất lớn nhất trong vòng 11 năm qua, gấp bốn lần mức cắt giảm thông thường. Theo đó, lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi thời hạn một năm đều giảm 1,08% so với mức giảm thông thường 0,27%. Lãi suất cho vay giảm xuống còn 5,58% và lãi suất tiền gửi giảm xuống còn 2,25%. Ðây là lần cắt giảm lãi suất thứ tư của Trung Quốc kể từ tháng 9-2008 nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và là mức cắt giảm lớn nhất kể từ tháng 10-1997.
Ngay sau khi các ngân hàng ở Mỹ sụp đổ vào tháng 9, Chính phủ Nga đã chi 57,5 tỉ USD trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua để giữ giá đồng rúp. Thủ tướng Nga Putin kêu gọi củng cố hệ thống ngân hàng; đồng thời cam kết sẽ xóa bỏ một số loại thuế để thúc đẩy nền kinh tế. Ông V.Pu-tin khẳng định cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay không cản trở Chính phủ Nga thực hiện các kế hoạch phát triển chiến lược. Ngày 17-11, Tổng thống Nga Mét-vê-đép cho biết, Chính phủ Nga có thể sẽ tăng gói cứu trợ tài chính lên 5.000 tỷ rúp, tương đương 182 tỉ USD, nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính đang ngày càng gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhằm bảo vệ nền kinh tế trước những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngày 7-12, Chính phủ Ấn Ðộ đã công bố gói kích thích kinh tế bổ sung trị giá 200 tỉ ru-pi (tương đương 4 tỉ USD) cho năm tài chính hiện nay (kết thúc tháng 3-2009).
Cho đến nay, các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ các nước có phát huy tác dụng đến đâu vẫn còn chưa rõ. Tuy nhiên, theo nhận định của Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn "Khủng hoảng tài chính đang rơi vào vòng xoáy "toàn cầu hóa" và không một nền kinh tế nào có thể thoát khỏi những hậu quả sẽ còn tồi tệ hơn trong năm 2009".
Trước mắt, giới lãnh đạo các nước đang phải đương đầu với thử thách lớn: Làm sao có thể ổn định tình hình tài chính, bảo đảm tăng trưởng và kiểm soát được lạm phát. Trong điều kiện như vậy, rất cần sự phối hợp hành động đa phương nhằm hạn chế tác động của khủng hoảng tài chính, giảm bớt những rủi ro tiềm ẩn làm tê liệt khả năng thanh khoản trên các thị trường tài chính. Mối lo ngại bao trùm là nguy cơ suy thoái kinh tế dẫn đến cuộc đại khủng hoảng toàn cầu. Trong khi còn có khả năng, chính phủ các nước phải sử dụng các công cụ trong tay, phát huy mọi tiềm lực và kinh nghiệm để ứng phó với khủng hoảng./.
Huy động sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn suy giảm kinh tế  (17/12/2008)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 8-12 đến 14-12-2008)  (15/12/2008)
Thủ tướng mới của Thái Lan  (15/12/2008)
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tham dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN  (15/12/2008)
Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 8-12 đến 14-12-2008)  (15/12/2008)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên