Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 8-12 đến 14-12-2008)
1. Kỳ họp thứ 17 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khoá XIII
Sáng 8-12, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội chính thức khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố Hà Nội khoá XIII. Tại kỳ họp này, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua 5 Nghị quyết quan trọng của năm 2009 gồm: Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dâncác cấp thành phố; Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của thành phố Hà Nội; Nghị quyết về hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Mặt trận Tổ quốc, Ban Thanh tra nhân dân và các tổ chức, đoàn thể tại xã, phường, thị trấn; Nghị quyết về mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố; Nghị quyết về mức phụ cấp đối với một số chức danh chuyên ngành đặc thù tại xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố. Để thực hiện thành công được các chỉ tiêu này, Thành phố đã đưa ra 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó chú trọng việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 15 về điều chỉnh địa giới hành chính, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các giải pháp kinh tế của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát và ngăn chặn suy giảm kinh tế.
2. Diễn đàn các cơ quan vũ trụ khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15
Từ ngày 9-12 đến 12-12-2008, tại Hà Nội và thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra Diễn đàn các cơ quan vũ trụ khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 15 (APRSAF-15) với hơn 150 đại biểu và các tổ chức quốc tế đến từ Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Tổ chức Liên hiệp quốc về sử dụng khoảng không vũ trụ (UNOOSA), ASEAN... cùng gần 100 nhà khoa học Việt Nam. Đây là diễn đàn nhằm đẩy mạnh hội nhập quốc tế để phát triển Công nghệ vũ trụ theo định hướng của Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ vũ trụ đến năm 2020. Hiện Việt Nam đã và đang tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức và diễn đàn quốc tế trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Đây là diễn đàn được tổ chức hằng năm. Với tiêu chí “Công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển bền vững”, nội dung chính của APRSAF-15 là ứng dụng công nghệ vũ trụ trong phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường, thông tin vệ tinh và giáo dục nâng cao nhận thức về khoa học công nghệ vũ trụ.
3. Kỷ niệm 60 năm “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”
Cách đây 60 năm, ngày 10-12-1948, tại Pa-ri (Pháp) Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”. Từ đó đến nay, mặc dù các quốc gia, dân tộc trên thế giới vẫn còn sự khác biệt, mâu thuẫn về hệ tư tưởng, lợi ích chính trị, song cùng với Hiến chương Liên hợp quốc, văn kiện này đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ quốc tế. Đó là, nền tảng cho một cơ chế quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề bất đồng giữa các quốc gia dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng quyền dân tộc tự quyết và quyền con người đã hình thành. Cho dù hiện nay vẫn còn các thế lực lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền gây ra các cuộc chiến tranh xâm lược và xung đột vũ trang, can thiệp vào công việc nội bộ của nhiều quốc gia, dân tộc, song không phải vì vậy mà những tư tưởng cao cả của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người mất đi các giá trị của nó. Tuyên ngôn về Quyền con người có thể vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của thời gian là vì Văn kiện này đã chứa đựng những giá trị tinh thần cao cả của các quốc gia, dân tộc, như là một trong những thành tựu của nền văn minh nhân loại trong thế kỷ XX.
4. Khai mạc Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột 2008
Tối 10-12, tại Thành phố Buôn Ma Thuột, Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột 2008 đã chính thức khai mạc. Lễ hội là một festival văn hóa du lịch chuyên ngành cà phê của cả nước, nhằm gửi đến người tiêu dùng trong nước và thế giới thông điệp về vị thế của cà phê Việt Nam trên bản đồ cà-phê toàn cầu; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư và quảng bá thương hiệu cà phê Việt nói chung và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng. Ðây là cơ hội để những người sản xuất cà-phê gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất cà-phê. Lễ hội cà-phê năm nay được tổ chức hoành tráng nhất từ trước tới nay. Tại Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột, sàn giao dịch nông sản đầu tiên của Việt Nam và chuyên ngành cà-phê khai trương, chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột có chức năng cung cấp thông tin tập trung cho các thương nhân, người sản xuất, kinh doanh cà phê ở vùng Tây Nguyên và cả nước, đồng thời là nơi hỗ trợ cho nông dân làm quen với phương thức giao dịch, mua bán cà phê trên thị trường thế giới, hỗ trợ khuyến nông, tài chính, tín dụng…
5. Ngày hội đoàn kết của các dân tộc vùng Đông Bắc
Ngày 12-12-2008, khai mạc Ngày hội Văn hoá - Thể thao - Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại thành phố Bắc Giang. Đây là ngày hội giàu chất văn hóa dân gian của các dân tộc vùng Đông Bắc, nơi có điều kiện tự nhiên, địa lý trải dài từ vùng núi cao đến tận đồng bằng và ven biển. Nơi có nhiều dân tộc thiểu số với nét đặc trưng văn hóa rất khác biệt cư trú lâu đời như Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Cao Lan, Sán Chí, Sán Dìu…. trên địa bàn 10 tỉnh là Bắc Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Cao Bằng, Phú Thọ. Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VI này có thêm nội dung thi đấu thể thao và quảng bá du lịch nhằm góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; là dịp giới thiệu những nét văn hóa, thể thao truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền trong khu vực, nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đồng thời gắn với phát triển du lịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương và cả vùng.
6. Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở
Ngày 12-12-2008, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, được áp dụng đối với các hộ đang cư trú tại khu vực không phải là đô thị trên phạm vi cả nước. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ về nhà phải có đủ 3 điều kiện: là hộ nghèo đang cư trú tại địa phương, có trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý tại thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành; là hộ chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở; là hộ không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn và theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác. Chính phủ ưu tiên hỗ trợ trước cho các đối tượng theo thứ tự sau: hộ có công với cách mạng; hộ là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; hộ có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật…); hộ đang sinh sống trong vùng đặc biệt khó khăn; các hộ còn lại. Các địa phương có trách nhiệm hỗ trợ thêm ngoài phần ngân sách Trung ương hỗ trợ và huy động cộng đồng giúp đỡ các hộ làm nhà ở.
7. ADB hỗ trợ kỹ thuật cho 3 Dự án đường cao tốc tại Việt Nam
Ngày 12-12-2008, tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cùng Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam ông A.Cô-si-ni đã ký Hiệp định vay (Các nghiệp vụ đặc biệt) cho khoản vay hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị các dự án đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; Hạ Long - Móng Cái; Bến Lức - Long Thành” và Thư tiếp nhận Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành”. Với Bản ký kết này, ADB dành cho Việt Nam khoản vay hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị các dự án đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, Hạ Long - Móng Cái, Bến Lức - Long Thành” với tổng số vốn do ADB tài trợ trị giá 26 triệu USD và Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành” trị giá 1,5 triệu USD tài trợ không hoàn lại từ nguồn Quỹ đặc biệt của Chính phủ Nhật Bản, với mục tiêu hỗ trợ Chính phủ thiết kế xây dựng các tuyến đường cao tốc chuẩn, hiệu quả, an toàn và có độ tin cậy cao.
8. Chương trình "Mái ấm tình thương"
Tối ngày 13-12-2008, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ phát động Chương trình "Mái ấm tình thương" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Tới dự có các đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể trung ương, đông đảo các doanh nghiệp và nhà hảo tâm. Mục tiêu của cuộc vận động này là mỗi tuần sẽ có một mái ấm tình thương đến với một phụ nữ, một gia đình nghèo nhằm làm vơi đi nỗi khó khăn, nhọc nhằn, đem lại niềm vui hạnh phúc cho chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
9. Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam
Trong hai ngày 13 và 14-12-2008, tại Hà Nội đã diễn ra Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam. Đây là sự kiện lớn của các nhà doanh nghiệp trẻ và thanh niên Việt Nam. Dự Ðại hội có 700 đại biểu là những doanh nhân trẻ tiêu biểu cho đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước và một số quốc gia trên thế giới. Khẩu hiệu của Ðại hội là “Đoàn kết - khát vọng - đột phá - phát triển”. Ðại hội đã hiệp thương chọn cử Ủy ban Trung ương Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam nhiệm kỳ 2008-2011, gồm 86 người. Anh Võ Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hội khóa II, Chủ tịch Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ðồng Tâm, được hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam khóa III. Các đại biểu đã thông qua Nghị quyết Ðại hội, nêu rõ: Mục tiêu chung của Hội trong nhiệm kỳ mới là xây dựng tổ chức hội có mạng lưới rộng khắp cả nước, thu hút rộng rãi các doanh nhân trẻ tham gia hoạt động; đa dạng hóa và đặc biệt quan tâm phát triển các hoạt động đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nhân trẻ; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động thanh niên do Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức...
10. Đại hội đồng lần thứ 9 của Diễn đàn các nghị sỹ châu Á về dân số và phát triển (AFPPD)
Sáng 13-12-2008, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ khai mạc (AFPPD) lần thứ 9. Mặc dù các quốc gia đã có nhiều nỗ lực và đạt được những thành tựu nhất định trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, phổ cập giáo dục, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, bình đẳng giới và phòng chống HIV/AIDS, song việc đạt được các mục tiêu Thiên niên kỷ vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Tại Diễn đàn này, các nghĩ sỹ tập trung thảo luận những vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay, đó là biến đổi khí hậu và an ninh lương thực, trong đó, dân số được xem như một yếu tố tác động quan trọng. Diễn đàn lần này được chia thành năm phiên thảo luận với những nội dung: - Mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và vấn đề dân số; - An ninh lương thực và quản lý nguồn nước; - Biến đổi khí hậu và vấn đề giới; - Quản lý nguồn lực y tế và HIV/AIDS tại các quốc gia; - Hoạt động của nghị sỹ và biến đổi khí hậu./.
*** Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 1-12 đến 7-12-2008)
Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa  (15/12/2008)
Hội nghị toàn quốc về việc làm và xuất khẩu lao động  (15/12/2008)
Giới thiệu chính sách mới trên các số công báo từ ngày 1-12-2008 đến ngày 14-12-2008  (15/12/2008)
Hội nghị toàn quốc về việc làm và xuất khẩu lao động  (15/12/2008)
Hỗ trợ các hộ nghèo trên toàn quốc có nhà ở ổn định góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững  (15/12/2008)
Hướng phát triển bền vững cho cây chè Thái Nguyên  (15/12/2008)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay