Phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc về công tác kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (CLVSATTP) tổ chức ngày 27-8, PGS, TS Nguyễn Khánh Trâm, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết, trên cả nước, duy nhất chỉ có tỉnh Quảng Bình thực hiện kiểm nghiệm được dư lượng kháng sinh, 3/63 tỉnh, thành phố thực hiện được kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhóm pyrethoid.

Cán bộ xét nghiệm là bác sĩ chỉ đạt 22%

Cũng theo PGS, TS Nguyễn Khánh Trâm, năm 2009, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tiến hành khảo sát năng lực kiểm nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố (63 đơn vị). Kết quả cho thấy, trong kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh, 100% đơn vị đã thực hiện được xét nghiệm Coliform, E.coli, Salmonella, S. aureus, nhưng đối với B. cereus có tới 20 đơn vị chưa thực hiện được. Trong kiểm nghiệm phụ gia thực phẩm, mới chỉ tập trung vào hai nhóm chính là phẩm màu và chất ngọt tổng hợp (100% đơn vị); các nhóm phụ gia còn lại như chất bảo quản, chất chống ô-xi hóa... chưa thực hiện được.

Trong khi đó, nguồn nhân lực cho công tác kiểm nghiệm còn rất thiếu cán bộ, cả về số lượng và cơ cấu. Trong 63 đơn vị trên cả nước, số đơn vị có cán bộ xét nghiệm là bác sĩ chỉ đạt 22% và kỹ sư hóa là gần 55%. Đặc biệt, Khoa Xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng Lai Châu và Bình Phước không có cán bộ ở trình độ đại học đảm trách công tác xét nghiệm.

Về trang thiết bị, phần lớn các đơn vị không được đầu tư đồng bộ, một số đơn vị còn thiếu cả các thiết bị kiểm nghiệm cơ bản; các trang thiết bị phân tích kỹ thuật cao còn rất thiếu, tính đến thời điểm hiện nay, chưa có phòng kiểm nghiệm nào của 63 Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh/thành phố được chứng nhận đạt chuẩn theo ISO/IEC 17025:2005.

Năng lực kiểm nghiệm tại các địa phương bộc lộ nhiều bất cập

Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, một trong những nguyên nhân khiến năng lực kiểm nghiệm tại các địa phương bộc lộ nhiều bất cập là do đội ngũ thanh tra CLVSATTP còn yếu kém, mắc rất nhiều lỗi trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Một trong những lỗi phổ biến nhất trong thanh tra CLVSATTP là chỉ kiểm tra trên hồ sơ, công bố tiêu chuẩn của sản phẩm, không kiểm tra kho hoặc sản phẩm nên không phát hiện được các chỉ tiêu sai lệch so với công bố và nguyên liệu quá hạn.

Khi phát hiện được vi phạm về CLVSATTP thì không xử lý nghiêm, thậm chí có nơi cấp huyện và cấp xã không xử phạt mà chủ yếu là nhắc nhở. Vì thế mới có tình trạng số cơ sở vi phạm ở tuyến huyện tại Kiên Giang bị xử phạt chỉ chiếm 0,34%; Vĩnh Long có số cơ sở vi phạm chỉ bị nhắc nhở chiếm 85%, và con số này tại Trà Vinh còn ở mức 92,6%. Thậm chí, khi phát hiện mẫu không đạt và có nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng mà không công bố kịp thời cho người tiêu dùng biết (tại Bến Tre, khi phát hiện nước uống đóng chai có nhiễm trực khuẩn mủ xanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng thanh tra lại cho rằng không nguy hại nên không công bố kịp thời đến người tiêu dùng).

Khung xử phạt vi phạm về CLVSATTP chưa đủ sức răn đe

Tại Hội nghị, đại diện của nhiều địa phương cũng cho rằng, khung xử phạt vi phạm về CLVSATTP chưa đủ sức răn đe và còn có nhiều lỗ hổng để cơ sở vi phạm lách luật. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Dương nêu ví dụ, một cơ sở để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể, nếu còn giữ mẫu thực phẩm sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng, trong khi nếu mất mẫu thực phẩm, cơ quan chức năng không thể tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để đưa ra kết luận cụ thể, thì cơ sở đó chỉ bị phạt 600.000 đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu, và yêu cầu Cục Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thống kê lại thành các nhóm kiến nghị để báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia An toàn vệ sinh thực phẩm tìm phương hướng giải quyết.

Việt Nam đã gia nhập WTO, kèm theo các cam kết về thừa nhận lẫn nhau trong công tác kiểm nghiệm. Vì thế, cơ chế quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng cần có những điều chỉnh để phù hợp với hệ thống luật mới ban hành và xu thế hội nhập. Theo đó, cũng đặt ra thách thức đối với hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm của ngành y tế, đòi hỏi phải chuyển mình mạnh mẽ, phấn đấu hoàn thiện năng lực trong thời gian sớm nhất để có thể đáp ứng được công tác quản lý nhà nước. Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn bày tỏ sự tin tưởng và hy vọng khi Luật An toàn vệ sinh thực phẩm được thông qua sẽ khắc phục được những hạn chế mà các đại biểu đã đưa ra./.