Các siêu ngân hàng và áp lực cải tổ hệ thống ngân hàng
TCCS ĐT - Thế giới đang mong chờ tín hiệu từ những giải pháp tích cực phát đi sau phiên họp thượng đỉnh G20 sắp tới (tháng 4-2009) tại Luân Đôn. Người ta đặt kỳ vọng vào sự đồng thuận của lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng các vị chủ tịch ngân hàng trung ương trong việc phối hợp triển khai các giải pháp thống nhất nhằm cứu vãn hệ thống kinh tế thế giới trước nguy cơ một năm tăng trưởng âm.
Từ đề xuất của Giắc Đơ La-rô-si...
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20, ngày 10-3-2009, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp, Chủ tịch Tổ giám sát tài chính cao cấp của EU, Giắc Đơ La-rô-si (Jacques De Larosiere) phát biểu: “Tôi nghĩ một số ngân hàng trung ương có lẽ đã không tập trung đúng mức vào sự ổn định tài chính, và bây giờ thì họ phải thực thi nghĩa vụ này”. Ông Đơ La-rô-si cũng tin rằng, những con người có đủ thẩm quyền và được trao trách nhiệm, sức ép phải hoàn thành nhiệm vụ sẽ có khả năng và động lực để sớm phát hiện ra các khiếm khuyết gây mất ổn định của hệ thống tài chính phức tạp ở châu Âu.
Giắc Đơ La-rô-si đã đề xuất thành lập Hội đồng Rủi ro hệ thống châu Âu (European Systemic Risk Council - ESRC), bao gồm đại diện các ngân hàng trung ương từ khắp châu Âu và được giao nhiệm vụ giám sát tổng thể tình trạng ổn định tài chính của EU. Theo Giắc Đơ La-rô-si, cơ quan ESRC sẽ được ủng hộ bởi hệ thống hạ tầng của các ngân hàng trung ương EU và các đại diện từ 27 ngân hàng trung ương thành viên. Cơ quan này cũng hy vọng sẽ có sự tham gia của Anh, vì theo ông, Anh rất quan trọng đối với ESRC, tương đương như ảnh hưởng của ESRC đối với nước Anh.
Đề xuất này rất phù hợp với kêu gọi mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về nỗ lực hợp tác tái thể chế giữa các ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính, trong một đề xuất nhằm thu hút nhiều hơn sự chú ý với vai trò trung tâm của việc gỡ nòi nổ quả bom tài chính hiện tại. Ông Ben Bơ-nen (Ben Shalom Bernanke), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, cũng đã đưa ra lời cảnh báo mới về bước chuẩn bị cần thiết cho... quả bom kế tiếp!
… đến cảnh báo của Ben Bơ-nen
Cùng ngày 10 - 3 - 2009, ông Ben Bơ-nen thêm một lần nữa khẳng định, cải tổ hệ thống ngân hàng là cách duy nhất phục hồi hệ thống kinh tế toàn cầu. Ông không quên nhắc lại vấn đề siêu ngân hàng (megabank) chính là “oan hồn” từ các cuộc khủng hoảng trước, quay lại dọa “bóp cổ” các nền kinh tế cả lớn lẫn bé, phát triển hay kém phát triển.
Phát biểu trước Ủy ban Quan hệ quốc tế (Council on Foreign Relations - CFR), ông Ben Bơ-nen nhận định, câu chuyện tồi tệ sẽ không dừng lại ở các siêu ngân hàng, mà sẽ còn tiếp tục lan rộng sang các “ông lớn” khác chịu cùng hiệu ứng quá lớn dễ đổ vỡ (Too-Big-To-Fail). Ngay chính bản thân FED cũng cần các công cụ hữu hiệu để có thể cứu vãn sự sụp đổ của một đại công ty TBTF không xếp vào megabank. Đó là thời điểm 1 tuần sau khi 30 tỉ USD đã phải chi ra khẩn cấp từ ngân khố Bộ Tài chính Mỹ để cứu nguy Tập đoàn bảo hiểm AIG.
Rõ ràng, khả năng chịu đựng sức ép hạ tầng cơ sở tài chính chính là mối lo ngại bậc nhất hiện nay. Vì thế, sự thúc ép cải cách chỉ có tăng lên, và chắc chắn sẽ sớm lên tới đỉnh điểm xung quanh phiên họp thượng đỉnh G20 ở Luân Đôn (Anh) vào tháng 4 - 2009. Nói như ông Ben Bơ-nen, hạ tầng đó ngay từ bây giờ đã phải tính đến sức ép của “một trận động đất tài chính mới”, ngay khi cơn bão khủng hoảng tài chính hiện tại chưa chấm dứt.
Tất nhiên, không ai thích thú gì trận rung chuyển mới về tài chính, khi mà nỗi kinh hoàng này chưa kịp qua đi. Thế nhưng, cho dù ông Ben Bơ-nen có cảnh báo hơi xa thì cũng không thừa, vì bước sang năm khủng hoảng thứ 3, nhưng ngay mới đây, ngày 9-3-2009, Giám đốc điều hành IMF Strauss-Kahn đã có công bố sơ lược phép tính của IMF: nền kinh tế toàn cầu trong năm 2009 sẽ tăng trưởng dưới 0% (suy thoái).
Ông Ben Bơ-nendường như đã biết rất rõ vấn đề trước mắt của giai đoạn tồi tệ hiện nay. Nhưng vẫn còn những trở ngại khiến ông chưa thể diễn giải đầy đủ gợi ý ban đầu của mình về điểm đích của cỗ máy kinh tế khổng lồ, điều mà nhà kinh tế học Nu-ri-en Ru-bi-ni (Nuriel Roubini) đã chỉ rõ trong buổi phỏng vấn trực tiếp trên CNBC không lâu trước đó. Câu hỏi đặt ra là, vì sao tuyên bố "cải tổ pháp lý" đã không thể được đưa ra sớm hơn, và phải chờ tới tận phiên họp của CFR?
Có lẽ, đây cũng làvấn đề mà hiện nay công chúng bắt đầu xì xầm về tính minh bạch trong các chính phủ trên thế giới, cả trong kế hoạch kinh tế và cách thức tiêu tiền. Ông Ben Bơ-nen thực sự đã bỏ qua vấn đề, mà nhiều khả năng sẽ được đặt lên bàn nghị sự trong phiên họp thượng đỉnh G20 tới đây.
Cứu hay không cứu?
Vào lúc này, có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng trọng tâm chính là các khiếm khuyết của hệ thống ngân hàng đầy quyền lực, đặc biệt là nhóm siêu ngân hàng TBTF (Too Big Too Fail). Họ lớn tới mức, hiện tại để tránh đổ vỡ, chính quyền phải làm hàng loạt những động tác cực chẳng đã, mà ai cũng biết sẽ gây hệ lụy nghiêm trọng tới tương lai của nền kinh tế đầu tầu thế giới này: cấp vốn cứu trợ (bailout). Chỉ riêng hai megabank của thế giới, niềm kiêu hãnh hàng thập kỷ của Mỹ, là Citigroup và Bank of America (BofA), đã ngốn 90 tỉ USD trực tiếp từ ngân sách liên bang; đó là chưa kể đến vài trăm tỉ USD gián tiếp thông qua bảo lãnh vay.
Người ta không thể không đặt câu hỏi: Liệu có công bằng khi chính phủ liên bang cứu các megabank này, tiêu tốn rất nhiều tiền vay mượn và chấp nhận những bất trắc ràng buộc ngân sách – trong khi FDIC (cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ) lại nhanh chóng đóng cửa hàng loạt các ngân hàng nhỏ, hoặc ngân hàng địa phương?
Vấn đề là ở chỗ, ngoài cái ảnh hưởng ghê gớm và có khả năng lan truyền gây chấn động khắp nơi, thì các chuyên gia lập pháp và tài chính quốc tế cũng lo lắng rằng, xử lý việc “chôn cất” các megabank này cũng rất rắc rối. Nói ngắn gọn là, chấm dứt sự tồn tại của các megabank không hề đơn giản. Bản thân FDIC vừa rồi cũng chưa tự tin xử lý vấn đề của Citigroup và BofA, trong khi cơ quan này có thể thâu tóm và xử lý việc bán tài sản của các ngân hàng nhỏ rất gọn gàng. Đây là một thực tế. Trường hợp Washington Mutual cũng được coi là gọn gàng, vì FDIC gần như ngay lập tức dàn xếp xong vụ bán cho JP Morgan Chase.
Nhưng một trường hợp khác, tưởng là cũng có thể gọn, lại hóa ra rất tốn kém cho FDIC. IndyMac phá sản vào tháng 7 - 2008, nhưng phải tới hết năm 2008 mới bán được với tổn thất ước tính dao động từ 8,5 đến 9,4 tỉ USD, trong khi tổng mức tiền gửi của khách hàng là khoảng 19 tỉ USD. Nếu là FDIC, ai cũng sẽ ngần ngại nếu để Citigroup và BofA phá sản, vì theo cùng tỷ lệ như trường hợp của IndyMac, thì với tổng lượng tiền gửi tương ứng là 774 tỉ và 893 tỉ USD trên toàn cầu (cuối 2008) thì thiệt hại của FDIC sẽ lên tới bao nhiêu? Người ta dễ hình dung ra câu trả lời: Chính FDIC sẽ phá sản. Mức áp lực tài chính này thực là quá lớn, vì cả chương trình kích thích mới đây của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma phải chật vật mới thuyết phục được Quốc hội Mỹ thông qua và đã là kỷ lục mới - đạt 787 tỉ USD, và chính FDIC còn đang mong chờ được thông qua khoản vay tạm 500 tỉ USD để tăng cường năng lực tài chính.
Thêm một lần nữa, lựa chọn cứu hay không cứu đòi hỏi phải có lời giải thích thuyết phục. Ngày 15 - 9 - 2008, Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Mỹ, kết thúc chặng đường 158 năm vinh hùng với một kết cục không thể tồi hơn: tuyên bố phá sản. Trước đó, giới tài chính - ngân hàng toàn cầu đã chứng kiến lần lượt các “tượng đài” Merrill Lynch, Bear Stearns sụp đổ. Hai siêu định chế tài chính là Freddie Mac, Fannie Mae và người khổng lồ AIG trong ngành bảo hiểm cũng gặp nguy khốn nhưng đã được FED ra tay “cứu trợ”. Nhờ thế, dù bằng cách này hay cách khác, họ vẫn tiếp tục cầm cự hoặc đã tìm được nơi trú ẩn. Câu hỏi lớn được đặt ra là, “tại sao không cứu Lehman Brothers?”
Alan Greenspan là người đầu tiên nói không cứu, và quả nhiên, không có vụ cứu chữa nào xảy ra.
Câu trả lời xác đáng có thể là: Trước tiên, chính phủ bị ràng buộc bởi cái gọi là hạn chế ngân sách (GBC - Government Budget Constraint). Phần cơ bản của nguồn thu là thuế. Phần đáp ứng bội chi là trái phiếu. Khi bội chi liên tục phá các ngưỡng an toàn, trái phiếu sẽ đảm đương nhiệm vụ bù đắp phần hụt, và để gánh nặng đó cho thuế trong tương lai. Trái phiếu và thuế là hai vấn đề luôn gây áp lực cho việc cân bằng GBC.
Việc bán được trái phiếu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Khi bán trái phiếu, chính phủ Mỹ xem như tương đương với phát hành nợ cho khu vực tư nhân, và cả người dân. Khả năng bù đắp các thâm hụt phụ thuộc vào sự sẵn sàng của người dân; hệ thống tài chính tư nhân cũng chấp nhận ôm giữ trái phiếu chính phủ.
Đứng trên quan điểm này, Alan Greenspan cho rằng, nếu cứu Lehman Brothers với một số tiền khổng lồ, thì một hiệu ứng kép sẽ xảy ra. Thứ nhất, một phần tiền thuế của dân sẽ được sử dụng để cứu một hãng kinh doanh thu lợi nhuận - một “cá mập tài chính”. Điều này không có căn cứ kinh tế bền vững bởi những hệ thống như thế có thể ví như các Ponzi game (trò lừa đảo bằng hình thức lấy tiền của người sau trả cho người trước), sụp đổ trong thời gian ngắn). Thậm chí, kích thích các trò chơi rủi ro. Điều này, một số báo trích nguồn nước ngoài từ AP, DJ, AFP... có nhắc đến, nhưng rất tiếc, đây chỉ là lý do phụ.
Lý do quan trọng hơn là hiệu ứng thứ hai, liên quan tới cơ cấu kinh tế - chính trị. Đó là, một khi sử dụng ngân khoản lớn cứu Lehman Brothers, Chính phủ Mỹ làm hai lần cùng một việc (trước đó là Bears Stearns) và điều đó chưa chứng minh hiệu quả, đồng thời sinh ra cái gọi là tình trạng tới hạn khả năng vay nợ (Debt Displacement), giống hệt như một công ty khi mức nợ tới hạn.
Ở ngưỡng này, với những lần liên tục phát hành các khoản lớn từng đợt 30 tỉ USD, Chính phủ Mỹ đang tiến tới trạng thái đảo nợ, và ở ngưỡng bùng nổ đó, mỗi khoản thu mới sẽ phải tương đương với một khoản chi ra. Như thế, dòng thu thuần tài chính chính phủ luôn bằng không: ∆B(t+1) = 0, nghĩa là chẳng được tích sự gì, mà áp lực thuế thì vẫn cao trong tương lai.
Điều kiện cần cho một nền kinh tế giữ được cân bằng trong dài hạn là định lý về tính tương đương Ricardian, ở đó các hiệu ứng tương đương của tác động thuế và nợ chính phủ phải bù trừ lẫn nhau. Trong bối cảnh khủng hoảng đang lan tỏa nhanh chóng khắp các nền kinh tế toàn cầu, không ai dám chắc điều kiện này được đảm bảo. Vào lúc cuộc bầu cử đến gần, Chính phủ Mỹ không cứu Lehman Brothers, mà lựa chọn giải pháp cứu chính mình trước khủng hoảng ràng buộc ngân sách.
Từ góc độ này mới thấy, việc cứu AIG được tiến hành khẩn trương như thế nào. Việc cứu AIG là có tác động kép tới việc giảm chi phí bảo hiểm cho một bộ phận rất lớn trong xã hội, và tránh việc tái lập hệ thống mới bảo đảm an sinh còn đắt hơn cả việc cứu AIG. Nếu việc tái lập đắt hơn, chi phí chia đầu người cho người dân sẽ tăng lên, và làm cho Chính phủ Mỹ không đáp ứng được chức năng quan trọng nhất của nó.
Đó là chưa kể, từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, chức năng của Chính phủ Anh và Mỹ ngày càng chuyển sang hình thức “lấy của nhóm người này, phân phối lại cho nhóm người khác”, nhằm mở rộng tầng lớp trung lưu xã hội, theo lý thuyết sau này được Keynes cổ vũ (can thiệp mạnh và tác động tích cực tổng thể). Lý thuyết của Keynes đã có nhiều phần sai, ai cũng biết. Nhưng ảnh hưởng kinh tế - chính trị của nó thì vẫn còn nguyên qua nhiều đời kinh tế gia và chính trị gia Mỹ. Trong bối cảnh này, việc lấy và chia từ hệ thống bảo hiểm (có vai trò quan trọng gấp nhiều lần ở Mỹ và châu Âu so với châu Á) có thể được thực hiện dễ dàng nhất. Và như thế, sứ mệnh cứu trợ AIG của Chính phủ Mỹ có màu sắc chính trị rõ nhất trước bầu cử, khi các con bài đang được tung ra, và chính quyền Mỹ thời G. Bu-sơ đang bị chỉ trích điều hành gây khủng hoảng. Trong tình thế này, bản thân G. Bu- sơ cũng là một nạn nhân của các chu kỳ kinh tế lặp đi lặp lại trong khảng 10 năm một lần.
Một mô hình kinh tế mới đang được hình thành với năng lực giải thích tỏ tường những biến động kinh tế năm 2007 - 2008 và nhiều năm về sau: Lý thuyết kinh tế nào để vận hành chính phủ và tài chính quốc gia sau mô hình Keynes mới (New Keynesian).
Đây là thách thức cực lớn. Và người ta đang tìm đến cái gọi là nền tảng vi mô của lý thuyết vĩ mô (Microfoundations of Macro Theory). Điều này, loài người bỏ quên khá lâu, tới gần nửa thế kỷ, nay phải lao đầu trở lại. Cuối cùng, các chính sách vĩ mô sẽ bị tác động, phải phù hợp và bảo đảm quyền lợi của các giao dịch vi mô; ở đó, hàng tỉ con người đang sinh sống, vận hành, tiêu dùng, tiết kiệm, đầu tư và cả... đầu cơ.
Có rất nhiều đề tài được các ngân hàng trung ương và các nhà lãnh đạo thế giới bàn tới, nhưng tâm điểm quan trọng nhất vẫn là, làm sao để củng cố và tái thiết các nền tảng kinh tế đã bị suy yếu. Và như vậy, có thể nghĩ tới vấn đề cội rễ sâu xa của niềm tin bị xói mòn trong công chúng đầu tư. Chính điều này gây ra đa phần các hỗn loạn kinh tế hiện nay.
Liệu lãnh đạo các ngân hàng trung ương có tìm lời giải khi cùng nhau ngồi quanh bàn tròn và thảo luận về những vấn đề giờ đã lan rộng tới mọi ngóc ngách của địa cầu? Không ai dám quả quyết. Đó là việc của các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phương Tây, nơi mà người ta tin tưởng vào nền tảng kinh tế vững vàng có thể điều khiển các hoạt động thương mại và kinh tế để xây dựng lại sự tự tin của chính các quốc gia này vào hệ thống của mình.
Nhìn vào khoản chi tiêu của các chính phủ, có thể thấy, hàng trăm tỉ USD tiền đóng góp của những người nộp thuế đã được dẫn dắt tới các hoạt động thương mại thuộc sở hữu tư nhân. Rất khó mà nói rằng: “Như thế là công bằng!”, nhất là khi các chính phủ, cho dù không có nhiều sự lựa chọn, đã đưa ra các gói cứu trợ vô tiền khoáng hậu với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử. Vai trò của chính phủ có lẽ đã được đề cao quá mức với hy vọng rằng những khoản “vung tay” này sẽ giúp phục hồi niềm tin từ công chúng. Chương trình hạn chế ngân sách chính phủ nổi tiếng đã tiết lộ mọi bí mật. Kế hoạch của ngày hôm nay gây tổn hại nặng nề tính ổn định của năng lực tiêu dùng quốc gia trong tương lai, mà có lẽ là tương lai rất gần.
Đối với các ngân hàng trung ương châu Âu, thậm chí vấn đề đó còn trở nên phức tạp hơn, bởi các ngân hàng này có cùng phương thức tiếp cận những vấn đề kinh tế đang lan rộng toàn cầu. Phối hợp cùng IMF? Viện tới sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo G20 trong kỳ họp thượng đỉnh sắp tới? Huy động thêm nguồn tiền từ Trung Quốc và thế giới Ả-rập? Tất cả những động thái này đều quá ít và quá muộn, đặc biệt là khi các vấn đề, vốn dĩ đã hiển hiện nhiều tháng qua, lại có khởi nguồn từ phương trình căn bản về niềm tin trong mọi xã hội. Nhiều ủy ban hơn, nhiều phiên họp hơn và thậm chí nhiều tiền của hơn đều vẫn chưa phải là giải pháp tháo gỡ tình thế khủng hoảng hiện tại. Tuy nhiên, các tư duy đổi mới mạnh mẽ và tươi sáng hơn trong nỗ lực xây dựng các nền kinh tế lành mạnh, với quy tắc vàng của các điều luật cẩn trọng, có thể sẽ làm nên nhiều điều./.
Bình Định đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong thanh niên  (26/03/2009)
Bình Định đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong thanh niên  (26/03/2009)
Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2009  (26/03/2009)
Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2009  (26/03/2009)
Góp ý Đề án “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025” tại Thành phố Hồ Chí Minh  (26/03/2009)
Tập trung giảm nghèo 26 huyện miền núi giáp Tây Nguyên  (26/03/2009)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên