Ðúng 15 giờ ngày 25-1 (21 giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Ðoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2010, kết hợp thăm làm việc với Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Tổng Giám đốc WTO P.La-mi tại Trụ sở WTO ở Giơ-ne-vơ. Trao đổi ý kiến với ông P. La-mi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam cùng các nước ASEAN mong muốn sớm kết thúc Vòng đàm phán Ðô-ha trong năm 2010 với kết quả cân bằng, thiết thực và tính đến lợi ích của các nước đang và kém phát triển, qua đó bảo đảm mục tiêu phát triển. Việc kết thúc sớm Vòng đàm phán Ðô-ha sẽ mở ra cơ hội phát triển thương mại. Thủ tướng nêu rõ, trong ba năm qua, việc thực thi nghiêm túc các cam kết gia nhập WTO đã đánh dấu quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào hệ thống thương mại quốc tế và các đóng góp tích cực của Việt Nam với tư cách thành viên. Cảm ơn sự hỗ trợ của ông P.La-mi trong quá trình đàm phán gia nhập và tham gia WTO của Việt Nam, Thủ tướng mong muốn ông tiếp tục dành sự quan tâm và hỗ trợ Việt Nam trong việc tham gia ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn vào các hiệp định của WTO cũng như tiếp tục ủng hộ yêu cầu miễn trừ nghĩa vụ thực hiện các cam kết mới của Vòng đàm phán Ðô-ha của các nước mới gia nhập.

Bày tỏ vui mừng được gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông P.La-mi đánh giá cao những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được sau ba năm gia nhập WTO, nhất là những thành công về tăng trưởng kinh tế, thương mại, thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và du lịch. Ðặc biệt, năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương. Bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình trong từng giai đoạn cụ thể nhằm tạo bước đi vững chắc trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, ông P. La-mi cũng mong muốn Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật để đáp ứng những tiêu chuẩn của WTO. Ông P. La-mi nhấn mạnh, thành công của Vòng đàm phán Ðô-ha sẽ có tác dụng kép, vừa đóng vai trò như gói kích thích kinh tế thế giới, vừa thúc đẩy tiến trình cải tổ cơ cấu tài chính toàn cầu và mong muốn Việt Nam cùng các nước ASEAN sẽ đóng vai trò trung gian thúc đẩy Vòng đàm phán Ðô-ha kết thúc đúng hạn./.