Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quyết định về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
TCCS - Ngày 8-4-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; tiếp sau đó, ngày 9-4-2020, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về vấn đề trên.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh việc đưa ra các chính sách, biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn thể hiện rõ tinh thần “không ai bị bỏ ở lại phía sau” của Đảng, Nhà nước ta. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho thấy nỗ lực cao của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của nhân dân, đem lại sự yên tâm cho người dân, góp phần giải quyết một số khó khăn, vất vả trong bối cảnh dịch bệnh, tăng thêm sự tin tưởng của người dân đối với Đảng, Nhà nước để cùng đồng lòng, kiên trì, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, cũng như tiếp tục tham gia công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch
Dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Báo cáo nêu rõ theo dự báo sẽ có từ 2 đến 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm do tác động của COVID-19. Đại dịch cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... Do vậy, thực hiện chủ trương vừa quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội, Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng (bao gồm trực tiếp từ ngân sách nhà nước, gián tiếp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội) hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau trong khoảng thời gian tối đa là 3 tháng.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, báo cáo của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội và các ý kiến phát biểu tại phiên họp thể hiện sự nhất trí cao với sự cần thiết của việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đề nghị của Chính phủ. Đồng thời, đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ trong việc quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19, kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người dân, doanh nghiệp và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đây là các chính sách được người dân và các doanh nghiệp hiện nay rất quan tâm.
Bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ đúng đối tượng
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích, làm rõ một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền quyết định các giải pháp do Chính phủ đề xuất, qua đó đề nghị Chính phủ làm rõ từng nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay của Quốc hội để thực hiện theo những trình tự, thủ tục phù hợp. Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ giao các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung luật, trình Quốc hội theo thủ tục rút gọn. Đối với các biện pháp thuộc thẩm quyền, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai, gấp rút đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ và thuận tiện trong việc tiếp cận, bảo đảm người lao động được hưởng đầy đủ quyền lợi đối với các chính sách này; chỉ đạo hướng dẫn tổ chức thực hiện một cách công khai, minh bạch; kiểm tra, kiểm toán, giám sát chặt chẽ để hạn chế tối đa các sai sót, sơ suất.
Về đối tượng thụ hưởng, ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh việc bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ đúng đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19.
Một số thành viên cho rằng phạm vi đối tượng hỗ trợ theo báo cáo của Chính phủ còn chưa rõ ràng, khó xác định, đề nghị cần rà soát, quy định cụ thể, chặt chẽ để bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong hỗ trợ, không gây cách hiểu khác nhau, lúng túng trong triển khai thực hiện.
Cụ thể như, cần làm rõ các tiêu chí để xác định cụ thể mức độ giảm sâu thu nhập do dịch bệnh; xác định đối tượng lao động tự do; hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ để bảo đảm công bằng, không bỏ sót nhưng cũng không để chính sách bị lợi dụng. Bên cạnh đó, cần thống nhất nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho cá nhân hay hộ gia đình để bảo đảm sự công bằng do có sự khác nhau về số nhân khẩu trong mỗi hộ. Việc xác định đối tượng được hỗ trợ cần đặt trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội, quan tâm đồng đều đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đang phải đối mặt với thiên tai như hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, mưa đá ở vùng miền núi phía Bắc....
Về mức hỗ trợ, ý kiến của Ủy ban về Các vấn đề xã hội và một số thành viên băn khoăn về việc chia 2 mức là 1,8 triệu đồng và 1 triệu đồng đối với nhóm đối tượng là người lao động do mức chênh lệch giữa hai nhóm là khá lớn và việc phân biệt đối tượng chủ yếu dựa vào tiêu chí có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động mà chưa căn cứ vào nguyên tắc giảm sâu thu nhập, mất việc làm và bảo đảm mức sống tối thiểu…
Về quy mô và nguồn lực hỗ trợ, nhiều ý kiến tại phiên họp đề nghị cân nhắc việc sử dụng 3.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động do hiện nay là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, việc thực hiện các hoạt động đào tạo là chưa phù hợp.
Các ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn tác động của chính sách đến đời sống dân cư và khả năng cân đối nguồn lực ngân sách nhà nước để bảo đảm an toàn cân đối vĩ mô, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước đứng trước rất nhiều khó khăn do giá dầu thô giảm mạnh; hoạt động xuất, nhập khẩu giảm; tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn… Bên cạnh đó, khi huy động, sử dụng các quỹ trong lĩnh vực an sinh xã hội phải bảo đảm nguyên tắc tính tới dài hạn, ổn định vĩ mô và tính chủ động do các quỹ này chính là một trong những điểm tựa vững chắc cho cả quốc gia trong trường hợp đại dịch có thể kéo dài.
Về nguồn lực ở các địa phương, các ý kiến tại phiên họp cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ; đồng thời đề nghị Chính phủ có hướng dẫn các địa phương thực hiện rõ ràng để tránh chồng chéo, chính sách “chồng” chính sách, do hiện nay đã có những địa phương chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ của mình. Ngoài ra, cần đánh giá khả năng đáp ứng nguồn lực của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, mưa đá, gió lốc…
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau khi các chính sách được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay, bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất “độ trễ” của chính sách khi đi vào cuộc sống; đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực. Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong rằng, các chính sách này ra đời sẽ tiếp nối, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần “tương thân tương ái” trong cộng đồng xã hội, tiếp tục khơi dậy nghĩa cử cao đẹp, lòng nhân ái trong xã hội, với các hoạt động thiện nguyện, sẻ chia, giúp đỡ những đồng bào còn khó khăn trong suốt thời gian chống dịch, cũng như sau khi dịch bệnh kết thúc, phát huy truyền thống quý báu “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.
Cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch
Kết luận phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Thống nhất các nguyên tắc hỗ trợ như báo cáo của Chính phủ đã xác định, trong đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh nguyên tắc tập trung hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp của đại dịch COVID-19; bảo đảm công bằng, đúng đối tượng và hợp lý; công khai, minh bạch, chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ tác động của các chính sách được đề xuất, nhất là những tác động liên quan đến thu, chi ngân sách, bảo đảm cân đối các nguồn lực theo thứ tự phù hợp, đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục. Việc xác định đối tượng và mức hỗ trợ cần được quy định cụ thể, làm rõ các tiêu chí, tránh bị lợi dụng hoặc trục lợi chính sách. Một số vấn đề liên quan đến việc xác định và hỗ trợ hộ cận nghèo hay lao động tự do nên tính đến việc giao cho các địa phương trên cơ sở nguồn lực của mình và thực tế để tự cân đối. Việc thực hiện chính sách tín dụng cần cân nhắc việc cho vay mà không có tài sản bảo đảm, tránh dẫn đến rủi ro. Thống nhất thời gian hỗ trợ được thực hiện không quá 3 tháng, nếu trong trường hợp phải kéo dài thì cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trên cơ sở kết quả của phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với các bộ, ngành của Chính phủ để tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp này, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết của Chính phủ để ban hành, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, khả thi, đúng pháp luật. Đồng thời, Chính phủ cũng chuẩn bị những nội dung cần báo cáo về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua để báo cáo, xin ý kiến của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới./.
Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, ngày 9-4-2020, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1-4-2020 và không quá 3 tháng.
Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1-4-2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.
Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020.
Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020 và được chi trả 1 lần.
Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020 và được chi trả 1 lần.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31-12-2019 được hỗ trợ 250 nghìn đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020 và được chi trả 1 lần.
Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ: Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.
Cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện…) trong thời gian từ ngày 1-4-2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động.
Linh Anh (tổng hợp)
Giải pháp nào cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu?  (01/04/2020)
Agribank tiếp tục giảm lãi suất đối với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19  (28/03/2020)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 về ứng phó dịch COVID-19  (27/03/2020)
Khai mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (23/03/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển