Thường trực Chính phủ họp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19
TCCS - Ngày 16-3-2020, Thường trực Chính phủ họp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực của các bộ, ngành, đặc biệt Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương của Việt Nam trong 2 tháng qua đã có nhiều cố gắng xử lý nhiều vấn đề mà công tác phòng, chống dịch đặt ra, trong đó có việc chữa khỏi cho toàn bộ 16 ca dương tính virus SARS-CoV-2 của giai đoạn đầu.
Thủ tướng cho biết, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá cao việc Chính phủ thực hiện kịp thời các giải pháp quyết liệt ngay từ những ngày đầu chống dịch. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ yêu các bộ, ngành, địa phương cần đề ra và tích cực triển khai các giải pháp cụ thể, đồng bộ, quyết liệt nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch trong thời gian tới.
“Cần phải bình tĩnh, đoàn kết, tự tin, trách nhiệm hơn nữa trước tình hình số ca tăng lên hằng ngày. Bình tĩnh không hoảng hốt trước đại dịch, bình tĩnh để chọn giải pháp sáng suốt; đoàn kết từ trên xuống dưới, một lòng chia sẻ”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc hạn chế tối đa tụ tập đông người, đặc biệt tại ở các tỉnh, thành phố, nhằm hạn chế lây nhiễm; đồng thời thực hiện nghiêm cách ly tập trung, cách ly tại các cơ sở, cách ly tại gia đình theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. “Đây là biện pháp căn bản, quyết định phòng, chống dịch, trong giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng nói.
Tại cuộc họp, Thủ tướng thông báo việc Việt Nam sẽ tạm dừng cấp thị thực cho khách nước ngoài, trừ khách mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và khách mời. Việc dừng cấp thị thực là một biện pháp tạm thời Việt Nam thực hiện nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 và bảo đảm sự an toàn về sức khỏe cho cộng đồng, Thủ tướng nêu rõ.
Các cấp, ngành phát huy vai trò của phường, xã, tổ dân phố hỗ trợ các gia đình có yếu tố nguy cơ mắc COVID-19. Theo khuyến cáo của dịch tễ học về việc người có bệnh nền, mãn tính, huyết áp, tim mạch… có nguy cơ nhiễm và tử vong cao, Thủ tướng khuyến nghị, đây là lúc người có bệnh nền, người trung tuổi, cao tuổi cần được kiểm tra sức khỏe và kê khai y tế tự nguyện. Nhắc lại xét nghiệm là biện pháp quan trọng ban đầu kiểm soát các ca mắc COVID-19, Thủ tướng nêu rõ, các biện pháp xét nghiệm triển khai rộng rãi đóng vai trò quan trọng song cần chú ý hơn đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, lao động ngoại tỉnh, sinh viên…
Liên quan đến các chuyến bay từ vùng dịch, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thông báo kịp thời với Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế vị trí hạ cánh khi đến Việt Nam để “thực hiện nghiêm công tác cách ly khi nhập cảnh vào Việt Nam”. Việc tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhằm thực hiện có hiệu quả công tác nhập cảnh và kiểm soát y tế. Thủ tướng yêu cầu các hãng hàng không thực hiện khử trùng, khai báo y tế bắt buộc trước khi rời máy bay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cấm kỳ thị người nhiễm virus SARS-CoV-2; lên án, xử lý nghiêm những người đưa thông tin sai sự thật, không trung thực trong khai báo…
Về việc mua sắm bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế chống dịch, Thủ tướng chỉ đạo tiến hành theo phương thức mua sắm công theo hình thức chỉ định thầu với giá thị trường; khẩn trương thành lập tổ công tác do Bộ Tài chính làm tổ trưởng, phối hợp Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xác định giá công khai, minh bạch trong từng thời điểm; kịp thời mua và trang bị vật tư y tế cho các lực lượng tham gia phục vụ phòng, chống dịch.
Đánh giá cao các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đã ủng hộ trong phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, tiếp nhận hỗ trợ của cộng đồng và bàn giao cho Bộ Y tế mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác chống dịch theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xem xét, trình Thủ tướng cụ thể việc điều chỉnh mức hỗ trợ cho người tham gia chống dịch và các chi phí phục vụ công tác cách ly. Bộ Y tế cần trang bị đầy đủ thiết bị vật tư y tế; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp mua sắm các thiết bị cho các bệnh viện phục vụ công tác chống dịch; Bộ Công Thương bảo đảm đủ số lượng khẩu trang, phục vụ cho những nơi công cộng.
Trong bối cảnh quốc tế đang bùng phát mạnh mẽ, các bệnh viện trung ương, lực lượng quân đội, công an, các địa phương có phương án “nóng” để chuẩn bị sẵn sàng cùng phương án hiện nay; tiếp tục huy động lực lượng ngành y tế. Thủ tướng giao chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và ngành du lịch chủ động chuẩn bị các địa điểm dự phòng để có thể tiếp nhận nhiều ca cách ly hơn trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chủ trì các gói tài trợ của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác sẵn sàng phục vụ cho việc chống dịch trong thời gian tới.
Hiện nay, dịch COVID-19 được các chuyên gia đánh giá khốc liệt hơn và Việt Nam đang ở “giai đoạn vàng” trong phòng, chống, hạn chế lây nhiễm và tử vong. Thủ tướng Chính phủ gợi ý ngành y tế phát động đợt thi đua đặc biệt trong toàn ngành để tận dụng “giai đoạn vàng” của công tác chống dịch, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh không bùng phát ở Việt Nam./.
Hà Dũng (tổng hợp)
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam  (14/03/2020)
Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, kinh nghiệm và ý chí để phòng, chống dịch COVID-19  (14/03/2020)
Chính phủ sẽ có những chính sách tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19  (12/03/2020)
Thủ tướng thị sát tiến độ thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận  (10/03/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên