Chuyện nhỏ?

Phúc Hưng
11:24, ngày 22-04-2008

Tết Mậu Tý vừa qua chúng tôi rủ nhau đi chùa đầu năm. Trong đoàn lúc ra đi ai cũng vui vẻ, háo hức.

Nhưng, ra đi hào hứng bao nhiêu thì khi trở về chúng tôi lại khó chịu, bực bội bấy nhiêu. Số là, sau khi hướng dẫn viên (có đeo thẻ) dẫn chúng tôi đi hết 4 gian thờ của nhà chùa, trong vòng 15 phút, với những lời giới thiệu còn hết sức “ngô nghê”, (chưa sạch nước cản), đã thản nhiên "xin" 100.000 đồng tiền lệ phí hướng dẫn.

Chưa hết, sau khi đi vãn cảnh chùa, trở xuống hạ lễ (mà chúng tôi đã mua theo hướng dẫn của người nhà chùa, khi mới đến), lại bị "vít cổ" xuống "chặt" với giá 80.000/lễ, tổng cộng 3 lễ là 240.000 đồng. (Mỗi lễ, chỉ có ba gói bánh chè lam, ba xấp tiền giấy và ba cây lá xanh đỏ mà ta quen gọi là cây lộc, nếu mua ở chợ chắc chỉ hết 20.000 là cùng). Chúng tôi vừa lên tiếng kêu ca thì bị người này mắng té tát với những lời lẽ rất khó chịu. Vì là ngày đầu xuân, không ai muốn xảy ra đôi co nên chúng tôi đành bấm bụng trả tiền cho xong chuyện. Số tiền tuy không quá lớn, nhưng làm chúng tôi cảm thấy rất ấm ức.

Điều đáng buồn nhất là khi đặt chân tới những nơi “linh thiêng” như thế này, chúng tôi đã mang sẵn trong tâm một sự kính cẩn, tín ngưỡng. Vậy mà, sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và Ban quản lý chùa đã tạo cơ hội cho những con người thực dụng, những kẻ "buôn thần, bán thánh" làm ô danh cửa chùa...

Thông thường thì, "niềm vui sẽ nhân đôi, nỗi buồn sẽ vợi đi một nửa" khi chia sẻ với bạn bè, người thân. ấy vậy mà, khi tôi đem chuyện này kể với một số bạn bè, mong được chia sẻ thì nỗi buồn bực đã không những không được giảm một nửa, mà còn nhân lên gấp mấy lần. Ai nghe xong cũng phì cười, người thì bảo: "Chuyện nhỏ!", người lại bảo: "Nhỏ như con kiến thôi", người lại tặc lưỡi ra vẻ hiểu biết: "Tại bọn cậu ít đi chùa chiền lễ hội, nên bị "sốc" đấy thôi, "chuyện thường ngày ở... chùa" ấy mà”.

Rồi mọi người thi nhau kể cho tôi nghe mọi "vấn nạn" của chùa chiền ở khắp nơi: Nào là, chỉ mượn con dao và cái thớt để chặt thịt gà, lỡ không hỏi giá trước, bị người chủ... dao thớt đòi 60.000 đồng; đi một lượt đò qua suối trước khi vào chùa (2 người) phải trả 150.000 đồng (giá quy định của ban tổ chức chỉ có 40.000 đồng đã bao gồm cả 2 lượt đi về và vé tham quan). ở một số nơi quá đông đúc, luôn sẵn sàng có một đội quân xung phong đặt lễ hộ, đặt xong thản nhiên "xin" 500.000 đồng!

Du khách thập phương thiếu kinh nghiệm còn bị rơi vào tình trạng mời mua lễ, lễ xong ra mới phải trả tiền. Khách thật thà cứ tưởng ở đây người ta sống với nhau bằng lòng tin, từ bi trước cửa phật, nên cũng chẳng hỏi giá trước. Đến khi quay ra mới té ngửa vì bị tính 100.000 đồng/lễ, có khách lấy vài ba lễ bị tính giá vài triệu đồng là chuyện thường. Người bán lễ vin vào cớ lễ đã dâng, đã cúng rồi, không bán lại cho ai được nên kiên quyết không cho trả lại. Vậy là du khách chỉ còn cách "ngậm bồ hòn làm ngọt".

Rồi còn những tệ nạn mà người đi chùa chiền, lễ hội nói riêng và khách du lịch nói chung, gặp phải: Người làm dịch vụ chặt chém, tranh khách, đánh cãi chửi nhau với khách. Rồi bói toán, cờ bạc, lừa đảo...

Nghe xong những câu chuyện như thế, tôi vã mồ hôi hột. Quả là, chuyện của tôi "nhỏ như con kiến" thật. Thoáng chốc, ý định khi mới ở chùa về là viết một bài báo, bị tiêu tan. Nhưng đêm về nghĩ lại, tôi lại thấy không yên. Bởi từ xưa đến nay, đã bao nhiêu chuyện bị coi là chuyện nhỏ, vì người ta quen nhìn nó thường ngày. Nếu cứ xuôi chiều để nó diễn ra hằng ngày, hằng giờ, ở khắp mọi nơi, ngay trước mắt chúng ta, sẽ làm cho cái xấu, cái ác tồn tại và ngang nhiên hoành hành, lúc đó mới giật mình, hẳn là đã muộn. Những sự lọc lừa, chặt chém cứ ngang nhiên diễn ra trước mắt mọi người, ngay chốn cửa thiền như vậy trách gì xã hội ngày càng nhiều vụ án mà không ít thủ phạm ở lứa tuổi "nhí"! Để những việc như thế này xảy ra ở các đền chùa, lễ hội, từ năm này sang năm khác, không thể không ảnh hưởng đến sự xuống cấp nghiêm trọng của văn hóa hiện nay.

Vì sao các cơ quan chức năng, nhất là lãnh đạo của mỗi địa phương không dẹp hết những loạn này, để cho người dân, với sự thành tâm, tín ngưỡng của mình được an tâm khi đến chùa và thấy lòng thảnh thơi hơn sau khi đến với cửa thiền? ... Những chuyện ấy, diễn ra không chỉ ở một nơi, không chỉ có một lần, vậy có nên cứ mãi xem đó là "chuyện nhỏ" không?