Về mặt lý thuyết, khi doanh nghiệp, dù tư nhân hay tập thể, mà chuyển sang hoạt động theo chế độ công ty cổ phần, rồi sau đó thành công ty đại chúng, thì mọi khoản chi tiêu đều phải rất minh bạch. Luật pháp quy định là vậy, ngoài ra vì lợi ích của cổ đông mà có hàng trăm, hàng ngàn con mắt soi vào. “Nhất cử, nhất động” của công ty đều phải thông báo kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng. Ví như, vì rò nồi hơi phải ngừng máy, khắc phục trong bao lâu, gây giảm doanh thu bao nhiêu... Tất cả các thông tin đều phải kịp thời, chính xác để cổ đông giám sát.

Thế mà, chuyện công ty cổ phần lập “quỹ xám” lại được các cổ đông “tặc lưỡi” cho qua, không những thế, đa số còn biểu quyết ủng hộ.

Sự tình là thế này. Một số công ty cổ phần đã sử dụng “quỹ xám” đạt đến “trình độ” là khoản thuế thu nhập doanh nghiệp mà cán bộ thuế tính ra còn thấp hơn số thuế doanh nghiệp do phòng kế toán công ty tự tính.

Nhưng điều đó còn chưa bằng một tác dụng to lớn hơn nữa, đó là nhờ “quỹ xám” đã tạo ra cả những nguồn doanh thu không nhỏ. Chẳng hạn, để có một dự án, cán bộ công ty phải đi xin xỏ, nì nèo..., mặc nhiên ai cũng tự hiểu là dự án “không có chân” đến với công ty. “Trâu đi tìm cọc, chứ có bao giờ cọc lại đi tìm trâu”.

Có người tự hỏi, cứ chi phong bao, phong bì như vậy buộc công ty phải “chạy” hóa đơn, chứng từ cho hợp thức để quyết toán chứ!.

Thực tế quả là rất phong phú. Khi cổ đông đã nhất trí theo phương thức “Thả con cá săn sắt để bắt con... cá chuối”, thì không thiếu gì cách. Một trong số các cách đó là xin ý kiến cổ đông trích phần trăm lợi nhuận trả thù lao cho hội đồng quản trị. Đã có vị chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty cổ phần thẳng thắn nói rằng, khoản tiền này, các thành viên hội đồng quản trị ký nhận, nhưng thực ra là để “đi ngoại giao”, tạo quan hệ cho công ty...

Từ đó người viết bài này mới nảy ra ba câu hỏi lớn:

Câu hỏi thứ nhất là: Ai mà biết được trên thực tế có bao nhiêu công ty cổ phần hiện đã có một “quỹ xám” riêng để có nguồn chi cho những việc nhạy cảm như vậy?

Câu hỏi thứ hai là: Quá trình cổ phần hóa chính là để sau khi các doanh nghiệp chuyển thành công ty đại chúng, hoạt động công khai, minh bạch hơn, nhưng nếu vẫn còn cơ chế quản lý như vậy, nhất là còn tệ nạn “xin-cho” trong vay vốn, cấp vốn, xin mặt bằng, thủ tục đất đai, giao dự án... thì biết bao giờ mới hết nạn phong bao, phong bì?

Câu hỏi thứ ba là: Tại sao số cổ đông lớn như vậy lại sẵn sàng chấp nhận một thực tế tiêu cực?

Để trả lời cho câu hỏi thứ hai nêu trên không khó, nếu chúng ta thực sự muốn công khai, minh bạch, cũng như quản thật chặt thu nhập cá nhân của cán bộ, công chức, nhất là số công chức ở những vị trí “nhạy cảm” rất dễ liên quan đến các “quỹ xám”, thì lúc đó may ra sẽ đỡ đi nhiều.

Đối với câu hỏi thứ ba, câu trả lời thật khó bởi cái lợi trước mắt che lấp tầm nhìn của mỗi con người, để rồi khi lãnh đạo các công ty đại chúng “giải thích” với các cổ đông rằng: "Phải chi như thế mới được việc!", lại được các cổ đông chấp nhận như một lẽ đương nhiên.

Nhưng, còn khó hơn khi tìm câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất. Nếu tự công ty không tiết lộ điều bí mật thì cực kỳ nan giải. Công ty sợ vì chẳng may tên công ty thừa nhận dành một khoản tiền để làm “chân” cho dự án mà bị tiết lộ thì... lần sau không còn cơ xin dự án nữa!.