Để góp phần cung cấp thông tin cho bạn đọc tham khảo về những vấn đề: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân, xin giới thiệu tóm lược một số nội dung quan trọng trong Báo cáo phát triển Thế giới năm 2008 của Ngân hàng Thế giới về chủ đề “Tăng cường Nông nghiệp cho phát triển”.

Nông nghiệp là công cụ phát triển sống còn để đạt mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, theo đó đến năm 2015 phải giảm được một nửa số người chịu cảnh đói nghèo cùng cực trên thế giới. Đây là thông điệp chung của Báo cáo phát triển Thế giới năm 2008. Hiện nay, ¾ số người nghèo ở các nước đang phát triển sống ở khu vực nông thôn, trong đó hầu hết đều trực tiếp hoặc gián tiếp phụ thuộc vào nông nghiệp để mưu sinh.

Trong thế kỷ thứ XXI, nhìn trên bình diện toàn cầu, nông nghiệp vẫn là công cụ chính cho sự phát triển bền vững và giảm nghèo.

Hiện thời, trên thế giới có tới 2,1 tỉ người sống dưới mức 2 USD một ngày và 880 triệu người sống dưới mức 1 USD một ngày. Sinh kế của họ hầu như phụ thuộc vào nông nghiệp. Dù họ ở đâu và làm gì thì phát triển nông nghiệp vẫn là việc cấp bách để đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về giảm một nửa số dân đang phải chịu cảnh nghèo đói vào năm 2015; và tiếp tục giảm nghèo đói trong vài thập kỷ tiếp theo. Chỉ riêng nông nghiệp sẽ không đủ để giảm nghèo trên diện rộng, nhưng nó vẫn chứng minh được thế mạnh trong nhiệm vụ xóa nghèo.

Nông nghiệp hoạt động trong ba thế giới đặc trưng: một là, các quốc gia nông nghiệp; hai là, các quốc gia chuyển đổi; ba là, các quốc gia đô thị hóa. Mỗi chương trình nông nghiệp vì sự phát triển đều khác nhau trong cách theo đuổi việc tăng trưởng bền vững và giảm nghèo.

Coi nông nghiệp là nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế đối với các nước nông nghiệp đòi hỏi một cuộc cách mạng về năng suất trong phương thức canh tác hộ gia đình. Làm thế nào để thực hiện cuộc cách mạng sau nhiều năm không thành công là một thử thách đầy khó khăn. Nhưng các điều kiện đã thay đổi, đã có nhiều thành công và cơ hội mới xuất hiện tại nhiều nước.

Tại những quốc gia chuyển đổi bao gồm hầu hết các nước Đông Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi việc gia tăng nhanh chóng chênh lệch thu nhập thành thị - nông thôn và sự tiếp diễn cảnh nghèo đói cùng cực ở nông thôn là nguyên nhân chính gây ra căng thẳng chính trị và xã hội. Vấn đề này không thể được giải quyết bền vững thông qua trợ cấp hay bảo hộ nông nghiệp, vì những cách này làm tăng giá thực phẩm (do phần lớn người nghèo là những người mua lương thực ròng để ăn). Giải quyết chênh lệch về thu nhập tại những quốc gia chuyển đổi yêu cầu phải có một hướng tiếp cận toàn diện đi theo nhiều con đường thoát nghèo khác nhau như chuyển sang nền nông nghiệp có giá trị cao, phi tập trung hóa hoạt động kinh tế phi nông nghiệp tới vùng nông thôn, hỗ trợ người dân ly nông. Việc này đòi hỏi phải có những sáng kiến chính sách và cam kết chính trị mạnh mẽ. Nó có thể mang lợi cho 600 triệu dân nghèo nông thôn trên thế giới.

Cùng với việc tài nguyên ngày càng khan hiếm và các hiệu ứng bên ngoài xuất hiện ngày một nhiều, việc phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường càng liên quan mật thiết với nhau. Tác động lớn của nông nghiệp đến môi trường có thể giảm đi, hệ thống canh tác sẽ ít bị tổn thương bởi các thay đổi khí hậu và nền nông nghiệp được khai thác để tạo ra nhiều dịch vụ môi trường. Giải pháp không phải là làm chậm sự phát triển nông nghiệp mà là tìm kiếm các hệ thống sản xuất bền vững. Bước đầu tiên trong giải pháp này là tạo động cơ đúng đắn thông qua tăng cường quyền sở hữu đất đai và xóa bỏ những dạng trợ cấp làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên. Một vấn đề cũng cấp bách không kém đó là thích ứng với sự thay đổi của khí hậu. Thay đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng mạnh nhất đến nông dân nghèo, và điều này là bất công vì họ chỉ liên đới trách nhiệm rất ít đến sự thay đổi khí hậu.

Do đó, nông nghiệp mang lại một hứa hẹn lớn đối với tăng trưởng, giảm nghèo và các dịch vụ môi trường. Song hiện thực hóa những hứa hẹn đó đòi hỏi một bàn tay hữu hình của nhà nước như cung cấp hàng hóa công cộng thiết yếu, cải thiện môi trường đầu tư, điều tiết việc quản lý tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo các kết quả xã hội như mong muốn. Để theo đuổi chương trình nghị sự nông nghiệp vì phát triển thì việc quản lý nông nghiệp cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu cần được cải thiện. Nhà nước cần có năng lực tốt hơn để điều phối ngành và xây dựng các quan hệ đối tác giữa các tác nhân và xã hội dân sự. Các bên tham gia cần đưa ra một chương trình nghị sự toàn diện cấp toàn cầu về các hiệp định hỗ trợ và hàng hóa công cộng quốc tế. Phân cấp cho xã hội dân sự, đặc biệt là cần tổ chức các nhà sản xuất, nhằm cải thiện công tác quản trị ở tất cả các cấp.

1. Nông nghiệp có những tính chất khiến nó trở thành một công cụ phát triển không thể thay thế

Nông nghiệp có thể kết hợp với các ngành khác để đẩy nhanh tăng trưởng, giảm nghèo và bảo tồn môi trường.

Nông nghiệp đóng góp vào sự phát triển theo nhiều cách: là một hoạt động kinh tế, một sinh kế và một nơi cung cấp các dịch vụ môi trường, điều này làm nó trở thành một công cụ có một không hai cho phát triển.

Là một hoạt động kinh tế, nông nghiệp có thể là một nguồn tăng trưởng đối với nền kinh tế quốc dân, cung cấp các cơ hội đầu tư cho khu vực tư nhân và động lực chính đối với các ngành công nghiệp liên quan đến nông nghiệp và kinh tế phi nông nghiệp nông thôn. 2/3 giá trị gia găng về nông nghiệp của thế giới được tạo ra ở các nước đang phát triển. Tại các quốc gia nông nghiệp, nông nghiệp chiếm trung bình 29% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và giải quyết vấn đề việc làm cho 65% lực lượng lao động. Các ngành công nghiệp và dịch vụ gắn kết với nông nghiệp trong các chuỗi giá thị trường chiếm hơn 30% GDP trong các quốc gia chuyển đổi và đô thị hóa.

Là một sinh kế, nông nghiệp được coi là nguồn sống cho 86% dân số nông thôn, tạo việc làm cho 1,3 tỉ nông hộ nhỏ và những nông dân không có ruộng đất, tài trợ cho “phúc lợi xã hội dựa vào nông nghiệp” khi có những biến động tại đô thị, và là nền tảng đối với các cộng đồng nông thôn. Trong 5,5 tỉ người của thế giới đang phát triển, 3 tỉ người sống ở các vùng nông thôn chiếm gần một nửa nhân loại. Trong số dân cư nông thôn, ước tính 2,5 tỉ dân thuộc các hộ gia đình làm nghề nông và 1,5 tỉ dân ở các nông hộ nhỏ.

Nông nghiệp là nơi cung cấp các dịch vụ môi trường. Trong khi sử dụng (và thường sử dụng chưa hợp lý) các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp có thể tạo ra tác động môi trường tích cực hoặc tiêu cực. Đến nay, nông nghiệp là ngành sử dụng nước nhiều nhất và làm cho nguồn nước càng khan hiếm. Nông nghiệp là yếu tố chính làm suy kiệt nguồn nước ngầm, ô nhiễm hóa chất nông nghiệp, bạc màu đất và sự thay đổi khí hậu toàn cầu khi chiếm tới 30% lượng phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, nông nghiệp cũng là nơi cung cấp chính các dịch vụ môi trường thường không được trả tiền như cố định carbon, quản lý lưu vực sông và bảo tồn đa dạng sinh học.

Sự đóng góp của nông nghiệp khác nhau trong 3 thế giới nông thôn.

Các quốc gia nông nghiệp - Nông nghiệp là nguồn tăng trưởng chính, đóng góp 32% vào tốc độ tăng trưởng bình quân GDP - chủ yếu vì nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn trong GDP - và hầu hết người nghèo sống tại nông thôn (70%).

Các quốc gia chuyển đổi - Nông nghiệp không còn là nguồn tăng trưởng kinh tế chính, chỉ chiếm bình quân 7% tốc độ tăng trưởng GDP, nghèo đói vẫn chiếm đa số ở vùng nông thôn (82% trong tổng số người nghèo). Nhóm này chủ yếu bao gồm các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Ma-rốc và Ru-ma-ni, có hơn 2,2 tỉ cư dân nông thôn. 98% dân số nông thôn Nam Á, 96% ở Đông Á và Thái Bình Dương và 92% ở Trung Đông và Bắc Phi đều sống tại các quốc gia chuyển đổi.

Các quốc gia đô thị hóa - Nông nghiệp không đóng vai trò trực tiếp đối với tăng trưởng kinh tế, tính trung bình chỉ chiếm 5% và nghèo đói chủ yếu ở đô thị. Tuy vậy, các vùng nông thôn vẫn chiếm 45% số dân nghèo. Nông nghiệp và ngành công nghiệp thực phẩm vẫn chiếm tới 1/3 GDP. Trong nhóm các quốc gia này, 255 triệu cư dân nông thôn ở hầu hết các nước Mỹ La-tinh và vùng Ca-ri-bê, nhiều quốc gia Đông Âu và Trung Á. 88% dân số nông thôn trong cả hai vùng này đều nằm trong các quốc gia đô thị hóa.

Các nước đi theo đường lối cải cách có thể chuyển đổi từ loại hình này sang loại hình khác. Trung Quốc và Ấn Độ chuyển từ nước nông nghiệp sang nhóm các quốc gia chuyển đổi trong vòng 20 năm qua, trong khi In-đô-nê-xi-a chuyển theo hướng đô thị hóa. Hơn nữa, các quốc gia có sự khác biệt về địa lý giữa các tiểu vùng, ví dụ như nhiều quốc gia có thể vừa chuyển đổi và đô thị hóa nhưng vẫn có các vùng nông nghiệp (như là Bi-har ở Ấn Độ và Chi-a-pas ở Mê-hi-cô).

Tính không đồng nhất về xã hội và kinh tế giữa các vùng là đặc điểm chung của các vùng nông thôn. Những nông dân buôn bán lớn sống bên cạnh các nông hộ nhỏ. Tính đa dạng này cũng thể hiện trong những nông hộ nhỏ. Các nông hộ nhỏ kết hợp làm thương mại mang sản phẩm thặng dư đến thị trường thực phẩm và chia sẻ lợi ích từ việc mở rộng thị trường sản phẩm nông nghiệp mới, có giá trị cao. Nhưng một số nông dân vẫn duy trì cuộc sống tự cung tự cấp. Tính không đồng nhất được nhận thấy trong thị trường lao động nông thôn có những việc làm nông nghiệp trả lương thấp, tay nghề kém và số lượng ít các công việc yêu cầu kĩ năng cao cho phép người lao động thoát nghèo. Tính không đồng nhất này, vốn lan rộng trong xã hội nông thôn và nông nghiệp, có ý nghĩa sâu sắc đến chính sách công trong việc sử dụng nông nghiệp vì phát triển.

2- Nông nghiệp đạt thành tựu cao trong phát triển

Nông nghiệp có sức mạnh đặc biệt trong công tác giảm nghèo. Tăng trưởng nông nghiệp đã tạo nên một sức mạnh đặc biệt trong công tác giảm nghèo ở tất cả các loại hình quốc gia. Các tính toán liên quốc gia cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP trong nông nghiệp có hiệu quả giảm nghèo ít nhất cũng gấp đôi so với tăng trưởng GDP của các ngành khác. Đối với Trung Quốc, hiệu quả giảm nghèo của tăng trưởng nông nghiệp ước tính tăng gấp 3,5 lần so với mức tăng trưởng nhờ các ngành khác. Đối với Mỹ La-tinh là gấp 2,7 lần. Tăng trưởng nông nghiệp nhanh ở Ấn Độ sau những cải tiến công nghệ (nhờ phổ biến những giống có năng suất cao) và ở Trung Quốc nhờ đổi mới thể chế (hệ thống khoán hộ và tự do hóa thị trường) đã đưa đến thành tích giảm nghèo nông thôn đáng kể.

Nông nghiệp có thể trở thành ngành dẫn đầu trong tăng trưởng chung ở các nước nông nghiệp, đã có thành tựu là một công cụ hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo. Song liệu nó có thể là ngành dẫn đầu trong chiến lược tăng trưởng của các nước có nền kinh tế nông nghiệp hay không?

Đối với nhiều nước, lương thực vẫn chưa phải là mặt hàng thương mại do chi phí giao dịch cao và những nhu yếu phẩm chính như các loại rễ, củ hay ngũ cốc địa phương lại không phải là những mặt hàng dễ bán. Do đó, nhiều nước đa phần phải tự cung tự cấp. Năng suất nông nghiệp quyết định giá lương thực, mà giá lương thực lại quyết định chi phí tiền lương lẫn tính cạnh tranh của các ngành có khả năng thương mại khác. Chính vì thế, năng suất các loại lương thực chủ yếu là chìa khóa của sự tăng trưởng.

Mặt khác, lợi thế so sánh trong các tiểu ngành có khả năng thương mại vẫn thuộc về các ngành sản xuất thô (nông nghiệp và khai khoáng) và sơ chế nông sản vì có tài nguyên dồi dào và môi trường đầu tư khó khăn hơn đối với ngành chế tạo. Hầu hết các nền kinh tế phụ thuộc vào cơ cấu đa dạng của các mặt hàng xuất khẩu đã qua chế biến lẫn chưa qua chế biến (bao gồm ngành du lịch) nhằm thu ngoại tế. Tăng trưởng cả phần thương mại lẫn chi phí thương mại của ngành nông nghiệp còn hỗ trợ tăng trưởng của các ngành khác trong nền kinh tế thông qua tác động cấp số nhân.

Đó là lý do tại sao trong nhiều năm tới, chiến lược phát triển đối với hầu hết các nền kinh tế nông nghiệp là cần phát triển hơn nữa ngành nông nghiệp. Coi phát triển nông nghiệp là nền tảng tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn đầu quá trình phát triển là đúng đắn. Tăng trưởng nông nghiệp chính là yếu tố tiên phong của các cuộc cách mạng công nghiệp đã xảy ra trên khắp thế giới từ Anh (giữa thế kỷ XVIII) cho đến Nhật Bản (cuối thế kỷ XIX). Gần đây, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp nhanh chóng của Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam cũng là tiền đề cho sự phát triển của công nghiệp. Ngoài xóa đói nghèo, sức mạnh đặc biệt của ngành nông nghiệp với tư cách là cơ sở cho tăng trưởng thời kỳ đầu đã được khẳng định.

Tuy nhiên, nhìn chung tiềm năng đó của nông nghiệp vẫn chưa được tận dụng hết cho công cuộc phát triển. Cùng với những thành công trên là vô số thất bại trong việc sử dụng ngành nông nghiệp vì phát triển. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của nhiều nước vẫn còn rất thấp và chuyển dịch cơ cấu chậm. Điều này cũng xảy ra đối với nhiều vùng khác nhau trong một quốc gia. Dân số tăng nhanh, đất canh tác giảm, kém màu mỡ, những cơ hội đa dạng hóa thu nhập bị bỏ lỡ và vấn đề di cư đã gây nhiều khó khăn. Trong khi đó, tiềm năng phát triển của ngành nông nghiệp lại không được khai thác. Đó là do chính sách thuế, chi phí đầu vào quá cao và thiếu đầu tư cho ngành nông nghiệp. Điều này phản ánh một thể chế chính sách ưu tiên quá nhiều cho các khu vực đô thị. So với các nước chuyển đổi thành công, nơi ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng cao trong GDP, các nước nông nghiệp có tỉ lệ chi tiêu công cho nông nghiệp cực thấp so với GDP nông nghiệp (4% của các nước nông nghiệp vào năm 2004 so với 10% ở các nước chuyển dịch cơ cấu năm 1980). Áp lực của các cuộc khủng hoảng lương thực liên tiếp làm ngân sách công và ưu tiên của các nhà tài trợ nghiêng về phía cung cấp lương thực trực tiếp hơn là đầu tư cho tăng trưởng và an ninh lương thực thông qua tăng thu nhập. Ở những nơi mà phụ nữ chiếm phần lớn trong số nông dân thì việc không khai thác hết tiềm năng của họ trong nông nghiệp cũng là yếu tố làm cho nền kinh tế chậm tăng trưởng và an ninh lương thực yếu kém.

Một tầm nhìn mới về nông nghiệp cho sự phát triển đang xác định lại những vai trò của nhà sản xuất, khu vực tư nhân và nhà nước. Sản xuất chủ yếu do các nông hộ nhỏ - những người thường được coi là nhà sản xuất có hiệu quả nhất, đặc biệt khi họ có sự hỗ trợ từ các tổ chức. Nhưng khi những tổ chức này không thể tranh thủ được hiệu quả kinh tế trong sản xuất và tiếp thị, thì nghề nông mang tính thương mại cần nhiều công nhân có thể trở thành hình thức sản xuất tốt hơn. Thị trường lao động công bằng và hiệu quả là một công cụ chính để giảm nghèo ở nông thôn. Khu vực tư nhân thúc đẩy việc tổ chức các chuỗi giá trị để mang thị trường đến cho các nông hộ nhỏ và các trang trại mang tính thương mại. Nhà nước – thông qua việc tăng cường năng lực và các hình thức quản lý mới - điều chỉnh những thất bại thị trường, điều tiết cạnh tranh, và tham gia có tính chiến lược vào những quan hệ đối tác nhà nước - tư nhân nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh trong kinh tế nông nghiệp, hỗ trợ ngày càng nhiều các nông hộ nhỏ và người lao động ở nông thôn. Trong tầm nhìn này, nông nghiệp đóng vai trò nổi bật trong chương trình nghị sự phát triển./.