Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhận định: Mặc dù việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 1 năm nay chưa đem lại phép màu nào, nhưng nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với mức tăng trưởng GDP dự kiến là 8,3% năm 2007 và 8,5% năm 2008.

Tiến bộ nhanh trong phát triển và cải cách kinh tế

"Những ai đã kỳ vọng có những phép màu từ việc Việt Nam gia nhập WTO có thể cảm nhận khác, nhưng Việt Nam thực sự đã có một tiến bộ quan trọng trong phát triển và cải cách kinh tế. Trong đó, đầu tư và tiêu dùng mạnh mẽ đã tạo đà cho tăng trưởng kinh tế mạnh trong nửa đầu năm nay. Sự gia tăng nhập khẩu, một phần liên quan đến đầu tư, đã nới rộng mức thâm hụt mậu dịch hơn dự kiến, nhưng đó chưa phải là một vấn đề quan ngại. Mặc dù lạm phát gia tăng sẽ đòi hỏi Chính phủ phải cẩn trọng, chúng tôi cho rằng lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát. Điều quan trọng nhất đối với Việt Nam vẫn là đẩy nhanh cải cách và thực hiện khẩn trương hơn các dự án phát triển thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục", ông Ayumi, Konoshi, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nói.

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2007 (ADO), bản cập nhật, đã nâng mức dự báo tăng trưởng 2007 của châu Á đang phát triển từ mức dự kiến 7,6% vào tháng 3 năm nay lên 8,3%. Về Việt Nam, mức tăng trưởng đã gia tăng trong giai đoạn từ tháng 1- tháng 6 ở mức 7,9% tức là cao hơn nửa điểm phần trăm so với một năm trước. Vì GDP thường tăng mạnh vào nửa cuối năm, chủ yếu do giải ngân ngân sách tăng lên, tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2007 dự kiến là 8,3%, không thay đổi so với dự báo của ADO 2007.

Đóng góp to lớn từ công nghiệp và dịch vụ

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam hầu như hoàn toàn từ ngành công nghiệp và dịch vụ, và sự năng động của khu vực tư nhân được ghi nhận với mức tăng 20,5%, hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp nhà nước. Trong đó ngành sản xuất công nghiệp tăng mạnh 12,4% nhưng khai thác mỏ lại có mức tăng trưởng rất nhỏ vì có sự sụt giảm 7,4% trong khai thác dầu thô do sản lượng khai thác tại mỏ dầu Bạch Hổ, mỏ dầu lớn nhất Việt Nam, giảm sút. Về dịch vụ, thương mại và tài chính tăng 10,4% và khách sạn, nhà hàng do được lợi từ sự tăng mạnh tiêu dùng và du lịch, đã tăng 12,7%.

Về phía cung, đầu tư và tiêu dùng mạnh mẽ là những động lực chính của phát triển kinh tế ở Việt Nam. Đầu tư tăng 14% trong nửa đầu năm, do được khích lệ bởi việc Việt Nam gia nhập WTO và bởi những cải thiện trong môi trường kinh doanh. Phần lớn tăng trưởng đầu tư là từ khu vực tư nhân trong nước với phần đóng góp trong đầu tư tổng thể đã tăng lên khoảng 35% trong nửa đầu năm 2007, so với mức tăng 23% trong 6 năm.

Đầu tư mạnh mẽ đã dẫn đến mức tăng nhanh chóng 30,4% về nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu 2007, và nhập khẩu hàng hóa máy móc thiết bị tăng 46,5%. Nhập khẩu nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian cũng gia tăng mạnh mẽ. Về xuất khẩu, sau khi gia nhập WTO, hàng dệt may và quần áo tăng 25,9% trong nửa đầu năm, sau khi hủy bỏ hạn ngạch, và xuất khẩu đồ gỗ cũng tăng 23%.

Năm 2008 kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng đến 8,5%

Với giả định việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ tiếp tục hội nhập nền kinh tế đất nước vào các mạng lưới kinh doanh toàn cầu, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài và giúp duy trì động lực cho cải cách trong nước, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến tăng đến 8,5% trong năm 2008. Do có sự tăng trưởng mạnh của hai trong số các ngành xây dựng, công nghiệp dự kiến tăng 10,6% năm 2008. Dịch vụ, được khích lệ bởi tiêu dùng và du lịch, cũng như việc mở cửa dần dần của một số khu vực cho sự tham gia của nước ngoài, dự kiến sẽ tăng 8,6% vào năm sau. Lợi ích về mậu dịch có từ việc gia nhập WTO dự kiến sẽ giữ mức tăng trưởng xuất khẩu nhanh trong năm 2008 ở mức 22%.

Về lạm phát, ADB dự báo sẽ duy trì ở 7,8% năm 2007 và dự kiến sẽ giảm tiếp đến 6,8% năm 2008. Do đó tình hình được coi như trong tầm kiểm soát, mặc dù mức lạm phát tương đối cao đòi hỏi Chính phủ phải xem xét cẩn trọng.