Nhận diện đúng nguyên nhân tăng giá để có giải pháp tốt nhất kiềm chế lạm phát
Lạm phát trong tháng 7-2007 tăng khá cao, đạt mức 8,39%/năm (tháng 7-2007 so với tháng 7-2006). Đây là con số đáng báo động đối với nền kinh tế nước ta. Xác định các nguyên nhân chính để từ đó có giải pháp hữu hiệu kiềm chế lạm phát là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với các nhà quản lý. Bài viết này đề cập đến các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp tác động đến lạm phát nước ta.
Đánh giá tổng quan, sự tăng giá trong thời gian qua ở nước ta là sự kết hợp giữa các yếu tố trong và ngoài nước, yếu tố cầu kéo và chi phí đẩy, yếu tổ chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, nếu so sánh đơn nhất các yếu tố chủ quan và khách quan, sự tác động của yếu tố khách quan đến từng quốc gia thì có thể thấy yếu tố bên trong, yếu tố nội tại của các nền kinh tế ở những mức độ khác nhau vẫn là yếu tố quyết định, ảnh hưởng đến lạm phát của từng quốc gia.
Cụ thể ở nước ta, các yếu tố nội tại của nền kinh tế đó là gì, mức độ tác động của nó như thế nào? Xin có một số phân tích như sau:
1 - Thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng
Tiền tệ là nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân trực tiếp tác động đến giá cả của nền kinh tế. Vấn đề cung về tiền không còn là câu chuyện mới mẻ nhưng nó luôn được xem xét đến khi đánh giá tình hình lạm phát. Tuy nhiên, ở đây cần phải thấy một thực tế rằng: mức cung về tiền và dư nợ tín dụng trong mấy năm gần đây ở nước ta liên tục tăng cao do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Sự duy trì liên tục trong nhiều năm về dư nợ tín dụng cao và cung tiền lớn trong ngắn hạn có tác dụng nhất định đối với tăng trưởng, nhưng lại là nguyên nhân đẩy lạm phát tăng cao trong dài hạn.
Theo đánh giá của các nhà quản lý, mức tăng cung về tiền ở nước ta là khá cao. Trong khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chỉ đạt ở mức trên dưới 8%, giá cả thế giới tăng khoảng 8% - 10% thì mức tăng tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 6-2007 tăng khoảng 39%. Có đánh giá cho rằng, trong tháng 7 năm 2007, tổng phương tiện thanh toán trên GDP đã tăng mạnh so với cuối năm 2006 và đạt gần 100% kế hoạch của cả năm 2007. Tổng mức cung về tiền đã tăng 67% so với tổng cung ứng tiền cả năm 2007, dư nợ tín dụng tăng khoảng 33%. Xin lưu ý rằng, năm 2006 vấn đề cung tiền đã được đánh giá là nguyên nhân lạm phát cao trong năm, nay lại tiếp tục tái diễn, đã làm cho lạm phát không thể kìm lại được.
Tăng cung tiền ngoại. Đây là yếu tố khách quan, nhưng nó đã làm cho thị trường yếu ớt của ta bị ảnh hưởng rõ rệt. Nguồn ngoại tệ, nhất là dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thông qua thị trường chứng khoán tác động trực tiếp tới cung nội tệ. Nếu như những năm trước đây, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ, tốc độ tăng của quy mô thị trường còn yếu , đến cuối tháng 7 - 2007, tổng giá trị cổ phiếu trên thị trường khoảng 17,5 tỉ USD, trong đó khoảng 25% - 30% do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ. Lượng vốn đầu tư nước ngoài tăng khoảng 2 tỉ USD và chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu lớn, có thương hiệu trên thị trường (blue chips). Từ đó tác động trực tiếp đến cung tiền của nền kinh tế.
Bên cạnh vốn nước ngoài qua con đường gián tiếp đổ vào, còn có một lượng ngoại tệ khá lớn do tư nhân chuyển vào (khoảng 2 tỉ USD) và thu hút đầu tư FDI khoảng 5,2 tỉ USD. So với các năm trước, cung về ngoại tệ tăng mạnh, đẩy nguy cơ tăng giá của đồng Việt Nam. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp vào thị trường ngoại tệ bằng cách mua vào để giữ ổn định tỷ giá, điều này là yếu tố tất yếu làm tăng cung tiền trong lưu thông.
2 - Cán cân tiết kiệm tiêu dùng trong dân cư thay đổi
Trong 7 tháng vừa qua, những biểu hiện trên thị trường cho thấy, cán cân tích lũy, tiêu dùng trong dân cư đã có sự thay đổi lớn theo hướng tích lũy giảm, tiêu dùng tăng. Đặc biệt tăng cầu lại chủ yếu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị lớn, làm tác động đến thị trường.
Biểu hiện rõ nét nhất là do tác động của thị trường chứng khoán, một khối lượng tiền tệ thay vì được gửi vào hệ thống tín dụng, ngân hàng như trước đây, nay lại được chuyển vào thị trường chứng khoán, mà tập trung lớn ở thị trường thứ cấp, thị trường OTC. Hướng đi tiếp theo của những dòng tiền thu nhập từ thị trường này được chuyển ra lưu thông để tiêu thụ hàng hóa đắt tiền như nhà cửa, ô-tô. "Cơn sốt giá" nhà chung cư cao cấp vừa qua và tốc độ tăng tiêu thụ ô-tô trong 7 tháng đầu năm là hậu quả tất yếu của sự phát triển thị trường chứng khoán quá nóng.
Bên cạnh đó, tình trạng nhập siêu hàng tiêu dùng cũng đã cho thấy rõ yếu tố bất lợi của cung cầu hàng hóa. Nhu cầu có khả năng thanh toán, tác động đến giá cả các mặt hàng khác trong nền kinh tế, làm ảnh hưởng đến lạm phát từ phía cầu kéo.
3 - Ảnh hưởng do độ trễ của các chính sách vĩ mô
Thị trường luôn luôn thể hiện những tác động của các chính sách. Nếu như các chính sách khẩn cấp, xử lý tình huống luôn có tác động tích cực trong ngắn hạn, có thể thấy hiệu quả nhanh, nhưng thường lại có tác động đến dài hạn theo chiều hướng ngược lại. Việc kìm chế giá cả các mặt hàng nhập khẩu trong những năm qua và chính sách ổn định tỷ giá khuyến khích xuất khẩu nhiều năm đã là sức ép cho thị trường những tháng đầu năm.
Một số loại vật tư đầu vào cơ bản của nền kinh tế đã phải điều chỉnh tăng giá trong đầu năm 2007 như: giá điện (tăng 7,6%), giá xăng 2 lần điều chỉnh tăng khoảng 15% - 16% (lần thứ nhất tăng 8,9%, lần thứ hai tăng 7,2%), giá than tăng 20%, xi-măng, phân bón, giấy... tăng 10%. Điều đó cho thấy chính sách kiềm chế lạm phát trong từng năm đã ảnh hướng đến lạm phát của những năm sau, đặc biệt nếu điều đó lại được bồi thêm bởi những biến động như giá cả trên thị trường thế giới.
Việc mua ngoại tệ, giữ ổn định tỷ giá và tăng dự trữ buộc là giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, như phân tích ở trên, việc mua vào ngoại tệ làm cho giá cả của đồng tiền Việt Nam mất giá so với đồng đô la Mỹ, nhưng xu hướng đó đang diễn ra trong nước lại trái ngược với xu thế đồng đô la Mỹ mất giá liên tục trên thị trường thế giới. Như vậy, giá trị đầu vào của nền kinh tế tiếp tục phải gánh chịu "chính sách tỷ giá ổn định" này.
4 - Điều hành chính sách vĩ mô thiếu đồng bộ, bị động, khả năng dự báo hạn chế
Điều hành chính sách vĩ mô trong thời gian qua dường như thiếu đồng bộ và bị động. Các nhà hoạch định chính sách không dự đoán được khả năng có thể xảy ra đối với nền kinh tế, nhất là trong việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ.
Khi thị trường chứng khoán có những dấu hiệu phát triển nóng, nhiều biểu hiện xấu, nhưng các nhà hoạch định chính sách còn chần chừ, và còn khá nhiều các tranh cãi xem đã đến lúc cần phải can thiệp mạnh vào thị trường hay chưa? Việc tăng cung ứng tiền ra lưu thông để mua ngoại tệ lại không được kết hợp ngay từ đầu với các chính sách tiền tệ thắt chặt. Việc quản lý tốc độ tăng tín dụng không được quan tâm đúng mức, phát hành trái phiếu Chính phủ dường như mới chỉ nhằm vào việc phục vụ mục tiêu chi tiêu ngân sách, mà không quan tâm đến việc phối hợp thực hiện chính sách tiền tệ, chưa có những giải pháp về kinh tế để can thiệp vào thị trường chứng khoán (quỹ Chính phủ chủ động mua vào bán ra các chứng khoán nhằm ổn định thị trường)... Các quy định của ngành ngân hàng và tài chính chỉ được thực hiện khi thị trường đã có dấu hiệu nguy hiểm. Một số quy định có tính hành chính mạnh, gây phản ứng không tốt đến thị trường. Chính sách thuế chưa được sử dụng có hiệu quả, sự can thiệp của Nhà nước bằng các biện pháp kinh tế trước đây đã từng được sử dụng có hiệu quả, nhưng lại chưa được chú ý trong những tháng vừa qua.
Bên cạnh đó, công tác dự báo, đã nhiều năm yếu kém, nhưng không được khắc phục, tình trạng chủ quan do tin tưởng vào khả năng tăng trưởng của nền kinh tế đã làm giảm mối quan tâm đến các yếu tố gây lạm phát.
5 - Ảnh hưởng liên tiếp từ phía “cung” hàng hóa nhất là nhóm hàng thực phẩm
Hậu quả của bệnh dịch ở gia súc, gia cầm năm 2006 tiếp tục xảy ra trong năm 2007. Theo số liệu thống kê, tổng đàn lợn cả nước tại thời điểm 1-4-2007 bằng 98,6% so với cùng thời điểm năm trước (giảm 384 nghìn con). Bên cạnh đó, chính sách để bù đắp "cung" trong nước giảm thông qua giảm thuế, khuyến khích nhập khẩu hàng thay thế chậm được thực hiện. Vì vậy, đẩy chỉ số nhóm hàng thực phẩm tăng khá cao.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như giá cả trên thị trường thế giới cũng tác động đến thị trường nước ta.
Từ xem xét nguyên nhân lạm phát, thiết nghĩ trong giai đoạn tới cần khẩn trương tập trung vào hệ thống các giải pháp thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt đi đôi với chính sách tài chính tiết kiệm, cụ thể là:
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện tốt hơn nữa chức năng của ngân hàng trung ương trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Có biện pháp đẩy mạnh việc thu hút khối lượng tiền tệ trong lưu thông thông qua việc thực hiện nghiệp vụ thị trường mở và các nghiệp vụ khác. Việc mua vào ngoại tệ cần phải được cân nhắc bảo đảm ở liều lượng vừa đủ để khuyến khích xuất khẩu, điều chỉnh cán cân thanh toán, đồng thời hạn chế bớt cung về tiền trong lưu thông và phải điều chỉnh để tỷ giá có sự thay đổi phù hợp với xu thế chung của thế giới. Tăng dự trữ ngoại tệ nên phối hợp với các chính sách tài chính khác như phát hành trái phiếu, hạn chế tối đa việc chi tiêu bằng ngoại tệ của Chính phủ (giảm bán ngoại tệ )... có thể phải chấp nhận ở mức có thể sự lên giá của đồng tiền Việt Nam so với đồng đô-la Mỹ.
Các nghiệp vụ về ngân hàng cần được sử dụng thận trọng, trong đó cần phải điều hành linh hoạt các công cụ để giảm nhịp độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng thông qua việc tăng khối lượng lớn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bán ra trên thị trường mở; tạm dừng các "kênh" tái cấp vốn qua nghiệp vụ cho vay ngắn hạn và chiết khấu giấy tờ có giá, đặc biệt là chiết khấu trái phiếu Chính phủ.
Xem xét lại mối quan hệ giữa tổng phương tiện thanh toán và tốc độ tăng GDP để có định hướng về tổng phương tiện thanh toán hợp lý. Vấn đề đáng lưu ý là, trong những năm qua, do sự phát triển kinh tế và sự phát triển của thị trường chứng khoán, hệ số mở và vòng quay tiền tệ đã có nhiều thay đổi. Vì vậy, xác định chính xác tổng phương tiện thanh toán, tốc độ tăng, mối quan hệ giữa tăng tổng phương tiện thanh toán và tốc độ tăng trưởng kinh tế là yêu cầu cần thiết để có được chính sách tiền tệ hợp lý.
Thứ hai, hạn chế chi tiêu Chính phủ, xem xét để điều chỉnh những chi tiêu lãng phí, chi tiêu đắt tiền như: trang bị các thiết bị đắt tiền, mua sắm ô-tô, xây dựng trụ sở...
Chính sách thắt chặt chi tiêu trong những năm gần đây hầu như không được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm đúng mức, trong điều kiện hiện nay, cần thiết phải thực hiện chính sách chi tiêu chính phủ ở mức cần thiết. Chính phủ nên có các quy định trong việc trang bị, sử dụng tài sản công. Xử lý nghiêm các đơn vị, chính quyền địa phương vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, Chống lãng phí.
Thứ ba, việc phát hành trái phiếu cần phải đổi mới, tạo thêm hàng hóa trên thị trường, nhưng cũng phải góp phần vào giảm cung về tiền. Những động thái gần đây của Bộ Tài chính về việc phát hành Trái phiếu Chính phủ đã được cải thiện. Tuy nhiên, cần thiết phải tăng khối lượng trái phiếu phát hành trong giai đoạn hiện nay, không quá lệ thuộc vào tiến độ sử dụng tiền phát hành của ngân sách nhà nước. Tăng cường phát hành theo lô lớn để thu hút nhanh tiền trong dân cư.
Xem xét lại chủ trương phát hành trái phiếu chính phủ ra nước ngoài trong năm 2007. Có các biện pháp để các doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng Trái phiếu Chính phủ có thể chuyển sang huy động vốn bằng ngoại tệ ở trong nước, góp phần vừa giảm cung về ngoại tệ, vừa tạo thêm công ăn, việc làm cho dân cư.
Thứ tư, chấn chỉnh thị trường chứng khoán theo hướng có lợi, hạn chế đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào thị trường. Quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, có các hàng hóa mới hấp dẫn, phát hành lần đầu (cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước làm ăn có hiệu quả) để thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào các hàng hóa này,... Vấn đề minh bạch hóa thị trường cần phải thực hiện triệt để hơn, các công bố tình trạng doanh nghiệp và cổ phiếu của doanh nghiệp cần kịp thời hơn để giảm bớt tăng “nóng” và gây rối thị trường. Chính phủ cần thiết phải lập quỹ điều hành thị trường chứng khoán để thực hiện mua vào, bán ra chứng khoán góp phần vào việc ổn định thị trường tránh cả 2 xu hướng tăng nhanh và giảm nhanh.
Thực hiện tái cấu trúc lại thị trường chứng khoán theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ của thị trường, trách nhiệm của các thành viên tham gia thị trường trong việc bảo đảm cho thị trường hoạt động lành mạnh; có ngay các giải pháp để quản lý tốt hơn việc phát hành riêng lẻ, quản lý thị trường tự do, phát triển thị trường Trái phiếu Chính phủ...
Thứ năm, duy trì lại cơ chế phối hợp chính sách tài chính, tiền tệ, chính sách xuất nhập khẩu để có những giải pháp đồng bộ và tổng thể. Tránh việc ban hành chính sách độc lập của các cơ quan quản lý nhà nước không ăn khớp với nhau. Trong chừng mực nhất định của những cam kết hội nhập cần phải thực hiện ngay các giải pháp hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng ở mức hợp lý, giảm thuế mạnh hơn nữa những mặt hàng tác động đến nền kinh tế, các mặt hàng cân đối cung cầu đang căng thẳng. Ngoài ra, cần có những giải pháp khác để điều chỉnh cung - cầu hàng hóa trong nước để ổn định thị trường.
Thứ sáu, chấn chỉnh lại công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hạn chế việc tuyên truyền tăng giá một chiều, thông tin theo kiểu "dật gân" gây tâm lý bất ổn trong nhân dân. Quan tâm đến việc tuyên truyền thường xuyên về các chính sách của Nhà nước, các động thái kiềm chế lạm phát.
Bước phát triển trong quan hệ Việt Nam - Nga - Séc - Ba Lan  (17/09/2007)
Số phận các nền văn minh và thế giới ngày nay  (17/09/2007)
Nghị quyết Trung ương 5, khóa X tập trung giải quyết các vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách  (16/09/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên