Điều hành chính sách tiền tệ và giá cả là một mảng lớn trong điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Trên thế giới đã có nhiều lý thuyết về vấn đề này, nhưng qua thực tiễn Việt Nam càng chứng tỏ sự vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể luôn bảo đảm thành công nhiều hơn là giáo điều, rập khuôn. Từ tổng kết thực tiễn chống lạm phát “phi mã” của những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước, tác giả đã đưa ra hai nhận định quan trọng, trong đó đề cập đến cả những tác dụng tích cực của việc duy trì một mức độ lạm phát hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng, và việc ứng phó với tình trạng tăng giá mấy tháng vừa qua của năm 2007.

Trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có thành tựu khắc phục lạm phát phi mã cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Có thể nói, chúng ta đã sáng tạo ra những giải pháp đúng quy luật lưu thông tiền tệ thay thế cho những "liệu pháp sốc", hay dùng phổ biến trên thế giới, để chấm dứt lạm phát trong nửa đầu năm 1989.

Nhưng nhiều quan điểm khác nhau và việc không dùng quy luật lưu thông tiền tệ để phân tích đã khiến cho sự kiện lịch sử này bị chìm trong quên lãng, trong lúc thế giới đã ca ngợi đó là thành tựu tiền tệ đáng khâm phục[1]. Có quan điểm cho rằng, đến năm 1993 lạm phát phi mã mới chấm dứt vì các năm 1990, 1991, 1992 lạm phát vẫn còn ở mức cao 67,1%, 64,4% và 17,36%, như sau:

Bảng 1: So sánh tiền và giá thời kỳ 1989 - 1994

Năm

1988

1989

1990

1991

1992

1993

1994

Tiền: Tỉ đồng

-

4.874

6.404

11.946

18.930

24.883

33.083

Tiền tăng thêm/kỳ trước,%

-

109,5

33,6

75,57

58,46

31,45

32,95

Chỉ số giá, %

310,0

34,60

67,10

64,60

17,36

5,20

14,40

Tỷ lệ giữa tăng tiền/tăng giá (lần)

-

3,16

0,50

1,17

3,37

6,05

2,29

Nghiên cứu kỹ bảng 1 sẽ thấy ngay, năm 1989 chỉ số giá đã được kéo xuống từ trên 700% - 310% xuống còn 34,6%. Năm 1991 và 1992, giá tăng chậm hơn tiền: tiền tăng 1,17 %, giá mới tăng 1% (năm 1991) và tiền tăng 3,37% giá mới tăng 1% (năm 1992), khác hẳn với thời kỳ lạm phát phi mã. Điều đó chứng tỏ lạm phát phi mã đã chấm dứt năm 1989. Các năm sau là lạm phát ỳ kéo thêm, chứ không phải là do phát hành tiền quá nhiều vào lưu thông như các năm 1985-1988. Nếu không phân tích vì sao có thể kéo xuống 34,6% năm 1989 sẽ không thấy được bài học lịch sử từ các biện pháp chống lạm phát đúng quy luật lưu thông tiền tệ của năm đó.

Lịch sử luôn luôn để lại cho đời sau những bài học lý luận bổ ích. Cho nên viết sử mà chỉ kể các số liệu, nêu số hiệu các nghị quyết văn bản sẽ khô khan và chả giúp ích gì cho đời sau. Những bài học đó là chấm dứt lạm phát phi mã năm 1989 đã tạo một cách vận dụng quy luật lưu thông tiền tệ độc đáo.

Muốn viết được rõ những bài học lý luận về tiền tệ thì trước hết phải nắm vững quy luật lưu thông tiền tệ. Phi-sơ (Fisher) đã đưa ra công thức nổi tiếng MV = PQ. Trong đó, M là khối tiền tệ lưu thông, V là vòng quay của đồng tiền và Q là giá trị hàng hóa và dịch vụ đưa ra lưu thông, P là giá cả. C.Mác đã tách M thành Md (Money demand) là khối tiền cần cho lưu thông và Ms (Money supply) là khối tiền thực tế lưu thông. Từ đó ta dễ dàng phân biệt được Ms > Md là lạm phát và Ms < Md là thiểu phát.

Nếu đánh giá là lạm phát phi mã chỉ chấm dứt năm 1993 thì việc chấm dứt lạm phát phi mã chả còn là điều kỳ diệu và sẽ không đáng khâm phục nữa. Qua ngay bảng số liệu trên ta cũng rõ năm 1989 đã kéo được lạm phát phi mã từ hơn 777,70% xuống còn có 34,6% (lúc đầu ghi là 37,4%). Việc khẳng định lạm phát phi mã đã chấm dứt vào thời điểm này dựa trên mấy đặc điểm sau:

Đặc điểm thứ nhất là tiền tăng hơn gấp đôi (209,5% so với năm 1988) như số liệu thống kê ở bảng trên đã ghi rõ, nhưng lạm phát phi mã lại chấm dứt hẳn trong nửa đầu năm 1989 với chỉ số giá cả từ 310,9% tụt xuống còn 34,6%. Điều này chưa hề có trong một cuốn kinh tế học của kinh tế thị trường, vì mọi cuốn sách chúng tôi được tiếp cận đều viết, muốn chữa lạm phát, nhất là lạm phát phi mã, phải giảm khối lượng tiền trong lưu thông Ms. Cũng chưa có cuốn sách nào viết trong trường hợp đặc biệt có thể tăng Ms, mà vẫn chấm dứt được lạm phát.

Năm 1989 có những hiện tượng như là có "phép tiên", khi Đảng ta chủ trương mở cửa kinh tế để giải quyết khó khăn do thiếu hàng tiêu dùng, hàng nhập tràn ngập thị trường và xuất hiện ngay trong cả nước những dãy phố xá đầy ắp hàng hóa. Đó là biểu hiện Q, hàng hóa và dịch vụ lưu thông, tăng vọt khoảng hơn hai lần làm cho tiền tăng 209,5%, mà lạm phát phi mã lại chấm dứt hẳn. Bằng mắt thường cũng nhìn thấy được Q tăng nhanh như thế nào.

Đặc điểm thứ hai là việc dùng liệu pháp đúng quy luật lưu thông tiền tệ đã được chuẩn bị chu đáo, không phải là chuyện ngẫu nhiên "ăn may". Đồng chí Lữ Minh Châu, khi nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước (sau này gọi là Thống đốc), đã nghiên cứu số liệu lịch sử về tiền tệ từ năm 1960 đến năm 1984 và thấy tiền M so với Q luôn luôn cao hơn trên dưới 20%, nhưng từ năm 1985, khi lạm phát phi mã M chỉ bằng 7% so với Q, đã đưa ra một nhận định rất thực tế là thiếu tiền cho lưu thông nhưng giá tăng nhanh hơn tiền (tiền tăng 4,4 lần thì giá tăng 10 lần)[2] vì tâm lý chạy trốn khỏi tình trạng tiền giấy mất giá, có tiền là vội mua vàng, mua đô-la làm "cái hầm trú ẩn" tránh khỏi tiền giấy mất giá, đã đẩy V, vòng quay của đồng tiền, tăng vọt, V tăng thì Md giảm, giả sử Ms giữ nguyên vẫn làm lạm phát tăng lên vì Md < Ms.

Hình dung lại thời đó (người ta đã không quan tâm tìm hiểu quy luật lưu thông tiền tệ mà C.Mác đã viết rất đầy đủ trong cuốn Tư bản) mới thấy thêm cái hay của việc dùng quy luật lưu thông tiền tệ vào thực tế qua nhiều năm, từ 1960 tới 1984. Vì một số tác giả không quan tâm như thế, trên báo chí và trong hội nghị không thiếu gì những quan điểm tranh cãi bất tận về lạm phát. Nhầm lẫn về giảm lạm phát (disinflation) và thiểu phát (deflation) vẫn còn đến nay ở một số sách kinh tế học.

Từ những nghiên cứu thực tiễn gắn với lý thuyết, chúng ta đã tìm ra nguyên nhân gây lạm phát phi mã, trong đó có việc dùng tiền phát hành bao cấp vốn cho các ngân hàng địa phương để cho vay. Từ đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lúc đó đã xin Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) cho thí điểm việc tách ngân hàng một cấp thành ngân hàng hai cấp, mà nội dung về tiền tệ là cắt bao cấp vốn. Các ngân hàng chuyên doanh muốn cho vay thêm phải tự huy động vốn trong dân và cơ quan xí nghiệp. Kết quả là, ngay trong năm 1988, lạm phát phi mã đã được kéo từ 20,8%/tháng (nửa đầu năm 1988) xuống còn 7,27%/ tháng nửa cuối năm, như bảng sau:

Bảng 2: Số liệu năm 1988 - Lạm phát chuyển từ giá tăng nhanh hơn tiền sang tăng chậm hơn tiền, đơn vị đo %

Tháng

Giá

Tiền

Cuối tháng

Tháng

Giá

Tiền

Cuối tháng

1

13,2

23

57,4

7

9

13

69,2

2

22

12,5

176,0

8

11

12,2

90,2

3

23,2

12,9

179,8

9

7,4

11

67,3

4

24,4

24,3

100,4

10

6,2

7,8

79,5

5

26

9

288,9

11

7

15

46,7

6

16

15

106,7

12

3

17

17,6

Bình quân

20,8

16,12

151,5

Bình quân

7,27

12,67

61,7

Đặc điểm thứ ba là sự phối hợp tuyệt đẹp giữa các chủ trương, chính sách khác của Nhà nước với chính sách tiền tệ: Chủ trương khoán sản phẩm đến hộ nông dân (trước hết là khoán 100, sau đó là khoán 10) đã tăng sản lượng lương thực đến độ dư thừa 2 triệu tấn gạo, mà nếu không xuất khẩu được giá sẽ rớt thê thảm và nông dân sẽ bị thiệt hại ghê gớm. Việc mở cửa nền kinh tế đã làm hàng nhập tràn ngập lưu thông, tăng Q lượng hàng hóa lưu thông lên khoảng 2 lần...

Sách kinh tế học thường dạy, áp dụng quy luật lưu thông tiền tệ theo phương pháp "thử và sai". Thử cho tiền tăng lên theo một tỷ lệ phần trăm ước định, nếu thấy chỉ số giá tăng quá cao sẽ rút bớt tiền về. Nhưng năm 1989 chúng ta đã sáng tạo ra cách vận dụng quy luật lưu thông tiền tệ độc đáo: có chính sách tăng sản lượng qua khoán sản phẩm và tăng Q từ hàng nhập qua biên giới để tăng Md. Điều này cho phép tăng Ms lên 209,5% so với 1988 mà lạm phát phi mã lại chấm dứt.

Có ý kiến phản bác lại cho rằng, hàng nhập không thể tăng Q mà chỉ có hàng nhập siêu mới tăng Q. Điều này chỉ có thể lý giải khi vận dụng luận điểm của C.Mác về việc tiền làm chức năng phương tiện tích lũy và cất trữ nằm ngoài lưu thông mà C.Mác đã viết một cách hình ảnh qua câu: "Những kho chứa tiền tích trữ vừa dùng làm kênh tiêu thủy và kênh dẫn thủy cho những kênh lưu thông không khi nào bị tràn cả"[3]. Đầu năm đó hàng xuất khẩu của nước ta chưa nhiều nên thương nhân đã mua vét vàng mà người dân đã tích lũy qua các năm lạm phát phi mã để làm nơi trú ẩn khỏi tiền giấy mất giá. Số vàng này, nếu theo luận điểm của C.Mác, là đang nằm ngoài lưu thông. Mua vàng đó đem ra nước ngoài không ảnh hưởng gì đến cân đối Q và M trong nước, mà lại đem được hàng về làm Q tăng lên. Tôi cho rằng, bài học này sẽ làm sáng rõ thêm rất nhiều những hiểu biết của chúng ta về quan hệ giữa tiền giấy và tiền thực (tiền vàng) và làm phong phú thêm kho tàng những công cụ của chính sách tiền tệ.

Từ nhận định "thiếu tiền cho lưu thông", Ngân hàng nhà nước đã mạnh tay đưa tiền ra lưu thông. Chỉ tiêu Quốc hội duyệt về bội chi tiền mặt là 600 tỉ cho cả năm, thì ngay tết năm đó Ngân hàng Nhà nước đã xuất kho phát hành ra 300 tỉ để trả lương cho cán bộ công nhân viên có tiền ăn tết, không bị khất chi lương, thưởng như các năm trước. Ông Cao Sỹ Kiêm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, kế tục việc chống lạm phát phi mã này đã tiếp tục mạnh tay phát hành theo mục tiêu chỉ định để mậu dịch quốc doanh thu mua 2 triệu tấn gạo xuất khẩu, đưa nước ta đứng ngay hàng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo. Tổng số tiền phát hành thêm năm đó lên tới 2.547 tỉ gấp 4,2 lần chỉ tiêu bội chi tiền mặt 600 tỉ đã được duyệt đầu năm.

Đáng tiếc, báo chí đăng thành tích xuất khẩu gạo, nhưng quên mất nguồn tiền để thu mua gạo là do tư duy sáng tạo trong vận dụng quy luật lưu thông tiền tệ, không lệ thuộc vào các sách kinh tế học thị trường thịnh hành lúc đó.

Đặc điểm thứ tư là "liệu pháp sốc" hay được dùng chống lạm phát thời kỳ đó ở các nước đã không được áp dụng ở nước ta. Như liệu pháp đổi tiền, tưởng rằng rút bớt tiền lưu thông qua hủy một phần tiền thừa hay buộc phải gửi vào ngân hàng. Điển hình là "liệu pháp sốc" ở Bra-xin và Ác-hen-ti-na. Bà Cre-sô-dô (Cresodo) - Bộ trưởng Tài chính Bra-xin dám cấm tất cả c ác ngân hàng không được trả tiền mặt cho khách hàng quá 20% tiền gửi; Tổng thống An-phôn-xi (Alfonsi) của Ác-hen-ti-na kiêm luôn Bộ trưởng Tài chính chủ trương chỉ có thể duyệt chi ngân sách khi có thu. Lạm phát ở hai nước này trong thời gian ngắn đã hạ từ 1000% xuống còn 5%. Báo chí thế giới ca ngợi ồn ào, nào là bái phục kế hoạch Alfonsi, nào là phong bà Cresodo là "người đàn bà thép", nhưng chỉ ít lâu sau các "liệu pháp sốc" đó phải bãi bỏ vì đất nước có khoản chi cấp bách không được ngân sách chi tiền, các doanh nghiệp không được rút tiền mặt từ chính tài khoản tiền gửi của mình nên trả lương chậm trễ, mua nguyên liệu từ người không có tài khoản ở ngân hàng bế tắc... Lập tức lạm phát phi mã tái diễn trở lại.

Nhưng khi thấy Việt Nam chấm dứt hẳn lạm phát phi mã thành công, họ rút kinh nghiệm ngay và năm 1993 - 1994 họ đã đưa lạm phát về một con số. So với thế giới, mới thấy rõ hơn thành công chấm dứt lạm phát phi mã năm 1989, vì trước 1989 cả thế giới có 17 nước bị lạm phát phi mã sau đó chỉ 4 nước và đến 2004 - 2005 họ đã chuyển về lạm phát vừa phải (một con số). Đó là:

Bảng 3. Các nước còn bị lạm phát phi mã sau 1989

Nước

Lạm phát năm 1994, %

Sau tụt xuống còn

Ác-mê-nhi-a

4962

18,7% (1996) 2,2% (2005)

Công-gô

23773

354% (1997) 12,7% (2005)

Bê-la-rút

2221

52,7% (1996) 12,1% (2005)

A-déc-bai-dan

1663

32% (1996) 12,7% (2005)

Nguồn: Thống kê Tài chính quốc tế của IMF

Đặc điểm thứ năm là việc dùng lãi suất dương theo công thức: <Lãi suất danh nghĩa = lãi suất thực + tỷ lệ lạm phát> đã làm giảm ngay V, vốn là yếu tố làm giá tăng nhanh hơn tiền trong lạm phát phi mã khi nó tăng lên theo theo tâm lý không dùng tiền giấy vì sợ mất giá. Lãi suất được ngân hàng nhà nước đề nghị là 9% = 1% (lãi suất thực) + 8% (tỷ lệ lạm phát), nhưng có ý kiến là phải "lướt trên ngọn sóng", mà nâng tác động của lãi suất tới lạm phát phi mã. Thân sóng là 8%, mà ngọn sóng là 14%. Đó là bài học đắt giá về không nắm chắc lý luận kinh điển của C.Mác, không thấm nhuần mối quan hệ giữa lãi suất và tỷ suất lợi nhuận, mà chỉ đạo theo cảm tính, nên gây đổ vỡ hàng loạt các hợp tác xã tín dụng. Chỉ có các xí nghiệp đời sống là lao vào vay các hợp tác xã tín dụng theo lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi (đã hạ xuống 7% cho phù hợp với chỉ số giá đầu năm 1989 đã chỉ còn 3%/tháng) vì cứ tưởng rằng vẫn có thể kiếm lãi 15% -20%/tháng như năm 1988. Đầu năm 1988 cứ để hàng trong kho là đã có khoản lãi 20%/tháng do trượt giá trong lạm phát phi mã, nhưng năm 1989 lãi trượt giá chỉ còn 3%. Các xí nghiệp này không thể kiếm lãi thực 20%/tháng nên phá sản hết, kéo các hợp tác xã tín dụng vỡ nợ theo.

Một bài học quý nữa đã bị bỏ quên trong khi soạn thảo lịch sử ngân hàng là lãi suất cho vay các xí nghiệp quốc doanh và HTX vẫn giữ mức 3%/tháng (xí nghiệp quốc doanh vay trong định mức chỉ có 1%/tháng). Phái đoàn Ba Lan sang trao đổi kinh nghiệm chống lạm phát với nước ta thời kỳ đó rất tâm đắc với chính sách lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm, vì họ đã đưa lãi suất cho vay cao hơn lãi suất tiết kiệm nên nhiều xí nghiệp quốc doanh lao đao, còn ta đã giữ được không xí nghiệp quốc doanh nào bị phá sản vì lãi phải trả nợ ngân hàng.

Tóm lại, rút ra những bài học về lý luận tiền tệ là rất cần thiết cho việc điều hành tiền tệ hiện nay và thống nhất quan điểm về đánh giá đúng mức độ lạm phát, nhận diện rõ những mặt có hại và cả những mặt có lợi khi tỷ lệ lạm phát có tác dụng làm năng động hơn môi trường đầu tư, từ đó thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, mà thế giới đã có nhiều biện pháp kiềm chế nên càng giảm thiểu mặt có hại này. Từ những bài học của lịch sử, soi lại những diễn biến gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng phân tích về tình hình diễn biến của giá cả 7 tháng đầu năm 2007, tôi thấy cần rút ra hai vấn đề quan trọng sau:

Một là, có thể sử dụng linh hoạt quy luật lưu thông tiền tệ để dùng lạm phát vừa phải kích cầu đưa tăng trưởng lên cao: Vì dùng lạm phát để kích cầu là ta đã dựa theo mức tăng của Q do tăng trưởng nhanh mang lại để đưa thêm tiền ra lưu thông. Đưa mức lạm phát lên xấp xỉ tỷ lệ tăng GDP là đã theo cách chủ động tăng Q để tăng Md của năm 1989. Mặt khác, hiện nay chúng ta đã nắm bắt kịp thời những diễn biến mới về tiền tệ để tăng lợi ích của lạm phát vừa phải. Đó là tình hình giá tăng chậm hơn tiền phổ biến ở các nước hiện nay.

Giá tăng chậm hơn tiền là tình hình chung của tất cả các nước. Nguyên nhân là do khoa học tiến như vũ bão, nên giá thành sản xuất giảm mạnh như giá điện thoại di động năm 1996 là 15 triệu đồng/chiếc (kiểu cục gạch), nay chỉ cần 1,2 triệu là có 1 chiếc tính năng lại trội hơn. Điện thoại di động Nokia đầu năm 2005 là 12 triệu, Samsung là 8 triệu cuối năm chỉ còn 8 và 3 triệu đồng...

Hai là, nghiên cứu những nhầm lẫn về lạm phát giá cả không còn là vấn đề lý thuyết thuần túy, mà thực tế từ cuối tháng 7-2007, nhầm lẫn này đã ảnh hưởng đến các bộ ngành gây nên sự không thống nhất về tỷ lệ lạm phát. Ngân hàng đã đưa ra tỷ lệ lạm phát cơ bản (khoảng 6% năm 2004) để xác định mức lạm phát tiền tệ, còn 3,5% trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 9,5% là lạm phát giá cả (hay nói cách khác nguyên nhân tăng giá không do tiền tệ gây ra). Bộ Tài chính không tính tới yếu tố này, nên cứ theo chỉ số CPI 9,5% mà bù lỗ cho Tổng công ty Xăng dầu, tưởng rằng sẽ hạ hoặc giữ được giá dầu trong nước vốn đang tăng từ thị trường thế giới. Ngay đến khi ngân sách Việt Nam chảy sang các nước láng giềng theo dòng xăng buôn lậu qua biên giới, Bộ Tài chính cũng không rút ra được bài học bù lỗ thất bại. Dù biết được ở các nước vẫn bị tác động bởi giá xăng vẫn tăng cao trên thị trường thế giới, nhưng tỷ lệ lạm phát của họ lại thấp hơn so với nước ta. Câu trả lời vẫn chưa có từ phía các nhà hoạch định chính sách. Bình quân toàn thế giới tỷ lệ lạm phát chỉ có 3,55% năm 2004 và 3,60% năm 2005, trong khi nước ta lên tới 9,5% và 8,4% (!). Số liệu cụ thể như sau:

Thế giới

Các nước công nghiệp phát triển

Các nước đang phát triển

Châu Phi

Châu Á

Châu Âu

Trung Đông

Tây bán cầu

2004

3.55%

2.02%

5.37%

4.29%

4.03%

8.45%

7.36%

6.75%

2005

3.60%

2.33%

5.13%

6.40%

3.56%

8.54%

6.34%

6.36%

Nguồn: Thống kê tài chính quốc tế cuối năm 2006 của IMF

Những bài báo và trả lời phỏng vấn của nhiều chuyên gia và quan chức ngành tài chính, ngân hàng cũng chứng tỏ bị ảnh hưởng nặng của những nhầm lẫn về lạm phát giá cả (đã được Gs. Samuelson nêu ra). Dẫn chứng như một Vụ trưởng (xin dấu tên) đã trích dẫn sai Friedman để nói là: "ở đâu và bao giờ lạm phát cũng phải là từ phía chính sách tiền tệ". Thực ra Friedman đã viết: "Ở đâu và bao giờ lạm phát cũng là hiện tượng tiền tệ", có nghĩa là không có lạm phát giá cả. Lạm phát làm cho giá tăng, nhưng không phải mọi hiện tượng tăng giá đều là lạm phát.

Đáng chú ý là, có ý kiến báo chí cho rằng liệu Chính phủ có phương án trình Quốc hội thay đổi mục tiêu đề ra nếu giá cả tiếp tục tăng hay không? Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định: "Nhà nước và tiềm lực mọi mặt của chúng ta đảm bảo không xẩy ra tăng giá đột biến". Tôi nghĩ báo chí đã nêu ra một tình huống có thật: lạm phát giá cả có thể sẽ tăng tới mức hai chữ số. Vì nó phụ thuộc vào giá dầu lửa trong hai năm 2004 - 2005 đã tăng 2 lần, sắp tới còn biến động nhiều. Ta không thể coi thường sự phát hiện này. Tôi cho rằng, có kịch bản lạm phát hai chữ số nếu chúng ta không giải thoát được nỗi ám ảnh của quan niệm về lạm phát giá cả, tới mức không nhìn ra nguy cơ tiềm ẩn này và không đưa ra được giải pháp gỡ cho nền kinh tế khỏi lạm phát giá cả trộn lẫn với lạm phát tiền tệ.

Kịch bản lạm phát hai chữ số này sẽ diễn ra như sau: nếu Chính phủ không nhìn ra lạm phát giá cả là căn bệnh vô cùng nguy hiểm của nền kinh tế nước ta và toàn cầu vì thực chất nó là khủng hoảng thiếu nguyên - nhiên liệu truyền thống có thể gây suy thoái ở một số nước nếu không hóa giải được các cơn sốt dầu lửa. Trước đây, các nước đã thấy lạm phát chi phí đẩy ở Mỹ gây suy thoái nghiêm trọng đến mức 25.000 doanh nghiệp phá sản, 10 triệu người mất việc làm (10% lực lượng lao động)[4], nên họ đã dùng CPI loại trừ giá năng lượng và thực phẩm và thoát được tình trạng nhét lạm phát chi phí đẩy (một loại lạm phát giá cả) vào trong CPI. Họ làm như vậy không chỉ là một phương pháp thống kê về CPI đơn thuần, mà thực chất đã tách hai căn bệnh cùng tấn công nền kinh tế ra, để mỗi bệnh chữa bằng phương thuốc riêng. Lạm phát tiền tệ chữa bằng các công cụ của chính sách tiền tệ. Còn lạm phát giá cả để tự thị trường giải quyết theo quan hệ cung - cầu. Nếu giá xăng, điện tăng mà không có sự bơm thêm tiền vào lưu thông thì giá các mặt hàng khác phải giảm tương ứng.

Nếu còn quan niệm có lạm phát giá cả sẽ làm cho nhiều người không quan tâm tới việc tìm ra nguyên nhân không phải do tiền tệ của hiện tượng tăng giá và nguy hiểm hơn là nhầm lẫn rằng, hễ cứ lạm phát (giá tăng), bất kể loại nào, cứ việc dùng thuốc lạm phát tiền tệ để chữa, dù là chữa cho căn bệnh khác: lạm phát chi phi đẩy.

Ở nước ta, chỉ riêng giá thực phẩm đã tăng 15,03% so với cùng kỳ năm 2006; vì thế khả năng lạm phát (gộp cả tiền tệ và giá cả) hai con số là rất có thể xẩy ra ngay trong tháng tới (chỉ với trên 1% - 2%/tháng). Tách thực phẩm ra như vậy không có nghĩa là Chính phủ lẩn tránh bù giá sinh hoạt cho người nghèo, mà Chính phủ dùng loại bù giá do thiên tai. Như vậy, ngân sách nhà nước sẽ không bị bội chi nặng do bù giá do thiên tai có thể có chọn lọc, chỉ bù giá đối với các doanh nghiệp trong việc tổ chức bữa ăn trưa cho công nhân, cho cán bộ, công nhân có mức lương dưới 1,5 triệu đồng/tháng; còn với giá sữa ngoại, chỉ tầng lớp trung lưu mới dám dùng, sẽ vận động người tiêu dùng tự gánh vác nhằm hỗ trợ Chính phủ trong thời điểm hiện nay.
 

[1] Trong cuốn Việt Nam cải cách kinh tế theo hướng rồng bay của Viện Phát triển quốc tế Havard, Nxb Chính trị quốc gia 1994, trang 35, có câu: "Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng kinh ngạc" và trong cuốn Việt Nam quá độ sang kinh tế thị trường, Ngân hàng thế giới xuất bản tháng 9-1993, tr 6 có câu "Việt Nam đã có tiến bộ đáng khâm phục"

[2] Xem: Định Phương: “Bàn về lạm phát ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng Sản, tháng 2 năm1988, tr 60

[3] Các Mác, Tư bản, Phê phán khoa kinh tế chính trị, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1959, tr 187

[4] Frederic S. Mishkin: Ngân hàng, tiền tệ và thị trường tài chính, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 1994, tr 29