Chiều 12-4 theo giờ địa phương, tại Thủ đô Oa-sinh-tơn (Mỹ) đã diễn ra Hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân với sự tham dự của 50 đoàn, trong đó có ba tổ chức quốc tế gồm Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Liên hiệp châu Âu (EU) và lãnh đạo cấp cao của 47 nước.

 
Phát biểu ý kiến khai mạc, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) nhấn mạnh, mối đe dọa khủng bố hạt nhân không phải xa vời, mặc dù ít khả năng xảy ra nhưng hậu quả rất lớn. Ông  cho rằng, ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố hạt nhân là trách nhiệm của tất cả các nước và nguy cơ này có thể kiểm soát được nếu có sự nỗ lực của các quốc gia và tổ chức quốc tế.

Lãnh đạo các nước: Nhật Bản, Nga, Ðức, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan,... cũng nhấn mạnh mối đe dọa trong lĩnh vực bảo đảm  an ninh hạt nhân, hậu quả cũng như tăng cường hợp tác quốc tế để ngăn chặn các mối đe dọa đó. Các nhà lãnh đạo cho rằng, vấn đề an ninh được đặt ra hiện nay là do khả năng các vũ khí, vật liệu, công nghệ hạt nhân rơi vào tay các đối tượng phi nhà nước hoặc các quốc gia có tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân đã trở thành nguy cơ hiện hữu. Tình trạng buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân và chất phóng xạ không suy giảm. Các tổ chức khủng bố thể hiện rõ ý đồ sử dụng vật liệu hạt nhân và phóng xạ vào mục đích xấu. Do đó, việc bảo đảm an ninh hạt nhân là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Theo IAEA, hiện có bốn loại nguy cơ đối với an ninh hạt nhân, gồm: Ðánh cắp vũ khí hạt nhân; chế tạo vật liệu nổ hạt nhân từ vật liệu hạt nhân lấy cắp được; sử dụng các vật liệu hạt nhân và phóng xạ vào mục đích xấu; tấn công hay phá hoại các cơ sở hạt nhân hoặc vật liệu hạt nhân đang được vận chuyển. Do vậy, an ninh hạt nhân là phương tiện, biện pháp nhằm ngăn ngừa, phát hiện và đối phó với các hành động lấy cắp, phá hoại, tiếp cận trái phép, chuyển giao bất hợp pháp hoặc các hành động xấu khác liên quan đến vật liệu hạt nhân, các chất phóng xạ và các cơ sở liên quan đến vật liệu hạt nhân cũng như chất thải phóng xạ.

Trong hai ngày hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận các chủ đề: "Mối đe dọa khủng bố hạt nhân", "Hành động quốc gia bảo đảm  an ninh hạt nhân", "Vai trò của IAEA đối với an ninh hạt nhân" và "Hành động quốc tế bảo đảm an ninh hạt nhân".

Thảo luận về mối đe dọa khủng bố và buôn bán hạt nhân bất hợp pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam lên án những hành động khủng bố dưới mọi hình thức, ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực chống khủng bố của cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Thủ tướng nêu rõ, luật pháp Việt Nam có nhiều quy định về bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, nghiêm cấm các hành động buôn bán bất hợp pháp các vật liệu sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân. Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động, triển khai nhiều biện pháp cụ thể để thực hiện những mục tiêu này. Ðồng thời, Việt Nam coi trọng việc gia nhập các điều ước quốc tế, tích cực tham gia các hoạt động song phương và đa phương về chống khủng bố.  Ðể nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế chống khủng bố, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các quốc gia quan tâm hơn nữa tới việc hỗ trợ các nước có yêu cầu triển khai các biện pháp chống khủng bố, bảo đảm an ninh hạt nhân, thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan.

* Sáng 13-4 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Oa-sinh-tơn, dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma, các nhà lãnh đạo đã tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân với chủ đề "Hành động quốc gia bảo đảm an ninh hạt nhân".

Tại phiên họp, các nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng, việc bảo đảm an ninh hạt nhân và chống khủng bố hạt nhân hiện là vấn đề cần được hết sức quan tâm vì song hành với việc năng lượng hạt nhân được sử dụng ngày càng nhiều là nguy cơ khủng bố quốc tế gia tăng. Việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân trước hết là trách nhiệm của từng quốc gia, nhưng cũng đòi hỏi sự hợp tác quốc tế chặt chẽ.

Là một trong những quốc gia tham luận tại phiên họp này, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về những hành động cụ thể của Việt Nam đối với việc bảo đảm an ninh hạt nhân cũng như trách nhiệm của các nước trong vấn đề này đã được các nhà lãnh đạo và tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố dưới mọi hình thức và thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân an ninh, an toàn vì mục đích hòa bình, vì lợi ích của các quốc gia. Việt Nam hoan nghênh việc ký Hiệp ước về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới đây giữa Nga và Hoa Kỳ. Sự kiện này là một bước tiến quan trọng trong những nỗ lực chung hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn coi bảo đảm an toàn, an ninh là ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển ứng dụng năng lượng hạt nhân, do đó đã chủ động xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, hệ thống cơ quan quản lý về kiểm soát, bảo đảm an toàn, an ninh trong việc sử dụng vật liệu hạt nhân và chất phóng xạ. Thủ tướng đồng thời nêu rõ, Việt Nam tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng liên quan lĩnh vực này. Chính phủ Việt Nam đã quyết định tham gia Công ước an toàn hạt nhân và ủng hộ Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong năm 2010, Việt Nam tích cực đóng góp vào việc xây dựng một khu vực Ðông - Nam Á phát triển phồn thịnh và không có vũ khí hạt nhân.

Việt Nam cũng thể hiện ý thức trách nhiệm cao qua việc tham gia nhiều chương trình và sáng kiến của cộng đồng quốc tế, trong đó có hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Mỹ và Nga chuyển đổi nhiên liệu u-ra-ni  làm giàu ở cấp độ cao sang u-ra-ni làm giàu ở cấp độ thấp của lò phản ứng nghiên cứu và hợp tác với Liên hiệp  châu Âu, Nhật Bản, Mỹ sử dụng thiết bị phát hiện bức xạ tại cảng biển ở Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, là quốc gia đang đẩy mạnh ứng dụng năng lượng hạt nhân, bắt đầu triển khai chương trình điện hạt nhân, Việt Nam coi trọng và sẵn sàng mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Cho đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác hạt nhân song phương với Nga, Trung Quốc, Pháp, Ấn Ðộ, Hàn Quốc, Ác-hen-ti-na, và mới đây đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Mỹ. Thủ tướng cũng khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với những phương hướng và nhiều biện pháp tổng thể nêu trong các dự thảo văn kiện của hội nghị, trong đó có việc tăng cường hiệu quả các điều ước, cơ chế, tổ chức quốc tế sẵn có, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, phát huy sự tham gia của ngành công nghiệp hạt nhân và các tổ chức, cá nhân khác liên quan phù hợp với luật pháp và nghĩa vụ quốc tế của mỗi quốc gia. Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh tới yêu cầu đáp ứng những quan tâm của các quốc gia đang phát triển về ứng dụng năng lượng hạt nhân an toàn, an ninh và hiệu quả; tạo những điều kiện cần thiết để IAEA hoạt động được như sự mong đợi của cộng đồng quốc tế.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác giúp đỡ quý báu của cộng đồng quốc tế trong việc phát triển ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục tiêu hòa bình và phát triển.

* Trước thềm Hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân, trưa 12-4, tại Thủ đô Oa-sinh-tơn, Phó Tổng thống Mỹ Giô-xép Bai-đơn đã có cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, và các nhà lãnh đạo một số nước tham dự hội nghị. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cùng Ngài Bai-đơn và các vị lãnh đạo các nước trao đổi ý kiến về những vấn đề ưu tiên của cộng đồng quốc tế trong nhiều năm qua về bảo đảm an ninh hạt nhân.

Phát biểu ý kiến  tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam mong muốn có điều kiện để tranh thủ năng lượng hạt nhân cho phát triển đất nước và ủng hộ mạnh mẽ việc giải trừ hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân nhằm tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Thủ tướng  nhấn mạnh, Hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân và Hội nghị kiểm điểm việc thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào tháng 5-2010 sẽ là những cơ hội quan trọng để các quốc gia thể hiện ý chí chính trị, đưa ra những cam kết cụ thể về giải trừ quân bị, vũ khí hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân và thúc đẩy sử dụng an toàn, vì mục đích hòa bình năng lượng hạt nhân, trong đó có việc bảo đảm an ninh hạt nhân. Ðây là những vấn đề có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và cần được giải quyết một cách tổng thể để có được những tiến bộ vững chắc theo ước vọng của các dân tộc kể từ khi bắt đầu "Kỷ nguyên hạt nhân" là nguyên tử vì hòa bình.

* Chiều 12-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nhật Bản Y-u-ki-ô Ha-tô-y-a-ma, Thủ tướng Niu Di-lân Giôn Ki, Thủ tướng Ma-rốc Áp-bát En Pha-si và Chủ tịch EU Héc-man Van Rôm-puy.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Ha-tô-y-a-ma bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực và nhất trí hai bên cần cùng nhau phấn đấu để đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản phát triển sâu rộng hơn nữa, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ thiết thực của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong công cuộc phát triển và xây dựng đất nước, đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục tăng cường viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam và ủng hộ Việt Nam thực hiện các dự án lớn về cơ sở hạ tầng. Thủ tướng Nhật Bản  khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác tích cực với Việt Nam để thực hiện các dự án mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã thỏa thuận và tiếp tục cam kết ODA ở mức cao cho Việt Nam để tạo điều kiện triển khai dự án đường sắt cao tốc bắc - nam, dự án đường bộ cao tốc bắc - nam và dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Niu Di-lân Giôn Ki, hai nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua đã có nhiều bước phát triển quan trọng, nổi bật là chuyến thăm Niu Di-lân cuối năm 2009 của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, đánh dấu việc nâng quan hệ hai nước lên tầm đối tác toàn diện. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên nỗ lực tiếp tục những hướng hợp tác mới đang mở ra, nhanh chóng triển khai các cơ chế hợp tác song phương đã thỏa thuận. Thủ tướng Giôn Ki khẳng định, Niu Di-lân coi trọng việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam và sẽ sang thăm chính thức Việt Nam trong thời gian tới để tận mắt chứng kiến sự phát triển của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh chuyến thăm của Thủ tướng Giôn Ki, coi đây là sự thể hiện sinh động của mối quan hệ hai nước vào dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trao đổi ý kiến với Thủ tướng Ma-rốc Áp-bát En Pha-si, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh những bước phát triển tích cực của quan hệ hai nước từ sau chuyến thăm Việt Nam năm 2008 của Thủ tướng Áp-bát En Pha-si. Thủ tướng Áp-bát En Pha-si nhấn mạnh, Ma-rốc rất quan tâm theo dõi sự phát triển và những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hai nước cần nỗ lực khai thác những tiềm năng hợp tác phong phú, phát huy những thế mạnh của hai bên trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, khai khoáng, sản xuất phân bón, tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc thường xuyên hơn giữa các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp hai nước để tìm hiểu thông tin, trao đổi kinh nghiệm và nắm bắt các cơ hội hợp tác song phương cũng như hợp tác ba bên ở các nước châu Phi khác.

Gặp Chủ tịch EU Héc-man Van Rôm-puy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chúc mừng Ngài đảm nhận cương vị và trọng trách lớn lao của EU và nhấn mạnh, Việt Nam và EU đang đứng trước yêu cầu phải đưa quan hệ hai bên đi vào chiều sâu và cần phấn đấu để xây dựng quan hệ thành một hình mẫu về hợp tác giữa một trung tâm phát triển và một nước đang phát triển. Việt Nam hoan nghênh EU vừa qua có báo cáo tích cực về quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, đề nghị EU sớm công nhận Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí còn lại, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại hai chiều phát triển. Chủ tịch EU  nhất trí hai bên cần tích cực định hình những khuôn khổ mới, vững chắc, toàn diện hơn cho quan hệ Việt Nam - EU trong giai đoạn tới, khẳng định EU rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, tin tưởng hai bên sẽ sớm ký Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA), tiến tới Hiệp định thương mại tự do (FTA). Chủ tịch EU đánh giá cao vai trò quan trọng của Việt Nam trong ASEAN và bày tỏ hy vọng trong năm Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam và EU sẽ phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy quan hệ ASEAN - EU phát triển mạnh mẽ hơn nữa./.