Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 5 đến ngày 11-4-2010)
Ngày 5-4, Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê-kông quốc tế lần thứ nhất đã diễn ra trọng thể tại Hua Hin (Thái Lan) với sự tham gia của Thủ tướng 4 quốc gia thành viên là Việt Nam, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia; các nước đối thoại (Trung Quốc, Mi-an-ma); các quốc gia và các tổ chức tài trợ quốc tế. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Hiệp định Mê-kông 1995 với việc thành lập Ủy hội sông Mê-kông đã mở ra một chương mới trong hợp tác Mê-kông. Hiệp định đã đưa ra tầm nhìn chiến lược và những nguyên tắc cơ bản về sử dụng công bằng, hợp lý nước và tài nguyên nước trong lưu vực sông Mê-kông, xác định những lĩnh vực hợp tác và quy định cụ thể về các hoạt động phát triển chung trong lưu vực. Lãnh đạo 4 nước ra Tuyên bố chung với chủ đề “Đáp ứng nhu cầu, bảo đảm cân bằng: Hướng tới phát triển bền vững lưu vực sông Mê-kông” và đề nghị các quốc gia cần tập trung đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước, nghiên cứu xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu đối với toàn lưu vực sông Mê-kông, để từ đó đề ra kế hoạch hành động ứng phó chung nhằm tăng cường hợp tác trong nỗ lực bảo vệ giá trị to lớn của hệ sinh thái tự nhiên và cân bằng sinh thái lưu vực sông Mê-kông.
2. Hội nghị toàn quốc sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX)
Ngày 6-4-2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX về “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Nghị quyết được ban hành đã đáp ứng nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Kinh tế tư nhân phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Trong hai năm gần đây, trong điều kiện nền kinh tế chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, khu vực kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục tăng trưởng khá. Tuy nhiên, việc thể chế hóa một số nội dung của Nghị quyết còn chậm, chưa đồng bộ. Nhiều nơi chưa quan tâm đến định hướng phát triển kinh tế tư nhân theo quy hoạch ngành và lãnh thổ. Kinh tế tư nhân phát triển còn tự phát, nhỏ lẻ, manh mún. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân còn nhiều khó khăn...
3. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự buổi họp mặt mừng Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây của đồng bào Khmer
Ngày 6-4-2010, tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tới dự buổi họp mặt mừng Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ (sẽ diễn ra vào các ngày 14, 15 và 16-4) do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức. Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, Ủy ban Dân tộc cùng hơn 620 đại biểu, đại diện chức sắc Phật giáo Nam tông, cán bộ, chiến sĩ, gia đình chính sách tiêu biểu và đồng bào dân tộc Khmer của 9 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai đã tới dự. Ghi nhận những đóng góp to lớn của bà con các dân tộc trong đó có dân tộc Khmer Nam Bộ, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đồng bào Khmer là một cộng đồng không thể tách rời, không thể chia cắt của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta đang làm hết sức mình góp phần duy trì ổn định, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, cùng giúp đỡ hỗ trợ để đồng bào có cuộc sống tốt hơn... Nhân dịp năm mới của đồng bào Khmer, Chủ tịch nước chúc mọi người sức khoẻ, hạnh phúc và thành công, chúc sức khoẻ các vị lão thành cách mạng đã gắn bó cả cuộc đời với các tỉnh Tây Nam Bộ và vun đắp cho tình đoàn kết giữa các dân tộc. Chủ tịch nước mong muốn các tỉnh, thành phố trong khu vực cần tiếp tục chăm sóc bà con dân tộc và sự chăm sóc đó ngày càng được phát huy để đồng bào có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
4. Văn Miếu đón nhận Bằng Di sản tư liệu thế giới
Ngày 7-4-2010, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra lễ đón nhận Bằng Di sản Tư liệu thế giới dành cho 82 Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê- Mạc. 82 bia đá vinh danh tên tuổi những người đỗ trong các kỳ thi tuyển tiến sĩ đặt tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trên mỗi tấm bia đều có khắc một bài văn bằng chữ Hán, ghi lại lịch sử của các khoa thi tổ chức từ năm 1.442 đến 1.779. Có 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi được dựng, khắc tên 1.304 tiến sĩ. Tấm bia tiến sĩ đầu tiên được dựng năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1.442. Tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1.780 cho khoa thi tổ chức vào năm 1.779. Đây không chỉ là nguồn tư liệu phong phú phản ánh lịch sử khoa cử hơn 300 năm dưới triều Lê - Mạc màcòn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo của Việt Nam, thể hiện ở tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài. Cũng tại buổi lễ, Hà Nội đã đưa lễ Tuyên bố về “Cảnh quan đô thị lịch sử” tập trung vào vai trò và trách nhiệm chủ yếu của các thành viên, của các quốc gia tham gia diễn đàn. Tuyên bố này đã được thông qua tại “Diễn đàn UNESCO- Trường Đại học và Di sản lần thứ 12” do Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO cùng Thành phố Hà Nội, trường Đại học Bách khoa Va-len-xi-a, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức từ ngày 5 đến ngày 10-4-2009.
5. Tám điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010
Ngày 8-4-2010, tại cuộc họp giao ban thường kỳ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2010 về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2009 và có thêm tám điều chỉnh mới. Theo đó, 1- Đối với các trường giao thông không thuận tiện, điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ được lựa chọn phương án tổ chức thi và báo cáo giải trình với Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng văn bản. 2- Thí sinh chỉ được làm bài một trong hai phần tự chọn trong đề thi; nếu làm bài cả hai phần tự chọn thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm cả hai phần. 3- Danh sách thí sinh trong mỗi cụm trường, sẽ được xếp theo hai bước: một là, xếp theo môn thi ngoại ngữ (trừ thí sinh giáo dục thường xuyên), thứ tự là tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật và môn thi thay thế; hai là, xếp danh sách thí sinh phải thi của mỗi môn thi ngoại ngữ và thí sinh của giáo dục thường xuyên (nếu có) theo thứ tự a,b,c,... của tên thí sinh. 4- Mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi nếu điểm bài thi thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó ở lớp 12 từ 1,0 điểm trở lên. Thời gian nộp đơn phúc khảo là trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày niêm yết công khai kết quả của kỳ thi. 5- Điểm của bài thi sẽ được điều chỉnh khi điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 1,0 điểm trở lên đối với môn ngữ văn và từ 0,5 điểm trở lên đối với các môn thi khác. 6- Tất cả mọi người tham gia tổ chức thi đều phải được học tập, nắm vững quy chế thi; tuyệt đối không được mang theo và sử dụng các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân trong khu vực thi khi các buổi thi đang diễn ra. 7- Trước khi giám khảo chấm bài thi tự luận, tổ trưởng tổ chấm thi tổ chức cho các thành viên nghiên cứu hướng dẫn chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiến hành chấm chung ít nhất 15 bài thi để giúp cho mọi giám khảo của tổ nhất quán thực hiện hướng dẫn chấm thi. Các bài chấm chung phải được cho điểm ngay sau khi thống nhất điểm, phải ghi rõ "bài chấm chung" kèm theo chữ ký của tổ trưởng tổ chấm thi và ít nhất hai giám khảo. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều động thanh tra của sở thứ ba (không phải là thanh tra của sở có bài chấm, cũng không phải là thanh tra của sở chấm bài) đến làm nhiệm vụ thanh tra chấm ở các hội đồng chấm thi. 8- Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập các đoàn thanh tra thi tốt nghiệp của bộ đến làm nhiệm vụ giám sát, đôn đốc việc thực hiện quy chế trong tất cả các khâu của kỳ thi tại các địa phương, đơn vị tổ chức thi.
6. Tái hiện lễ tế Xã Tắc triều Nguyễn
Ngày 8-4-2010, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã long trọng tổ chức chương trình tái hiện lễ tế Xã Tắc triều Nguyễn với sự tham gia của 100 bô lão đến từ các địa phương của Thừa Thiên - Huế đại diện cho trăm họ (bách tính) và 550 diễn viên tạo thành một đám rước mang màu sắc cung đình với có voi, ngựa, cờ, lọng, kiệu, áng... tái hiện lại các nghi tiết như: Lễ rửa tay tẩy trần; Lễ dâng hương; Lễ Nghinh thần; Lễ dâng ngọc trắng; Lễ đọc chúc văn; Lễ dâng rượu; Lễ hưởng lộc; Lễ hạ cỗ; Lễ Tống thần; Lễ đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị. Lễ tế đàn Xã Tắc tức tế thần đất và thần lúa là một lễ hội cung đình có lịch sử lâu đời ở Việt Nam. Thời nhà Nguyễn lễ tế này thường được tổ chức vào tháng hai âm lịch hàng năm, nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hoà, đất đai tươi tốt, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm. Được nghiên cứu và phục dựng lại, lễ hội tế Xã Tắc đến năm nay đã qua 3 lần tổ chức, thu hút ngày càng nhiều người dân cùng du khách tham gia, trở nên một lễ hội đậm tính cộng đồng tại Huế trước mỗi mùa Festival. Chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao, lễ tế Xã Tắc đã được sử sách ghi vào hàng “đại tự” theo thứ tự “thiên – địa – nhân” mang ý nghĩa cha ông ngày xưa rất sâu sắc. Đây là 1 trong những hoạt động Hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội và Festival Huế 2010.
7. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 14
Ngày 8-4-2010, tại Nha Trang, Khánh Hòa, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN với sự có mặt của Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB). Hội nghị đánh giá cao Lộ trình hội nhập tài chính tiền tệ ASEAN trong các lĩnh vực: phát triển thị trường vốn, tự do hoá tài khoản vốn; tự do hoá dịch vụ tài chính và hợp tác tiền tệ. Các nước ASEAN đã hồi phục tài chính vững mạnh, dự kiến năm 2010, tốc độ tăng trưởng GDP các nước ASEAN sẽ đạt 4,9 đến 5,6%, vì vậy các Bộ trưởng Tài chính đã cam kết thực hiện các nội dung đặt ra về hội nhập tài chính Á với quyết tâm thực hiện tốt các cam kết về tự do hóa dịch vụ tài chính, tài khoản vốn, phát triển và hội nhập thị trường vốn. Hội nghị cũng thảo luận đề xuất thành lập Quỹ Tài trợ kết cấu hạ tầng ASEAN nhằm thúc đẩy việc huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực; phối hợp với ADB xây dựng quỹ một cách phù hợp phù hợp sớm đưa quỹ này vào hoạt động. Các Bộ trưởng tiếp tục cam kết hội nhập trong thời gian tới, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như: bảo hiểm, thuế, hải quan; thảo luận về các vấn đề khác như chương trình xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN trong năm 2010 và cơ quan giám sát kinh tế vĩ mô ASEAN. Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN đã ký kết nghị định thư về Biểu thuế quan hài hòa ASEAN và ra Tuyên bố báo chí.
8. Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 thành công tốt đẹp
Từ ngày 8 đến ngày 9-4-2010, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16 với chủ đề xuyên suốt là “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động”. Sau phiên họp chính thức và các Hội nghị các quan chức cấp cao Ngoại giao ASEAN (SOM), Hội nghị các quan chức cấp cao kinh tế ASEAN (SEOM), Hội nghị các quan chức cấp cao văn hóa xã hội ASEAN (SOCA), thảo luận những vấn đề chung của cộng đồng ASEAN như: Triển khai Hiến chương và xây dựng cộng đồng ASEAN, Hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu; Quan hệ đối ngoại của ASEAN và vai trò ASEAN ở khu vực….Hội nghị đã kết thúc tốt đẹp. Các vị lãnh đạo cấp cao ASEAN đã thông qua 2 Tuyên bố quan trọng của Hội nghị, đó là Tuyên bố về Phục hồi và Phát triển bền vững và Tuyên bố về Hợp tác đối phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, ASEAN sẽ tập trung đẩy nhanh liên kết kinh tế ASEAN thông qua việc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã có, coi trọng gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục đẩy mạnh triển khai sáng kiến kết nối ASEAN, hỗ trợ tăng cường liên kết kinh tế và xây dựng cộng đồng ASEAN cũng như gia tăng hợp tác, thông qua kế hoạch, biện pháp cụ thể, gắn kết với các chương trình hành động quốc gia; cam kết đóng góp tích cực cho nỗ lực chung toàn cầu hướng tới đạt một thoả thuận quốc tế có tính ràng buộc về pháp lý về biến đổi khí hậu”.
9. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc A-rập Xê-út
Khai mạc phiên họp thứ 30 Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 30  (12/04/2010)
Tập trung giải quyết các "điểm nóng" môi trường  (12/04/2010)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc A-rập Xê-út  (11/04/2010)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cấp cao an ninh hạt nhân tại Hoa Kỳ và thăm chính thức Cộng hòa Ác-hen-ti-na  (11/04/2010)
Phát triển lâm nghiệp Tây Nguyên  (11/04/2010)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên