Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố báo cáo hàng năm về tình hình nhân quyền, dân chủ của nhiều nước trên thế giới, trong đó đưa ra những phán xét hết sức sai trái về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Đây là những cáo buộc vô căn cứ, không khách quan về tình hình Việt Nam.

Cũng như mọi năm, dư luận nhiều nước đã phê phán mạnh mẽ báo cáo trên của Mỹ, bởi sự không khách quan và thiếu chính xác trong những đánh giá về tình hình nhân quyền của các nước.

Phần nói về Việt Nam dài hơn 50 trang đề cập tới hầu hết các lĩnh vực nhân quyền, từ các quyền về con người, dân chủ, báo chí, đến cả chính sách của Việt Nam trong các vấn đề này. Trong đó, họ cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, mọi hoạt động đối lập bị cấm đoán, rằng cái gọi là những người bất đồng chính kiến tiếp tục bị trấn áp, bắt giữ tuỳ tiện. Thậm chí, báo cáo còn cho rằng cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5-2007 là thiếu tự do, công bằng và mất dân chủ.

Đây là những cáo buộc vô căn cứ, không khách quan về tình hình Việt Nam. Ở Việt Nam không ai bị bắt vì lý do chính kiến hoặc vì lý do tôn giáo, chỉ có những người vi phạm pháp luật và bị xử lý theo đúng các qui định của pháp luật. Cũng cần nhắc lại rằng, cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5 năm ngoái, là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và người dân đã đi bỏ phiếu với tất cả trách nhiệm công dân rất cao, không hề có sự mất tự do hay mất dân chủ. Ngay dư luận nhiều nước, trong đó có các chính khách cấp cao trong chính quyền, các giới ở nhiều nước phương tây khi đến Việt Nam trong dịp này cũng nhận định như vậy. Ông Ajay Chibber, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khi nghiên cứu về tình hình Việt Nam đã nhận định rằng, ở Việt Nam không có nơi nào bị bỏ rơi trong công cuộc xoá đói giảm nghèo. Tăng trưởng đồng đều cho mọi người trên cả ba lĩnh vực là giáo dục, thương mại và cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, ngày nay Việt Nam đã có tỷ lệ người biết đọc, biết viết lên tới 95%, cao hơn cả các nước đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như Trung Quốc và Ấn Độ. Khoảng 95% hộ gia đình có điện lưới so với 50% những năm 90 và khoảng 90% dân số sống trong khoảng cách 2 km tới đường có thể đi được trong mọi thời tiết. Điều đó có nghĩa, Việt Nam đã có sự liên kết giữa nông thôn và thành thị, nhằm đảm bảo đồng bào các dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa không bị tụt hậu.

Với những thành quả có ý nghĩa đó, rõ ràng người dân Việt Nam đã và đang được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người được nêu trong Tuyên ngôn nhân quyền và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia. Như vậy, làm sao báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ lại có thể kết luận một cách bừa bãi rằng tình hình nhân quyền Việt Nam là không tốt và chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế… Mục đích của những người soạn thảo báo cáo này là muốn áp đặt thứ nhân quyền kiểu Mỹ, dùng nhân quyền can thiệp vào công việc nội bộ các nước.

Trong khi tự cho mình quyền phán xét tình hình nhân quyền các nước, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ lại không hề đề cập tới tình trạng vi phạm nhân quyền ngay ở nước Mỹ. Mà điển hình nhất là mới tuần trước, Tổng thống George W.Bush đã phủ quyết dự luật ngăn cấm Cục tình báo trung ương Mỹ CIA tiến hành các biện pháp tra tấn tàn bạo đối với người bị giam giữ. Đây chính là một việc làm nhằm hợp pháp hoá các hành động tra tấn, áp dụng các biện pháp nhục hình đối với người bị giam giữ. Ngay chính Mỹ đã liên tục có các hành động vi phạm nhân quyền tại Iraq và Afghanistan. Người dân Việt Nam vẫn còn nhớ những hành động vi phạm nhân quyền thô bạo của Mỹ khi tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược đất nước mình. Cách đây 40 năm, chính quân đội Mỹ đã thảm sát hơn 500 dân thường vô tội tại Sơn Mỹ, nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay, tại đây vẫn còn lưu giữ rất nhiều những tấm ảnh mô tả thảm cảnh khủng khiếp đó. Chính nỗi đau đó đã luôn nhắc nhở người dân nỗ lực không ngừng để xây dựng, gìn giữ chủ quyền của tổ quốc, nhằm bảo vệ những quyền cao quí nhất của con người, là được sống trong hoà bình, ổn định, được đảm bảo việc làm và đời sống hạnh phúc.

Bởi vậy, hoàn toàn xác đáng, khi dư luận cho rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi bày tỏ lo ngại về tình hình nhân quyền ở các nước khác, thì hãy quan tâm giải quyết chính những hành động nhân quyền ở đất nước mình và cũng đừng bao giờ để xảy ra những cuộc chiến tranh tàn khốc, với những vụ thảm sát như ở Sơn Mỹ cách đây 40 năm. Có như vậy không chỉ người dân nước Mỹ mà cả đông đảo nhân dân các nước khác mới được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của con người – như chính Tuyên ngôn của Hợp chủng quốc Hoa kỳ đã nêu ra từ hơn 200 năm trước, là con người sinh ra đều phải có quyền được sống trong hoà bình, độc lập và hạnh phúc./.