Thiên tai là hiện tượng thiên nhiên bất khả kháng - một hiểm hoạ khôn lường đối với loài người. Ở nước ta, do vị trí địa lý đặc biệt, nên hằng năm phải đối mặt và chịu hậu quả rất nặng nề do mưa bão, lũ lụt.

Chỉ riêng năm 2007, thiên tai đã làm 462 người chết, 33 người mất tích, gây thiệt hại về vật chất lên đến hơn 11.500 tỉ đồng. Gần 10.000 ngôi nhà bị cuốn trôi, 718.000 ngôi nhà bị hư hại, nhiều công trình giao thông, thủy lợi hư hỏng nặng.(1) Ngành nông nghiệp là khu vực chịu tác động mạnh mẽ và nặng nề nhất của việc biến đổi khí hậu và liên quan tới cuộc sống của 73% dân số Việt Nam, trong đó phần lớn là người nghèo.

Chủ động phòng chống thiên tai và giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra là mục tiêu quan trọng được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Để bảo đảm cuộc sống và sự an toàn cho đồng bào trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hằng năm, Chính phủ đã dành một nguồn lực lớn về người và của để gia cố đê kè, xây dựng những công trình thủy lợi, giao thông những khu tránh lũ, khu tái định cư cho đồng bào vùng lũ. Đặc biệt, đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ ngư dân sắm sửa tàu thuyền, phương tiện hiện đại để có thể chống chọi với sóng to, gió lớn mỗi khi mùa bão đến... Theo đó công tác dự báo, công tác cứu hộ đều được quan tâm đặc biệt. Tuy vậy, việc phòng, chống bão lũ, cũng như việc sống chung với bão, lũ luôn là bài toán không dễ giải nếu không có sự tham gia tích cực, chủ động của mỗi người dân cũng như cả cộng đồng.
 
Mùa mưa, bão, lũ năm nay đã đến và, ngay từ đầu mùa đã thấy những dấu hiệu bất thường của thời tiết, thấy sự “đỏng đảnh của ông trời”. Đầu năm, miền Bắc đã phải vật lộn với một đợt rét đậm kéo dài gần 2 tháng làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cuộc sống con người, cũng như mùa màng gia súc, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. 30 vạn héc-ta lúa chiêm xuân; 35 nghìn trâu bò; hàng trăm tấn cá nuôi; hàng chục nghìn gia súc, gia cầm đã chết. Ở một số tỉnh miền núi cao, không chỉ hoa màu, cây trồng lâu năm mà cả trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt... cũng chết vợi hẳn, gây bao khốn khó, nhất là với người nghèo. Nếu tính về thời gian thì đợt rét này vượt kỷ lục của 40 năm trước. Nếu tính nhiệt độ xuống thấp thì hơn 20 năm nay mới có một lần. Các nhà khoa học về thời tiết đánh giá, đây là trận rét lịch sử, chưa từng thấy sau gần trăm năm theo dõi của họ.

Theo các nhà phân tích, sự bất thường của thời tiết năm nay đã được thể hiện sớm và rõ nét nhất qua cơn bão số 1 vừa qua. Sự hình thành bão số 1 từ áp thấp nhiệt đới sau khi vào Biển Đông và trở thành bão mạnh cấp 13 hồi giữa tháng 4 là sớm gần 2 tháng so với trung bình nhiều năm và trái với quy luật trong vòng mấy chục năm qua. Đặc biệt sau bão số 1, cơn bão Na-gít đổ bộ vào Mi-an-ma, cuối tháng 4 vừa qua đã gây ra một hậu quả vô cùng tàn khốc, làm hơn 250.000 người bị chết và mất tích, gây tổn thất vô cùng nặng nề đối với nền kinh tế của Mi-an-ma.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định: năm nay, tình trạng mưa bão, lũ lụt sẽ mạnh hơn mức bình thường, nhiều khả năng Việt Nam sẽ phải chịu từ 6 đến 8 cơn bão mạnh. Sự bất thường của tình hình thời tiết năm nay còn được thể hiện qua việc: sau khi hiện tượng La Nina suy yếu trong tháng 1-2008 đã có hai cơn áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở Nam Biển Đông và gây mưa lớn trái mùa ở Trung bộ, Nam bộ. Trước mùa mưa bão được dự kiến bất thường, các nhà khoa học cảnh báo người dân và các cấp chính quyền địa phương ngay từ thời điểm này cần lên kế hoạch đối phó với bão lũ.Nông dân khi đi làm đồng, cần đề phòng dông sét gây nguy hại đến tình mạng.

Bài học rút ra từ mùa mưa bão năm 2007, cho thấy, nếu có sự chuẩn bị chu đáo và chủ động phòng chống thì sẽ hạn chế được đến mức thấp nhất những thiệt hại. Vì vậy, ngay từ bây giờ cần chủ động và tích cực đề ra nhiều phương án chống bão lũ. Nếu lơ là, mất cảnh giác hoặc chủ quan, coi thường công tác phòng chống, đặc biệt là việc tuyên truyền vận động nhân dân tham gia tích cực trong phòng chống mưa, bão, lũ thì hậu quả và thiệt hại sẽ khôn lường.
 
Đánh giá công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2007, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kiêm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát cho rằng, công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu phương tiện cứu nạn, chưa chủ động được lương thực, nước sạch cho nhân dân vùng bị thiên tai. Đây cũng chính là những tồn tại lớn cần khắc phục ngay trong năm 2008 này và những năm sau. Bên cạnh đó, để chủ động phòng chống bão, lũ, cần thực hiện tốt một số công việc sau:
 
Một là, làm tốt công tác dự báo thời tiết, tăng cường thông tin kịp thời đến người dân, có như vậy người dân mới có thể chủ động phòng chống và sẵn sàng đối phó với bão lũ. Vấn đề này đặc biệt cần thiết đối với những nơi phải di dời dân ra khỏi vùng bão lũ và đối với ngư dân hoạt động trên biển trong thời điểm có bão.
 
Hai là, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là người dân trong vùng thường xuyên phải chịu tác động của bão lũ, làm cho họ nhận thức được vai trò trách nhiệm của bản thân và gia đình trong việc chủ động, sẵn sàng và nỗ lực đối phó với bão lũ.
 
Ba là, thực hiện “bốn tại chỗ”, phát huy vai trò chính quyền cơ sở trong công tác phòng chống, di dời, cứu hộ khi thiên tai xảy ra. Kinh nghiệm của nhiều địa phương cho thấy thực hiện tốt “bốn tại chỗ” là khâu quyết định trong việc giảm thiểu thiệt hại về người và của.

Bốn là, đầu tư nguồn lực, nâng cấp kết cấu hạ tầng ở những vùng trọng điểm, đặc biệt là vùng ven biển, vùng bãi ngang và vùng núi. Chủ động xây dựng nhiều phương án để có thể đối phó kịp thời trong mọi tình huống.

Sống chung với bão, lũ chủ động phòng chống bão, lũ là thông điệp quan trọng của Chính phủ gửi tới toàn Đảng, toàn dân. Ngay từ khi cơn bão số 1 đi vào vùng Biển Đông, cơ quan khí tượng thuỷ văn đã thường xuyên phát đi thông tin dự báo và hướng di chuyển của cơn bão 24/24 giờ. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quyết liệt phòng chống bão lũ, nhiều phương án đã được chuẩn bị và sẵn sàng triển khai ở mức nhanh nhất hiệu quả nhất. Sức người, sức của, phương tiện trong nước và sự kết hợp với các nước láng giềng trên vùng lãnh hải ngoài khơi và trên đất liền để được dự phòng chu đáo. Tuy nhiên, vai trò của từng người dân trong sự phối hợp với Chính phủ phòng chống bão lũ mà trước tiên là bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình mình và chia sẻ với cộng đồng là vô cùng quan trọng./.
 

(1) Theo báo cáo của ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn