Tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII đã diễn ra khẩn trương, sôi động và nhiều ấn tượng, thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri cả nước.

Quốc hội nghe báo cáo và tờ trình các dự án luật

Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ, tờ trình của các thành viên chính phủ về đề nghị phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006; dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; và, Báo cáo tổng hợp kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17-6-2003 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương.

Đồng thời với việc nghe báo cáo và các tờ trình các dự án luật, Quốc hội cũng đã nghe các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban Quốc hội. Đó là, báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006; thẩm tra dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí; thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam; thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; và, Báo cáo thẩm tra báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17-6-2003 của Quốc hội.

Quốc hội thảo luận về báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và các tờ trình dự án luật

Cùng với việc nghe báo cáo và các tờ trình, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận về các báo cáo của Chính phủ và các tờ trình các dự án tại hội trường hoặc tại các tổ. Qua thảo luận, cơ bản, các tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội.

Trong các phiên thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội tại hội trường hay tại các tổ, Quốc hội đã tập trung thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006. Đặc biệt, các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận báo cáo của Thủ tướng Chính phủ. Đa số các vị đại biểu đều nhất trí cho rằng, báo cáo của Thủ tướng đã thẳng thắn kiểm điểm những yếu kém, bất cập trong quản lý, điều hành vĩ mô của Chính phủ, đồng thời, cũng nêu rõ những giải pháp mà Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo trong thời gian tới, và theo đó, kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Mặc dù về cơ bản, các giải pháp mà Chính phủ đưa ra được nhiều vị đại biểu Quốc hội đồng tình nhưng cũng có nhiều ý kiến, băn khoăn xung quanh báo cáo của Chính phủ.

Trước hết, dù đã thẳng thắn thừa nhận những khuyết điểm, yếu kém của Chính phủ trong điều hành, dẫn đến những bất cập trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước nhưng báo cáo vẫn chưa chỉ rõ nguyên nhân từ đâu, trách nhiệm thuộc về ai, ngành nào, cấp nào? Một số đại biểu cho rằng, nếu không thấy rõ nguyên nhân, không chỉ rõ trách nhiệm cá nhân thì rất khó khắc phục và làm chuyển biến tình hình.

Thứ hai, các giải pháp mà Chính phủ đề xuất để kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng bền vững, theo các đại biểu, là có vẻ toàn diện nhưng việc luận chứng cơ sở kinh tế - xã hội chưa đầy đủ, do vậy, tính khả thi còn hạn chế. Đa số các vị đại biểu cho rằng, trong tình hình hiện nay, Chính phủ cần tập trung vào một số giải pháp mang tính khả thi cao để tập trung điều hành giải quyết những vấn đề đang cấp bách, chứ không nên theo đuổi những giải pháp chung chung, tổng thể xa vời, khó thực hiện hoặc chưa cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Thứ ba, về đề nghị của Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2008 từ 8,5-9% xuống 7%, có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, chưa đưa ra được cơ sở khoa học thuyết phục và thực tiễn dẫn đến việc tất yếu phải điều chỉnh; mặt khác, cũng có đại biểu cho rằng, chỉ tiêu chỉ là định hướng phấn đấu thực hiện chứ không phải là bắt buộc nên vấn đề điều chỉnh không phải là quá quan trọng. Bên cạnh đó, trong tình hình “bão giá” hiện nay nhiều ý kiến cho rằng cần lượng hóa giá tiêu dùng, nên công khai chỉ tiêu giá tiêu dùng năm 2008 để doanh nghiệp và nhân dân biết, cùng chia sẻ với Nhà nước.

Thứ tư, cùng với vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, vấn đề lạm phát, thị trường chứng khoán và giá cả các mặt hàng tư liệu sản xuất và sinh hoạt tăng vọt thời gian qua... nhiều vị đại biểu đặt vấn đề xem xét một cách nghiêm túc công tác dự báo, hoạch định chiến lược phát triển của các cơ quan tham mưu của Chính phủ.

Thứ năm, bên cạnh những vấn đề lớn được đề cập trong báo cáo của Chính phủ, nhiều vị đại biểu cũng tỏ ra bức xúc khi thảo luận các vấn đề như làm thế nào để giảm nhập siêu, bội chi ngân sách, hỗ trợ giá xăng, dầu, điện, than,... các vấn đề của hệ thống ngân hàng, tài chính tiền tệ, của thị trường chứng khoán, lương thực, đất nông nghiệp...

Cuối cùng, trong các phiên thảo luận, nhiều vị đại biểu đã phát biểu rằng, rút kinh nghiệm từ thực tế hiện nay, Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội cần nâng cao năng lực cá nhân, vai trò quan trọng và trách nhiệm đại diện của mình trước sự tin cậy của cử tri của cả nước, sát cánh cùng Chính phủ đưa đất nước sớm vượt qua những khó khăn hiện nay để tiếp tục phát triển một cách bền vững./.