Sáng 12-4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 12 khai mạc phiên họp lần thứ 30. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo qua Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010)

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, từ năm 2006 đến 2010, tổng kinh phí của ngân sách Trung ương và các nhà tài trợ quốc tế đã đầu tư cho Chương trình 135 (giai đoạn 2 là hơn 14.000 tỉ đồng, bằng 108% vốn tại văn kiện Chương trình đã đựơc duyệt). Mức vốn đầu tư cho một xã tăng dần qua các năm, lên tới 1,364 tỉ đồng một xã, giá trị thực hiện khối lượng công việc hoàn thành là 8.186 tỉ đồng, giải ngân được gần 8.000 tỉ đồng.

Qua quá trình thực hiện, chương trình góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội các địa phương đặc biệt khó khăn: 100% người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý được trợ giúp miễn phí. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 47% đầu năm 2006 xuống còn 31,2% năm 2009. Tỷ lệ hộ đạt mức thu nhập bình quân đầu người 3,5 triệu đồng/năm, đạt hơn 67%. Trên địa bàn các xã 135 có khoảng 30 chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án đang triển khai thực hiện liên quan đến xoá đói, giảm nghèo. Các địa phương đã chủ động lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo với các chương trình 135.

Tuy nhiên, đoàn giám sát của Quốc hội cũng nêu ra những tồn tại và hạn chế như tập quán, lao động của đồng bào chậm thay đổi, sản xuất thuần nông, tự sản, tự tiêu còn phổ biến. Nhiều tỉnh chưa chú ý đến quy hoạch, sắp xếp bố trí dân cư; tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ cận nghèo còn cao. Việc sử dụng và triển khai dự án của các địa phương không kịp thời, tỷ lệ giải ngân thấp, có địa phương phân bổ vốn sai nội dung, mục đích và sai đối tượng.

Tại phiên làm việc sáng 12-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị tiếp tục đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2011- 2015; ưu tiên vốn cho chương trình cùng với tăng cường giám sát việc thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chuẩn nghèo mới, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nănng lực tổ chức thực hiện cho cán bộ xã, thôn, bản. Chỉ đạo rà soát các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án khác đầu tư trên địa bàn, khắc phục sự trùng lắp các nội dung và công trình xây dựng./.