Vấn đề mà các đại biểu quan tâm là những thất thoát lớn về ngân sách mà chưa có biện pháp xử lý thoả đáng. Tình trạng trốn, lậu thuế vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương và đơn vị, số nợ đọng về thuế còn lớn, trong đó nhiều khoản nợ đọng kéo dài...

Sáng nay (10-5), bước sang ngày làm việc thứ 5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp.

Các đại biểu tập trung vào thảo luận 3 nhóm vấn đề chính: Một là, công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý thu chi ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có vấn đề liên quan đến thẩm quyền và việc bố trí sử dụng Ngân sách Nhà nước sao cho hiệu quả, đúng quy định pháp luật; Hai là, thực hiện những kiến nghị xác đáng của kiểm toán nhà nước, các cơ quan của Quốc hội trong thời gian vừa qua; trên cơ sở đó đặt ra yêu cầu đối với việc thực hiện các kiến nghị đó khi xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách. Ba là, những vấn đề liên quan đến chuyển nguồn và xử lý phần chênh lệch thu chi ngân sách nhà nước.

Đa số các Đại biểu Quốc hội đều tán thành với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Tuy nhiên, vấn đề mà các đại biểu quan tâm là những thất thoát lớn về ngân sách mà chưa có biện pháp xử lý. Tình trạng trốn, lậu thuế vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương và đơn vị, số nợ đọng về thuế còn lớn, trong đó nhiều khoản nợ đọng kéo dài không còn khả năng thu nhưng chậm được xử lý; Chất lượng xây dựng dự toán ngân sách một số địa phương còn chưa sát tình hình thực tế; Vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, thời gian thi công kéo dài, hiệu quả thấp; Tình trạng chi vượt dự toán, vượt chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi không đúng mục đích vẫn còn tồn tại khá phổ biến; một số khoản chi hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, việc phân bổ kinh phí cho lĩnh vực khoa học - công nghệ còn bất cập, giao ngân sách cho một số địa phương chưa đúng, chưa kịp thời dẫn đến hiệu quả sử dụng ngân sách chi cho khoa học - công nghệ đạt thấp.

Ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện Luật Ngân sách còn kém

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến, khi nhìn vào Báo cáo kiểm toán và Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện Ngân sách Nhà nước năm 2006 chúng ta không khỏi băn khoăn khi các tầng lớp nhân dân nhất là những người nghèo, có thu nhập thấp phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu nhưng lại có những Bộ, ngành địa phương, các cơ quan được giao sử dụng ngân sách nhà nước lại không hiệu quả, lãng phí lớn.

Báo cáo kiểm toán trình Quốc hội đã khẳng định rõ tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, nhiều công trình không thực hiện vẫn được giao kế hoạch vốn. Qua kiểm toán, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đều sử dụng sai đối tượng, mục đích, sai nguồn và không được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng nguyên nhân của những sai phạm nêu trên là do ý thức chấp hành pháp luật, nhất là thực hiện Luật Ngân sách của các ngành, các cấp còn yếu kém. Công tác quản lý điều hành chương trình còn bất cập. Việc thanh tra, kiểm tra của hệ thống quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên và đúng mức…

Trong khi đó, trong các giải pháp đề ra cho thời gian tới lại chưa thấy nhắc tới có sự tăng cường trách nhiệm thực thi pháp luật, đặc biệt là thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh kiến nghị, Quốc hội thống nhất với kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước phê chuẩn Quyết toán Ngân sách Nhà nước 2006 với những yêu cầu, con số cụ thể mà kiểm toán nhà nước đưa ra. Mặt khác đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ bổ sung những giải pháp tăng cường ý thức trách nhiệm của các bộ ngành, các địa phương trong thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước để Luật này được thực hiện đúng và phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Ngân sách Nhà nước.

Liên quan đến những khoản chi ngân sách sai mục đích mà kiểm toán nhà nước đã kiến nghị thu hồi, nhiều đại biểu kiến nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ hơn nữa.

Đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình), cho rằng ngân sách là một lĩnh vực rất quan trọng của đất nước, đây là tiền đóng thuế của người dân, đi vay và bán tài nguyên, dầu khí. Vì vậy Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện về thời gian, thông tin để các đại biểu có thể bàn kỹ hơn, chặt chẽ hơn về vấn đề này.

Thực hiện ngân sách cho khoa học - công nghệ còn nhiều bất cập

Đại biểu Nguyễn Văn Phát (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ là đầu tư cho phát triển con người, cho tiềm lực, chính vì thế nếu muốn lĩnh vực này thực sự trở thành động lực thì phải có những chính sách hợp lý hơn nữa. Đại biểu Nguyễn Văn Phát kiến nghị, Bộ Tài chính cần giám sát chặt chẽ trong việc chi ngân sách cho lĩnh vực này. Xu thế các địa phương đang sử dụng ngân sách cho nghiên cứu khoa học ngày càng ít đi và kém hiệu hiệu quả nhưng ngân sách vẫn “đọng” ở lĩnh vực này. Trong khi đó đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong các trường Đại học rất quan trọng thì lại bị thu hẹp đi. Đây là điểm bất hợp lý và cần phải được thay đổi.

Cũng liên quan đến việc phân bổ ngân sách cho lĩnh vực khoa học - công nghệ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (đoàn Hà Tĩnh) nêu rõ đây là chuyện không mới, lặp đi lặp lại nhiều lần. Theo đại biểu này, Đảng, Nhà nước đã chi khoảng 2% ngân sách cho khoa học - công nghệ, đó là mức phân bổ hợp lý trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với mức đầu tư có thể coi là khiêm tốn như thế cho khoa học - công nghệ mà hàng năm vẫn chi không hết, trong khi, nước ta đang rất thiếu khoa học - công nghệ, hàm lượng công nghệ trong sản phẩm đạt thấp, nhiều loại máy móc đều phải nhập khẩu thì thật đáng suy nghĩ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến kiến nghị, để từng bước tháo gỡ vấn đề này, Nhà nước không nên đầu tư dàn trải, nơi nào cần thì đầu tư nhiều, không cần thì thôi, tránh tình trạng nơi cần thì không có và ngược lại.

Theo chương trình làm việc, chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý và việc thực hiện Nghị quyết 16 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương./.