Hội nghị Quản lý trại giam lần thứ 27 khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APCCA- 27) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 26 đến ngày 30 tháng 11 năm 2007. Đây là diễn đàn quan trọng của các nước châu Á- Thái Bình Dương về công tác quản lý trại giam. Từ ý tưởng ban đầu do Viện trưởng Viện Tội phạm học Ốt-xtrây-li-a và Cục trưởng Cục trại giam Hồng Kông khởi xướng, tổ chức, đến nay APCCA đã thu hút hầu hết các nước trong khu vực tham gia. Hội nghị APCCA họp mỗi năm một lần luân phiên ở các nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương; năm 2005 đã tổ chức tại Hàn Quốc, năm 2006 tổ chức tại Niu Di-lân và năm nay tổ chức tại Việt Nam.

Lần đầu tiên, Hội nghị APCCA được tổ chức tại Hồng Kông vào năm 1980. Từ năm 1980, hằng năm Hội nghị được tổ chức vào tháng 9 hoặc tháng 11. Từ năm 1993 trở về trước, Hội nghị được sự trợ giúp của Viện Tội phạm học Ốt-xtrây-li-a. Hiện nay, trụ sở của Ban Thư ký APCCA được đặt tại trụ sở Cục trại giam ở Hồng Kông và Cục trại giam Xinh-ga-po. Năm 2002, tại Hội nghị APCCA- 22 tổ chức tại In-đô-nê-xi-a, các nước tham dự đã thông qua bản Tuyên bố chung nhằm duy trì những truyền thống của APCCA và nâng tầm Hội nghị lên mức cao hơn.
 
 

Trưởng các đoàn quốc tế thăm trại giam Phú Sơn 4
Đến Hà Nội tham dự Hội nghị APCCA-27 năm nay, có gần 150 đại biểu từ 25 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đông nhất là đoàn Ma Cao 14 người, Xinh-ga-po 12 người, tiếp theo là các đoàn đến từ Căm-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Hồng Kông, Hàn Quốc. Cấp trưởng đoàn các nước là Tổng cục trưởng hoặc Cục trưởng quản lý trại giam, các đại biểu khác hầu hết là đại diện cơ quan quản lý trại giam, cơ quan tư pháp, luật sư và cảnh sát trại giam. Nội dung chính của Hội nghị tập trung trao đổi về thực trạng công tác trại giam ở mỗi nước, những khó khăn và các giải pháp tháo gỡ. Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an đã đến dự và phát biểu ý kiến. Thứ trưởng đánh giá: cùng với những thành tựu chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới, công tác quản lý trại giam đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Việt Nam nỗ lực cải cách tư pháp, tập trung vào hoàn thiện các quy định trong Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh Thi hành án phạt tù cũng như những quy định về giam giữ, về giáo dục, về lao động, về thăm gặp phạm nhân đến việc giảm thời hạn tù, xét đặc xá, tha tù... Điều đó đã có tác dụng thiết thực khuyến khích người bị kết án tù phấn đấu cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình, xã hội, tái hoà nhập cộng đồng. Thượng tướng Lê Thế Tiệm khẳng định: Hội nghị APCCA-27 sẽ là diễn đàn bổ ích để trao đổi, học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, cải tạo, giáo dục phạm nhân.

Sau phiên khai mạc sáng ngày 26-11-2007, các đại biểu chia nhóm trao đổi theo các chuyên đề chính như: công tác quản lý các nhóm phạm nhân đặc biệt; công tác tuyển dụng và đào tạo cán bộ; những giải pháp khắc phục khó khăn nhằm giúp tái hoà nhập cộng đồng. Qua thảo luận, các đoàn đại biểu dự Hội nghị đều thống nhất trong đánh giá và nhận định: xu hướng các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm mới như: tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm là người nước nước ngoài… ngày càng tăng và diễn biến phức tạp, thể hiện ở tình hình phạm nhân đưa vào trại giam tiếp tục tăng với số lượng lớn; tính chất, mức độ phạm tội ngày càng đa dạng, phức tạp và nguy hiểm hơn, đặc biệt là phạm nhân phạm các tội về ma tuý chiếm tỷ lệ cao, số phạm nhân bị nhiễm HIV/AIDS cũng tăng lên. Ở Việt Nam, tỷ lệ phạm nhân phạm tội về ma tuý chiếm khoảng 37% tổng số phạm nhân, trong đó phạm nhân phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý chiếm 66%, tàng trữ vận chuyển ma tuý chiếm 25%, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý 6%, các tội khác về ma tuý chiếm khoảng 3%.

Bộ Công an đã tổ chức cho các đại biểu đi tham quan khảo sát thực tế tại Trại giam Phú Sơn và Trại giam Hoàng Tiến, thăm một số danh thắng tại Hà Nội và Quảng Ninh. Hội nghị APCCA-27 ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác đặc xá tha tù, tái hoà nhập cộng đồng, công tác cải cách tư pháp và công tác hợp tác quốc tế về quản lý trại giam. Năm 2006, các cơ quan chức năng Việt Nam đã xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho 45.562 phạm nhân cải tạo tiến bộ, trong đó có 1.640 phạm nhân được giảm hết thời hạn tù còn lại. Đặc biệt nhân dịp Quốc khánh 02-9-2006, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định đặc xá tha tù cho 6.388 phạm nhân cải tạo tiến bộ. Năm 2007, đợt gần đây nhất, Việt Nam đã đặc xá hơn 8.000 phạm nhân. Các phạm nhân được đặc xá tha về địa phương sinh sống làm ăn lương thiện, tái hoà nhập cộng đồng, tỷ lệ tái phạm được các nước trong khu vực đánh giá là thấp, chỉ có 0,12%. Bộ Công an chú trọng mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực trại giam để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quản lý trại giam của các nước trong khu vực và thế giới, năm 2006 và năm 2007 đã đón tiếp hàng chục đoàn khách quốc tế đến thăm một số trại giam của Việt Nam, đặc biệt là đoàn chuyên gia Cảnh sát trại giam của Thụy Sỹ, đoàn nhân quyền của Mỹ, đoàn Cục trại giam Hàn Quốc đến tìm hiểu tình hình, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giáo dục phạm nhân; đã tổ chức cho hàng chục lượt đại diện Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán các nước thăm lãnh sự hơn 100 lượt phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài.

Chiều 30-11-2007, Hội nghị APCCA-27 tại Hà Nội đã kết thúc thành công tốt đẹp. Các đoàn đại biểu quốc tế đánh giá cao chính sách khoan hồng nhân đạo và tính nhân văn sâu sắc của Việt Nam trên cơ sở tôn trọng quyền con người trong đối xử với phạm nhân. Hội nghị biểu dương công tác chuẩn bị, công tác tổ chức Hội nghị có tính chuyên nghiệp cao và đầy sáng tạo của Bộ Công an Việt Nam; cám ơn nước chủ nhà đã đón tiếp các đoàn một cách ân cần, chu đáo, trọng thị và đảm bảo tuyệt đối an toàn.