Trong phát biểu khai mạc “Hội nghị cấp cao Khế ước toàn cầu'' (Global Compact Leaders Summit), ngày 5-7, tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các chính phủ và giới lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện các chương trình hành động khẩn cấp nhằm đối phó với tình trạng khí hậu nóng lên và giải quyết những vấn đề đang là mối lo ngại chung của toàn thế giới.

Ông Ban Ki-moon cho rằng chưa bao giờ những mục tiêu và ưu tiên của cộng đồng quốc tế và giới doanh nghiệp lại trùng khớp nhau như hiện nay. Ông cho rằng cộng đồng quốc tế cần hình thành một khuôn khổ hợp tác có hiệu quả hơn, công bằng hơn và có đại diện rộng rãi hơn để đối phó với tất cả những hiện tượng sai trái đang ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và thị trường toàn cầu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng, “Khế ước toàn cầu'' đã qua một chặng đường thành công trong 7 năm qua. Từ chỗ chỉ có 47 công ty tham gia khi ra đời năm 2000, nay, “Khế ước toàn cầu” đã quy tụ tới 4.000 công ty và tổ chức thuộc 116 quốc gia. Số thành viên tham gia tương đối đồng đều giữa các nước phát triển và các nền kinh tế đang phát triển.

Ông Ban Ki-moon cho rằng trong thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ không thể trụ vững nếu như họ không thể hiện vai trò đi đầu của mình trong các vấn đề môi rường, xã hội và quản trị. Sự phụ thuộc lẫn nhau ấy đang làm nổi lên hai thực tế rất cơ bản. Đó là: quyền lực không thể tách rời trách nhiệm và để thị trường phát triển bền vững, mọi người trong xã hội phải có cơ hội bình đẳng để cải thiện cuộc sống của họ.