Trong buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh sáng 8-4 nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong quý I cũng như đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II và các quý tiếp theo của năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước, cần không ngừng phấn đấu nỗ lực để tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.
 

Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải và lãnh đạo của 16 bộ, ngành Trung ương đã cùng làm việc với Thủ tướng và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2008

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (đạt 11% trong quý I/2008), đóng góp 20% GDP của toàn quốc, chiếm gần 40% giá trị xuất khẩu của cả nước là những con số chứng minh vai trò, vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh. Việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức các kế hoạch phát triển kinh tế của Thành phố sẽ góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bên cạnh việc tăng cường các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đã đề ra trong năm 2008 như, tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, củng cố an ninh, quốc phòng…

Thủ tướng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh phải có sự phối hợp chặt chẽ cùng với các Bộ, ngành trung ương tập trung tháo gỡ những khó khăn trước mắt, nhất là tháo gỡ những khó khăn về tài chính, nhằm thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Thủ tướng nêu rõ, tháo gỡ khó khăn về tài chính không phải bằng cách cho vay ưu đãi mà là tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng mang lại hiệu quả cao cho xã hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị, Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục xem xét một cách tích cực các chính sách thuế, coi đây là một trong những công cụ hữu hiệu để điều tiết thị trường, xem xét mức thuế nào cần giảm, mức thuế nào cần tăng lên để điều tiết xuất siêu và nhập siêu. “Tăng thuế để hạn chế nhập siêu, giảm thuế để khuyến khích suất siêu, không đẩy mạnh xuất khẩu thì không thể giảm được nhập siêu”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, tăng cường các biện pháp đảm bảo về an ninh lương thực, an ninh năng lượng. Xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ hàng hóa, không để sự thiếu hụt cục bộ về hàng hóa gây nên những đột biết về giá cả trên địa bàn thành phố, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.

Thành phố cần xác định các khoản thu có thể tăng lên, đồng thời cắt giảm các khoản chi không cần thiết, nhất là chi phí cho hội họp, chi phí đầu tư vào các hạng mục, công trình chưa thật bức thiết. Trong thu, chi ngân sách Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt yêu cầu phải đúng, phải đủ. Tăng thu là để góp phần hỗ trợ cho chính sách an sinh xã hội, góp phần tăng quỹ dự phòng ngân sách để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bổ sung cho các công trình xây dựng thiết yếu do tăng giá, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó cần tích cực, chủ động tuyên truyền về kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, về những việc đã làm được, chưa làm được để nhân dân hiểu, cùng đồng tâm hiệp lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của thành phố.

Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh phải hết sức lưu ý đến việc cải thiện đời sống của người dân nhất là những người có thu nhập thấp như công nhân, nông dân và những người lao động nghèo ở thành thị.

Phát biểu tại buổi làm việc, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, đều đánh giá cao những kết quả Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được trong quý I và bày tỏ tin tưởng về việc hoàn thành các mục tiêu mà Thành phố đề ra trong năm 2008.

Về các biện pháp thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đều thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xuất khẩu, bởi theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, việc đẩy mạnh xuất khẩu không chỉ góp phần tạo sự tăng trưởng cao cho Thành phố Hồ Chí Minh mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người dân ở Thành phố và các vùng phụ cận ở Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Ngoài các kiến nghị của các bộ, ngành Trung ương đối với Thành phố Hồ Chí Minh về việc tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thị trường, phát triển công nghiệp đi đôi với đảm bảo vệ sinh môi trường, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng chú trọng tới ngành dịch vụ…, lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh về việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với các chủ đầu tư, chủ dự án vi phạm trong xây dựng cơ bản, bởi theo lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, mức phạt hiện nay còn thấp, chưa tạo được tính răn đe.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 13%

Trong quý I/2008, trước những khó khăn thách thức mới phát sinh như giá cả tăng cao, lạm phát, thị trường tài chính - tiền tệ - ngân hàng có nhiều diễn biến phức tạp, song nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn nằm trong tầm kiểm soát, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao (11%). Trong đó, các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao nhất, riêng các ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng 54,7% GDP của Thành phố Hồ Chí Minh, tăng 11,5% so với cùng kỳ.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, những kết quả đã đạt được, Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định được những khó khăn, thách thức cần tập trung giải quyết như tình hình giá cả thị trường trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp (hầu hết các mặt hàng đều tiếp tục tăng giá, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2008 tăng 7,2% so với tháng 12 năm 2007). Cải cách hành chính vẫn chưa có chuyển biến mới mang tính đột phá. Quy trình, thủ tục hành chính tuy được cải tiến nhưng vẫn còn rườm rà, chưa thống nhất, nhất là các vấn đề liên quan tới lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thẩm định quy hoạch chi tiết, thoả thuận quy hoạch kiến trúc…

Năm 2008, Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng từ 12,7-13%, phấn đấu tăng trên 13%, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Kế hoạch 5 năm, để đến năm 2009-2010, hoàn thành vượt mức kế hoạch theo mục tiêu của Chính phủ