Thừa Thiên - Huế tích cực cải cách hành chính
Cải cách hành chính không chỉ tạo cơ sở quan trọng cho phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, mà còn giúp củng cố niềm tin của nhân dân vào hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền. Thừa Thiên - Huế coi cải cách hành chính là khâu đột phá quan trọng tác động mạnh và tạo chuyển biến tích cực về cung cách, quy trình, lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ hành chính nói riêng, bộ máy chính quyền nói chung theo hướng tinh giản, hiện đại và hiệu quả.
1 - Cải cách hành chính tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội
Trong những năm qua, Thừa Thiên - Huế đã từng bước tiến hành đồng bộ Chương trình cải cách hành chính tại địa phương, đem lại những chuyển biến đáng kể về chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ nhu cầu hợp pháp của tổ chức và công dân ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình hội nhập kinh tế, văn hóa, xã hội... trên địa bàn. Hoạt động cải cách hành chính được tỉnh đặt trọng tâm vào các lĩnh vực: cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, và cải cách tài chính công.
Trong lĩnh vực cải cách thể chế, thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cấp, các ngành của tỉnh tích cực đổi mới công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, rà soát các văn bản đã ban hành một cách thường xuyên, đồng bộ. Tính đến nay, tỉnh đã rà soát 17.546 văn bản, bãi bỏ 982 văn bản đã hết hiệu lực hoặc hết hiệu lực từng phần do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành từ năm 1989 đến năm 2004 và tiếp tục rà soát các văn bản ban hành từ năm 2005; 133 văn bản của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh và 85 văn bản cấp huyện được thẩm định theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, tỉnh kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản này theo thẩm quyền, bảo đảm phù hợp với yêu cầu quản lý trong tình hình mới, nhằm xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, tạo hành lang pháp lý phù hợp với tình hình địa phương, lấy đó làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Để tăng cường tính chủ động, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của địa phương, đơn vị trong địa bàn, tỉnh đẩy nhanh việc chỉ đạo phân cấp các lĩnh vực về quản lý nhà nước cho các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Huế. Trên cơ sở đó, tiến hành sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh theo hướng quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới.
Trong quá trình cải cách hành chính, việc xây dựng, đổi mới và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức được tỉnh coi là khâu then chốt quan trọng quyết định chất lượng cải cách hành chính từ gốc và ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... |
Trước thời điểm triển khai Quyết định số 30/QĐ-TTg, ngày 10-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010, tỉnh ban hành chỉ thị về "Một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp", và kế hoạch "Rà soát thống kê các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị", áp dụng cho các sở, ban, ngành của tỉnh và các cơ quan cấp trung ương đóng trên địa bàn (Cục Thuế, Hải quan, Kho bạc nhà nước,...). Sau ba lần rà soát sát sao, đến tháng 8-2007, tỉnh ra Quyết định ban hành danh mục 544 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, giúp giảm thiểu tình trạng hoạt động chồng chéo, tiết kiệm thời gian, công sức của cán bộ và nhân dân.
Các cơ chế, chính sách cụ thể hóa những nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh được tỉnh kịp thời ban hành, nhằm từng bước thiết lập trật tự trong quản lý hành chính nhà nước đối với một số lĩnh vực quan trọng, giúp công tác quản lý nhà nước ở địa phương đạt hiệu lực, hiệu quả cao hơn. Đặt trọng tâm vào việc triển khai đồng loạt cơ chế "một cửa" trên địa bàn toàn tỉnh, Thừa Thiên - Huế đã hạn chế được tình trạng tiêu cực của một số cán bộ, công chức trong quá trình làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm và giảm chi phí giải quyết công việc của các tổ chức và công dân. Đặc biệt, năm 2007, tỉnh chỉ đạo triển khai áp dụng thí điểm cơ chế "một cửa liên thông" giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế và Công an tỉnh để phối hợp giải quyết thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế..., giúp rút ngắn thời gian từ 17 ngày xuống còn 6 ngày, giảm bớt sự phiền hà, nên được đông đảo nhân dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Đây là cải cách quan trọng tạo sức hấp dẫn thu hút các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư kinh tế trên địa bàn. Do đó, tác động đáng kể đến sự phát triển kinh tế, tăng thêm nhiều công ăn việc làm mới cho con em nhân dân trong tỉnh.
Thứ hai, về cải cách tổ chức bộ máy, tỉnh tiến hành sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Huế theo Nghị định 171/2004/NĐ-CP, Nghị định 172/2004/NĐ-CP ngày 29-9-2004 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thành lập các đơn vị sự nghiệp thuộc ủy ban nhân dân tỉnh để triển khai các hoạt động trên địa bàn; quy định lại chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức sát yêu cầu và tình hình thực tế hơn, nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động. Việc sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước được thực hiện thông qua các hình thức đa dạng: sáp nhập, giải thể, cổ phần hóa... Đến nay, toàn tỉnh đã sắp xếp, chuyển đổi 113 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, trong đó 53 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp được cổ phần hóa (chiếm 47%), 6 doanh nghiệp được giao cho tập thể người lao động (5,3%), 12 doanh nghiệp chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên (10,6%), 18 đơn vị sáp nhập vào doanh nghiệp khác (15,9%), chuyển 8 doanh nghiệp sang đơn vị sự nghiệp (7%), còn lại là bán, giải thể..., giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, Thừa Thiên - Huế tập trung vào việc tiếp tục củng cố, sắp xếp lại bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện trên cơ sở các nghị định văn bản hướng dẫn mới của Trung ương, cải tiến phương thức quản lý, lề lối làm việc của các cơ quan trong địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm bộ máy hoạt động gọn nhẹ, hiệu quả, chất lượng, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. |
Trong quá trình cải cách tổ chức bộ máy, tỉnh chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng mạng lưới tin học kết nối thông tin với các sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân thành phố Huế, các huyện nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, nhận thông tin, tra cứu văn bản pháp luật, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất, giải đáp trực tuyến..., giảm bớt văn bản, giấy tờ hành chính, tiết kiệm thời gian hơn. Hiện nay, đã có một số đơn vị (Sở Bảo hiểm xã hội, Cục thuế, Kho bạc nhà nước,...) xây dựng hệ thống trả lời tự động bằng bảng điện tử, ứng dụng các chương trình phần mềm để quản lý, theo dõi, giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân, góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng các dịch vụ công.
Thứ ba, về đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tỉnh ưu tiên việc gắn công tác quy hoạch với đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, tiến hành chặt chẽ quy trình đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển và phân cấp quản lý cán bộ. Từ năm 2001 đến nay, 381 cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành, doanh nghiệp... được bổ nhiệm và bổ nhiệm lại. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện theo hướng tập trung một đầu mối để khắc phục hiện tượng đào tạo cán bộ không theo quy hoạch, chưa thực sự gắn với yêu cầu công tác. Đã có 13.069 lượt cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức quản lý nhà nước, lý luận chính trị, tin học và ngoại ngữ. Từ năm 2003, tỉnh tiến hành đào tạo tiếng dân tộc Cơ Tu, Pa Cô cho cán bộ ở các cơ quan cấp tỉnh thuộc hai huyện Nam Đông và A Lưới, nhằm mục đích gần gũi, hiểu và giúp đỡ đồng bào dân tộc, đồng bào vùng sâu, vùng xa, lấy đó làm cơ sở đưa ra những điều chỉnh về cải cách hành chính hợp lý, sát điều kiện thực tế hơn, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
Bên cạnh việc tinh giản biên chế, thực hiện nghiêm túc quy chế đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, tỉnh đồng thời bổ sung được 325 cán bộ trẻ hội đủ tiêu chuẩn đạo đức và năng lực chuyên môn thông qua quá trình thi tuyển chặt chẽ, nhằm từng bước trẻ hóa đội ngũ, nâng cao dần chất lượng cán bộ.
Thứ tư, trong cải cách tài chính công, quán triệt Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án triển khai ở 100% đơn vị sự nghiệp có thu (148 đơn vị). Trong đó, 9 đơn vị bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, 79 đơn vị bảo đảm một phần chi phí hoạt động và 60 đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên. Việc giao quyền tự chủ về tài chính giúp các đơn vị sự nghiệp chủ động hơn trong công tác xây dựng kế hoạch lao động, sắp xếp đội ngũ cán bộ phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của các đơn vị, mang lại những chuyển biến tích cực về hiệu quả hoạt động.
Những năm qua, dù công tác cải cách hành chính được xác định là một trong những chương trình trọng điểm cần triển khai rộng rãi, một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa thực sự quan tâm đầu tư quy trình và nội dung hoạt động, khiến cải cách hành chính nặng về hình thức, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân. Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính ở một vài đơn vị chưa được thực hiện nghiêm túc, nên vẫn tồn tại một số thủ tục hành chính không hợp lý, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Trong quá trình tiến hành cơ chế "một cửa", không ít cơ quan, đơn vị chưa kiểm tra, đôn đốc thường xuyên việc hướng dẫn, niêm yết công khai các thủ tục hành chính, nên nảy sinh sự chồng chéo, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Trong năm 2007, qua kiểm tra 74 đơn vị cấp xã, 14 đơn vị cấp sở và 7 trung tâm giao dịch thủ tục hành chính cấp huyện, có 21 đơn vị triển khai cơ chế "một cửa" chưa đạt yêu cầu (20 đơn vị cấp xã và 1 đơn vị cấp sở).
Do khó khăn về kinh phí, nên nhìn chung chưa có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác cải cách hành chính ở các đơn vị trong toàn tỉnh, gây hạn chế hiệu quả hoạt động của các đơn vị, nhất là đối với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. Một số cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác cải cách hành chính chưa nghiêm túc, hoặc có báo cáo nhưng chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực hiện ở đơn vị mình.
2 - Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu hội nhập
Tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định rõ rằng, cải cách hành chính là nhiệm vụ hết sức bức thiết và cấp bách, là bước đột phá quan trọng thúc đẩy sự trong sạch hóa bộ máy chính quyền, hội nhập kinh tế quốc gia và quốc tế, đồng thời là giải pháp cơ bản tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Giai đoạn năm 2008 - 2010, tỉnh tiếp tục tăng cường cải cách hành chính quyết liệt và sâu rộng nhằm tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa về chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ đắc lực cho sự phát triển chung của tỉnh.
Trong quá trình cải cách hành chính, việc xây dựng, đổi mới và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức được tỉnh coi là khâu then chốt quan trọng quyết định chất lượng cải cách hành chính từ gốc và ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... Chính vì thế, Pháp lệnh cán bộ, công chức sửa đổi và các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh được tỉnh thực hiện nghiêm túc, tiến hành song song với việc tổ chức các đợt thanh tra công vụ nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức toàn tỉnh. Đồng thời, áp dụng chặt chẽ quy định về tiêu chuẩn cán bộ, công chức trong công tác tuyển dụng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ, nhằm bảo đảm sự khách quan, công khai, công bằng, dân chủ và đạt yêu cầu về cơ cấu, chất lượng cán bộ. Tăng cường đầu tư nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức về kiến thức quản lý nhà nước, pháp luật, tin học, ngoại ngữ, nhất là đối với cán bộ quản lý từ cấp phó trưởng phòng trở lên. Những cán bộ, công chức không bảo đảm yêu cầu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, không đủ năng lực công tác, tỉnh kiên quyết thay thế. Việc ban hành chính sách khuyến khích tài năng, thu hút người có trình độ cao về làm việc trên địa bàn tỉnh đã tạo sự chuyển biến đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, tăng hiệu quả công việc.
Về cải cách thể chế, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đề án đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tập trung vào bốn tiểu đề án: Một là, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước; hai là, điều kiện kinh doanh; ba là, mẫu đơn tờ khai hành chính trong hồ sơ thủ tục hành chính; bốn là, xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính không còn phù hợp. Song song với đó, tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc, áp dụng rộng rãi việc sử dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, nhằm bảo đảm công việc thông suốt, đáp ứng kịp thời yêu cầu của công dân và tổ chức.
Cơ chế kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức (cụ thể là đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các xã, phường, thị trấn) được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, để các công việc có liên quan đến lợi ích của nhân dân đều được giải quyết nhanh, minh bạch và công khai, chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và giải quyết công việc sai thẩm quyền. Cơ chế "một cửa liên thông" không chỉ được thực hiện ở các lĩnh vực đầu tư trong nước, mà còn ở cả lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tiếp tục thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp pháp, khoa học và khả thi; phân cấp quản lý rõ ràng hơn cho các cơ quan, đơn vị trên các lĩnh vực...
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, Thừa Thiên - Huế tập trung vào việc tiếp tục củng cố, sắp xếp lại bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện trên cơ sở các nghị định văn bản hướng dẫn mới của Trung ương, cải tiến phương thức quản lý, lề lối làm việc của các cơ quan trong địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm bộ máy hoạt động gọn nhẹ, hiệu quả, chất lượng, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Tiếp tục rà soát thực hiện phân cấp giữa các cơ quan hành chính ở địa phương trong các lĩnh vực chủ yếu: quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển; ngân sách nhà nước; đất đai, tài nguyên; tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức... trên cơ sở xác định rõ nguyên tắc làm việc và vai trò phối hợp của các cơ quan chuyên môn, kiên quyết loại bỏ những việc làm hình thức, mất thời gian, công sức mà hiệu quả thấp.
Hiện nay, các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành (thư tín điện tử, phần mềm quản lý hồ sơ công việc và cán bộ, truy cập văn bản pháp luật...) đang dần được tỉnh hoàn thiện và áp dụng rộng rãi, nhằm bảo đảm tính thống nhất trong việc cập nhật, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các địa phương, đơn vị với nhau. Nhờ đó, các hoạt động hành chính đa phần được tiến hành thông suốt, không bị chồng chéo, giúp bảo đảm tiến độ công việc của các đơn vị, cá nhân.
Về cải cách tài chính công, tỉnh đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế tài chính ở các đơn vị sự nghiệp có thu. Hiện nay, đề án khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính ở ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đang được nghiên cứu triển khai thực hiện thí điểm, nhằm tạo chuyển biến đáng kể về cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính.
Những cải cách mạnh mẽ về hành chính của tỉnh Thừa Thiên - Huế góp phần tích cực nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, gây dựng hình ảnh Huế là một môi trường đầu tư thuận lợi, và tạo tâm lý phấn khởi, tin tưởng, an tâm cho các cơ quan, đơn vị, nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như đông đảo nhân dân trong tỉnh. Tất cả đều nhằm mục đích sâu xa, cuối cùng là bảo vệ quyền lợi thiết thực của nhân dân, vì nhân dân và phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân. Đó chính là ý nghĩa thiết thực và nhân văn thúc đẩy tỉnh luôn tìm tòi những biện pháp cải cách hành chính mới nhằm hội nhập sâu, rộng hơn nữa vào quá trình phát triển chung của đất nước, tăng uy tín và năng lực lãnh đạo của bộ máy chính quyền, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Thừa Thiên - Huế tích cực cải cách hành chính  (09/04/2008)
Kinh tế Đông Á: thành tựu và triển vọng  (08/04/2008)
Trung Quốc: Từ đường lối Đại hội XVII đến phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2008  (08/04/2008)
Về tính khiêm tốn  (08/04/2008)
Thừa Thiên - Huế tích cực cải cách hành chính  (08/04/2008)
Thừa Thiên - Huế tích cực cải cách hành chính  (08/04/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên