Dưới sự chỉ đạo về đường lối của Đại hội XVII, đặc biệt là quán triệt quan điểm “phát triển một cách khoa học”, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XI Trung Quốc (tháng 3-2008) đã tổng kết công cuộc cải cách và phát triển 5 năm qua, đề ra phương hướng cho những năm tới, xác định những nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2008.

Bước sang thế kỷ XXI ở Trung Quốc đã có sự chuyển hướng quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và hoạt động đối ngoại.

Về kinh tế, đó là sự chuyển hướng từ tăng trưởng “thô” theo chiều rộng sang tăng trưởng “tinh” theo chiều sâu với quan điểm “phát triển một cách khoa học”, là sự chuyển hướng từ bước đầu hình thành khung sang thể chế phát triển để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, từ bước đầu mở cửa đối ngoại sang hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu.

Về chính trị, đẩy nhanh nhịp độ cải cách thể chế nhằm xây dựng một xã hội công dân và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là cải cách thể chế quản lý hành chính.

Về văn hóa, đề cao tinh thần dân tộc, năng lực tự sáng tạo, chú trọng các ngành dịch vụ văn hóa, tăng tốc phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu mới của công cuộc hiện đại hóa.

Về xã hội, tập trung nỗ lực vào vấn đề dân sinh, giải quyết tốt vấn đề quan hệ lợi ích giữa các giai tầng xã hội mới phân hóa trong quá trình cải cách phát triển, nhằm mục tiêu xây dựng “toàn diện xã hội khá giả”, “xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa”.

Về đối ngoại, đó là bước chuyển từ hoạt động thận trọng, đối phó sang tích cực chủ động tham gia vào đời sống quốc tế với chính sách ngoại giao nước lớn, từ vị trí cường quốc khu vực vươn lên vị trí cường quốc thế giới.

Những sự chuyển hướng đó đã được chuẩn bị về lý luận và đường lối chính sách, được vận dụng vào thực tiễn trong mấy năm qua, và đều có tầm nhìn đến năm 2020.

Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 1997) là bước chuẩn bị, Đại hội XVI (năm 2002) là bước mở đầu, Đại hội XVII (năm 2007) là bước sơ kết 5 năm qua. Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XI Trung Quốc tháng 3 vừa qua là sự quán triệt lý luận, đường lối, chủ trương chính sách của Đại hội XVII, xuất phát từ tình hình trong nước và quốc tế hiện nay, xác định phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu và giải pháp lớn cho cải cách phát triển trong năm 2008, trên những nét lớn cũng là phương hướng của những năm tiếp theo.

Bốn vấn đề chủ yếu về lý luận và đường lối của Đại hội XVII

Về lý luận và đường lối, có bốn vấn đề quan trọng chủ yếu được kết luận trong Đại hội XVII. Những vấn đề đó được nói rõ trong Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào trình bày và được Đại hội thông qua, và trong “Điều lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc” (sửa đổi) được thông qua tại Đại hội. Bốn vấn đề đó là:

1 - Kiên định con đường “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”

Trung Quốc đi con đường xã hội chủ nghĩa được xác định từ ngày nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời. Sau khi chuyển sang cải cách đã xác định đường lối xây dựng “chủ nghĩa xã hội có đặc sắc Trung Quốc” (từ Đại hội XVI năm 2002 bỏ chữ “có”, đổi là “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”). Vậy tại sao đến nay, tại Đại hội XVII, “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” còn là vấn đề phải xác định?

Báo cáo Chính trị có tiêu đề “Giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, phấn đấu giành thắng lợi mới của công cuộc xây dựng toàn diện xã hội khá giả”. Chủ đề của Đại hội là “Giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng quan trọng ba đại diện, quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển một cách khoa học, tiếp tục giải phóng tư tưởng, kiên trì cải cách mở cửa, thúc đẩy phát triển một cách khoa học, thúc đẩy hài hòa xã hội phấn đấu giành thắng lợi mới của công cuộc xây dựng toàn diện xã hội khá giả”(1).

Trong 60 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đặc biệt là trong 30 năm cải cách, mở cửa, hiện đại hóa đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc đã thu được những thành tựu to lớn, nhưng đồng thời cũng có những vấn đề tồn tại, những khó khăn thách thức không nhỏ. Trải qua một quá trình phát triển, xã hội đã có những thay đổi sâu sắc, đặc biệt là sự phân tầng xã hội dẫn đến những vấn đề trong quan hệ lợi ích giữa các giai tầng. Trong bối cảnh đó đã xuất hiện xu hướng đi theo con đường “xã hội dân chủ”, cho rằng “chỉ có xã hội dân chủ mới cứu được Trung Quốc”; thực chất là phủ nhận chủ nghĩa xã hội. Cũng có người chủ trương chủ nghĩa xã hội, nhưng phủ nhận “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, cho rằng “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” về bản chất không phải là chủ nghĩa xã hội. Xu hướng đó cũng đã phản ánh vào nội bộ Đảng. Đó là lý do Đại hội XVII đã khẳng định “chỉ có chủ nghĩa xã hội mới cứu được Trung Quốc” và “kiên trì đường lối chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc tức là thực sự kiên trì chủ nghĩa xã hội” (2). Đại hội XVII cũng đã phát triển lý luận và đường lối phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc...

2 - Kiên trì đường lối cải cách mở cửa

Từ Hội nghị Trung ương 3, khóa XI (tháng 12-1978), Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định đường lối cải cách mở cửa. Trong 30 năm qua, công cuộc cải cách mở cửa cũng đã giành được thành tựu rất to lớn. Thế nhưng, Đại hội XVII vẫn nhấn mạnh “...tiếp tục giải phóng tư tưởng, kiên trì cải cách mở cửa”, coi giải phóng tư tưởng là “bí quyết quan trọng”, và cải cách mở cửa là “động lực mạnh mẽ” trong sự nghiệp phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Sở dĩ như vậy là trong Đảng có những ý kiến cho rằng cải cách mở cửa đã chệch hướng xã hội chủ nghĩa, làm xói mòn những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội theo quan niệm của họ; rằng những hiện tượng tiêu cực trong xã hội Trung Quốc hiện nay là do cải cách mở cửa dẫn tới. Do vậy, Đại hội XVII đã cảnh báo: “chống mọi khuynh hướng sai lầm “tả” và hữu. Phải cảnh giác “hữu”, nhưng chủ yếu là đề phòng “tả” (3). Đồng thời, Đại hội cũng đã đưa ra những đường lối, chủ trương chính sách mới về cải cách mở cửa trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế trong giai đoạn lịch sử mới.

3 - Quán triệt quan điểm “phát triển một cách khoa học”

Đây là quan điểm mới về lý luận phát triển được Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đề xuất và trình bày một cách có hệ thống từ năm 2005. Đại hội XVII đã khẳng định “phát triển một cách khoa học” là “yêu cầu cơ bản” của công cuộc phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, là “sự kế thừa và phát triển tư tưởng quan trọng về phát triển của tập thể lãnh đạo trung ương thế hệ thứ ba, là sự thể hiện tập trung thế giới quan và phương pháp luận về phát triển của nghĩa Mác, là lý luận khoa học vừa tiếp nối vừa phát triển tiến cùng thời đại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng ba đại diện, là phương châm chỉ đạo quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc, là tư tưởng chiến lược quan trọng phải được kiên trì và quán triệt trong phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” (4) Hàm nghĩa quan trọng hàng đầu của quan điểm “phát triển một cách khoa học” là “phát triển”. Hạt nhân của quan điểm “phát triển một cách khoa học” là “lấy con người làm gốc” (“dĩ nhân vi bản”). Yêu cầu cơ bản của quan điểm phát triển một cách khoa học là “sự hài hòa bền vững toàn diện”. Phương pháp căn bản của quan điểm phát triển một cách khoa học là “bố trí đồng bộ” (“thống trù kiên cố”).

4 - Xây dựng xã hội hài hòa, tập trung cải thiện dân sinh

Đại hội XVII đã đề ra nhiệm vụ “xây dựng xã hội”, ngang tầm với “xây dựng kinh tế”, “xây dựng chính trị”, “xây dựng văn hóa”, chủ trương “đẩy nhanh công cuộc xây dựng xã hội lấy cải thiện dân sinh làm trọng điểm”.

Vấn đề xây dựng “xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa” đã được đề xuất và thảo luận sôi nổi ở Trung Quốc từ mấy năm qua. Hội nghị Trung ương 6, khóa XVI (tháng 10-2006) đã ra “Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về mấy vấn đề quan trọng “xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa”. Vấn đề này càng trở nên quan trọng khi quá trình cải cách và phát triển đã dẫn tới sự phân tầng xã hội và hình thành quan hệ lợi ích giữa các giai tầng xã hội, đòi hỏi phải có những giải pháp điều hòa lợi ích, giải quyết mâu thuẫn, ngăn chặn xung đột trong xã hội. Đồng thời phải tập trung nỗ lực để nâng cao mức sống của nhân dân, đặc biệt là giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến lợi ích thiết thân của quần chúng, nhất là những vấn đề dư luận quần chúng phàn nàn nhiều trong mấy năm qua như việc học hành, chữa bệnh, nhà ở quá khó khăn, giá cả đắt đỏ, tình trạng thất nghiệp và chế độ phân phối thu nhập chưa công bằng v.v..

Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008

Năm năm qua kể từ sau Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc, là 5 năm nhiệm kỳ của Quốc hội khóa X và Chính phủ do Quốc hội khóa X bầu ra, cũng là 5 năm thể hiện bước phát triển mạnh mẽ, sự thay đổi sâu sắc của tình hình kinh tế - xã hội Trung Quốc.

Từ 2002 - 2007 GDP của Trung Quốc đã tăng 65,5%, bình quân hằng năm tăng 10,6%. Năm 2007, GDP Trung Quốc đạt 24.660 tỉ nhân dân tệ (NDT) (tương đương 3.420 tỉ USD), tăng 11,4% so với năm 2006, thu ngân sách đạt 5.130 tỉ NDT. Kim ngạch ngoại thương đạt 2.170 tỉ USD (xuất siêu 262 tỉ USD) dự trữ ngoại tệ đạt 1.520 tỉ USD, sản xuất lương thực đạt trên 500 triệu tấn. Cải cách và phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đều thu được những thành quả quan trọng. Hiện nay, Trung Quốc là một nước có nền kinh tế lớn thứ tư thế giới về GDP, thứ ba thế giới về kim ngạch ngoại thương, thứ nhất thế giới về dự trữ ngoại tệ. Trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, đời sống cư dân cũng đã được cải thiện đáng kể. Năm 2007, thu nhập bình quân đầu người của cư dân thành thị đạt 13.786 NDT, của cư dân nông thôn đạt 4.140 NDT (5).

Mặt khác, hiện nay Trung Quốc “vẫn tồn tại một số vấn đề đột xuất và một số mâu thuẫn ở tầng sâu trong vận hành kinh tế....; những vấn đề liên quan tới lợi ích thiết thân của quần chúng phải tiếp tục giải quyết. Hiện nay, vấn đề đông đảo quần chúng quan tâm nhất là vật giá leo thang và sức ép lạm phát....; những nhân tố khó lường và những rủi ro tiềm ẩn trong bối cảnh kinh tế thế giới gia tăng...; công tác của chính phủ còn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của tình thế và mong đợi của nhân dân. Chuyển đổi chức năng của chính quyền chưa hoàn tất, quản lý xã hội và dịch vụ công cộng còn tương đối yếu. Một số bộ ngành chức trách chồng chéo, quyền lợi và nghĩa vụ không rõ ràng, đùn đẩy nhau, hiệu quả làm việc thấp. Một số nhân viên, công chức chính quyền thiếu ý thức phục vụ, kém phẩm chất. Cơ chế giám sát và chế tài quyền lực chưa kiện toàn, tình trạng phô trương hình thức, quan liêu còn tương đối nổi cộm, những hiện tượng giả dối, xa xỉ, lãng phí và tham nhũng còn tương đối nghiêm trọng” (6).

Xuất phát từ thực tế nói trên, trong năm 2008 Trung Quốc sẽ tập trung nỗ lực để tăng cường và cải thiện quản lý vĩ mô, đẩy mạnh cải cách mở cửa và tự chủ sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chú ý chất lượng phát triển, chú ý tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, coi trọng cải thiện dân sinh, tạo sự hài hòa xã hội, đẩy nhanh tiến trình xây dựng toàn diện xã hội khá giả trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2008 là: trên cơ sở ưu hóa kết cấu, nâng cao hiệu quả, giảm bớt tiêu hao, bảo vệ môi trường, tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) tăng khoảng 8%; mặt bằng vật giá tiêu thụ của cư dân tăng tối đa khoảng 4,8%, 10 triệu người ở thành phố, thị trấn có việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp có đăng ký ở thành phố được giữ ở mức 4,5%, cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện.

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2008 Trung Quốc sẽ tập trung tiến hành 9 nhiệm vụ, cũng là 9 giải pháp lớn.

1 - Thực hiện tốt quản lý vĩ mô, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển ổn định và tương đối nhanh.

2 - Tăng cường xây dựng cơ sở nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp phát triển và nông dân tăng thu nhập.

3 - Xúc tiến điều chỉnh kết cấu kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển (thay cho chuyển đổi phương thức tăng trưởng).

4 - Tăng cường tiết kiệm năng lượng, giảm bớt chất thải và bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng và an toàn sản phẩm.

5 - Đưa cải cách thể chế kinh tế vào chiều sâu, nâng cao trình độ mở cửa đối ngoại.

6 - Tập trung chú ý hơn nữa vào xây dựng xã hội, ra sức bảo đảm và cải thiện đời sống của nhân dân.

7 - Đưa cải cách thể chế văn hóa vào chiều sâu, thúc đẩy văn hóa phát triển mạnh mẽ và phong phú.

8 - Tăng cường xây dựng pháp chế dân chủ xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy công bằng chính nghĩa xã hội.

9 - Đẩy nhanh tiến trình cải cách thể chế quản lý hành chính, tăng cường công tác xây dựng chính quyền.

Những vấn đề tồn tại trong nước cũng như bối cảnh quốc tế hiện nay của Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, nhất là tình trạng vật giá leo thang, sức ép lạm phát gia tăng và xu thế suy thoái của kinh tế Mỹ, ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, trong khi đó quản lý kinh tế và quản lý xã hội của bộ máy chính quyền còn nhiều khâu yếu kém. Một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của Trung Quốc có ý nghĩa tham khảo đối với Việt Nam.

- Về chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, Trung Quốc đã từng phải chịu hậu quả và đang cố gắng khắc phục tình trạng kinh tế tăng trưởng “quá nóng” xuất hiện từ cuối năm 2003 tới nay. Chỉ tiêu đề ra cho năm 2008 là tăng trưởng khoảng 8%. Mặt bằng vật giá tiêu dùng tăng 4,8%, tuy cao hơn chỉ tiêu đề ra cho mấy năm trước, nhưng vẫn tương đối thấp so với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc lấy việc “ngăn chặn mặt bằng giá cả tăng nhanh” là “nhiệm vụ trọng đại của quản lý vĩ mô trong năm nay”, bởi vật giá tăng quá nhanh không những ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế, mà còn tác động trực tiếp tới đời sống của nhân dân, có thể dẫn tới mất ổn định xã hội. Mặt bằng giá cả thế giới đang trong xu thế tăng cao, lại thêm những vấn đề trong nước, do vậy phải tìm mọi giải pháp hữu hiệu và đồng bộ kiên quyết ngăn chặn “tăng quá nhanh”, nếu không hậu quả sẽ khó lường.

- Về vấn đề xã hội, tập trung cải thiện đời sống của nhân dân, trước mắt là giải quyết những vấn đề bức xúc nhất liên quan đến lợi ích của quần chúng nhân dân trong giáo dục, y tế, việc làm, thu nhập, bảo hiểm, nhà ở. Năm 2008, Trung Quốc thực hiện miễn phí giáo dục nghĩa vụ trong cả nước, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng khoảng gấp rưỡi so với năm 2007 (từ 107,6 tỉ NDT lên 156,2 tỉ NDT); đầu tư cho y tế tăng 16,5 tỉ NDT (từ 65,8 tỉ NDT lên 82,3 tỉ NDT), chủ yếu tăng cho nông thôn và cơ sở, tìm cách tạo ra nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cư dân, đặc biệt là cư dân nông thôn; hoàn thiện một bước hệ thống bảo hiểm, ngân sách nhà nước chi 276,2 tỉ NDT cho bảo hiểm xã hội; chi 6,8 tỉ NDT hỗ trợ cho việc xây nhà ở có giá cho thuê rẻ v.v..

- Về cải cách thể chế chính trị, năm 2008 Trung Quốc tập trung cải cách thể chế quản lý hành chính, trọng tâm là cải cách bộ máy chính phủ. Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc vừa qua đã thông qua Đề cương cải tổ bộ máy chính phủ, sáp nhập và thành lập những bộ mới nhằm mục tiêu tinh giản và nâng cao hiệu quả quản lý hành chính. ở Trung Quốc, cải cách thể chế chính trị, nhất là cải cách hành chính trong thời gian qua chậm hơn cải cách thể chế kinh tế. Tình trạng đó tạo ra những trở ngại không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, cải cách thể chế quản lý hành chính ở hai nước đều có tầm quan trọng như nhau và có thể tham khảo kinh nghiệm của nhau.

- Về vấn đề “tam nông”, trong mấy năm qua, mặc dù những nỗ lực chưa mang lại kết quả như mong muốn, nhưng Đảng và Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm vấn đề này với việc thực hiện những biện pháp như tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, ưu tiên hỗ trợ nông dân, coi trọng xây dựng nông thôn mới...
 

(1) Báo cáo chính trị do TBT Hồ Cẩm Đào trình bày tại Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 15-10-2007
(2) Báo cáo chính trị do TBT Hồ Cẩm Đào trình bày tại Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 15-10-2007
(3) Tổng cương Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc (thông qua tại Đại hội XVII ngày 21-10-2007)
(4) “Báo cáo chính trị”: Tài liệu đã dẫn
(5) Những số liệu trên dẫn từ “Báo cáo công tác Chính phủ” do Thủ tướng Ôn Gia Bảo trình bày tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa XI, ngày 5-3-2008
(6) “Báo cáo công tác của Chính phủ”: Tài liệu đã dẫn