Thủ tướng tiếp xúc song phương bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc
TCCSĐT - Bên lề Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73 tại New York Hoa Kỳ), ngày 27-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp xúc song phương.
* Tại cuộc gặp với Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Maria Fernanda Espinosa Garces, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định coi trọng quan hệ với Liên hợp quốc; ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc.
Thủ tướng đề nghị Liên hợp quốc ưu tiên thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa, ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; khẳng định Việt Nam sẽ đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các công việc chung của Liên hợp quốc, tham gia chủ động, có tránh nhiệm vào các sáng kiến của Liên hợp quốc về phát triển và gìn giữ hòa bình.
Tại cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các nỗ lực của Tổng Thư ký trong việc cải tổ Liên hợp quốc, đặc biệt là hệ thống phát triển Liên hợp quốc để hỗ trợ tốt hơn các nước trong việc thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030.
Thủ tướng mong muốn Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Đại hội đồng và Tổng Thư ký Liên hợp quốc bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đánh giá cao và cảm ơn các đóng góp tích cực của Việt Nam vào việc thực hiện các công việc chung của Liên hợp quốc và các sáng kiến cải tổ phương thức hoạt động của Liên hợp quốc, mong muốn Việt Nam tiếp tục đi đầu thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, khẳng định Liên hợp quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc bày tỏ quan tâm tới tình hình Biển Đông và khẳng định chủ trương nhất quán của Liên hợp quốc ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
** Tại cuộc gặp với ông Phil Falcone, Chủ tịch Quỹ đầu tư tài chính Harbinger; ông Timothy Geithner, nguyên Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Chủ tịch Quỹ đầu tư Warburg Pincus, Thủ tướng đánh giá cao Quỹ Harbinger và Quỹ Warburg Pincus, hai công ty đầu tư tài chính có tiềm lực lớn, đã mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nhất là du lịch, đóng góp vào phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ, thông qua việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Ông Phil Falcone và lãnh đạo Quỹ Warburg Pincus bày tỏ tin tưởng tiềm năng phát triển của Việt Nam, chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ của Thủ tướng và khẳng định cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong dài hạn.
** Tiếp tục các hoạt động, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz - Canel, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov, Tổng thống Croatia Kolinda Grabar - Kitarovic, Thủ tướng Fiji Josaia Voreqe Bainimaramavà Thủ tướng Saint Lucia Allen Chastanet.
Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo cho các nhà lãnh đạo các nước về những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội và việc triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các nước ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa vào việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế một khi được tín nhiệm bầu vào cơ quan quan trọng này.
Các nhà lãnh đạo các nước đánh giá cao vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế, bày tỏ sự ủng hộ và tin tưởng Việt Nam sẽ đảm đương tốt cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực khác nhằm duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
** Tại cuộc gặp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel, Thủ tướng đề nghị hai bên cùng tiếp tục củng cố các cơ chế hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả các dự án hợp tác hiện có về thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh..., đồng thời thúc đẩy xây dựng các cơ chế và lĩnh vực hợp tác mới.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Bộ trưởng Cuba nhấn mạnh tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam, khẳng định tiếp tục kế thừa và phát huy hơn nữa di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel cùng gây dựng, nhất trí cùng thúc đẩy hợp tác kinh tế tương xứng với tiềm năng của hai bên, trong đó đánh giá cao các dự án mà Việt Nam đang triển khai tại các đặc khu kinh tế của Cuba.
** Trong cuộc gặp Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại tình cảm tốt đẹp của nhân dân Việt Nam dành cho nhân dân Bulgaria; đề nghị Bulgaria tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp của mình tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, công nghệ xanh, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường, chế biến thực phẩm...; mong muốn Bulgaria ủng hộ và thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) sớm ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) trong năm 2018.
Thủ tướng Bulgaria nhất trí cần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Bulgaria phát triển thực chất hơn nữa, tương xứng với truyền thống hữu nghị giữa hai nước, mong muốn được đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm Bulgaria trong thời gian sớm nhất.
** Tại cuộc gặp Tổng thống Croatia Kolinda Grabar - Kitarovic, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi để các doanh nghiệp Croatia tìm hiểu thị trường, đầu tư, làm ăn tại Việt Nam, đồng thời đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn cấp bộ, ngành, doanh nghiệp và xúc tiến thương mại - đầu tư, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 200 triệu USD trong 5 năm tới.
Tổng thống Croatia nhất trí cùng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước và hoan nghênh việc hai nước vừa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần tháng 7-2018.
** Tại cuộc gặp Thủ tướng Fiji Josaia Voreqe Bainimarama, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Fiji trong những lĩnh vực phát triển nông nghiệp, trồng lúa bảo đảm an ninh lương thực, hợp tác nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản...
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác chặt chẽ trong ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo vệ và sử dụng bền vững biển và đại dương cả trong khuôn khổ song phương và đa phương.
** Trao đổi với Thủ tướng Saint Lucia Allen Chastanet, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 26-6.
Để đưa quan hệ hai nước phát triển thực chất, Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao và xem xét thiết lập một số cơ chế hợp tác song phương và tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu thị trường và cơ hội kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như nông nghiệp, du lịch.
** Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ các cán bộ Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt Nam, lưu học sinh tiêu biểu và bạn bè Mỹ tại New York.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như các thành tựu đối ngoại nổi bật của Việt Nam thời gian vừa qua và cho rằng những thành công kể trên có phần đóng góp không nhỏ của các cán bộ ngoại giao Việt Nam, cùng cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ nói chung và New York nói riêng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các cán bộ, nhân viên Phái đoàn và Đại sứ quán tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao phó cho ngành ngoại giao; đồng thời tiếp tục hỗ trợ, quan tâm, đáp ứng các nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của bà con cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã lắng nghe nhiều chia sẻ, nguyện vọng và ý kiến đóng góp của cộng đồng người Việt tại địa bàn về chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chính sách thu hút và phát huy sự đóng góp của các trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài và đề nghị các bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực liên quan tiếp thu và có những biện pháp kết nối, triển khai cụ thể.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có cuộc gặp riêng với một số cá nhân là bạn bè của Việt Nam tại Mỹ, cảm ơn sự ủng hộ lâu năm của họ đối với quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng như quá trình đổi mới, hội nhập của Việt Nam.
Thủ tướng đã chia sẻ thông tin về tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam, những bước phát triển trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và đề nghị các bạn bè Mỹ tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước ngày càng bền chặt.
** Tối 27-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Phiên thảo luận cấp cao khóa 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York và lên đường về nước./.
Thủ tướng nêu “trách nhiệm kép” trong bài phát biểu tại Liên hợp quốc  (28/09/2018)
Giải pháp “cứu cánh” cho cuộc khủng hoảng kinh tế tại Argentina  (28/09/2018)
Giải quyết những thách thức về kế hoạch hóa gia đình trong cộng đồng  (28/09/2018)
Bảo đảm an toàn thông tin trên mặt trận tư tưởng  (28/09/2018)
CIENCO4: Chuẩn bị niêm yết lên sàn Chứng khoán  (28/09/2018)
Dấu ấn cổ phần hóa tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (kỳ 1)  (28/09/2018)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay