Bế mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 10 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Ngày 24-8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã bế mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 10 sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc.
Tại phiên họp này, Ủy ban Tư pháp đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Nhân dân; tổ chức phiên giải trình về “Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn từ năm 2012 đến 2017”; thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.
Trước khi bế mạc, tại phiên làm việc ngày 24/8, Ủy ban đã tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.
Cần thiết sửa đổi
Theo Tờ trình của Chính phủ, sau 8 năm thi hành, Luật Thi hành án hình sự năm 2010 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung Luật là rất cần thiết, nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của Luật Thi hành án hình sự năm 2010.
Mục đích của việc xây dựng dự án Luật là để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nghiêm minh bản án, quyết định của tòa án, tính thống nhất của chính sách hình sự; kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo người phạm tội, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia; đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân.
Mở rộng phạm vi sửa đổi
So với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, dự án Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, về thi hành bản án, quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội… Với phạm vi đó, dự thảo Luật đã sửa đổi 92/182 điều, bổ sung 52 điều, bãi bỏ 1 mục, 4 điều; nhiều nội dung sửa đổi là chính sách lớn, cơ bản của Luật Thi hành án hình sự năm 2010. Từ lý do này, Chính phủ đề nghị đổi tên gọi của dự án Luật là Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Đa số ý kiến tại phiên thảo luận tán thành với đề nghị đổi tên dự án Luật và cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Thi hành án hình sự là yêu cầu khách quan nhằm đáp ứng những yêu cầu và chỉ đạo như trong Tờ trình của Chính phủ. Bên cạnh đó, với việc sửa đổi 1/2 tổng số điều, bổ sung gần bằng 1/3 tổng số điều của Luật hiện hành sẽ làm thay đổi rất nhiều nội dung của Luật, do vậy, việc điều chỉnh thành dự án Luật sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho việc sắp xếp lại kết cầu của Luật khoa học và hợp lý hơn. Ngoài ra, việc thay đổi phạm vi sửa đổi cũng sẽ đặt ta yêu cầu cao hơn đối với việc chuẩn bị dự án Luật như: tổng kết thực tiễn thi hành toàn diện, sâu sắc hơn; đánh giá tác động của việc thay đổi chính sách với những mô hình, thủ tục hoàn toàn mới… Như vậy, thời gian vật chất cho quá trình chuẩn bị dự án Luật của Chính phủ, quá trình thẩm tra, cho ý kiến của các cơ quan của Quốc hội cũng cần điều chỉnh để bảo đảm tính khả thi.
Quy định rõ việc tha tù trước hạn có điều kiện
Qua thảo luận, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động cụ thể hơn việc sửa đổi, bổ sung các phương án khác nhau quy định về thi hành án phạt tù. Ví dụ: phương án quy định phạm nhân có thể được hưởng các quyền kết hôn, sinh con, hiến mô, bộ phận cơ thể người, quyền gửi và bảo quản trứng, tinh trùng; quy định về thành lập Ban tự quản phạm nhân, vấn đề phối hợp giữa các trại giam với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dạy nghề để phạm nhân có thể lao động, học nghề ngoài trại giam… Đồng thời, một số ý kiến đề nghị cần xem xét, thu thập thêm ý kiến của đối tượng chịu điều chỉnh của dự án Luật là các pháp nhân thương mại và các cơ quan dự kiến thuộc diện là cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với pháp nhân.
Cho ý kiến về quy định tha tù trước thời hạn có điều kiện (Mục 2A trong dự án Luật), Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du chỉ rõ: Đây là quy định mới bổ sung nhằm thể chế hóa quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, nội dung này cần xem xét, nghiên cứu, chỉnh lý. Theo đó, việc thi hành quyết định tha tù trước hạn có điều kiện tại Điều 49a cần quy định rõ chỉ trả tự do cho người đang chấp hành hình phạt tù khi quyết định tha tù của tòa án có hiệu lực. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện Kiểm sát có quyền kháng nghị quyết định này của tòa án và quyết định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp không kháng nghị. Để bảo đảm việc trả tự do cho người đã có quyết định tha tù đúng quy định, cần quy định rõ thời điểm tha tù, tránh trường hợp áp dụng không thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng hiện nay.
Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ghi nhận sự cố gắng của cơ quan soạn thảo trong việc trình dự án Luật. Đa số thành viên Ủy ban đồng ý mở rộng phạm vi thành dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) nhưng đề nghị cần báo cáo Quốc hội vì liên quan đến Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Chủ nhiệm Lê Thị Nga lưu ý cần xem xét kỹ lưỡng về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài… Ngoài ra để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ với Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị thông qua dự án Luật theo trình tự 3 kỳ họp.
Nhấn mạnh pháp nhân thương mại là vấn đề còn “vướng” trong dự án Luật, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị sau phiên họp này, cơ quan soạn thảo tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, cụ thể: cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh, cơ quan cấp phép, cơ quan chấp thuận cho pháp luật thương mại hoạt động,… nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật./.
Bất đồng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Chưa thể tháo gỡ  (24/08/2018)
Các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam tiếp Tổng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại khu vực Busan-Kyeongnam, Hàn Quốc  (24/08/2018)
Hội nghị khoa học chuyên ngành gây mê hồi sức  (24/08/2018)
Chủ tịch nước đề nghị Ethiopia ủng hộ doanh nghiệp Việt đầu tư  (24/08/2018)
Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời đại hiện nay  (24/08/2018)
Chủ động kiểm soát hoạt động di dân tự do ở miền núi Điện Biên  (24/08/2018)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên