Hoạt động trong ngày của Thủ tướng Chính phủ
TCCSĐT - Ngày 23-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị bàn về công tác hỗ trợ khẩn cấp nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất trên cả nước trong thời gian qua; chủ trì cuộc làm việc với Tổ tư vấn kinh tế.
* Sáng 23-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị bàn về công tác hỗ trợ khẩn cấp nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất trên cả nước trong thời gian qua. Dự Hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đại diện các địa phương bị thiệt hại.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tình tình thiên tai những năm gần đây xảy ra rất nghiêm trọng; lũ quét, sạt lở bờ sông bờ biển với quy mô ngày càng lớn, gia tăng về phạm vi, gây thiệt hại lớn về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Năm 2017, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại các huyện: Mường La (tỉnh Sơn La); Mù Cang Chải (Yên Bái); Tân Lạc, Đà Bắc, thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình); Bắc Trà My, Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam); Chợ Mới (An Giang). Thiên tai đã khiến 4.109 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi hoàn toàn, 13.246 hộ dân đang phải sinh sống tại những nơi không bảo đảm an toàn, có nguy cơ sạt lở cao. Từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra 12 đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm 1.022 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi, hư hỏng hoàn toàn.
Hiện nay, các địa phương đã khẩn trương phân bổ kinh phí và huy động các nguồn lực hợp pháp để khắc phục hậu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống, nhưng chỉ là phương án tạm thời. Theo báo cáo của các tỉnh, đến thời điểm này, cả nước vẫn còn 5.592 hộ dân không có nhà ở hoặc đang ở nhà tạm; 42.106 hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời để đảm bảo an toàn.
Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp, báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương về nhà ở và kết nối hạ tầng thiết yếu với tổng kinh phí 839 tỷ đồng, trong đó 391 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho người dân xây dựng nhà ở, 447 tỷ đồng hỗ trợ bước đầu kết nối hạ tầng thiết yếu.
Theo đề xuất này, mức hỗ trợ trực tiếp để người dân khôi phục lại nhà ở là 70 triệu đồng/hộ; mức hỗ trợ để kết nối với các cơ sở hạ tầng thiết yếu bước đầu về giao thông, điện nước... là 80 triệu đồng/hộ. Theo thống kê, 18 tỉnh, thành trên cả nước cần được hỗ trợ, trong đó tỉnh Yên Bái cần nhận hỗ trợ nhiều nhất là 204 tỷ đồng, thấp nhất là tỉnh Kiên Giang với 5,1 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương cho rằng, tình trạng mưa lớn kéo dài, lượng nước tăng nhanh và tập trung trong một thời điểm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở, lũ quét. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần kinh phí hỗ trợ khẩn cấp cho người dân dựng lại nhà ở để sớm ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng thống nhất phương án hỗ trợ cần căn cứ theo mức độ thiệt hại của mỗi hộ dân theo mức độ tối thiểu từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng/m2 nhà ở.
Cho rằng, việc hỗ trợ cần gắn với kết nối các cơ sở hạ tầng thiết yếu, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất cho biết, hiện nay các tuyến đường liên huyện ở địa phương này đang bị hỏng nghiêm trọng do sạt lở vùi lấp nhưng vẫn chưa có đủ kinh phí để khôi phục, mới chỉ khắc phục tạm thời để người dân có thể đi bộ hoặc xe đạp, xe máy. Theo lãnh đạo tỉnh Sơn La, đường có thông thì công tác hỗ trợ nhà ở cho người dân mới thuận lợi trong việc vận chuyển vật liệu.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho biết, nếu căn cứ theo cảnh báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn khu vực trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đều có nguy cơ sạt lở. Những năm gần đây, nhiều nơi chỉ mưa to kéo dài cũng có thể xảy ra sạt lở, lũ lụt và ngày càng nghiêm trọng. Đồng chí Bùi Văn Tỉnh cùng lãnh đạo các địa phương cũng đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, sớm xây dựng đề án cảnh báo thiên tai để địa phương có thể nắm bắt những nơi trọng điểm có nguy cơ sạt lở cao để kịp thời hướng dẫn người dân di dời đến địa điểm an toàn.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc hỗ trợ đồng bào vùng lũ dựng lại nhà là công việc cấp bách. Trung ương và các địa phương cần nhanh chóng quyết định những giải pháp cần thiết, chủ động trong việc di dời, hỗ trợ người dân đang sống trong cảnh "màn trời chiếu đất", cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thủ tướng yêu cầu phải có nhà ở bằng các nguồn lực khác nhau trên tinh thần chính xác, kịp thời, minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần huy động các nguồn lực khác từ các lực lượng như: Quân đội, Công an, Đoàn thanh niên, cộng đồng dân cư, gia đình, người thân... để cùng chăm lo cho người dân khắc phục khó khăn.
Thủ tướng lưu ý trong quá trình triển khai, các tỉnh bị ảnh hưởng cần nghiên cứu, xác định mức độ hỗ trợ tùy theo thiệt hại của mỗi gia đình để đảm bảo công bằng. Thủ tướng khẳng định, các địa phương phải có sự chuẩn bị thật tốt, lên kế hoạch cụ thể chăm lo cuộc suống người dân; trong đó lưu ý về vấn đề đất ở, đất canh tác, hoạt động sản xuất, giao thông... Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ phải quan tâm đến việc đi học lại của con em đồng bào, chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Đề án di dời dân cư ra khỏi vùng thiên tai, các bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp với các lực lượng khác với trách nhiệm cao nhất trong công tác phòng chống thiên tai. “Các địa phương phải có kế hoạch trước, trong và sau mùa mưa bão để bảo đảm tài sản cho Nhà nước và nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
** Chiều cùng ngày, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổ tư vấn kinh tế.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn chủ động phân tích, thấy được những khó khăn bên trong và bên ngoài, từ đó, góp ý về các cơ chế chính sách để đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững.
Tổ tư vấn đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành rà soát 37 vướng mắc phổ biến đối với doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị, triển khai các dự án đầu tư trong 9 luật và văn bản dưới luật. Tổ tư vấn đã đóng góp nhiều ý kiến đối với các vấn đề kinh tế “nóng mới nổi lên như biến động thị trường chứng khoán, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc…
Tổ tư vấn đã đưa ra báo cáo nhận định về kết quả thực hiện chương trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng sau 2 năm rưỡi với việc trả lời cho 3 câu hỏi: Kết quả tái cơ cấu đã làm thay đổi được gì về nền tảng, tạo thêm động lực tăng trưởng và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài?. Đánh giá khả năng đến năm 2020, có tạo được cấu trúc kinh tế và cân đối vĩ mô đủ vững chắc để đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức mình quân 7% - 7.5% trong giai đoạn 2021 - 2025?. Có cần bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu, giải pháp gì để vừa bảo đảm đạt mục tiêu đặt ra, vừa phù hợp với bối cảnh mới, cả trong và ngoài nước?.
Theo Tổ tư vấn, mô hình tăng trưởng bước đầu có chuyển biến theo hưởng tích cực. Tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn, đạt xấp xỉ 6% năm 2017 so với bình quân 4,6% giai đoạn 2012 - 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh hơn và cải thiện tỷ trọng đóng góp vào GDP. Xuất khẩu khu vực trong nước bước đầu có dấu hiệu tăng nhanh hơn khu vực FDI (6 tháng 2018, xuất khẩu khu vực trong nước tăng 19,9% so với khu vực FDI tăng 14,5%).
Tuy nhiên, kết quả đạt được, theo các chuyên gia, vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu, yêu cầu vào năm 2020 cần tạo được tiền đề vững chắc cho giai đoạn kế hoạch 5 năm tiếp theo phát triển nhanh hơn (GDP tăng bình quân 7% - 7,5% năm), nhất là đặt trong bối cảnh kỉnh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, nhiều rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực đến kết cấu và mô hình tăng trưởng của Việt Nam.
Theo tính toán của Tổ tư vấn, tốc độ tăng năng suất lao động trong những năm tới phải đạt tốc độ cao hơn mới tạo được tiền đề cho tăng trưởng kinh tế cao hơn giai đoạn 2012 - 2025. Để tăng trưởng đạt bình quân 6,85% trong ba năm 2018 - 2020 và mức 7% -7,5% bình quân giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng năng suất đến năm 2020 cần đạt 6,3% và tiến tới phải đạt 6,8%.
Tổ tư vấn khuyến nghị, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt mức 8% GDP (kế hoạch 7%). Tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân (bao gồm dân cư) đạt khoảng 15% GDP (năm 2017 đạt 13,5%). Tạo không gian chính sách mới cho chính sách tài khóa: Kiên quyết chỉ đạo thực hiện để đạt mục tiêu đã xác định “chi thường xuyên dưới 64% tổng chi ngân sách”.
Nhìn nhận về một năm hoạt động vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tổ tư vấn với các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, là một kênh thông tin hữu hiệu giúp cho Thủ tướng trong việc định hình chính sách. Nhiều thành viên đã dành thời gian, thường xuyên thông tin, có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình kinh tế cũng như giải pháp, nhất là nhiều vấn đề “nóng” nổi lên.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như khuyến nghị cơ chế chính sách cụ thể của Tổ tư vấn còn hạn chế, chưa huy động nhiều nguồn lực của các nhà khoa học khác tham gia…
Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn cần có những tư vấn về chiến lược phát triển, nhất là các động lực mới, các nhân tố mới, các dư địa cần tập trung để phát triển.Tổ tư vấn cần góp ý cả chính sách ngắn hạn, trung và dài hạn, những đột phá để tăng nhanh tự cường kinh tế quốc gia, năng suất lao động, làm chủ công nghệ; những vấn đề lớn khác như nghiên cứu cơ chế liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là vấn đề góp vốn đất đai. Thủ tướng đặt đầu bài với Tổ tư vấn về cơ chế thúc đẩy huy động nguồn lực trong dân, xã hội hóa, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai PPP…
Đánh giá cao báo cáo của Tổ tư vấn về chương trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, Thủ tướng nhất trí cho rằng, hai năm qua, chương trình này đã đi vào thực chất hơn, tạo chuyển biến rõ nét hơn và đề nghị các thành viên Tổ tư vấn góp phần thông tin rõ hơn, đầy đủ hơn về kết quả tích cực trên các mặt của đất nước, góp phần tạo không khí phấn khởi, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong làm ăn kinh doanh.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, cần thẳng thắn nhìn nhận, tái cơ cấu kinh tế còn có mặt hạn chế, bất cập như nhiều ngành, lĩnh vực chuyển dịch còn chậm, chưa thực hiện được một số mục tiêu, yêu cầu đề ra…
Ghi nhận góp ý của Tổ tư vấn về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô để không có cú sốc xảy ra với nền kinh tế, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế với các biện pháp kịp thời hơn. Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của Tổ tư vấn về các giải pháp ngắn hạn, trung và dài hạn để vượt qua các khó khăn, thách thức hiện nay của kinh tế thế giới../.
Yêu cầu Đài Loan chấm dứt ngay tập trận bắn đạn thật tại đảo Ba Bình  (23/08/2018)
Triển vọng mới trong hợp tác đầu tư, thương mại với các nước châu Phi  (23/08/2018)
Bế mạc Hội thảo Quản lý Lục quân Thái Bình Dương lần thứ 42  (23/08/2018)
Bế mạc Hội thảo Quản lý Lục quân Thái Bình Dương lần thứ 42  (23/08/2018)
Chủ tịch nước lên đường thăm cấp Nhà nước đến Ethiopia và Ai Cập  (23/08/2018)
Tỉnh Lâm Đồng sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị  (23/08/2018)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên