TCCSĐT - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương hoàn tất công tác tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN).


Hội nghị WEF ASEAN diễn ra từ ngày 11 đến 13-9-2018 tại Hà Nội. Hội nghị WEF ASEAN là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng của nước ta trong năm 2018. Việc tổ chức Hội nghị WEF ASEAN cần bảo đảm hiệu quả tổng thể về chính trị, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội; tổ chức trọng thị, chu đáo về nội dung, tuyên truyền, lễ tân, an ninh, cơ sở vật chất phù hợp với các quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn, tính chất, thông lệ của các hội nghị WEF.

Do đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Ban Tổ chức Hội nghị và các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc hoàn tất công tác chuẩn bị và tập trung làm tốt công việc được giao.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải chuẩn bị kỹ nội dung phát biểu, trao đổi của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Lãnh đạo Chính phủ và các Bộ trưởng tại Hội nghị WEF ASEAN nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp về Việt Nam năng động, cởi mở, đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, tích cực tham gia CMCN 4.0; thể hiện được dấu ấn và sự đóng góp của Việt Nam vào các vấn đề quan tâm chung của khu vực. Căn cứ tính chất, hình thức thảo luận đặc thù của Hội nghị WEF ASEAN, các phát biểu, nội dung trao đổi cần ngắn gọn, súc tích, truyền tải thông điệp rõ ràng, cụ thể.

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Hội nghị và WEF tổ chức tốt Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Hội nghị và WEF chuẩn bị tốt Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam.

Các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ninh chủ động, phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Hội nghị chuẩn bị tốt nội dung quảng bá, tranh thủ tối đa cơ hội tiếp xúc, trao đổi với các tập đoàn hàng đầu để thúc đẩy hợp tác thương mại, thu hút đầu tư, công nghệ, du lịch.

Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông về Hội nghị WEF ASEAN, đặc biệt là tuyên truyền tầm quan trọng, chủ đề, nội dung và lợi ích tổ chức Hội nghị WEF ASEAN để thu hút sự quan tâm, tích cực hưởng ứng, ủng hộ và tham dự của các doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời làm nổi bật được hình ảnh, dấu ấn và đóng góp của Việt Nam với tư cách là chủ nhà của Hội nghị...

Quy định mới về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó quy định cụ thể điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Cụ thể, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo gồm:

1- Thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật được kinh doanh xuất khẩu gạo khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

- Có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

2- Kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh tại (1) nêu trên có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê bằng văn bản theo quy định của pháp luật với thời hạn thuê tối thiểu 5 năm.

Thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (Giấy chứng nhận) không được cho thuê, cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh trong đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận của mình để thương nhân khác sử dụng vào mục đích xin cấp Giấy chứng nhận.

3- Thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại (1), (2) nêu trên, được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông và có trách nhiệm báo cáo theo quy định.

Khi thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không có Giấy chứng nhận chỉ cần xuất trình cho cơ quan Hải quan bản chính hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền văn bản xác nhận, chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc chứng thư giám định gạo xuất khẩu do tổ chức giám định cấp theo quy định của pháp luật về việc sản phẩm gạo xuất khẩu phù hợp với các tiêu chí, phương pháp xác định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế hướng dẫn.

Nghị định cũng quy định cụ thể về kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, thương nhận tự kê khai hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã kê khai, về các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận và việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định nêu trên.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, sát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, Sở Công Thương báo cáo Bộ Công Thương kết quả kiểm tra bằng văn bản, đề xuất biện pháp xử lý vi phạm (nếu có) và gửi kèm theo biên bản kiểm tra.

Theo kế hoạch định kỳ hằng năm hoặc đột xuất, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra công tác hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, sát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận và việc duy trì đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân. Nghị định có hiệu lực từ 01-10-2018.

Lập đề xuất Dự án xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên


Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án giao UBND tỉnh Điện Biên là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng Cảng hàng không Điện Biên.

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng hàng không Điện Biên được tập trung nghiên cứu, triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Việc sớm đầu tư và xây dựng mở rộng Cảng hàng không đáp ứng quy mô quy hoạch là cần thiết, nhằm tháo gỡ nút thắt về giao thông vận tải, nâng cao năng lực vận tải hàng không và tạo điều kiện để tỉnh Điện Biên thu hút đầu tư, phát huy tiềm và năng lợi thế, đặc biệt là về du lịch; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Điện Biên và miền Tây bắc của Tổ quốc.

Lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải hàng không thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, việc đề xuất nghiên cứu đầu tư và xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên theo hình thức PPP là phù hợp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ủng hộ đề xuất giao UBND tỉnh Điện Biên là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng; tuy nhiên, việc đầu tư theo hình thức PPP rất phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực cảng hàng không, sân bay; vì vậy, cần nghiên cứu hình thức đầu tư, quản lý và khai thác, trong điều kiện các công trình, tài sản hiện có tại Cảng hàng không Điện Biên đang được quản lý, khai thác bởi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các doanh nghiệp khác.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, tổ chức lập hoặc phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chỉ đạo các Nhà đầu tư quan tâm, lập đề xuất Dự án đầu tư và xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên làm cơ sở để xem xét, phân giao nhiệm vụ quản lý và thực hiện đầu tư, xây dựng theo đúng quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-9-2018.

Theo Quyết định số 2501 của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn đến năm 2020, dự kiến Cảng hàng không Điện Biên sẽ có công suất khoảng 300.000 hành khách và 500 tấn hàng hóa/năm. Tạo được 3 vị trí đỗ máy bay, trong đó 2 vị trí cho máy bay ATR72, 1 vị trí cho máy bay A320, A321 hoặc tương đương. Đến năm 2030, dự kiến cảng sẽ nâng công suất lên 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hóa/năm.

Dự kiến giai đoạn 2020 sẽ khai thác các tuyến bay theo hướng: Điện Biên - Nội Bài và Điện Biên - Cát Bi và định hướng đến 2030 dự kiến khai thác thêm 2 tuyến bay là: Điện Biên - Đà Nẵng; Điện Biên - Tân Sơn Nhất. Trong tương lai, theo xu hướng Cảng hàng không Điện Biên có thể trở thành Cảng hàng không quốc tế trực tiếp đón, đưa khách từ Lào, Campuchia, Myanma, Thái Lan.../.