Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao CLMV 9
Ngay sau Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 8 (ACMECS 8), chiều 16-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 9 (CLMV 9) tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Với chủ đề “Vì sự hội nhập và kết nối sâu sắc hơn”, Hội nghị đã rà soát tình hình hợp tác kể từ Hội nghị Cấp cao CLMV 8 tại Hà Nội (tháng 10-2016) và thảo luận phương hướng và biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới.
Các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhằm phát huy tiềm năng kinh tế của các nước thành viên, đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và bảo đảm sự phát triển bền vững và bao trùm tại khu vực.
Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ tin tưởng rằng, hợp tác và phối hợp chặt chẽ sẽ giúp các nước CLMV vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội phát triển mới.
Hội nghị đánh giá cao nỗ lực của các nước trong thúc đẩy kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, quảng bá và xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực. Lãnh đạo các nước Campuchia, Lào và Myanmar bày tỏ cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cung cấp học bổng và các khóa đào tạo thiết thực.
Về định hướng hợp tác giai đoạn tiếp theo, các nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy kết nối nhiều mặt giữa bốn nền kinh tế nhằm thực hiện các mục tiêu của CLMV.
Về giao thông, đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường còn thiếu và nâng cấp các tuyến đường thuộc Hành lang Kinh tế Bắc-Nam (NSEC), Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC) và Hành lang Kinh tế phía Nam (SEC); đẩy nhanh xây dựng tuyến cao tốc Vientiane-Hà Nội; nghiên cứu khả thi mở tuyến đường kết nối Myanmar - Lào - Việt Nam.
Về tạo thuận lợi thương mại, đầu tư và hợp tác công nghiệp: thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận hiện có giữa các nước CLMV; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; thúc đẩy thương mại biên giới và phát triển thương mại điện tử; cắt giảm rào cản thương mại thông qua hài hòa tiêu chuẩn và hợp chuẩn; phát triển các đặc khu kinh tế, khu công nghiệp; xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp tác chia sẻ thông tin và kinh nghiệm tốt về phát triển công nghiệp.
Về phát triển du lịch, triển khai đầy đủ Kế hoạch Hành động 2016 - 2018 về hợp tác du lịch; hợp tác trao đổi thông tin và kinh nghiệm; tạo điều kiện cho các công ty, hiệp hội du lịch tham gia vào các sự kiện du lịch ở khu vực; thúc đẩy hợp tác công -tư về du lịch, tăng cường liên kết hàng không.
Về phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục triển khai Chương trình học bổng CLMV do Chính phủ Việt Nam tài trợ giai đoạn 2016 - 2020; nghiên cứu thiết lập cơ sở dữ liệu về nhu cầu của thị trường lao động, về đào tạo nghề giữa các nước CLMV; thúc đẩy các chương trình chung và giao lưu giữa các trường đại học, cơ sở đào tạo và thúc đẩy công nhận lẫn nhau về bằng cấp giữa các nước CLMV.
Về hợp tác nông nghiệp, nâng cao năng suất và đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp và gắn kết nông sản với thị trường qua các chuỗi giá trị, cân nhắc triển khai mô hình “sản xuất theo hợp đồng”; thúc đẩy hợp tác nghề cá, lâm nghiệp, chia sẻ các thực tiễn tốt và triển khai thực hành nông nghiệp bền vững.
Về hợp tác năng lượng, nâng cao hiệu suất sử dụng và bảo tồn năng lượng; hợp tác nghiên cứu phát triển các công nghệ năng lượng mới, sạch và tái tạo; quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, bao gồm nguồn nước, trong sản xuất năng lượng; khuyến khích việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật điện; thúc đẩy việc xây dựng các cơ chế định giá truyền tải chung; thúc đẩy xây dựng các kênh chia sẻ thông tin giữa các nước CLMV trong lĩnh vực năng lượng.
Về hợp tác công nghệ thông tin và viễn thông (ICT), tăng cường trao đổi tri thức và kinh nghiệm về chính sách và xây dựng quy định về ICT, phát triển ngành công nghiệp ICT; nâng cao năng lực ICT và kỹ năng số; thúc đẩy kết nối ICT giữa các nước; mở rộng hợp tác trong an ninh mạng; tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp ICT và khuyến khích các hoạt động đối thoại chính sách, giao lưu.
Các nhà lãnh đạo giao các quan chức cao cấp nghiên cứu và kiến nghị biện pháp tinh giản hoạt động của CLMV, gắn kết hơn nữa hợp tác CLMV với các cơ chế Mekong khác; giao các Bộ trưởng Kinh tế sớm hoàn thành xây dựng khung về phát triển CLMV.
Lãnh đạo năm nước Mekong cũng kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của khu vực doanh nghiệp, các đối tác phát triển trong thực hiện các dự án hợp tác CLMV và hoan nghênh việc Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 27 của Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) từ ngày 01 đến 13-9.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN có tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia CLMV và ổn định, thịnh vượng của ASEAN.
Thủ tướng đã nêu ba điểm lớn mà hợp tác CLMV cần chú trọng để đạt hiệu quả hoạt động cao nhất.
Thứ nhất, hợp tác ACMECS (hay CLMV) cần tập trung vào các lĩnh vực hợp tác phù hợp với thế mạnh của cơ chế hợp tác và có tính khả thi cao, đặc biệt trong điều kiện nguồn lực hạn chế và cả bốn nước đều tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác Mekong; một số lĩnh vực cần chú trọng như kết nối hạ tầng mềm, nông nghiệp và du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng.
Thứ hai, sáng tạo trong cách thức huy động nguồn lực và xây dựng các dự án chung liên quốc gia (lồng ghép nội dung của CLMV vào các cơ chế hợp tác Mekong khác, thúc đẩy sự tham gia của các đối tác phát triển tại các cuộc họp và thực hiện dự án).
Thứ ba, xây dựng chiến lược hợp tác trung, dài hạn làm cơ sở để triển khai các hoạt động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra những đề xuất cụ thể, thể hiện sự chủ động đóng góp của Việt Nam như việc sẵn sàng hỗ trợ các nước tham dự các hội chợ lớn tại Việt Nam, xây dựng chính phủ điện tử, nâng cao năng lực và kỹ năng số, tiếp tục triển khai chương trình học bổng CLMV, mở rộng quy mô học viên cho cả ba nước Campuchia, Lào, Myanmar tới học tại Trung tâm Đào tạo nghề tại tỉnh Kon Tum.
Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao CLMV 9 và nhất trí Lào sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 10.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các Trưởng đoàn các nước ACMECS có buổi ăn trưa làm việc với một số Giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp trong ACMECS. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia gồm lãnh đạo BRG, T&T, FPT, VietJet, Hợp Lực./.
Phiên họp thứ năm của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương  (16/06/2018)
Việt Nam luôn dành ưu tiên cao nhất cho quan hệ đặc biệt với Lào  (15/06/2018)
Thủ tướng bắt đầu chương trình dự hội nghị ACMECS 8 và CLMV 9  (15/06/2018)
Thủ tướng phê chuẩn ông Phan Ngọc Thọ làm Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế  (15/06/2018)
Thủ tướng chỉ thị triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa  (15/06/2018)
Chủ tịch Quốc hội Micronesia kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam  (15/06/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên