Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 09 đến 15-4-2018)
TCCSĐT - Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các đồng minh khác của Mỹ tại vùng Vịnh gần một năm qua vẫn bế tắc, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani đã thực hiện chuyến thăm Mỹ. Chuyến thăm cũng là cơ hội để Mỹ và Qatar thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.
Qatar - Mỹ: Thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm cơ hội giải quyết khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh
Tổng thống Mỹ D. Trump tiếp Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani. Ảnh: Gettyimages
Ngày 10-4, Tổng thống Mỹ D. Trump đã tiếp Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. Tại cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đã trao đổi về mối quan hệ song phương, đặc biệt là tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước cũng như những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, kinh tế, thương mại. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Qatar cũng thảo luận về cuộc chiến ở Syria, vai trò của Qatar trong việc ngăn chặn các nhóm tài trợ cho khủng bố, môi trường an ninh hiện tại ở Trung Đông. Ngoài ra, hai bên đồng ý tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới nhằm giải quyết các vấn đề cùng quan tâm. Phát biểu trong buổi tiếp, Tổng thống D. Trump đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ - Qatar, nêu bật lập trường của Washington coi Doha là một đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy của Mỹ tại Trung Đông, đặc biệt trong nỗ lực của Mỹ duy trì an ninh và ổn định khu vực cũng như cuộc chiến chống khủng bố. Tổng thống D. Trump nhấn mạnh hai nước cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm chấm dứt việc cung cấp nguồn tài chính cho các nhóm khủng bố ở Trung Đông.
Đề cập đến căng thẳng ngoại giao hiện nay giữa Qatar và các nước Arab gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh đến tính cấp bách của việc các bên liên quan tránh gia tăng căng thẳng và cùng phối hợp để có được một giải pháp. Về phần mình, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani cũng đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ cũng như vai trò của Tổng thống D. Trump trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại tại vùng Vịnh, đồng thời nhấn mạnh Qatar cũng như Mỹ sẽ không dung thứ những nhóm hỗ trợ tài chính cho khủng bố.
Qatar là đồng minh quân sự lâu đời của Mỹ, các lợi ích quốc phòng của Mỹ gắn chặt với quan hệ nước này. Chuyến thăm Mỹ của Quốc vương Qatar diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thái tử Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Mohammed bin Zayed có chuyến thăm thành công tới Mỹ, trong đó hai nhà lãnh đạo nhất trí các nước thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) “có thể và nên hành động nhiều hơn nữa để tăng cường sự phối hợp giữa các nước vùng Vịnh với nhau cũng như với Mỹ, đặc biệt là trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh”. Tháng trước, Tổng thống D. Trump cũng đã gặp Hoàng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman nhân dịp Hoàng Thái tử Salman có chuyến công du dài ngày tới Mỹ. Do vậy, cộng đồng quốc tế hy vọng, với chuyến thăm này cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh sẽ sớm có cơ hội chấm dứt.
Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018: Vì một tương lai châu Á thịnh vượng
Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018. Ảnh: AP
Sau 4 ngày họp, Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018 (BFA) với chủ đề “Châu Á mở cửa sáng tạo - Thế giới phát triển thịnh vượng”, đã chính thức bế mạc ngày 11-4-2018 tại thành phố duyên hải Bác Ngao (Trung Quốc), với những kết quả tích cực trong việc thúc đẩy toàn cầu hóa.
Được coi là Diễn đàn kinh tế thế giới của khu vực châu Á, BFA năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Á đang triển khai thực hiện các nghị quyết của Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 nhằm xây dựng xã hội hiện đại, thịnh vượng về mọi mặt. Bên cạnh đó, những thách thức mà châu Á đang phải đối mặt, từ an ninh tới môi trường, từ vấn đề cạnh tranh, ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đến tác động của xu thế bảo hộ thương mại đang trỗi dậy..., buộc các nền kinh tế châu Á phải tìm ra cách thức ứng phó hiệu quả.
Theo sự quan tâm chung, BFA mỗi năm lựa chọn một chủ đề là các vấn đề kinh tế nổi bật mà các quốc gia châu Á đang phải đối mặt hay cùng quan tâm. Nếu như năm ngoái là chủ đề về toàn cầu hóa thì chủ đề BFA 2018 là “Một châu Á cởi mở và đổi mới vì một thế giới thịnh vượng hơn” .
Không phải ngẫu nhiên mà BFA trong 2 năm liên tiếp đều chọn chủ đề bao trùm về toàn cầu hóa và cởi mở kinh tế. Hiện nay, các nền kinh tế châu Á đóng góp tới hơn 1/3 vào nền kinh tế thế giới và có mối liên hệ, tương trợ qua lại ngày càng mật thiết. Giao dịch thương mại giữa các nền kinh tế trong khu vực trên thực tế đã vượt qua lượng giao dịch giữa châu Á và Liên minh châu Âu (EU).
Tại đây, các chuyên gia, học giả, các nhà quản lý kinh tế đã cùng nhau thảo luận nhằm tìm ra những biện pháp vượt qua những thách thức mà châu Á đang phải đối mặt. Ngoài ra, trong “Báo cáo hằng năm về sức cạnh tranh của châu Á năm 2018” công bố tại cuộc họp báo trong khuôn khổ BFA 2018 đã nhấn mạnh vai trò “chèo lái” quan trọng của kinh tế châu Á đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu, đồng thời khẳng định các yếu tố về tăng trưởng bên ngoài được tăng cường, đà chuyển động bên trong và sự hợp tác sâu rộng giữa các thị trường gắn kết về kinh tế là xung lực thúc đẩy sự phát triển trong tương lai của châu Á. Báo cáo cho rằng, thực thi các chính sách kinh tế cởi mở và đổi mới sẽ tiếp tục mang đến nhiều lợi thế phát triển, cũng như bảo đảm các nền kinh tế châu Á có được sự ổn định hơn và phát triển tốt trong tương lai.
Rõ ràng, với việc tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của “mở cửa”, BFA 2018 một lần nữa khẳng định xu thế không thể đảo ngược của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, cũng như ý nghĩa của việc thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các nước châu Á nói chung và với thế giới nói riêng “vì một thế giới thịnh vượng hơn”.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Tín hiệu tích cực nhưng vẫn khó khăn
Ảnh minh họa. Ảnh: Bloomberg
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã xuất hiện diễn biến tích cực khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết về cắt giảm thuế quan nhập khẩu và Tổng thống Mỹ D. Trump đã bày tỏ hoan nghênh, tuy nhiên, Trung Quốc nhấn mạnh hiện không thể diễn ra các cuộc đàm phán. Trước diễn biến này, giới chuyên gia cho rằng, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cần nhiều nỗ lực trong việc giải quyết căng thẳng thương mại.
Ngày 10-4-2018, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa nền kinh tế nhằm thu hút đầu tư, tăng sở hữu vốn của các doanh nghiệp nước ngoài trong các công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực ô tô, đóng tàu và máy bay trên lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời cam kết trong năm 2018 xem xét hạ mức thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng trong đó có ô tô, công bố các biện pháp mở cửa thị trường tài chính cũng như siết chặt các quy định pháp lý đối với quyền sở hữu trí tuệ. Cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng S. Sanders cho biết, Washington cam kết sẽ cùng Bắc Kinh đạt được “tiến bộ to lớn” trong nỗ lực giải quyết căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bà S. Sanders nêu rõ, Nhà Trắng muốn thấy những bước đi và hành động cụ thể từ phía Bắc Kinh trước khi Washington cân nhắc gỡ bỏ thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Mặc dù Bắc Kinh vẫn kêu gọi Washington giải quyết bất đồng về thương mại và thuế quan thông qua đối thoại và đàm phán, tuy nhiên, ngày 12-4, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh không thể tiến hành đàm phán nhằm giải quyết căng thẳng thương mại với Mỹ vào thời điểm hiện tại do Mỹ áp đặt thêm mức thuế đối với các hàng hóa trị giá 100 tỷ USD từ Trung Quốc nhằm đáp trả cái gọi là “Bắc Kinh đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ”. Đồng thời tuyên bố, các kế hoạch được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra nhằm cắt giảm thuế nhập khẩu xe hơi và nới lỏng quy định đầu tư trong các lĩnh vực tài chính và xe hơi không phải hành động nhượng bộ với Mỹ.
Liên quan đến vụ việc, ngày 22-3-2018, Tổng thống D. Trump đã ký quyết định áp gói thuế quan trị giá tới 60 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để đòi lại sự công bằng trong hoạt động thương mại giữa hai nước. Việc Tổng thống D. Trump hiện thực hóa lời đe dọa cứng rắn với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại diễn ra cùng lúc với việc Nhà Trắng thông báo quyết định của Tổng thống D. Trump hoãn áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập dành cho các đối tác thương mại chính của Mỹ. Động thái này của Mỹ rõ ràng đang “chọc tức” Trung Quốc khi mà quốc gia này đang là nhà xuất khẩu thép số 1 thế giới.
Việc chính quyền Mỹ dựng lên hai hàng rào thuế quan liên tiếp khiến Bắc Kinh phản đối và cảnh báo sẽ “đáp trả đến cùng” nếu Washington khăng khăng muốn đối đầu. Mặc dù khẳng định không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng Bắc Kinh chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ những lợi ích hợp pháp của mình.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được đánh giá có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Nếu cuộc chiến thương mại toàn cầu xảy ra, sẽ tạo một cú sốc tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, ước tính tương đương 1% đến 3% trong vài năm tới. Vì vậy, trong thời gian này, Mỹ và Trung Quốc cần nỗ lực nhiều hơn bởi thái độ của cả hai nước đều có thể trở thành yếu tố then chốt chi phối khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại thực sự.
Nhiều hệ lụy nếu thỏa thuận hạt nhân Iran bị hủy bỏ
Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN
Ngày 12-5-2018 là thời điểm Tổng thống Mỹ D. Trump đưa ra đánh giá về mức độ tuân thủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký kết với Nhóm P5+1 của Iran. Theo giới phân tích, các nước đồng minh châu Âu của Mỹ đang nỗ lực tìm cách giải quyết những khúc mắc trong quan điểm của Mỹ nhằm bảo vệ thỏa thuận này.
Trên thực tế, thỏa thuận hạt nhân Iran đã giúp châu Âu giảm bớt được những quan ngại về chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời đẩy lùi nguy cơ diễn ra một cuộc xung đột quân sự ở Trung Đông. Đối với châu Âu, thỏa thuận hạt nhân Iran là một thành công, giúp họ duy trì được ảnh hưởng trên toàn cầu. Việc bảo vệ thỏa thuận này sẽ giúp củng cố niềm tin cơ bản của châu Âu rằng chính sách ngoại giao mang lại hiệu quả hơn là chính sách đối đầu.
Giới quan sát nhận định, châu Âu nên đưa ra một kế hoạch khẩn cấp để đối phó với những tình huống bất ngờ nếu Mỹ vẫn khăng khăng duy trì quan điểm của mình đối với thỏa thuận hạt nhân, đồng thời châu Âu cần phải để Washington biết rõ rằng, họ sẵn sàng áp dụng kế hoạch đó. Bên cạnh đó, châu Âu cũng cần đưa ra một kế hoạch (cùng với Trung Quốc và Nga) để thuyết phục Iran tiếp tục tuân thủ các điều khoản then chốt của thỏa thuận hạt nhân hiện tại. Về phía Iran, Iran tuyên bố sẽ cân nhắc việc duy trì thỏa thuận hạt nhân cho dù Mỹ hủy bỏ nó nếu thỏa thuận này mang lại lợi ích quốc gia cho Iran. Giới chức Iran chắc chắn sẽ cân nhắc một cách cẩn thận nếu châu Âu có thể vạch ra một con đường để Iran tiếp tục hội nhập về chính trị và kinh tế với thế giới.
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá các nỗ lực của châu Âu nhiều khả năng sẽ vẫn thất bại, nhất là sau quyết định bổ nhiệm quan chức có tư tưởng cứng rắn là John Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống D. Trump, cho thấy rất có thể Mỹ sẽ sớm rút khỏi thỏa thuận này. Trong khi đó, Iran cũng khó có khả năng chấp nhận các hạn chế đối với chương trình tên lửa, ngoài yêu cầu về giới hạn đối với tầm bắn của tên lửa. Iran cho rằng chương trình tên lửa là để tự vệ.
Nếu những nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử của châu Âu thất bại thì kết cục đối với Iran là rất nghiêm trọng. Với một danh sách đầy đủ các biện pháp trừng phạt, bao gồm trừng phạt hoạt động nhập khẩu dầu thô từ Iran, tình hình kinh tế của Iran chắc chắn càng trở nên tồi tệ. Tuy nhiên, các nhà quan sát khẳng định, cái giá phải trả cho việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân không chỉ tác động tới Iran. Một thỏa thuận hạt nhân bị hủy hoại sẽ làm xói mòn triển vọng Iran tiếp tục duy trì các cam kết trước đó, cũng như làm ảnh hưởng đến quy định minh bạch vốn được đề cập trong thỏa thuận về hoạt động thanh sát nghiêm ngặt chương trình hạt nhân của Iran. Sự sụp đổ của thỏa thuận có tác động lớn đến lợi ích và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, khoét sâu những mâu thuẫn xuyên Đại Tây Dương sâu sắc như hồi chiến tranh Iraq năm 2003, làm thất bại các nỗ lực ngoại giao đa phương trong xử lý các điểm nóng khác như Triều Tiên, và tạo thời cơ cho Nga và Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông. Nhiều dự báo còn cho rằng, sự chấm dứt thỏa thuận hạt nhân sẽ mở ra viễn cảnh không thể ngăn cản về cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Iran và đưa đến kết cục tàn phá cho sự ổn định khu vực và kinh tế toàn cầu.
Cần những giải pháp bảo mật thông tin
Ảnh minh họa. Ảnh: The Sun
Sau vụ bê bối về bảo mật thông tin gây chấn động dư luận, nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành (CEO) mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Vụ bê bối cho thấy sự cấp bách phải có những biện pháp để kiểm soát và tăng cường bảo mật thông tin cá nhân người dùng.
Trong phiên điều trần đầu tiên kéo dài 5 tiếng trước Thượng viện Mỹ ngày 10-4-2018 liên quan đến bê bối lộ dữ liệu 87 triệu tài khoản cá nhân, người sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg đã thừa nhận sai lầm, xin lỗi người sử dụng và khẳng định sẽ không từ chức.
Dù cho CEO Zuckerberg đã thừa nhận trách nhiệm trong vụ bê bối rò rỉ thông tin, cam kết thay đổi chính sách để ngăn ngừa những sai sót về quản lý dữ liệu và xin lỗi người dùng toàn cầu nhưng sự thất bại của mạng xã hội lớn nhất thế giới này trong việc bảo vệ thông tin người dùng đã khiến hàng nghìn người tẩy chay với chiến dịch có tên “DeleteFacebook”. Thiệt hại kinh tế cũng đã rất nặng nề khi chỉ trong vài tuần sau khi vụ việc bị phanh phui, cổ phiếu của Facebook đã giảm tới 16%, khiến giá trị thị trường “bốc hơi” hơn 80 tỷ USD. Nếu cơn giận dữ của người dùng tiếp tục bùng phát sau phiên điều trần, con số thiệt hại sẽ không chỉ dừng lại ở đó.
Trên thực tế, thông tin của người dùng là “nguồn tài nguyên” quý giá, dễ dàng trở thành “những miếng mồi” của tin tặc, những kẻ đánh cắp danh tính, những đối tượng lừa đảo đang xây dựng hồ sơ tâm lý người dùng để phục vụ cho lợi ích chính trị nào đó. Tin tặc, những kẻ đánh cắp danh tính và lừa đảo có thể sử dụng những thông tin cá nhân và kết hợp với các dữ liệu khác để lừa đảo người dùng, phát tán phần mềm độc hại trên máy tính hay điện thoại di động.
Bên cạnh đó, lượng dữ liệu lớn mà các tài khoản Facebook tạo ra mỗi ngày nếu bị rò rỉ cũng đặt ra những nguy cơ đối với an ninh và sự ổn định của các quốc gia. Một tổ chức nước ngoài có thể sử dụng các thông tin đó để gây ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử. Hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu những thông tin của người dùng có khuynh hướng tiêu cực bị các chính trị gia theo chủ nghĩa cực đoan lợi dụng để giành sự ủng hộ, từ đó càng khoét sâu sự chia rẽ và bất ổn trong xã hội.
Do vậy, sau vụ bê bối dữ liệu của Facebook, vấn đề cấp bách mà chính phủ các nước cần phải thực hiện đó là tìm kiếm và triển khai những biện pháp, quy định pháp lý nghiêm ngặt hơn để quản lý và bảo đảm những trang mạng xã hội đáp ứng được tiêu chuẩn bảo mật thông tin người dùng./.
Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi sẽ thăm Việt Nam  (15/04/2018)
Chính phủ quyết kéo giảm khoản chi phí chiếm 21% GDP  (15/04/2018)
Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Ardeshir Larijani thăm chính thức Việt Nam  (15/04/2018)
"Chảo lửa” Syria ảnh hưởng kinh tế đến những cường quốc hàng đầu  (15/04/2018)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại tỉnh An Giang  (15/04/2018)
'Nâng cấp' Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới  (15/04/2018)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên