Quảng Ninh xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân các khu công nghiệp
TCCS - Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp có hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, các khu công nghiệp ở Quảng Ninh thu hút được 15.946 lao động. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho công nhân khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Công đoàn các khu công nghiệp nhằm cải thiện điều kiện làm việc, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho công nhân lao động ngày một tốt hơn.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp có hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Cùng với việc thu hút đầu tư, nhất là đầu tư vào các khu công nghiệp, số lượng công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng đáng kể từ 4.914 lao động (năm 2012) lên 15.946 lao động (năm 2016). Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới tại Quảng Ninh tăng nhanh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thu hẹp hoặc ngừng sản xuất, đã ảnh hưởng lớn tới việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động. Tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài Nhà nước ngày càng phức tạp. Nhận thức và ý thức chấp hành kỷ luật lao động của một bộ phận công nhân lao động còn hạn chế; tình hình vi phạm chính sách pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm... vẫn còn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp.
Để tập trung chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho công nhân khu công nghiệp, ngày 19-5-2016, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Công đoàn các khu công nghiệp Quảng Ninh với nhiệm vụ trọng tâm là cải thiện điều kiện làm việc, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ). Tính đến tháng 6-2017, có tổng số 33 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc Công đoàn các khu công nghiệp, trong đó hơn 50% số CĐCS thuộc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Trên 13.500 công nhân khu công nghiệp tham gia tổ chức công đoàn, chiếm gần 90% tổng số CNLĐ khu công nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 153/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Lương bình quân của công nhân khu công nghiệp đạt 4.200.000đ/người/tháng. Tuy nhiên, mức lương hiện nay mới chỉ đáp ứng được 85% mức sống tối thiểu, trong khi thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động hầu như không tăng.
Theo thống kê, hiện tại có khoảng 5.600 công nhân đang ở trong Khu nhà ở công nhân tập trung và thuê nhà dân (chiếm 34,2% tổng số công nhân trong khu công nghiệp). Tuy nhiên mới có 1/5 khu công nghiệp có nhà ở công nhân tập trung của Công ty TNHH Texhong Ngân Long (KCN Hải Yên) với 2.500 lao động còn lại công nhân trong các doanh nghiệp tại khu công nghiệp phải thuê nhà dân, 93% trong số này làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mức thuê nhà dân dao động khoảng 500 đến 600 nghìn đồng/tháng.
Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao
Thực hiện Nghị quyết số 20 Hội nghị Trung ương khóa X của Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh triển khai thực hiện các nội dung có liên quan. Đặc biệt, hằng năm Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký chương trình phối hợp công tác, trong đó chú trọng thực hiện các nội dung theo Quyết định số 1780/QĐ-TTg, ngày 12-10-2011, của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân lao động khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”; Triển khai Nghị quyết số 3a/NQ-TLĐ, ngày 17-02-2014, về “Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất”; Tiếp tục tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả của các hoạt động văn hóa, thể thao của tổ chức Công đoàn, góp phần xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; xây dựng đội ngũ CNLĐ có đời sống văn hóa phong phú, có sức khỏe tốt, có kỹ năng nghề nghiệp, có tác phong công nghiệp, lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả, đồng thời tiến hành khảo sát đánh giá thực trạng và nhu cầu về đời sống văn hóa của CNLĐ, thực trạng hiểu biết pháp luật về văn hóa, ý thức chấp hành nội quy, nếp sống văn hóa, tác phong công nghiệp; phối hợp tổ chức, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho CNLĐ.
Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh dành quỹ đất, kinh phí để xây dựng Nhà văn hóa công nhân gắn với nơi tiếp công nhân tại các khu công nghiệp; hình thành và duy trì hoạt động hiệu quả thiết chế Cụm văn hóa thể thao Khu công nghiệp Cái Lân. Mặt khác, các cấp công đoàn phối hợp cùng với Đài Truyền thanh - Truyền hình, Phòng Văn hóa Thông tin các địa phương xây dựng chương trình “Văn hóa công nhân”, phản ánh một số hoạt động nổi bật về đời sống văn hóa của công nhân, thực hiện các phóng sự chuyên sâu về một số hoạt động, như việc đọc sách báo trong khu công nghiệp, các hoạt động giải trí, văn nghệ, thể dục - thể thao... của CNLĐ.
Mô hình Tổ tự quản công nhân khu nhà trọ, Câu lạc bộ công nhân xa nhà: Nhằm bảo đảm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho các khu nhà trọ có đông công nhân, đồng thời tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ, đặc biệt là trong các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Từ năm 2011, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức thành lập, ra mắt 11 Tổ tự quản khu nhà trọ, 4 Câu lạc bộ Nữ CNLĐ xa nhà. Ngoài các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho CNLĐ, hoạt động của Tổ tự quản, CLB còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao góp phần nắm bắt tâm tư, tình cảm và những bức xúc nảy sinh, có biện pháp giải quyết kịp thời.
Duy trì hoạt động “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân”; “Tủ sách công đoàn quản lý tại cơ sở”. Liên đoàn lao động tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp có khu nhà ở, khu nhà trọ công nhân tham mưu với chuyên môn đầu tư trang thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hóa hằng ngày của công nhân. Đến nay, 2 công ty lớn: Công ty TNHH khoa học kỹ thuật Texhong - Ngân Long; Công ty TNHH Everbest Cẩm Phả, với gần 10.000 CNLĐ đã triển khai điểm sinh hoạt văn hóa; có 310 tủ sách pháp luật do công đoàn cơ sở quản lý phục vụ nhu cầu của hàng vạn lượt CNLĐ.
Xây dựng cụm văn hóa thể thao cho công nhân lao động
Với mục tiêu đưa các hoạt động văn hóa về cơ sở, đa dạng hóa nội dung và hình thức, huy động đông đảo CNLĐ tham gia, sau thời gian nghiên cứu, năm 2007 Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh đã triển khai xây dựng mô hình Cụm văn hóa thể thao (VHTT) công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tại các địa phương trong toàn tỉnh. Đây là mô hình mới, cách làm sáng tạo để tập hợp CNVCLĐ và các công đoàn cơ sở trong cùng địa bàn dân cư vào “ ngôi nhà chung” của công đoàn. Mô hình được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao, chỉ đạo nhân rộng trên toàn quốc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thành lập và duy trì hoạt động của 51 cụm VHTT, thu hút 65.500 CNVCLĐ tham gia. Mỗi năm có hàng trăm hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao được tổ chức tại các cụm VHTT, tạo không khí sôi nổi, vui tươi phấn khởi cho CNLĐ. Nhờ đó, phong trào VHTT, thiết chế phục vụ hoạt động VHTT ở các địa phương được quan tâm đầu tư tích cực hơn.
Sau 10 năm hình thành và phát triển, chất lượng hoạt động của các Cụm văn hóa thể thao ngày càng được nâng lên, không chỉ dừng lại ở tổ chức các hoạt động văn nghệ thể thao, mà còn kết hợp tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ủng hộ kinh phí giúp nhân dân khó khăn trên địa bàn, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, xây dựng khối liên minh giai cấp và khối đại đoàn kết toàn dân; các cụm VHTT đã trở thành chất keo kết nối, đoàn kết lực lượng CNLĐ trong mỗi cụm, địa bàn. Hoạt động của cụm VHTT góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ, thể thao trong đoàn viên, CNLĐ; làm phong phú thêm đời sống văn hóa cơ sở; đồng thời đẩy lùi các tệ nạn xã hội, gìn giữ an ninh trật tự, an toàn xã hội. Có thể nói, hoạt động của Cụm VHTT đã đóng góp quan trọng vào việc thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong CNVCLĐ, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao công nhân viên chức lao động
Tại Quảng Ninh, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức sôi nổi rộng khắp mỗi dịp “Tháng Công nhân”. Tháng Công nhân tại Quảng Ninh diễn ra từ trung tuần tháng 4 đến hết tháng 5, được các cấp công đoàn, ban, ngành, địa phương tích cực hưởng ứng với trên 1.000 cuộc thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt chuyên đề, trao đổi kỹ năng sống... từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, thu hút hàng vạn CNVCLĐ và nhân dân trên địa bàn tham gia. Đặc biệt, sáng kiến tổ chức “Ngày hội văn hóa thể thao CNVCLĐ tỉnh Quảng Ninh” trong “Tháng Công nhân” đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo điểm nhấn riêng có cho “Tháng Công nhân” Quảng Ninh. Qua 5 lần (từ năm 2013 - 2017) tổ chức Ngày hội, mỗi năm, Ngày hội thu hút từ 5.000 - 6.500 vận động viên là đoàn viên các CĐCS trên địa bàn tỉnh (trong đó có gần 200 đoàn viên các khu công nghiệp) tham gia tranh tài 4 - 5 môn thi (cầu lông, bóng bàn, quần vợt, kéo co, nhảy bao bố). Ngày hội trở thành “chất xúc tác” quan trọng thúc đẩy phong trào văn hóa thể thao trong đoàn viên, CNLĐ, giúp tăng cường xây dựng đời sống văn hóa cơ sở khu công nghiệp, khu dân cư, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Tạo sân chơi truyền hình “Công nhân viên chức lao động với pháp luật”
Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ninh ra mắt Sân chơi truyền hình - Công nhân, viên chức, lao động với pháp luật” số đầu tiên nhân dịp Ngày Quốc tế Lao động 1-5-2004. Sân chơi truyền hình định kỳ tổ chức 1 tháng 2 kỳ trên truyền hình đã góp phần tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về lao động, tổ chức công đoàn và nhiều lĩnh vực khác tới người lao động. Liên đoàn Lao động tỉnh đã thường xuyên đổi mới các hình thức sân chơi, như mời các chuyên gia pháp luật truyền đạt, kết hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật với tư vấn pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động và người sử dụng lao động thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước, giúp cho mọi người hiểu và thực hiện. Từ năm 2016, sân chơi mang tên Sau giờ thứ 8 được tổ chức tại cơ sở thu hút được đông đảo CNVCLĐ tham gia và cổ vũ, sân chơi thật sự là ngày hội của người lao động được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận.
Mặc dù Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh quan tâm, có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ công nhân nhưng hệ thống công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa phục vụ đời sống người lao động đặc biệt ở khu công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho CNLĐ; có ngành, địa phương, doanh nghiệp “khoán trắng” nội dung này cho công đoàn. Trong khi đó, công tác triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa tinh thần cho CNLĐ của công đoàn còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, nhiều khu công nghiệp chưa bố trí được nhà ở, nhà trẻ, các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động. Ở Quảng Ninh hiện nay có đến 4/5 khu công nghiệp không có nhà ở tập trung cho công nhân, cũng như chưa có các thiết chế văn hóa do đó việc tổ chức các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân rất hạn chế. Các hoạt động văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí cho công nhân hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu do kinh phí tổ chức hạn hẹp và thu nhập của công nhân không đủ để chi trả các dịch vụ giải trí.
Bên cạnh đó, hoạt động của một số cụm VHTT CNVCLĐ tại một số khu công nghiệp tại Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả chưa tương xứng với tiềm năng, số lượng công đoàn cơ sở, đội ngũ đoàn viên, CNLĐ. Cán bộ CĐCS doanh nghiệp thường xuyên biến động, hầu hết giữ vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp nên bị chi phối nhiều hoạt động chuyên môn, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động công đoàn, trong đó có hoạt động chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân. Nguồn kinh phí của tỉnh triển khai các đề án của Chính phủ, nhất là Đề án số 1780 ngày 12-10-2011 của Thủ tướng chính phủ phê về Xây dựng đời sống văn hóa công nhân lao động khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 còn chậm triển khai. Trong khi đó, kinh phí tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần, thời gian của công nhân còn hạn hẹp. Công tác xã hội hóa, vận động nguồn tài trợ còn gặp nhiều khó khăn.
Nhiệm vụ và giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa công nhân lao động khu công nghiệp
Qua thực tiễn triển khai cho thấy, để các hoạt động văn hóa tinh thần cho công nhân đi vào chiều sâu hiệu quả, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 1780/QĐ-TTg, ngày 12-10-2011, của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân lao động khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, cần chú trọng triển khai một số giải pháp sau:
Thứ nhất, phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, tính sáng tạo, nhất quán của tập thể, đơn vị trong điều hành tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần cho CNLĐ. Đồng thời tận dụng tốt sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, chuyên môn các cấp.
Thứ hai, tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa các hoạt động văn hóa tinh thần cho CNLĐ; kết hợp vận động đông đảo đoàn viên, CNLĐ tham gia. Đồng thời, tăng cường công tác xã hội hóa, vận động hỗ trợ tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân nhưng phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện.
Thứ ba, sớm hoàn thiện các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, coi đó là tiêu chí bắt buộc của các khu công nghiệp. Đồng thời Chính phủ quy định việc dành ngân sách địa phương tùy theo quy mô của các khu công nghiệp để hỗ trợ các động chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân.
Thứ tư, tổ chức các phong trào thi đua trong CNVCLĐ các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp với các tiêu chí cụ thể hướng tới việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; doanh nghiệp giỏi, doanh nhân tiêu biểu; xây dựng đội ngũ CNVCLĐ có tri thức, tác phong, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Thứ năm, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động, xây dựng các mô hình hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của CNLĐ theo đặc thù phù hợp với địa phương, đơn vị, doanh nghiệp thông qua các hình thức sân chơi, sân khấu hóa, tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa VHTT tạo điều kiện cho CNLĐ tham gia. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, cử cán bộ công đoàn tham gia các khóa học nghiệp vụ văn hóa quần chúng để tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của CNLĐ./.
Châu Phi nỗ lực hành động để hình thành thị trường chung  (30/01/2018)
Đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 9  (30/01/2018)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay