Châu Phi nỗ lực hành động để hình thành thị trường chung
TCCSĐT - Sau 7 ngày họp, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 30 của Liên minh châu Phi (AU) đã chính thức khép với lời kêu gọi “tăng cường sự thống nhất của châu Phi và chống tham nhũng”. Bên cạnh đó, AU cần phải thống nhất trong hành động, hình thành một thị trường chung, kết nối cơ sở hạ tầng và công nghệ để phát triển kinh tế.
Thúc đẩy quan hệ và chống tham nhũng
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 30 của Liên minh châu Phi diễn ra từ ngày 22 đến 29-01-2018 lại tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), với sự tham dự của đại diện đến từ 55 nước thành viên. Hội nghị đã tập trung thảo luận về những vấn đề liên quan đến việc tự do hóa trong nông nghiệp, giao thông vận tải, khoa học - công nghệ, cũng như những vấn đề gai góc về luật pháp và tài chính. Hội nghị lần này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải nhổ tận gốc nạn tham nhũng và chống nghèo đói ở châu Phi, cũng như thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu của AU.
Tham dự Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các cuộc xung đột ở châu Phi đối với hòa bình và phát triển của thế giới. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng đánh giá cao nỗ lực của các nước châu Phi trong việc giải quyết vấn đề người di cư. Ông cam kết Liên hợp quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ châu Phi, đồng thời khẳng định quan hệ giữa Liên hợp quốc và AU là “quan hệ đối tác quan trọng nhất” và “hợp tác với AU là một yếu tố chiến lược cơ bản để Liên hợp quốc có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình”. Liên hợp quốc và AU đã ký kết một thỏa thuận về tăng cường phát triển ở châu Phi. Theo đó, trong thời gian tới, hai tổ chức quốc tế sẽ tập trung thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực chung như hòa bình, an ninh, phát triển và nhân quyền.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Tổng thống Rwanda P. Kagame đã tiếp quản chức Chủ tịch AU từ người tiền nhiệm, Tổng thống Guinea Alpha Conde. Nhiệm kỳ Chủ tịch AU sẽ kéo dài 1 năm và được luân phiên giữa 5 tiểu vùng của châu lục. Phát biểu nhậm chức tại Hội nghị, ông P. Kagame cho rằng, thách thức mà châu Phi phải đối mặt là tạo ra một con đường dẫn đến sự thịnh vượng cho người dân, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Các quốc gia châu Phi cần phải thống nhất trong hành động, hình thành một thị trường chung, kết nối cơ sở hạ tầng và công nghệ để phát triển kinh tế.
Ngoài ra, Hội nghị cũng cần tập trung vào sự “độc lập” của châu Phi thông qua “tập trung mọi nguồn lực, làm việc cùng nhau để có hiệu quả tốt hơn với tiếng nói chung và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước châu Phi”. Ông P. Kagame nhấn mạnh trong tương lai, “Lục địa đen” sẽ không còn là một nơi phụ thuộc vào lòng tốt của bên ngoài.
Theo dự đoán của Ủy ban Kinh tế Liên minh châu Phi (ECA), mức tăng trưởng kinh tế của châu Phi trong năm nay sẽ đạt 3,5%, tăng 0,3% so với năm 2017 và sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới, với mức tăng dự kiến khoảng 3,7% vào năm 2019. Theo ECA, tốc độ tăng trưởng cũng được cải thiện nhờ vào các điều kiện ở châu lục ngày càng thuận lợi hơn, trong đó phải kể đến sự phục hồi của ngành sản xuất và khai thác dầu khí tại một số nước cũng như sự phục hồi mạnh mẽ từ các nền kinh tế lớn như Ai Cập, Nigeria và Nam Phi.
Tân chủ tịch AU cũng khẳng định các sáng kiến quan trọng nhất của AU như “Chương trình nghị sự 2063” có giá trị to lớn trong quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội tại châu lục này trong 50 năm tới, nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Chương trình này sẽ song hành cùng Chương trình toàn cầu 2030 về phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc trong quá trình phát triển của lục địa Đen. Ngoài ra, châu Phi chuẩn bị thông qua Khu vực Thương mại Tự do chung trong năm nay. Một khu vực đi lại tự do không cần thị thực (theo mô hình Schengen của Liên minh châu Âu) có thể đạt được vào cuối năm 2018.
Bên cạnh đó, khu vực tự do thương mại lục địa, phong trào tự do đi lại và lưu thông hàng hóa, cũng như việc thực hiện Quyết định Yamoussoukro về thị trường vận tải hàng không chung ở châu Phi cũng nằm trong những chủ đề thảo luận chính của Hội nghị thượng đỉnh này.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh, AU cũng đã ra mắt Thị trường Hàng không châu Phi Hợp Nhất (SAATM) nhằm tăng cường sự kết nối giữa các thành viên cũng như giảm chi phí vận tải hàng không trong khu vực.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng thống Rwanda P. Kagame cho biết, Hội nghị thượng đỉnh lần này đã đạt được thành công với nhiều quyết định quan trọng có thể giúp châu lục này đạt được các mục tiêu trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và sự thịnh vượng cho châu Phi. Ông P. Kagame cũng nhấn mạnh rằng, kết quả của hội nghị có một tiềm năng lớn đưa châu lục này tiến lên.
Tham nhũng - trở ngại lớn nhất của châu Phi
Theo Chủ tịch Uỷ ban của AU Moussa Faki Mahamat, việc lựa chọn cuộc chiến chống tham nhũng là một chủ đề trong chương trình nghị sự là điều rất phù hợp, bởi nạn tham nhũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của châu Phi. Còn theo Tổng Thư ký Khối thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA) S. Ngwenya cho biết, hiện nay mức độ tham nhũng trong nhiều lĩnh vực, nhất là khu vực công, đã và đang cản trở các chính sách vĩ mô của nhiều quốc gia châu Phi trong việc thúc đẩy phát triển đất nước. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho quá trình công nghiệp hóa không thành công tại châu lục này trong hơn 40 năm qua. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách đối với chính phủ các nước châu Phi là đẩy mạnh chiến dịch phòng chống tham nhũng trên quy mô lớn, ở cả cấp quốc gia và khu vực. Có như vậy mới huy động được các nguồn lực của đất nước, xã hội để phát triển, nhất là thiết lập các ngành công nghiệp mũi nhọn có tính cạnh tranh cao, mang lại nhiều lợi ích kinh tế và thúc đẩy liên kết khu vực trong lĩnh vực quan trọng này. Đồng thời cũng cần kiên quyết tuyên chiến với tình trạng tham nhũng, hối lộ, mua chuộc... Đặc biệt cần đề cao tính minh bạch, kiểm soát và trách nhiệm giải trình để đẩy mạnh phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư, hướng tới dịch chuyển từ các nước có thu nhập thấp sang thu nhập trung bình trong tương lai gần.
Trong những năm gần đây, đầu tư nước ngoài vào châu Phi không ngừng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước với giá trị đầu tư ước tính hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, đầu tư càng tăng thì tham nhũng cũng theo đó càng nhiều, và đang trở thành nỗi lo thường trực của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, hiện nay châu Phi được coi là khu vực có tỷ lệ tham nhũng cao nhất thế giới. Tình trạng nguy hiểm này đã và đang góp phần làm chậm quá trình phát triển kinh tế, xã hội và làm gia tăng nghèo đói tại nhiều quốc gia ở châu lục này. Mới đây, báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) cho biết, mỗi năm châu lục này ước tính thiệt hại khoảng 148 tỷ USD do tham nhũng gây ra. Chính vì vậy, để đối phó với các dòng chảy tài chính bất hợp pháp và nạn khủng bố đang đe dọa sự ổn định của Lục địa già, các nước châu phi cần chung tay để hình thành “một cuộc đấu tranh” chống lại các tệ nạn này./.
Đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 9  (30/01/2018)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Nhật Bản  (30/01/2018)
Chủ tịch nước thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn 4  (30/01/2018)
Chủ tịch nước thăm, chúc Tết chiến sỹ vùng Cảnh sát biển 3  (30/01/2018)
Sức sống của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trong sự nghiệp đổi mới  (30/01/2018)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay