Khẳng định điểm đến hấp dẫn khách du lịch
TCCSĐT - Năm 2017 ghi nhận những thành công trong phát triển ngành du lịch của Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Du lịch Hà Nội với đích đến 5,5 triệu lượt khách quốc tế
Năm 2017 được coi là tương đối thành công với ngành Du lịch Hà Nội khi mức tăng trưởng lượng khách quốc tế đạt con số ấn tượng 5 triệu lượt khách (trong tổng số 23,83 triệu lượt khách đến Thủ đô), tăng 23% so với năm 2016, vượt 15% so với kế hoạch. Các thị trường luôn có lượng lớn khách đến Hà Nội là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Đức…
Với những người làm du lịch, mức tăng trưởng này càng có ý nghĩa khi vài năm trở lại đây, Hà Nội đã có những đầu tư nhất định cho ngành du lịch, nhất là trong lĩnh vực xây dựng sản phẩm mới, hạ tầng du lịch và quảng bá hình ảnh. Du lịch Hà Nội đang có những bước đi mới, thậm chí là đột phá để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và sức cạnh tranh. Các sản phẩm du lịch của thành phố đang được chú trọng về chất và lượng, từng bước xã hội hóa, đa dạng các hình thức đầu tư, thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn để phát triển.
Không khó để nhận ra bên cạnh những sản phẩm du lịch truyền thống, thành phố đang triển khai hàng loạt sản phẩm du lịch mới, có thể kể tới: Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi Kim Quy đạt tiêu chuẩn quốc tế; dự án xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại huyện Đông Anh; quy hoạch trục Nội Bài - Nhật Tân với Khu công viên, vui chơi giải trí, hồ điều hòa; Khu công viên thể thao thuộc dự án Khu Du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu, huyện Quốc Oai; phê duyệt dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Bên cạnh đó, Hà Nội đầu tư xây dựng 20 khách sạn cao cấp 4 - 5 sao, đáp ứng nhu cầu lưu trú cho lượng khách ngày càng tăng cao.
Hà Nội cũng tạo đột phá trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch khi đã mạnh dạn chi 2 triệu USD để quảng bá hình ảnh trên Mạng tin tức truyền hình cáp CNN. Nội dung, chất lượng các chương trình, các phim quảng cáo về Hà Nội do CNN sản xuất, phát sóng, thu hút sự quan tâm, đánh giá tích cực từ khán giả, du khách, các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế, tạo hiệu ứng quảng bá tốt về hình ảnh Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Khắc phục tình trạng thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với các điểm mua sắm phục vụ khách du lịch, ngành Du lịch Hà Nội đang từng bước phát triển hệ thống cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, ẩm thực đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch mua sắm, ẩm thực trên địa bàn thành phố. Sở Du lịch Hà Nội đã cập nhật danh sách các điểm mua sắm, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở ẩm thực đạt tiêu chuẩn lên bản đồ mua sắm thành phố, giúp khách du lịch tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực, du lịch, giải trí.
Bước sang năm 2018, Hà Nội phấn đấu đón trên 25,4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 5,5 triệu lượt, doanh thu từ du lịch đạt 75.783 tỷ đồng.
Theo ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, để đạt được đích đến 5,5 triệu lượt khách quốc tế, thành phố tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch ở ngoài nước. Đó là, tham gia hội nghị và các hoạt động hợp tác phát triển du lịch của Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương 2018; tổ chức chương trình hợp tác, khảo sát tại các nước có thị trường gửi khách hàng đầu đến Hà Nội như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... ; tham gia hội nghị thường niên của Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á (CPTA) 2018 dự kiến tổ chức tại Malaysia. Ngành Du lịch Thủ đô thực hiện chương trình quảng bá du lịch đối ứng với các nước thành viên Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á (CPTA) như: Làm phim quảng bá du lịch, chạy màn hình led tại các điểm đến, làm biển bảng chỉ dẫn bằng tiếng nước ngoài tại các điểm du lịch có nhiều khách quốc tế...
Cũng theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, thời gian tới, thành phố tập trung phát triển sản phẩm du lịch Hà Nội chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu Du lịch Thủ đô. Trong đó, thành phố xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng, độc đáo của du lịch Hà Nội để quảng bá, tuyên truyền, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Các sản phẩm du lịch đặc trưng có thể nhắc tới như: Sản phẩm du lịch theo chuyên đề bảo tàng gắn với sản phẩm du lịch phố cổ, phố cũ, hồ Hoàn Kiếm; bảo tàng gắn với Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Di tích Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tận dụng lợi thế nhiều sông hồ, Hà Nội đang xúc tiến xây dựng sản phẩm du lịch dọc vành đai sông Hồng, sông Đuống và sông Đáy tại Hà Nội và nối đi các tỉnh.
Một trong những ưu tiên hàng đầu của thành phố trong năm nay đối với ngành Du lịch Thủ đô là đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng cao, hấp dẫn khách du lịch. Thành phố đang nghiên cứu xây dựng phương án tổng thể quy hoạch khu vui chơi giải trí tại hồ Tây, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch và khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch cao cấp. Hà Nội thu hút các nhà đầu tư xây dựng điểm dừng chân, vườn hoa, tiểu cảnh, không gian nghệ thuật, điểm du lịch, điểm trung chuyển khách, giới thiệu sản phẩm du lịch theo quy hoạch của thành phố.
Du lịch Hà Nội đã có những thay đổi nhất định, liên tiếp được các trang thông tin du lịch thế giới bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực và thế giới. Mục tiêu đón 5,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay không chỉ chạm đích mà có thể vượt xa hơn nữa.
Phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tương xứng tiềm năng và vị thế
Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh kết thúc năm 2017 với nhiều thành tích ấn tượng: đón hơn 6,38 triệu lượt du khách quốc tế, đạt tổng doanh thu hơn 115,97 nghìn tỷ đồng. Kết quả này không chỉ phản ánh nỗ lực của ngành du lịch thành phố mà còn thể hiện sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, các cấp, chính quyền địa phương trong việc phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tương xứng với tiềm năng và vị thế.
Năm 2017, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh ghi dấu ấn khi vừa duy trì nâng cấp các sản phẩm du lịch hiện có, vừa phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới. Đến Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều du khách ấn tượng với Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố (Ho Chi Minh City Street Show) diễn ra vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1. Từ tháng 5 đến tháng giữa tháng 12-2017, Sở Du lịch thành phố đã tổ chức 32 đêm diễn, thu hút gần 5 triệu lượt khách đến tham gia, trải nghiệm. Người dân và du khách quốc tế được thưởng thức miễn phí các chương trình nghệ thuật với nhiều thể loại từ âm nhạc dân tộc, truyền thống đến hiện đại và quốc tế. Thông qua các tiết mục âm nhạc, hình ảnh của Thành phố Hồ Chí Minh trở nên chân thực, sống động hơn trong mắt du khách trong nước và quốc tế.
Để từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, Sở Du lịch thành phố đã tăng cường phối hợp, kết nối với các cấp, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp hình thành những điểm đến du lịch mới như phố Đông y, phố Vàng bạc (Quận 5),... qua đó vừa tăng sức hấp dẫn hơn cho du khách khi đến thành phố vừa tạo thêm thuận lợi doanh nghiệp trên địa bàn phát triển.
Tương tự, phố đi bộ Bùi Viện (Quận 1) sau khi được chỉnh trang vỉa hè, lập lại trật tự, lòng lề đường cùng với việc định dạng thương hiệu, tăng thêm sức hút, hấp dẫn cho du khách. Vào các tối thứ Bảy, Chủ nhật, phố đi bộ Bùi Viện chỉ dành cho người đi bộ đã tạo cảm giác thoải mái hơn cho du khách trải nghiệm không gian mua sắm, ăn uống tại các cửa hiệu, hàng quán và thưởng thức những chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố.
Cùng với việc tập trung đầu tư cho các sản phẩm mới, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì tổ chức các lễ hội, sự kiện du lịch thường niên, mở rộng quy mô, nâng tầm chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội Áo dài lần thứ 4 năm 2017 là một trong những sự kiện có sự tham gia của nhiều cơ quan, đoàn thể đến các doanh nghiệp lữ hành. Sự kiện này đã thu hút hơn 50.000 lượt khách đến tham quan, hưởng ứng. Tại lễ hội, nhiều du khách rất ấn tượng với màn đồng diễn áo dài của hơn 3.000 người trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Dịp diễn ra lễ hội, nhiều cán bộ, công nhân viên chức, sinh viên, nữ sinh ở thành phố đã tự hào mặc áo dài dân tộc đến công sở, trường học, cho thấy quy mô tổ chức của lễ hội đã có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Thông qua lễ hội, ngành Du lịch thành phố mong muốn phát triển Lễ hội Áo dài trở thành một lễ hội du lịch văn hóa, tiến đến xây dựng một thương hiệu sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với Lễ hội Áo dài, cứ đến tháng 6 hằng năm, Lễ hội Trái cây Nam bộ được tổ chức tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên (Quận 9). Trong năm 2017, Sở Du lịch thành phố và Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên tiếp tục nâng cấp, phát triển sản phẩm hấp dẫn hơn cho du khách trong và ngoài nước với các hoạt động đặc sắc như: Diễu hành trái cây đặc sản Nam bộ; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành giới thiệu về hoạt động này đến du khách... Trong suốt 3 tháng diễn ra, hoạt động này đã thu hút hơn 1,6 triệu lượt khách đến tham quan và hơn 400 tấn trái cây đã được tiêu thụ.
Thêm vào đó, nhằm hỗ trợ các bảo tàng, các điểm tham quan du lịch, Sở Du lịch thành phố còn có nhiều hoạt động phối hợp với doanh nghiệp lữ hành nhằm tạo điều kiện kết nối các hoạt động của bảo tàng đến với du khách. Thành phố thường xuyên quảng bá xúc tiến các điểm đến, kết nối và đưa các đoàn famtrip đến tham quan, khảo sát; giới thiệu các điểm tham quan tại Thành phố Hồ Chí Minh như Dinh Độc lập, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, Đài quan sát Bitexco...
Những hoạt động nâng cấp sản phẩm du lịch, tăng cường quảng bá đã góp phần giúp du khách có thêm nhiều sự lựa chọn khi đến thăm, lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn thế nữa, các sự kiện được tổ chức thông qua sự phối hợp giữa Sở Du lịch và các đơn vị tổ chức sự kiện đã dần tăng tính chuyên nghiệp, thu hút du khách hơn, góp phần giảm chi ngân sách của Nhà nước./.
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị  (10/01/2018)
Hội nghị Tổng kết công tác Dân vận toàn quốc năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018  (10/01/2018)
Báo Campuchia đánh giá cao Việt Nam trong công tác đối ngoại đa phương  (10/01/2018)
Hội thảo về quan hệ Ấn - Việt trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi  (10/01/2018)
Thủ tướng lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Lan Thương  (10/01/2018)
Khai mạc Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (10/01/2018)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên