Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam: đổi mới, làm chủ công nghệ sản xuất, hướng tới vật liệu thân thiện với môi trường
TCCSĐT - Ngày 12-12-2017, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị toàn quốc về vật liệu xây dựng. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ năm 2010 đến nay, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng trong việc phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng với công nghệ tiên tiến, hiện đại. Sản lượng và chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng từng bước được nâng cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và có khả năng xuất khẩu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, từ năm 2010, Việt Nam đã sản xuất đủ xi măng cho nhu cầu nội địa bằng nguồn clinker sản xuất trong nước. Những năm tiếp theo, để phát huy hiệu quả đầu tư, đồng thời giảm áp lực tiêu thụ trong nước, Việt Nam đã xuất khẩu clinker và xi măng ra nước ngoài tạo nguồn thu ngoại tệ để đầu tư mua sắm vật tư, thiết bị. Hiện nay, theo số liệu thống kê Việt Nam đứng thứ 4/10 nước sản xuất xi măng và clinker nhiều nhất thế giới. Về sản lượng, đến năm 2016, cả nước có 80 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế là 88,46 triệu tấn xi măng/năm, sản lượng sản xuất đạt trên 75,2 triệu tấn (tăng 49,8% so với năm 2010). Dự kiến đến cuối năm nay, cả nước sẽ có 83 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế 98,56 triệu tấn/năm. Đối với đá ốp lát tự nhiên, áp dụng công nghệ khai thác hiện đại bằng cưa đĩa, cắt dây kim cương, hạn chế tối đa việc nổ mìn ảnh hưởng đến môi trường và an toàn lao động. Trên cả nước có khoảng 130 cơ sở cưa xẻ đá ốp lát và 25 cơ sở chế biến bột đá. Công suất hoạt động thực tế đạt khoảng 60% - 70% công suất thiết kế. Đến hết năm 2016, tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất sứ vệ sinh đạt 14,7 triệu sản phẩm/năm (tăng 40% so với năm 2010), đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Năng lực sản xuất trong nước hiện có đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu đạt khoảng 30% - 35% công suất thiết kế. Về kính xây dựng, tổng công suất sản xuất kính phẳng hằng năm của các nhà máy đang sản xuất trong nước ước đạt 4.080 tấn/ngày tương đương 285 triệu m2 quy tiêu chuẩn (QTC)/năm, trong đó kính nổi là 3.550 tấn/ngày tương đương 248 triệu m2 QTC (có 7 nhà máy) và kính cán là 530 tấn/ngày tương đương 37 triệu m2 QTC. Ngoài các nhà máy đang sản xuất, hiện tại có 5 dự án kính nổi đang đầu tư với tổng công suất 2.600 tấn/ngày tương đương 182 triệu m2 QTC/năm.
Thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg, ngày 28-4-2010, của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 567), thời gian qua, hầu hết các địa phương chỉ đạo quyết liệt trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung, khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây không nung. Đặc biệt, một số địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công như: Bắc Ninh, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh… Các doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng, chủ động tìm hiểu công nghệ, đầu tư sản xuất, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm vật liệu xây không nung đạt chất lượng, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm vật liệu xây không nung. Đến hết năm 2016, tổng công suất thiết kế của 3 loại sản phẩm chính đạt khoảng 7 tỷ viên QTC/năm, sản xuất đạt 6,5 tỷ viên, chiếm khoảng 28% so với tổng sản lượng vật liệu xây năm 2016. Có thể nhận thấy, Chương trình đã đạt mục tiêu đề ra “Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt 20% - 25% vào năm 2015”. Tuy nhiên, tiến độ, chất lượng thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu; số lượng và chủng loại vật liệu xây không nung chưa nhiều, chưa đa dạng, chưa được sử dụng rộng rãi…
Theo nhiều ý kiến, sản xuất vật liệu xây dựng truyền thống ở nước ta tiêu tốn nguồn nguyên liệu, năng lượng lớn và gây ô nhiễm môi trường. Việc nghiên cứu cải tiến công nghệ sản xuất và phát triển các loại vật liệu xây dựng giảm tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, thân thiện môi trường là điều cấp thiết, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri về biến đổi khí hậu (COP21). Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Xây dựng đã và đang chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai nghiên cứu công nghệ sản xuất xi măng tiết kiệm năng lượng; kính tiết kiệm năng lượng sử dụng trong tòa nhà; các chất phủ chống bám bẩn trên các vách dựng kính, vật liệu ốp lát trên các công trình; cải tiến công nghệ giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất kính, gạch gốm ốp lát và sứ vệ sinh; sử dụng tối đa các loại chất thải của các ngành công nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng; bê-tông cường độ cao, xi măng mác cao nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải; các loại phụ gia vô cơ, hữu cơ cho xi măng và bê tông nhằm giảm lượng sử dụng xi măng trong bê-tông...
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất các loại vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu./.
Văn hóa và phát triển: Những vấn đề của Việt Nam và kinh nghiệm thế giới  (12/12/2017)
Nhận diện một số nguy cơ tham nhũng từ quá trình hoạch định chính sách ở nước ta hiện nay  (12/12/2017)
Xây dựng người cán bộ đoàn, đoàn viên theo phong cách Hồ Chí Minh  (12/12/2017)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên