TCCSĐT - Đó là chủ đề hội nghị do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 12-12-2017.

Tham dự hội nghị có khoảng 150 đại biểu đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương và một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ và một số sở, ban, ngành Thành phố; Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ); đại diện một số cơ quan ngoại giao, nhà đầu tư trong và ngoài nước; đại diện hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp các tỉnh, thành phía Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho biết: Hội nghị này nhằm tạo sự kết nối giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước với các doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm. Hội nghị tập trung giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, những cơ hội, thách thức, qua đó đề xuất những giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư để nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm của vùng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, nhấn mạnh: Theo Quyết định số 879/QĐ-TTg, ngày 09-6-2016, của Thủ tướng Chính phủ, công nghiệp thực phẩm được xác định là một trong những ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, Chính phủ định hướng ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến, từ đó xây dựng thương hiệu và tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản, thủy hải sản chế biến tại Việt Nam.

Trong giai đoạn 2012 - 2016, chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam tăng trưởng đều đặn với mức tăng trung bình hằng năm của mặt hàng thực phẩm chế biến là 6,94% và mặt hàng đồ uống là 9,48%. Các mặt hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia trên thế giới. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và quyết tâm đẩy mạnh cải cách thể chế của Nhà nước Việt Nam đã và đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, thế mạnh về sản xuất, chế biến, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản, có nguồn lao động dồi dào. Những năm gần đây, hạ tầng giao thông và môi trường đầu tư được chính quyền các địa phương quan tâm cải thiện thuận lợi, thông thoáng hơn. Theo thống kê của VCCI Cần Thơ, toàn vùng hiện có hơn 300 nghìn ha trồng rau quả, cây ăn trái, trong đó có nhiều loại trái cây rau màu có thể cho sản lượng quanh năm; đã hình thành một số chuỗi giá trị nông sản thực phẩm xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD như lúa gạo, cá tra, tôm. Năm 2016, toàn vùng có diện tích cây lương thực chiếm 48,4%, sản lượng thủy sản nuôi chiếm 69,7%, số trang trại nuôi trồng thủy sản chiếm 38,5% so với cả nước. Trong vùng hiện vẫn còn những diện tích lớn ở khu vực Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Nam sông Hậu, Mũi Cà Mau chưa được khai thác để phát triển các loại nông sản, thủy hải sản chủ lực. Những số liệu này cho thấy, vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng mời gọi đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm theo chuỗi giá trị để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp và ngành công nghiệp chế biến thực phẩm vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối diện với nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng, hạn mặn có nguy cơ làm mất đi nhiều vùng đất sản xuất nông nghiệp, khiến toàn vùng mất đi lợi thế so sánh để phát triển là nông nghiệp; tình trạng thiếu định hướng trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm ở các địa phương và cả vùng khiến nhiều doanh nghiệp ngại đầu tư vào lĩnh vực này; hệ thống logistics cho ngành chế biến, bảo quản thực phẩm chưa hình thành; chính quyền, doanh nghiệp, người dân nhiều địa phương còn thiếu thông tin để xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế; nhiều loại nông - thuỷ sản vẫn còn vướng các “rào cản xanh” khi xuất khẩu ra nước ngoài do chưa phát triển được chuỗi giá trị, thiếu tính minh bạch và độ tin cậy, thiếu an toàn khi đến tay người tiêu dùng;…

Để tăng cường thu hút đầu tư nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới, hội nghị đã thảo luận và đề xuất một số giải pháp:

- Bộ Công Thương, các Bộ, ngành có liên quan tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng để có định hướng rõ ràng trong quy hoạch phát triển ngành lương thực - thực phẩm của vùng, của từng địa phương trong những năm tới.

- Cần có những tổ chức trong và ngoài nước đủ năng lực, điều kiện thực hiện chức năng thẩm định, đánh giá, tổng hợp về chuỗi giá trị, từ đó tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương để ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm của vùng.

- Tăng cường đầu tư cải thiện, nâng cấp kết cấu hạ tầng - nhất là hạ tầng giao thông; chú trọng đầu tư cho khoa học - công nghệ; phát triển hệ thống logistics cho ngành chế biến và bảo quản thực phẩm; đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành chế biến thực phẩm;… Qua đó, tạo cơ hội thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển, nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm của vùng.

- Có cơ chế, chính sách hỗ trợ để sử dụng tốt nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài và một số nguồn đầu tư khác giúp các doanh nghiệp trong vùng chủ động liên kết ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất các loại nông sản, thực phẩm tuân thủ “quy định xanh”, thân thiện với môi trường, đủ sức vượt qua các “rào cản xanh” và tăng sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước./.