Ngày 26-9, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia tổ chức Hội thảo quốc tế “100 năm chủ nghĩa xã hội hiện thực và lý thuyết văn minh hậu tư bản” nhằm chia sẻ những bài học kinh nghiệm của tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực cũng như các mô hình chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI, dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga.

Tại Hội thảo, GS, TS. Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Giá trị lịch sử và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga là một thực tế, một chân lý không thể phủ nhận. Trong tiến trình đấu tranh cho mục tiêu nhân văn - vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, nhân loại chắc chắn sẽ nhớ về Cách mạng Tháng Mười Nga như là đầu tàu của lịch sử nhân loại thời hiện đại, là một tấm gương sáng cổ vũ, động viên các dân tộc trên thế giới phấn đấu xây dựng xã hội cho con người, vì con người.

Theo tiếng gọi của Cách mạng Tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cách mạng Việt Nam đã đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội. Trước đòi hỏi của thực tiễn những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, năm 1986, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau hơn 30 năm đổi mới và kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân đã lựa chọn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn nhất là chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được bảo vệ, giữ vững và đang tiếp tục phát triển.

Hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số, công nghệ số với phần cứng máy tính, phần mềm và hệ thống mạng ngày càng phức tạp hơn, được tích hợp nhiều hơn vì vậy đang làm biến đổi xã hội và kinh tế toàn cầu. Cách mạng 4.0 vừa tạo ra những cơ hội thuận lợi, vừa đặt ra những thách thức đối với sự phát triển của chủ nghĩa xã hội.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với những tác động vô cùng mạnh mẽ, các nước lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa theo những mô hình khác nhau, vì vậy cần phải có sự chuẩn bị, cần phải làm thế nào để có thể chủ động tận dụng được thời cơ và vượt khó khăn, thách thức để đưa đất nước phát triển.

Trên cơ sở những nghiên cứu quốc tế, hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề như: Cách mạng Tháng Mười Nga với bài học lịch sử và ý nghĩa hiện thời; công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam; các mô hình chủ nghĩa xã hội và xu hướng đổi mới xã hội vì mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực tại Lào, Triều Tiên, Cuba, mô hình Mỹ Latinh (chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI) và một số quốc gia khác trên thế giới, thành công, kinh nghiệm và những thách thức đặt ra; sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với tiến trình xây dựng nền văn minh hậu tư bản và định hướng phát triển của mô hình chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI.

Theo GS,TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: Sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực ngay sau thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga chính là sự khẳng định tính chân thực trong luận điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác về chủ nghĩa xã hội khoa học. Chủ nghĩa xã hội hiện thực ra đời và phát triển với tư cách là một mô hình tổ chức xã hội, xã hội chủ nghĩa theo những nguyên tắc của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trước năm 1991, mô hình chủ nghĩa xã hội tuy có những hạn chế nhất định nhưng cũng đã đạt được những thành tựu vĩ đại trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giải phóng con người. Trong lịch sử tồn tại, mô hình này đã góp phần đưa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào vị thế của các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Đồng thời, ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống chính trị thế giới, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới./.