Năm 2007, Trung Quốc tiếp tục thu được nhiều thành tựu to lớn: GDP đạt 11,6%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 2.170 tỉ USD, tăng hơn 20% so với năm 2006, lần đầu tiên vượt 2.000 tỉ USD, trong đó xuất siêu là 262 tỉ USD; tổng giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 4,6%, tổng giá trị sản lượng công nghiệp tăng 13,5%, tổng giá trị sản lượng dịch vụ tăng 10,7%; mức tăng trưởng thực tế trong đầu tư tài sản cố định toàn xã hội là 21,6%; dự trữ ngoại tệ đạt 1.530 tỉ USD, tăng 43%…

Tuy nhiên, thời gian gần đây tình hình kinh tế Trung Quốc cũng có những diễn biến phức tạp, trong đó có vấn đề mặt bằng giá cả tăng quá nhanh. Từ tháng 8-2007 đến nay, CPI liên tục cao hơn 6% (riêng tháng 2-2008 lên tới 8,7%). Đứng trước tình hình này, tháng 11-2007, Trung Quốc đã nêu lên nhiệm vụ hàng đầu của điều tiết vĩ mô năm tới là “2 phòng ngừa”: “phòng ngừa tổng lượng kinh tế chuyển biến từ hơi nhanh sang quá nóng” và “phòng ngừa tăng giá mang tính kết cấu biến thành lạm phát rõ rệt”, cụ thể “khống chế mức tăng CPI ở mức 4,6% ”.

Ngăn chặn tình trạng giá cả tăng quá nhanh được Chính phủ Trung Quốc xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác điều tiết vĩ mô năm 2008. Việc áp dụng các biện pháp chống tăng giá phải đáp ứng cả hai mặt tăng cung có hiệu quả và hạn chế các nhu cầu không hợp lý. Trong Báo cáo công tác Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Trung Quốc ngày 5-3-2008, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Ôn Gia Bảo đã đưa ra một hệ thống 9 biện pháp ngăn chặn.

Một là, phát triển mạnh sản xuất, đặc biệt đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm cơ bản phục vụ đời sống như lương thực, dầu thực vật, thịt và các loại hàng hoá đang thiếu hụt khác, thực hiện nghiêm các biện pháp, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn kết giữa sản xuất, vận tải và tiêu dùng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng giá hàng tiêu dùng tăng nhanh, song nguyên nhân gốc rễ và cơ bản nhất là tình trạng sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân. Việc sản xuất nông nghiệp suy giảm do thời tiết quá lạnh đã phá hoại nền nông nghiệp, khiến giá thực phẩm ở Trung Quốc tiếp tục leo thang tới 18% trong tháng 12-2007, tăng mạnh nhất là thịt lợn: 59%, dầu ăn: 37% và rau xanh: 14%. Các mặt hàng phi thực phẩm tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bởi vậy, phát triển mạnh sản xuất để tạo ra nhiều của cải vật chất không chỉ nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn để trực tiếp khắc phục tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm, các mặt hàng nhu yếu phẩm cơ bản phục vụ sinh hoạt hằng ngày của nhân dân. Nhận rõ an ninh lương thực đối với một quốc gia hơn 1,3 tỉ dân là vấn đề rất nặng nề nên Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã đã tập trung khuyến khích bằng nhiều biện pháp, trong đó chủ trương “tam nông” đang đi vào cuộc sống, tạo sinh khí mới cho người nông dân, địa bàn nông thôn và sự khởi sắc của kinh tế nông nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng tăng cường kiểm soát nguồn lương thực để phục vụ dân sinh, tăng cường lưu thông, điều hoà trong cả nước, tránh khan hiếm cục bộ.

Hai là, kiểm soát nghiêm ngặt các mặt hàng lương thực dùng trong công nghiệp và xuất khẩu. Kiên quyết ngăn chặn việc phát triển tràn lan công nghiệp chế biến ngô, đình chỉ các hạng mục vi phạm đang trong quá trình xây dựng.

Điều kiện tự nhiên và khí hậu Trung Quốc không thuận lợi đối với nền nông nghiêp, do vậy để đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm phục vụ cho hơn 1,3 tỉ dân, một mặt phải đẩy mạnh sản xuất để tăng sản lượng, mặt khác phải quản lý chặt chẽ, hạn chế việc chi dùng lương thực vào những việc khác. Nhà nước hướng công nghiệp chế biến của nước này vào các lĩnh vực khác. Bình ổn giá cả lâu dài trong mọi hoàn cảnh là bài toán đã và đang được Trung Quốc tính toán một cách cẩn trọng, khoa học nhưng hoàn toàn không đơn giản.

Ba là, tăng cường, kiện toàn hệ thống dự trữ, cải tiến và hoàn thiện phương thức điều tiết dự trữ và điều tiết xuất nhập khẩu, tăng nhập khẩu với mức độ vừa phải các mặt hàng tiêu dùng quan trọng mà trong nước đang thiếu.

Về lương thực, Trung Quốc không vào loại quốc gia có tiềm năng, Trong điều kiện định lượng lương thực bình quân đầu người không cao, thời tiết lại thất thường, vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm phải được tính toán một cách căn bản hơn với nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó có vấn đề dự trữ và điều tiết xuất khẩu .

Bốn là, thận trọng về thời điểm và mức độ điều chỉnh giá cả các mặt hàng nguyên liệu và các khoản thu phí dịch vụ công cộng, kịp thời ngăn chặn những điều kiện tăng giá liên tục.

Cũng như nhiều ngành khác, nông nghiệp Trung Quốc chịu sự chi phối của rất nhiều ngành. Để có giá lương thực, thực phẩm vừa sức mua của quảng đại người lao động, nhất là dân cư nông thôn, miền núi và biên giới xa xôi, những vùng còn đang kém phát triển, đòi hỏi giá đầu vào đối với nông nghiệp cũng phải tương thích. Nếu giá điện, dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, thiết bị bảo quản…mà cao thì giá lương thực, thực phẩm không thể thấp. Với tư cách là người quản lý vĩ mô chính phủ cần tính toán một cách khoa học về sự điều chỉnh giá cả những mặt hàng nguyên, nhiên liệu, lệ phí… Do vậy, Chính phủ Trung Quốc đã mạnh dạn điều chỉnh chính sách để khuyến khích đối với nông nghiệp trên nhiều phương diện, đồng thời tăng cường đầu tư để nông nghiệp Trung Quốc bứt lên ngang tầm với các lĩnh vực khác.

Năm là, kiện toàn chế độ dự báo giám sát cung cầu và giá cả đối với các sản phẩm nông nghiệp quan trọng và các mặt hàng sơ chế, cần làm tốt các phương án ứng phó trước các biến động về cung ứng và giá cả trên thị trường.

Để kịp ứng phó với tình trạng tăng giá lương thực, thực phẩm, Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng công tác dự báo tình trạng cung, cầu và giá cả, coi công tác này là kênh thông tin quan trọng để có kế hoạch xử lý tình huống một cách chủ động hơn, căn bản hơn. Đưa ra các tình huống khó khăn, theo đó, cần xây dựng các phương án ứng phó trước được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Đây là một trong nhiều giải pháp nhằm đưa Trung Quốc phát triển bền vững theo quan điểm phát triển một cách khoa học của Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sáu là, tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường và giá cả, nhất là kiểm tra, giám sát các khoản thu phí như phí giáo dục, giá thuốc, giá nông phẩm và các khoản phí liên quan đến nông nghiệp. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như thông đồng tăng giá, đầu cơ tích trữ.

Giá cả trong kinh tế thị trường tuy có tính quy luật nhưng nó cũng chịu sự tác động của yếu tố con người, trong đó có thủ đoạn của những người trục lợi riêng. Do vậy, Chính phủ Trung quốc đã tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường và giá cả, hướng phát triển ổn định, lành mạnh phục vụ nhân dân lao động.

Bảy là, kịp thời hoàn thiện và thực hiện các biện pháp trợ cấp đối với những người có thu nhập thấp, đặc biệt cần tăng các khoản trợ cấp cho những người có đời sống khó khăn và học sinh con em các gia đình kinh tế khó khăn, nhằm đảm bảo mức sống cơ bản của họ không bị giảm sút do tác động giá cả.

Sau 30 năm cải cách, mở cửa, sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội Trung Quốc cũng ngày một gia tăng. Hiện nay, ở Trung Quốc, bộ phận cư dân có thu nhập thấp chiếm tỷ lệ không nhỏ, nhất là các khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo…Đây là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất và nặng nề nhất do giá cả thị trường lên cao. Những năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã xoá bỏ nhiều khoản thuế, phí, đóng góp nghĩa vụ… đối với nông dân, nhất là vùng khó khăn. Từ năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hệ thống chính sách trợ cấp cho các đối tượng thu nhập thấp khác nhau để đảm bảo chỉ số thu nhập tối thiểu cho nhân dân, đảm bảo mức sống khả dĩ khi vật giá leo thang. Đây là biện pháp tích cực mang tính nhân đạo sâu sắc, thể hiện ưu việt của chế độ.

Tám là, ngăn chặn tình trạng giá vật tư sản xuất, đặc biệt là vật tư sản xuất nông nghiệp tăng quá nhanh.

Làm tốt công tác ngăn chặn giá vật tư sản xuất, nhất là vật tư sản xuất nông nghiệp leo thang là trực tiếp bình ổn nền sản xuất, nhất là đối với nông nghiệp, nơi cung cấp lương thực, thực phẩm và nguyên liệu để tạo ra những nhu yếu phẩm khác, đồng thời góp phần quan trọng vào việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Chín là, chính quyền các cấp cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác ổn định giá cả thị trường.

Phân cấp trách nhiệm cho các cấp chính quyền trong hệ thống chính trị theo hướng tăng quyền lực, tăng trách nhiệm của địa phương, trên cơ sở nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng, thống nhất mục tiêu hành động vì nhân dân. Đây là biểu hiện dân chủ lãnh đạo, là giải pháp tối ưu nhất để phát huy tinh thần trách nhiệm, năng lực sáng tạo của từng cấp, từng ngành, dựa vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi địa phương. Chính phủ Trung Quốc đề cao vai trò người đứng đầu các cấp chính quyền và xác định phải coi việc bình ổn giá cả để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trước hết và cuối cùng thuộc về trách nhiệm của những người đứng đầu đó. Làm tốt việc phân cấp trách nhiệm cho mỗi cấp chính quyền và cá nhân những người có trách nhiệm trong hệ thống chính quyền đó, đang là mục đích cải cách hành chính ở Trung Quốc hiện nay.

Để ngăn chặn mặt tình trạng giá cả tăng quá nhanh hiện nay, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt các biện pháp và chính sách, trên dưới cùng nỗ lực, thì nhất định sẽ có thể bảo đảm được ổn định một cách cơ bản lượng cung ứng và giá cả thị trường.