TCCSĐT - Trước khả năng bão số 2 đổ bộ trực tiếp vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh vào đêm 16-7 và sáng sớm ngày 17-7, sẽ gây mưa lớn trên diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sáng 16-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có cuộc họp khẩn trực tuyến với 24 tỉnh, thành phố.

Đó là các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình,Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam. Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để triển khai việc thông báo kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vòng nguy hiểm. Các địa phương, đơn vị hoàn thành các công việc trên trước 17 giờ ngày 16-7; chủ động cấm biển để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (vùng tâm bão dự báo đi qua) quyết liệt triển khai sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thuỷ sản, vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn tuyệt đối người dân; đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch, hoàn thành trước 17 giờ ngày 16-7.

Các ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin cảnh báo và sẵn sàng các phương tiện đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều hạ du các hồ khi có lệnh xả lũ, đặc biệt khu vực hạ lưu thủy điện Hòa Bình sau nhiều năm chưa vận hành xả lũ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn để xử lý các tình huống có thể xảy ra, đặc biệt đối với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão và mưa lũ theo tài liệu cung cấp từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai...

Theo Đại tá Trần Dương Kiên, Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Biên phòng, tính đến thời điểm này, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 37 điểm theo quy định của Chính phủ. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 66.755 phương tiện/263.503 người và 2.938 lồng bè, lều, chòi nuôi trồng thuỷ sản/4.841 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 2 để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi vòng nguy hiểm. Các phương tiện và chủ lồng bè, lều chòi nuôi trồng thuỷ sản đã nắm được thông tin về cơn bão số 2 và đang chủ động di chuyển thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình Thủy lợi và An toàn đập, hầu hết các hồ chứa thủy lợi đang ở mức thấp, trong đó trung bình các hồ ở khu vực Bắc Bộ đạt 45-55% dung tích thiết kế, khu vực Bắc Trung Bộ ở mức 55-65% (riêng tại Thanh Hóa các hồ đạt trung bình 35%), ở khu vực Tây Nguyên trung bình ở mức 60-70% và Đông Nam Bộ trung bình ở mức 45-55%.

Hiện các hồ chứa vừa và lớn do Công ty Kiểm tra công trình thuỷ lợi quản lý đang vận hành theo đúng quy trình; các hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý bố trí trực 24/24h, thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình. Hiện tại các hồ chứa đều đảm bảo an toàn. Hồ Núi Cốc vận hành xả với lưu lượng 100 m3/s (từ 13 giờ, ngày 14-7).

Theo báo cáo của Vụ Quản lý Đê điều, trong khu vực ảnh hưởng của bão có 27 điểm trọng điểm trên các tuyến đê biển, đê cửa sông: Đê biển Hà Nam (Quảng Ninh 4), Đê biển II (Hải Phòng 1), Đê biển 5 (Thái Bình 13), Đê biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu (Nam Định 7), Đê biển Bình Minh II, Bình Minh III (Ninh Bình 2). Các địa phương đã xây dựng và sẵn sàng phương án bảo vệ các điểm trọng điểm xung yếu. Hiện ở các địa phương có 21 công trình đê đang được thi công (Hải Phòng 1, Thái Bình 12, Nam Định 7, Thanh Hoá 1). Các địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư của các công trình đang thi công chuẩn bị và sẵn sàng phương án xử lý khi có tình huống có thể gây mất an toàn đê.

Quảng Trị: Triển khai đồng bộ các phương án ứng phó với bão số 2

Tỉnh Quảng Trị đang tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng, chống bão số 2; kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu để đảm bảo an toàn; đề phòng sạt lở đất ở miền núi, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.

Tính đến 6 giờ ngày 16-7, đã có 2.263 tàu với 6.497 người trên tổng số 2.305 tàu với 6.997 người của tỉnh Quảng Trị đã được neo đậu, vào tránh trú tại các bến an toàn.

Hiện Quảng Trị còn có 42 tàu, thuyền với 500 người đang hoạt động trên khu vực các vùng biển xung quanh đảo Cồn Cỏ và vùng biển của tỉnh Thừa Thiên Huế - thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, hiện đang có 83 tàu, thuyền ngoại tỉnh với 588 người đang neo đậu tại các bến của tỉnh.

Về công tác đảm bảo an toàn hồ, đập, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 131 hồ chứa nước với dung tích khoảng 61% so với thiết kế.

Để đảm bảo an toàn hồ chứa, trước mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các hồ chứa trên địa bàn; đồng thời, có phương án khắc phục kịp thời các hư hỏng nhỏ; đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao sẽ không tích nước để đảm bảo an toàn hạ du công trình trong mùa mưa bão.

Trước những diễn biến của cơn bão số 2, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị theo dõi sát tình hình, diễn biến mưa bão để thông báo cho các địa phương kịp thời nắm bắt để có phương án xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, quản lý chặt tàu thuyền đang hoạt động gần khu vực nguy hiểm.

Cơ quan chức năng cần kịp thời cảnh báo đến người dân biết nguy cơ xuất hiện lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, đặc biệt đối với những nơi có nguy cơ cao cần có phương án di dời dân tránh thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

Các địa phương triển khai thực hiện phương nghiêm phương châm "4 tại chỗ" để kịp thời ứng phó với cơn bão; theo dõi chặt chẽ cũng như vận hành xả lũ an toàn tại các hồ, đập. Các địa phương, cơ quan chức năng cảnh báo, không để người và phương tiện đi vào vùng nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Hải Phòng theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 2

Tại Hải Phòng, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng đã có công điện chỉ đạo các địa phương, ngành, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 2, thông báo hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú tránh; chủ động thực hiện các biện pháp tưới tiêu nước, chống ngập úng đề phòng ngập lụt khu vực đô thị, bảo vệ sản xuất nông nghiệp thủy sản; sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ để ứng cứu khi có yêu cầu.

Theo báo cáo nhanh của lực lượng Biên phòng, đã kiểm đếm thông báo cho hơn 2.600 phương tiện, gần 500 lồng bè, 250 chòi đang hoạt động trên biển về nơi trú bão an toàn.

Điều đáng chú ý là hiện nay hệ thống đê điều nhiều khu vực tại Hải Phòng đã xuống cấp mà chưa được đầu tư tu sửa, gia cố sẽ trở thành điểm yếu trong mùa mưa bão năm nay.

Điển hình như tại ngay khu du lịch Đồ Sơn, trên tuyến đê chắn sóng dài gần 2 km hiện có khoảng 400 m hư hỏng nặng từ mùa mưa bão năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa được tu sửa. Nguyên nhân bởi thành phố chưa bố trí được đủ kinh phí sửa chữa.

Thanh Hóa hoàn tất công tác chủ động phòng, chống bão trước 17 giờ ngày 16-7

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến 14 giờ ngày 16-7, toàn tỉnh Thanh Hóa có 5.021 phương tiện tàu, thuyền với 19.420 lao động hoạt động trong tỉnh đã vào các nơi tránh trú bão an toàn. Ngoài ra, 724 phương tiện với 5.034 lao động đang hoạt động ở các vùng biển khác cũng đã nhận được thông tin về cơn bão và đang tìm về nơi tránh trú bão. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm đếm, thường xuyên giữ thông tin liên lạc, thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Để chủ động ứng phó với diễn biến bão số 2, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương đã lập phương án sẵn sàng sơ tán 57.801 hộ dân (247.867 người) khỏi vùng nguy hiểm. UBND tỉnh Thanh Hóa đã gửi công điện khẩn yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành liên quan, các Công ty khai thác công trình thủy lợi, Công ty Điện lực theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ, thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó có hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan; khẩn trương triển khai thực hiện hoàn thành trước 17 giờ ngày 16-7 các công việc như: nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn; tổ chức hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú; tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn; tuyệt đối không để người ở lại trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các bến cảng, khu du lịch. Các huyện miền núi, vùng nguy cơ xảy ra sạt lở cao, vùng cửa sông, ven biển phải sẵn sàng khi có lệnh sơ tán dân; kiểm tra cụ thể phương án 4 tại chỗ, trong đó chú trọng về lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn đề phòng trường hợp mưa lũ gây chia cắt dài ngày.

Hiện tại Thanh Hóa hiện có 610 hồ đập lớn nhỏ nhưng qua kiểm tra, có tới 121 hồ không đảm bảo an toàn. Tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, sẵn sàng triển khai các phương án đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt các trọng điểm xung yếu về đê điều, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các công trình đang thi công dở dang...

Quảng Ninh ngừng cấp phép hơn 480 tàu du lịch do bão số 2

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa ngừng cấp phép đối với 481 tàu du lịch từ 13 giờ ngày 16-7, đồng thời yêu cầu các tàu đang trên vịnh quay về đất liền trả khách, di chuyển về nơi tránh trú đã được thông báo.

Trong sáng 16-7, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng cháy chữa cháy của tỉnh đã họp triển khai công tác ứng phó cơn bão số 2. Từ 6 giờ ngày 16-7, tàu từ các tuyến đảo về đất liền đã ngừng hoạt động do biển động; trên các đảo hiện còn 5.126 khách du lịch, trong đó có 30 khách quốc tế.

Riêng tại đảo Cô Tô có 3.500 du khách, trong đó có 14 khách quốc tế. Huyện Cô Tô đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh nhà nghỉ bố trí chỗ ở ổn định, an toàn cho du khách, thông báo cho tàu thuyền hoạt động về nơi tránh trú an toàn.

Để chủ động ứng phó với bão số 2, ngành than cũng đã nạo vét hệ thống thoát nước, gia cố bãi thải, có giải pháp di dân kịp thời tại các khu vực liền kề bãi thải...

Chi cục Thủy sản đã thông báo diễn biến bão cho các nghiệp đoàn nghề cá và các chủ tàu hoạt động xa bờ, hiện các tàu đang di chuyển về nơi tránh trú.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện yêu cầu các ngành, địa phương kiểm tra công tác trực ban, kiểm tra công trình thủy lợi, hồ đập. Các dự án đang thi công cần triển khai ngay giải pháp ứng phó.

Theo thống kê, hiện các hồ nước trên địa bàn tỉnh đang ở ngưỡng an toàn, hệ thống đê điều đảm bảo. Toàn tỉnh có 7.512 tàu, trong đó tàu đánh bắt xa bờ là 516 chiếc.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu thành phố Cẩm Phả di dời khẩn cấp 64 hộ dân đang sống tại khu chung cư Dương Huy đã xuống cấp, di dời các lán trại tại các công trình gần kè đất, đá và phía đồi.

Riêng đối với các dự án đang thi công ở khu vực đồi núi cần rà soát kỹ, có giải pháp di dời kịp thời các hộ dân dưới dự án.

Bên cạnh đó, thông báo cho chủ các lồng bè thực hiện chằng chống, di dời về nơi an toàn, kiên quyết di dời người lao động tại các lồng bè lên bờ. Ngành điện kiểm tra, duy trì cấp điện ổn định.

Các lực lượng vũ trang chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ di dân khi có yêu cầu./.