TCCSĐT - Tối 15-7, tại Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, thành phố Sơn La, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sơn La đã tổ chức đại lễ cầu siêu tri ân các anh hùng, liệt sỹ. Buổi lễ quy tụ hàng trăm người là thân nhân các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng; các cựu chiến binh, lão thành cách mạng; đồng đội, đồng chí của các anh hùng, liệt sỹ, những người có công với dân với nước đã hy sinh.

 
 Đại lễ cầu siêu tại tỉnh Sơn La. Ảnh: TTXVN

Trong giờ phút thiêng liêng, các nghi lễ đã được tiến hành trọng thể, thắm tình tri ân và báo ân của đạo Phật và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Cầu mong anh linh các anh hùng, liệt sỹ siêu sinh cõi tịnh độ, phù hộ độ trì cho đất nước giàu mạnh, hùng cường, quốc thái dân an và phát triển bền vững.

Đại lễ cầu siêu là dịp để các thế hệ đi sau tỏ lòng biết ơn các chiến sỹ cách mạng đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh tại Nhà ngục Sơn La. Đại lễ cầu siêu còn thể hiện sự gắn bó giữa đạo Phật với đời sống người dân vùng Tây Bắc; thể hiện sự đoàn kết của đồng bào các dân tộc Tây Bắc cùng với nhân dân cả nước chung tay xây dựng cuộc sống mới.

Đại lễ tri ân các anh hùng, liệt sỹ là hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Qua đó khơi dậy niềm tin, thái độ và trách nhiệm của cá nhân mỗi người đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

 
 Tri ân các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: TTXVN

* Ngày 15-7, tại thành phố Bắc Giang, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Bắc Giang tổ chức đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Bắc Giang thành lập nhằm hỗ trợ các gia đình liệt sỹ tiếp cận, thực hiện các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần giúp các gia đình liệt sỹ thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ còn thất lạc. Đồng thời tham gia nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về các giải pháp thực hiện chế độ chính sách, tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sỹ và thân nhân.

Nhiệm kỳ 2017 - 2022 Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Bắc Giang phấn đấu xây dựng quy chế hoạt động của ban chấp hành hội, tăng cường kết nạp hội viên mới, phấn đấu xây dựng 1 đến 2 chi hội ở cấp huyện. Hội phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền rộng rãi về tôn chỉ, mục đích của hội và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc; xây dựng, hoàn thiện website của hội.

* Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) là vùng căn cứ cách mạng. Vĩnh Thuận cũng là nơi thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đền ơn đáp nghĩa, những năm qua, huyện Vĩnh Thuận luôn quán triệt thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách đối với người có công. Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, huyện Vĩnh Thuận đã trả trợ cấp thường xuyên và trợ cấp một lần theo quy định của Chính phủ cho 1.179 đối tượng người có công, với số tiền trên 32,1 tỷ đồng. Đặc biệt, nhờ sự đóng góp của cán bộ, đảng viên, người lao động trong tỉnh, năm 2016 và 6 tháng năm 2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh đã triển khai xây mới 405 căn nhà tình nghĩa; sửa chữa 396 nhà cho người có công… Vào dịp lễ, Tết, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tổ chức thăm hỏi, chúc sức khỏe Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Riêng các xã, thị trấn còn trích kinh phí, huy động hàng trăm triệu đồng xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng… với tổng trị giá trên 4,1 tỷ đồng (năm 2016 và 6 tháng năm 2017); mua, cấp 6.148 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân theo quy định. Đối với 11 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn huyện đều có tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng đến cuối đời, với số tiền 500.000 đồng/ tháng/mẹ. Huyện cũng kịp thời giải quyết các chế độ cho con thương binh, liệt sĩ học ở các trường đại học, cao đẳng; giải quyết việc làm cho con em gia đình chính sách thông qua các chương trình giảm nghèo…

Theo ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận, thời gian tới, huyện Vĩnh Thuận tiếp tục quan tâm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình chính sách. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn và lập hồ sơ cho đối tượng hưởng chế độ chính sách theo quy định; kịp thời mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ và quyết toán kịp thời việc xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho người có công đảm bảo đúng quy trình, quy định. Huyện chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về tầm quan trọng của chính sách đối với người có công; đẩy mạnh vận động các tổ chức, cá nhân cùng chính quyền địa phương chăm lo tốt cho những đối tượng chính sách...

 
 Ủng hộ xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: TTXVN

* Sáng 15-7, tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ và Khánh thành Khu Tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma. Tham dự buổi Lễ có hơn 300 đại biểu, đại diện cho các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh, thành và thân nhân liệt sỹ.

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và gia đình có công với nước; nhấn mạnh, với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã và đang làm rất nhiều việc để cuộc sống của các thương binh, thân nhân liệt sỹ và những người có công với nước, ngày càng được đầy đủ và tốt đẹp hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh, Khu Tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma đã hoàn thành giai đoạn 1. Công trình như một biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta, biểu tượng tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, với khát vọng giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Khu Tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma, được đặt đá xây dựng từ tháng 3-2015, nhằm ghi công và tri ân 64 chiến sỹ hải quân, đã hy sinh trong cuộc hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong khu tưởng niệm này, công trình chính là Tượng đài mang tên “Những người nằm lại phía chân trời” mang biểu tượng “vòng tròn bất tử”, từ hình ảnh 64 chiến sỹ hải quân nắm tay nhau, quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma, trong trận chiến giữ đảo ngày 14-3-1988.

Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma được xây dựng trên khuôn viên rộng 2,5ha, gồm các hạng mục: Tượng đài, nhà trưng bày hiện vật, hệ thống cây xanh... Kinh phí xây dựng công trình được trích từ nguồn đóng góp của các tổ chức công đoàn, người lao động cả nước trong Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phát động tháng 3-2014.

Dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiếp nhận 20 tỷ đồng do các cấp công đoàn, công nhân, viên chức, lao động đóng góp để xây dựng Khu Tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma giai đoạn 2 và Khu Tưởng niệm Nghĩa sỹ Hoàng Sa, tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tặng 11 thân nhân liệt sỹ, mỗi thân nhân 30 triệu đồng./.