Ngày 14-7-2017, tại thành phố Đà Nẵng, Đoàn Giám sát của Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Hội nghị là hoạt động quan trọng của Đoàn giám sát nhằm lắng nghe ý kiến phản biện của đại diện các cơ quan chịu sự giám sát ở trung ương và địa phương đối với những nhận định của Đoàn Giám sát, ý kiến tham gia của các thành viên Đoàn Giám sát, đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội và các chuyên gia nhằm bổ sung, làm sâu sắc hơn việc đánh giá những kết quả đạt được, những vấn đề tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đặc biệt là kiến nghị các giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các mục tiêu cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ nhân dân của bộ máy hành chính nhà nước.

Trên cơ sở các ý kiến, Đoàn Giám sát sẽ tiếp thu để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, bổ sung đầy đủ lập luận, số liệu, phụ lục kèm theo để báo cáo tại Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Đoàn Giám sát dự kiến tổ chức vào cuối tháng này, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 và tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ tư vào tháng 10 tới. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, trong hơn 20 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 2011-2016, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Hệ thống thể chế, luật pháp tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện.

Cơ cấu tổ chức của Chính phủ được kiện toàn tinh gọn hơn và sắp xếp, điều chỉnh theo mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với chức năng, nhiệm vụ tập trung vào quản lý vĩ mô; đã phân định rõ hơn chức năng, mô hình tổ chức của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo; các cơ quan chuyên môn ở địa phương được tổ chức lại bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và theo xu hướng thu gọn đầu mối. Việc quản lý biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước có bước được nâng lên.

Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy, hiện vẫn còn nhiều mục tiêu cải cách bộ máy hành chính nhà nước chưa đạt được như: Tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, nhiều đầu mối và tầng nấc trung gian; còn tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, chưa thực hiện tốt nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính. Việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và các cấp chính quyền địa phương còn chưa rành mạch. Việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện chưa chú trọng đến đặc điểm của vùng, miền, địa phương, chưa phân hóa rõ rệt giữa yêu cầu quản lý tại nông thôn, đô thị, hải đảo. Tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa có sự đổi mới mạnh mẽ. Công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn nhiều hạn chế; chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra, nhất là trong khu vực sự nghiệp công lập, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố...

Theo báo cáo của Chính phủ, trước thời điểm tháng 7-2011, Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011 có 30 cơ quan, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ; 8 cơ quan thuộc Chính phủ. So với Chính phủ khóa XI giảm được 8 đầu mối: giảm 4 bộ, cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.

Trong nhiệm kỳ Chính phủ 2011-2016 và thời điểm từ tháng 8-2016 đến nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, tổ chức bộ máy của Chính phủ được giữ ổn định gồm: 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Tính đến ngày 15-3-2017 , tổng số đối tượng được thẩm tra tinh giản biên chế là gần 5.000 người. Hiện nay, 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao.

Lý giải về việc tăng biên chế công chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng nguyên nhân là do bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành và việc chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp, huyện, xã. Vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý, sử dụng biên chế, tinh giản biên chế và thực hiện nghiêm túc việc quản lý và sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập đối với cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và nghỉ hưu, thôi việc theo quy định của Đảng và Nhà nước...

Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất nhiều kiến nghị như: Đề xuất về việc không đưa quy định về tổ chức bộ máy và biên chế vào các văn bản luật, pháp lệnh không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy; quy định cụ thể khung số lượng đầu mối, biên chế, cấp phó của các cơ quan làm cơ sở để rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong các bộ; tổ chức các cơ quan chuyên môn ở địa phương phù hợp với yêu cầu, tính chất của từng đơn vị hành chính, hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; sửa đổi cơ chế phê duyệt biên chế sự nghiệp hàng năm, xây dựng chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức, bổ nhiệm có thời hạn đối với công chức, nghiên cứu thí điểm thực hiện bỏ chế độ công chức suốt đời../