Nhớ ngày Giỗ Tổ 10-3

TCCS ĐT - Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vư­ơng là biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết, là điểm hội tụ văn hoá tâm linh của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 âm lịch là một trong 5 ngày lễ quan trọng của đất nước. Năm nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Nghi lễ tưởng niệm các Vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương từ năm 2009 được thống nhất trên toàn quốc.
 
Nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2009, chúng tôi đã gặp gỡ và trao đổi với thạc sỹ Trần Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Nếp sống văn hoá - Cục Văn hoá cơ sở, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Phóng viên (PV): Đồng chí có thể nói rõ hơn ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương?

Đồng chí Trần Thị Tuyết Mai: Thời đại Hùng Vương là thời đại mở đầu cho lịch sử của dân tộc Việt Nam với ý nghĩa là gốc rễ, là cội nguồn của dân tộc. Thời đại này đã sản sinh ra một nền văn hoá, văn minh rực rỡ xuyên suốt tiến trình lịch sử và trở thành nền tảng tin thần bền vững của dân tộc ta. Tín ngưỡng thờ, cúng tổ tiên từ lâu đời đã đi vào tiềm thức của mọi người dân Việt Nam: tôn thờ một vị Quốc tổ. Đó là một mỹ tục độc đáo, là phong tục, là nếp sống bản sắc và bản lĩnh của nhân dân ta qua nhiều thế hệ. Thông qua nghi lễ nhằm khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và tôn vinh văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước. Ngày Quốc lễ là dịp nhân dân ta tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao to lớn của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; đồng thời, giáo dục đạo lý "uống nước nhớ nguồn", củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

2. PV: Ngoài Đền Hùng tại tỉnh Phú Thọ là nơi thờ tự chính các vị Vua Hùng, trong cả nước còn có những nơi nào thờ phối, thờ vọng các vị Vua Hùng? Đề nghị đồng chí cho biết việc tổ chức tưởng niệm tại những nơi này được thực hiện như thế nào trong những ngày Quốc lễ.

Đồng chí Trần Thị Tuyết Mai: Theo số liệu thống kê (tính đến thời điểm năm 2005) của Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch), cả n­­ước có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vư­ơng ở Việt Nam. Trong những năm qua, nhân ngày Giỗ tổ Hùng V­ương 10-3 âm lịch hằng năm, để tư­­ởng nhớ công ơn các Vua Hùng, một số địa phương có đền thờ Vua Hùng nh­ư: Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phư­ớc, Khánh Hoà, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh… đã tổ chức lễ dâng h­ương tư­ởng niệm các Vua Hùng. Để thống nhất việc tổ chức lễ hội và nghi lễ dâng hư­ơng tưởng niệm các Vua Hùng, từ năm 2009, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hư­ớng dẫn việc tổ chức nghi lễ dâng hương cụ thể thống nhất trong toàn quốc:

Tại tỉnh Phú Thọ (nơi có khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng): Nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương thực hiện theo Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, ngày 06- 11-2001, của Chính phủ về nghi lễ Nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Nơi có Đền thờ Vua Hùng: Ngày 10 - 3 âm lịch tổ chức Giỗ Tổ tại địa phương (làm Giỗ vọng). Nghi thức tổ chức theo hướng dẫn chung; lễ dâng hương do đại diện lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh làm chủ lễ.

Nơi có di tích liên quan đến các vua Hùng (di tích thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân - Âu Cơ, thờ vợ con, tướng lĩnh, Hùng hậu, Hùng tướng của các Vua Hùng, các vị có công với dân, với nước thời Hùng Vương). Nghi thức tổ chức theo nghi thức truyền thống của địa phương, nghi thức phải được tiến hành trang trọng, tránh sự cải biên mang tính áp đặt chủ quan, làm biến dạng nghi lễ truyền thống, đồng thời tránh rườm rà, kéo dài.

Những địa phương không có đền thờ Vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10 - 3 âm lịch): cần tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao với nội dung chủ đề hướng về nguồn cội, hướng về ngày Giỗ Tổ.

3. PV: Thưa đồng chí, những nghi lễ trong tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương được tiến hành như thế nào?

Đồng chí Trần Thị Tuyết Mai: Nghi lễ được tiến hành theo Hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng trong ngày tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành (Hướng dẫn số 796/HD-BVHTTDL, ngày 18-3-2009). Giỗ Tổ Hùng Vương phải được tổ chức trọng thể, an toàn, tiết kiệm. Nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng long trọng, tạo không khí tưởng niệm thiêng liêng, hướng về cội nguồn. Các hoạt động văn hóa trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương lành mạnh, phong phú, hấp dẫn, quy tụ được những sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc của các vùng văn hóa tiêu biểu, kết hợp được những nội dung truyền thống với văn hóa, văn minh hiện đại, đáp ứng yêu cầu giáo dục và yêu cầu thẩm mỹ của thời đại mới.

Việc tổ chức lễ hội phải được thực hiện theo Nghị định số 11/2006/NĐ- CP, ngày 18 - 1 - 2006, của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng và Quy chế tổ chức lễ hội ban hành kèm theo Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT, ngày 23 - 8 - 2001, của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).

Khu vực tổ chức lễ là khuôn viên nơi thờ tự hoặc nơi dâng hương tưởng niệm. Nghi lễ có 2 phần: phần nghi lễ và phần hội. Trong phần nghi lễ: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn chi tiết cả về lễ phẩm, trang phục, nhạc lễ, thành phần đoàn rước lễ và nghi lễ dâng hương. 
 
Lễ phẩm có 18 chiếc bánh chưng (gói bọc lá dong tươi, lạt giang nhuộm hồng); 18 chiếc bánh dày (có dán chữ Phúc màu đỏ); hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả.

Còn trang phục, chủ lễ mặc áo màu hồng tía để phân biệt với các đại biểu khác mặc trang phục lễ. Người phục vụ tại nơi làm lễ dâng hương mặc áo the, đội khăn xếp, có đeo phù hiệu Ban tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Các đại biểu dự lễ: đại biểu nữ mặc áo dài truyền thống; đại biểu nam (không trong thành phần mặc trang phục lễ) mặc comple màu sẫm; đại biểu là lực lượng vũ trang mặc trang phục đại lễ; đại biểu là người dân tộc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Về nhạc lễ: sử dụng đĩa nhạc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) duyệt thống nhất sử dụng.
 
Trong phần hội: tùy thuộc vào không gian khu vực tổ chức lễ hội, điều kiện kinh phí và nhu cầu của nhân dân địa phương, tổ chức một số chương trình hoạt động như: biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng; các hoạt động thể dục thể thao truyền thống và hiện đại; các hội thi, hội diễn, hội trại... Nên chú trọng tổ chức các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hoá của từng địa phương, vùng miền, khu vực.

Các hoạt động văn hoá tham gia lễ hội phải được chuẩn bị chu đáo, nội dung chương trình hấp dẫn, văn minh, lịch sự, lành mạnh, có khả năng thu hút công chúng.

4. PV: Thưa đồng chí Trần Thị Tuyết Mai, vì sao bắt đầu từ năm nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn nghi thức tưởng niệm chung trong toàn quốc. Đồng chí cho biết quá trình xây dựng và ban hành hướng dẫn này được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Trần Thị Tuyết Mai: Cục Văn hoá cơ sở được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ xây dựng văn bản hướng dẫn này xuất phát từ các yêu cầu như sau:

- Về cơ sở pháp lý: Ngày 11-4-2007, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 Bộ luật Lao động, trong đó quy định người lao động được nghỉ 1 ngày làm việc nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương (ngày 10-3 âm lịch hằng năm), và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, ngày 06 -11-2001, về nghi lễ Nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài, trong đó tại Điều 6, Chương 2 đã xác định năm lẻ, năm tròn, năm chẵn để tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

- Về yêu cầu thực tiễn: Những năm gần đây, nhìn chung nhu cầu tham gia sinh hoạt lễ hội của nhân dân ngày càng tăng, trong đó có Lễ hội Đền Hùng. Xuất phát từ đặc điểm lịch sử và mỹ tục độc đáo: Cả nước tôn thờ một vị Quốc Tổ, với tâm nguyện “Cả nước hướng về Đền Hùng, từ đền Hùng nhìn ra cả nước”, nhân dân hướng về ngày Giỗ Tổ ngày càng đông với sự thành kính và ai ai cũng mong muốn được thắp nén nhang thơm bày tỏ tấm lòng thành kính tôn nghiêm tri ân với tổ tiên, nhằm thoả mãn ý nguyện và tâm linh của mình. Từ nhu cầu của nhân dân, nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức nghi lễ tưởng niệm các Vua Hùng và mong muốn Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có định hướng thống nhất cơ bản để các địa phương thực hiện vì đây là Quốc lễ Giỗ Tổ.

Cục Văn hoá cơ sở là cơ quan chức năng tham mưu công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ này. Sau khi xây dựng dự thảo văn bản, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã lấy ý kiến của 63 Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan. Khi hoàn chỉnh văn bản, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã gửi văn bản về Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị thẩm định và xin ý kiến. Khi được Ban Tuyên giáo Trung ương thẩm định, nhất trí, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch mới chính thức ban hành văn bản về các địa phương để triển khai thực hiện.

PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về những điều hướng dẫn trong Nghi lễ tưởng niệm các Vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, nhằm hạn chế những yếu tố lợi dụng ngày Quốc Giỗ để mưu cầu những vụ lợi khác.

Đồng chí Trần Thị Tuyết Mai: Tôi cho rằng văn bản hướng dẫn khá chi tiết và cụ thể về phần nghi lễ trang nghiêm thành kính và phần hội vui tươi lành mạnh; đây là cơ sở để các địa phương tổ chức lễ tưởng niệm chu đáo cả theo đạo lý hướng về nguồn cội tổ tiên. Nhưng để giữ gìn không gian thiêng, đảm bảo sự lành mạnh, trong sáng của Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương nói riêng và các hoạt động lễ hội khác ở tất cả các địa phương, không chỉ là trách nhiệm của Ban tổ chức lễ hội mà là trách nhiệm chung của chúng ta, trong đó có trách nhiệm và ý thức của du khách tham gia lễ hội.

Với các ban tổ chức chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động trong chương trình tưởng niệm, cần đảm bảo trật tự, an toàn, chu đáo, bảo vệ tốt môi trường, cảnh quan nơi tưởng niệm và tiết kiệm chi phí. Kiên quyết loại bỏ việc lợi dụng lễ hội để kinh doanh dịch vụ không lành mạnh và các tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan. Đồng thời sử dụng những chế tài đã quy định để nghiêm khắc sử lý các vi phạm ảnh hưởng đến môi trường lễ hội. Với du khách, phải tăng cường thực hiện nếp sống văn hoá và có phép ứng xử văn hoá với lễ hội, với tín ngưỡmg, với di tích danh thắng và môi trường lễ hội… Có như thế mới khắc phục được những hạn chế, bất cập sẽ xảy ra trong hoạt động lễ hội./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!