Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Canada, đoàn Bộ Ngoại giao do Thứ trưởng Hà Kim Ngọc dẫn đầu đã thăm Canada từ 06 đến 07-7 và tiến hành tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần đầu tiên giữa hai nước.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng đã có cuộc làm việc với ông David Angell, Trợ lý Nội các Hội đồng Cơ mật Canada.

Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên đã trao đổi về các biện pháp để quan hệ hai nước ngày càng phát triển hiệu quả, thực chất, hướng tới nâng tầm quan hệ song phương trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (8-1973 - 8-2018).

Hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao, trong đó có việc chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam và dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tháng 11-2017 của Thủ tướng Justin Trudeau và trao đổi đoàn các cấp của các bộ, ngành, địa phương.

Hai bên nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, hợp tác phát triển, giáo dục-đào tạo..., đồng thời mở rộng hợp tác an ninh-quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học-công nghệ, phát triển bền vững, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...

Để hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả, hai bên sẽ tiếp tục xây dựng và và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ các vướng mắc trong các lĩnh vực cụ thể, đặc biệt về thương mại-đầu tư (đàm phán, ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư, tạo điều kiện cho hàng nông sản xuất khẩu...). Hai bên cũng nhất trí sẽ chú trọng thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch, thể thao, quan hệ giữa hai quốc hội, quan hệ giữa các địa phương, doanh nghiệp... nhằm tạo dựng nền tảng xã hội sâu rộng, thuận lợi cho cho sự phát triển lâu dài, ổn định của quan hệ hai nước.

Việt Nam đánh giá cao các dự án phát triển của Canada trong nhiều năm qua. Phía Canada khẳng định tiếp tục duy trì Việt Nam trong số các nước ưu tiên nhận viện trợ phát triển, xem xét tích cực việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó thiên tai, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi trên tinh thần xây dựng, hiểu biết về vấn đề thúc đẩy và bảo quyền của người dân, phát huy hợp tác bảo đảm quyền của phụ nữ, của các nhóm thiểu số...

Về hợp tác đa phương, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế, khu vực và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, APEC, Francophonie, ASEAN+..., ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và quan hệ ngày càng gắn kết của Canada với Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Hai bên cũng trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm, chia sẻ lập trường ủng hộ giải quyết các tranh chấp chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình trong đó có đối thoại và các tiến trình ngoại giao, pháp lý; tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, triển khai Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới đạt Bộ Quy tắc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Các cuộc trao đổi diễn ra trên tinh thần xây dựng, cởi mở và tin cậy./.