TCCSĐT - Tổng thống Pháp E. Macron vừa có chuyến thăm Mali và tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các quốc gia “G5 Sahel” vào đầu tháng 7. Mục đích của chuyến đi nhằm củng cố sự hậu thuẫn của Pháp và các nước phương Tây trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở khu vực Sahel.

Tiếp tục khẳng định vai trò trong cuộc chiến chống khủng bố tại châu Phi

 
 Tổng thống Pháp E. Macron thăm binh lính ở Mali. Ảnh: AP

Khu vực rộng lớn và khô hạn Sahel đã trở thành chiến trường đẫm máu của các nhóm thánh chiến, trong đó một số nhóm có liên hệ với al-Qaeda và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo các nguồn tin tình báo, ba nhóm thánh chiến hoạt động tại khu vực Sahel có liên hệ với al-Qaeda đã sáp nhập với nhau, thành Phong trào thánh chiến nguy hiểm mới với tên gọi “Nhóm ủng hộ Hồi giáo và người Hồi giáo”. Đặc biệt, sau khi bị thu hẹp địa bàn hoạt động tại Syria, Iraq, Yemen, khoảng 2.500 tay súng thánh chiến IS đã tới vùng Sahel và lập thành nhiều nhóm khủng bố nhỏ lẻ, đe dọa an ninh khu vực. Thậm chí, bạo lực đã lan rộng sang các nước láng giềng.

An ninh ở Mali nói riêng và vùng Sahel nói chung được Pháp đặt ưu tiên. Các nhà lãnh đạo Pháp từng tuyên bố, cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến tại khu vực Sahel cũng chính là cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến tại Pháp. Việc góp phần bảo vệ Mali cũng gắn liền với an ninh của nước Pháp. Ngay từ năm 2013, Tổng thống Pháp khi đó là ông F. Holland đã quyết định can thiệp quân sự vào Mali trong một chiến dịch có tên là “Mèo rừng châu Phi” nhằm ngăn chặn một nhánh Hồi giáo thánh chiến thuộc tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda muốn biến Mali thành “quốc gia khủng bố”. Với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội các nước trong khu vực, quân đội Pháp cũng đã chiếm được nhiều thành phố quan trọng ở miền Bắc Mali. Hiện quân đội Pháp đang duy trì hơn 4.000 quân nhân và tiếp tục mở rộng chiến dịch chống khủng bố trên khắp khu vực Sahel.

Các nước châu Âu, nhất là Pháp, lo ngại rằng, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, các tay súng thánh chiến ở khu vực Sahel sẽ mở rộng địa bàn hoạt động và đe dọa trực tiếp an ninh và lợi ích của các nước phương Tây. EU đã cam kết hỗ trợ 50 triệu euro giúp nhóm 5 nước thuộc Sahel thành lập lực lượng đặc nhiệm của khu vực. Trong khi đó, Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại, bà F. Mogherini, cũng đánh giá sự ổn định và phát triển của khu vực Sahel mang tính quyết định không chỉ với châu Phi mà với cả châu Âu.

Với những lý do trên, chuyến đi lần này tới Mali của Tổng thống Pháp nhằm gửi tới thông điệp Pháp duy trì sự hiện diện của quân đội nước này trong vùng Sahel, đồng thời hợp tác với khu vực Sahel nói chung và Mali nói riêng cho đến khi không còn mối đe dọa khủng bố ở đây. Tổng thống E. Macron khẳng định chiến dịch chống khủng bố sẽ được tăng cường trước những dấu hiệu cho thấy các nhóm Hồi giáo vũ trang đang liên kết lại với nhau. Tổng thống E. Macron cũng cho biết, việc tăng tốc chiến dịch quân sự, trợ giúp phát triển kinh tế vùng Sahel nghèo khó cũng nằm trong chiến lược của Pháp. Pháp sẽ tiếp tục đảm nhiệm các chiến dịch quân sự ở Bắc và Tây châu Phi.

Tổng thống E. Macron cũng đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các quốc gia “G5 Sahel” gồm Mali, Niger, Cộng hòa Chad, Mauritania và Burkina Faso tại thủ đô Bamako (Mali) với cam kết giúp các nước “G5 Sahel” nhận được hỗ trợ tài chính cho lực lượng chung chống khủng bố của các nước này, đồng thời hối thúc các nước Sahel cho thấy rõ hiệu quả nỗ lực chống các nhóm thánh chiến.

Trước những người đồng cấp của các quốc gia “G5 Sahel”, Tổng thống E. Macron bày tỏ hoan nghênh sự phát triển tích cực mà Pháp tự hào song hành. Về khoản tiền 50 triệu euro mà Liên minh châu Âu (EU) tài trợ để huấn luyện lực lượng an ninh 5 nước vùng Sahel đối phó với khủng bố, ông E. Macron cho rằng, đó là sự khởi đầu cho một cam kết lâu dài. Tổng thống E. Macron tuyên bố, ông cũng sẽ tìm kiếm các khoản hỗ trợ bổ sung từ các nước Đức, Hà Lan, Bỉ và Mỹ, cho hoạt động của lực lượng chống thánh chiến trong khu vực. Tổng thống Pháp hy vọng Mỹ sẽ có những sự hỗ trợ cụ thể cho khu vực này.

Các nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực Sahel đòi hỏi những giải pháp cần thiết và các nước châu Phi cần sự hỗ trợ từ châu Âu khi mối đe dọa an ninh đang là thách thức chung đối với cả hai châu lục. Chính vì vậy, việc Tổng thống E. Macron thực hiện chuyến thăm Mali lần thứ hai và tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các quốc gia “G5 Sahel” về chống khủng bố tiếp tục cho thấy vai trò quan trọng của Pháp cũng như châu Âu trong cuộc chiến chống khủng bố tại châu Phi.

Lực đẩy mới cho sự phát triển quan hệ Trung Quốc - Nga

 
 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga V. Putin. Ảnh: news.xinhuanet.com

Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga trong hai ngày 03 và 04-7-2017. Đây là chuyến chuyến thăm Nga lần thứ hai của nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi nhậm chức hồi năm 2013.

Tại cuộc hội đàm ở Điện Kremlin, Tổng thống Nga V. Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận các chủ đề nhằm tăng cường hợp tác chính trị, hợp tác kỹ thuật - quân sự và trong lĩnh vực nhân đạo, giải quyết các vấn đề quốc tế như chống khủng bố, tình hình Bán đảo Triều Tiên, cuộc khủng hoảng tại Syria...

Về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo đã kêu gọi sự kiềm chế tối đa của tất cả các bên liên quan đến vấn đề Bán đảo Triều Tiên nhằm xoa dịu những căng thẳng đang leo thang hiện nay; đồng thời nhấn mạnh, Bình Nhưỡng phải tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong khi đó, thảo luận về tình hình Syria, Tổng thống V. Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, tất cả các bên liên quan đến vấn đề vũ khí hóa học tại Syria sẽ phải tôn trọng chủ quyền của Syria và ủng hộ một cuộc điều tra độc lập và toàn diện về vấn đề này.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga được đánh giá là đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử. Cho dù các nhà phân tích cho rằng, mối quan hệ này khó có thể phát triển thành một liên minh, nhưng rõ ràng đây là mối quan hệ đối tác chiến lược ổn định và chính những thay đổi trong quan hệ quốc tế kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đã đưa hai nước xích lại gần nhau hơn. Nga, trong bối cảnh bị Mỹ và phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt kể từ năm 2014 sau cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, đã nhanh chóng “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương, và Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - là lựa chọn hàng đầu của Moscow trong chiến lược này.

Trong khi đó, Bắc Kinh cũng hy vọng Trung Quốc và Nga có thể duy trì mối quan hệ song phương theo cách tạo ra môi trường an toàn để đạt được các mục tiêu phát triển và hỗ trợ lẫn nhau thông qua hợp tác cùng có lợi. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, trong khi Nga là nguồn cung cấp năng lượng chủ chốt của Trung Quốc. Kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt 69,52 tỷ USD, và chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 32,8 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai nước cũng đang hợp tác khá hiệu quả trong các thể chế tài chính đa quốc gia mới, như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Quỹ dự trữ ngoại hối BRICS. Trong bối cảnh nền kinh tế cả hai nước đều trải qua giai đoạn khó khăn do những tác động từ bên ngoài, Moscow và Bắc Kinh cũng nhất trí kết nối giữa sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) do Nga đề xuất.

Quan hệ quốc phòng giữa hai nước cũng được cải thiện đáng kể. Trung Quốc hiện đã trở thành một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga.

Mối quan hệ chính trị cũng được đẩy mạnh với việc Nga và Trung Quốc tổ chức các cuộc họp thường xuyên hằng năm giữa các cấp lãnh đạo, tạo những lực đẩy mới cho quan hệ hai nước ngày càng phát triển.

Việc Nga và Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác song phương cũng như đẩy mạnh phối hợp giải quyết trong các vấn đề lớn của khu vực và thế giới trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai cường quốc này.

Ấn Độ - Israel mở rộng quan hệ hợp tác

 
 Thủ tướng Ấn Độ N. Modi và Thủ tướng Israel B. Netanyahu. Ảnh: israel2

Nhằm tăng cường hợp tác song phương, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã thực hiện chuyến thăm chính thức tới Israel trong ba ngày từ ngày 04 đến 06-7-2017. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ tới Israel kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992.

Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi và người đồng cấp nước chủ nhà B. Netanyahu đã thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác song phương, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, chống khủng bố, phát triển khoa học - công nghệ, nông nghiệp và tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Thủ tướng N. Modi khẳng định mục tiêu của Ấn Độ là xây dựng mối quan hệ với Israel dựa trên những ưu tiên chung và hướng tới các mối quan hệ lâu dài giữa người dân hai nước. Về phần mình, Thủ tướng Israel B. Netanyahu đã hoan nghênh sự hợp tác giữa hai nước và bày tỏ tin tưởng chuyến thăm này sẽ giúp tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ và Israel trên nhiều lĩnh vực, cũng như mở ra những ưu tiên mới trong quan hệ song phương.

Chuyến thăm Israel lần này là bước tiếp theo trong chính sách ngoại giao đa phương hóa quan hệ mà New Delhi đang triển khai, với việc Thủ tướng N. Modi liên tục công du nước ngoài nhằm kêu gọi các nguồn đầu tư lớn đổ vào Ấn Độ trong khuôn khổ sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India). Sau các nước láng giềng châu Á, Thủ tướng N. Modi đã tới châu Âu và Mỹ, và điểm dừng chân lần này là Israel, quốc gia Trung Đông hiện nổi lên là một trong những đối tác quan trọng của Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực như cung cấp vũ khí và thiết bị quốc phòng, hợp tác an ninh, chống khủng bố, phát triển khoa học - công nghệ và nông nghiệp. Ngay trước thời điểm Thủ tướng Ấn Độ thực hiện chuyến thăm tới Israel, Chính phủ của Thủ tướng B. Netanyahu đã thông qua gói ngân sách trị giá 80 triệu USD để thúc đẩy hợp tác với Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả hợp tác công nghệ nước và nông nghiệp. Israel được đánh giá là quốc gia có nền công nghệ nước đứng đầu thế giới. Israel sử dụng 1/3 lượng nước cho lĩnh vực nông nghiệp là tách nước ngọt từ nước biển và tái sử dụng 80% lượng nước sinh hoạt đã qua sử dụng. Trong khi đó, Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch và năng suất nông nghiệp không ổn định do yếu tố thời tiết. Bởi vậy, Ấn Độ và Israel đã thiết lập các trung tâm hợp tác nông nghiệp từ năm 2009, trong đó Israel giúp Ấn Độ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hai bên cũng chủ trương tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, an ninh mạng, công nghệ truyền thông, công nghệ điện tử. Israel là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển và mục tiêu của Ấn Độ là thu hút được nguồn chất xám này.

Không những vậy, Israel còn là một trong những nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quốc phòng quan trọng nhất của Ấn Độ, chỉ sau Nga và Mỹ. Tháng 4 vừa qua, Ấn Độ đã ký 3 hợp đồng mua tên lửa của Israel trị giá 2,6 tỷ USD. Theo các nhà phân tích, đây không chỉ là thỏa thuận mua bán quân sự đơn thuần, mà cho thấy hai nước có những mục tiêu chiến lược chung trước những mối lo ngại từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngoài ra, thỏa thuận này cũng đem lại những tiềm năng lớn về kinh tế cho cả hai nước.

Trong bối cảnh Israel đang tìm kiếm các đối tác kinh doanh cũng như đồng minh để tạo lợi thế trên các diễn đàn quốc tế, chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ được coi là một chiến thắng về mặt ngoại giao đối với Tel Aviv. Chuyến thăm lần này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mở rộng hợp tác và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước.

Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh kéo dài: Hệ quả khó lường

 
 Khủng hoảng ngoại giao kéo dài ở vùng Vịnh. Ảnh: rfi. fr

Không chỉ bị cô lập về ngoại giao và kinh tế, Qatar hiện còn phải đối mặt với “các lệnh trừng phạt tiếp theo có thể” của các nước Arab và vùng Vịnh trong bối cảnh “hạn chót” mà Qatar phải thực hiện bản yêu sách của các quốc gia này kết thúc ngày 02-7.

Hiện các nước vùng Vịnh vẫn chưa tiết lộ thông tin chi tiết về những biện pháp trừng phạt tiếp theo nhằm vào Qatar, song giới chủ ngân hàng thương mại trong khu vực cho rằng, các ngân hàng của Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain có thể đã được chỉ đạo rút tiền gửi cũng như các khoản cho vay liên ngân hàng từ Qatar. Các lệnh trừng phạt bổ sung hà khắc cũng có thể sẽ được áp dụng để cấm giới đầu tư nắm giữ các tài sản của Qatar. Trong khi đó, Ngoại trưởng UAE A. Gargash cho rằng, “biện pháp lựa chọn không phải là làm leo thang tình hình, mà là các biện pháp cô lập hơn nữa”, ngụ ý Qatar có thể bị buộc phải rời khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Trước động thái này, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định nước này hối thúc tất cả các bên kiềm chế để thúc đẩy một tiến trình đàm phán hiệu quả. Ngoại trưởng Đức S. Gabriel kêu gọi các bên liên quan tiến hành một “cuộc đối thoại nghiêm túc”.

Điện Kremlin cũng cho biết Tổng thống Nga V. Putin đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với lãnh đạo Qatar và Bahrain, nhấn mạnh về việc cần thiết phải thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này.

Giới phân tích lo ngại cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh kéo dài có thể khiến Qatar phải đối mặt với sự suy giảm đáng kể về tăng trưởng kinh tế. Do phụ thuộc chủ yếu vào hàng hóa nhập khẩu, nhất là thực phẩm, Qatar sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi các lệnh trừng phạt về ngoại giao và kinh tế như giá hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn và lượng khách du lịch từ khu vực tới nước này giảm sút. Thâm hụt tài khoản vãng lai có thể vẫn vào khoảng 2% GDP trong năm nay giữa lúc nguồn thu từ các dịch vụ du lịch và vận tải giảm mạnh do các lệnh phong tỏa đường không của các nước láng giềng. Chưa kể sự phụ thuộc quá mức của các ngân hàng Qatar vào nguồn tiền gửi nước ngoài có thể tạo ra những thách thức về thanh khoản đối với nhiều ngân hàng ở nước này. Ngoài ra, ngành xây dựng có nguy cơ bị ảnh hưởng do hoạt động nhập khẩu vật liệu xây dựng bị đình trệ và điều này tác động bất lợi tới công tác chuẩn bị đăng cai Giải Vô địch Bóng đá Thế giới (World Cup) 2022.

Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh cũng đang gây ra những tác động tiêu cực đối với thương mại, tài chính, đầu tư của toàn khu vực Trung Đông, trong bối cảnh đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới còn mong manh do những chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia. Tổng Giám đốc của Trung tâm Tài chính Qatar Youssef Mohamed Al-Jaida ngày 04-7 cho biết, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đang khiến các hợp đồng trị giá 2 tỷ USD được ký kết giữa các đối tác hai bên đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Các nhà phân tích cho rằng, các nước cần phải kiềm chế, tránh gia tăng căng thẳng, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, tôn trọng tiếng nói của nhau mới có thể giúp giải quyết được các vấn đề khu vực./.