TCCSĐT - Ngày 25-6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và lãnh đạo các bộ ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển” .

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị đầu tư và phát triển Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết Hội nghị nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ trương - cam kết của Chính phủ “đồng hành cùng doanh nghiệp”, “hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”, với tinh thần tiên phong về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Trong năm 2016, kinh tế Thủ đô tiếp tục đà tăng trưởng nhanh, bền vững; thu ngân sách tăng trưởng tốt; đặc biệt, sự phát triển của các doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng, các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh thành công và đầu tư vào Thành phố với số vốn rất ấn tượng (439,2 nghìn tỷ đồng).

Nhiều chỉ số của Hà Nội được xếp hạng trong nhóm tốt nhất Việt Nam như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc; Chỉ số cải cách hành chính tăng 6 bậc; Chỉ số ICT xếp thứ 2 cả nước; Hà Nội trong Nhóm 4 thành phố có Chỉ số hạnh phúc cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

“Thủ đô Hà Nội, một trung tâm lớn của cả nước trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đã thể hiện ngày càng rõ nét hơn của một siêu đô thị, một trung tâm lớn của khu vực. Hà Nội ngày càng năng động hơn, hấp dẫn hơn”, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định.

Trước những yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới, cùng với những đô thị lớn khác trên thế giới, Hà Nội đang đứng trước những thách thức rất lớn cần phải giải quyết. “Thành phố xác định chìa khóa cho bài toán siêu đô thị chính là đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác đầu tư và phát triển, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết.

Tiếp theo Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức cách đây một năm, ngày 04-6-2016, tại Hội nghị lần này, Hà Nội sẽ giới thiệu các mục tiêu trọng tâm của Thành phố và danh mục dự án đầu tư giai đoạn 2017-2020. Đây là một cơ hội hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cam kết Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được giải quyết “thủ tục nhanh nhất và đồng tiền của họ được sử dụng hiệu quả nhất”.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, để bảo đảm mục tiêu phát triển giai đoạn 2017-2020, Thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời khẳng định nguồn lực đầu tư xã hội là động lực cho sự phát triển của Thủ đô.

“Thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, xin khẳng định và cam kết Thành phố Hà Nội sẽ tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác và phát triển. Sự hài lòng của doanh nghiệp, công dân là thước đo đánh giá tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả trong hoạt động của hệ thống chính quyền Thành phố”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Tăng trưởng kinh tế của Hà Nội 20 năm qua đạt mức bình quân 9,5%/năm, quy mô nền kinh tế của Hà Nội từ chỗ chỉ chiếm 8,2% cả nước nay đã tăng lên 13,6%, đóng góp hơn 16,5% ngân sách cả nước. Hà Nội cũng đang phát huy hiệu quả sức mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận trong cả nước.

Hạ tầng giao thông có nhiều tiến bộ vượt bậc, tình hình giao thông được cải thiện đáng kể. Thành phố đang tập trung ưu tiên huy động nguồn lực cho hạ tầng giao thông, trong bối cảnh ngân sách chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông, Hà Nội đã có hướng đi rất đúng là đẩy mạnh xã hội hóa, tư nhân đầu tư 80% nhu cầu còn lại.

Trong 52 dự án trọng điểm của Hà Nội thì có tới 38 dự án hạ tầng giao thông đô thị với 422.000 tỷ đồng. Nếu 52 dự án này làm tốt, Hà Nội sẽ là nơi có hạ tầng giao thông thuộc nhóm tốt nhất nước. Cùng với hạ tầng khu công nghiệp, viễn thông, năng lượng, mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của Thành phố đã vươn lên đứng thứ hai cả nước.

Các dịch vụ trực tiếp liên quan tới doanh nghiệp đều có thể thực hiện 100% trên môi trường mạng. Nhiều doanh nghiệp đánh giá mức độ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động của Hà Nội thuộc nhóm tốt nhất cả nước.

Thủ tướng biểu dương hành động kiến tạo của lãnh đạo Hà Nội

 
 Thủ tướng biểu dương hành động kiến tạo của lãnh đạo Hà Nội.

Kể từ khi nhậm chức (tháng 4-2016) tới nay, Thủ tướng đã dự, trực tiếp chỉ đạo 19 hội nghị xúc tiến đầu tư, trong đó có 2 Hội nghị cấp Vùng, đồng thời chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai quyết liệt Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ; thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; xây dựng niềm tin để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ vào các địa phương.Trong khuôn khổ Hội nghị “Hà Nội 2017: Hợp tác đầu tư và phát triển” được tổ chức ngày 25-6 với sự tham dự của hơn 900 đại biểu, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TP. Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 74.370 tỷ đồng và cùng các nhà đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến 134.790 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng giới thiệu danh mục các dự án Hà Nội mong muốn thu hút đầu tư, gồm 17 dự án theo hình thức PPP với tổng số vốn 802.700 tỷ đồng và 119 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng số vốn 303.850 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác tổ chức Hội nghị với nhiều đổi mới, lắng nghe nhiều chiều hơn từ các đại biểu trong và ngoài nước, đồng thời đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chân thành, thẳng thắn với nhiều ý tưởng tốt đẹp của các đại biểu.

“Các ý kiến này sẽ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu để từng bước chuyển hóa thành hành động”, Thủ tướng khẳng định.

Theo Thủ tướng, trong thời gian qua, tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ đã nhận được sự hưởng ứng sâu sắc, mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp. Những chuyển biến tích cực gần đây ở nhiều địa phương khác chứng tỏ tinh thần cải cách phát triển đã được lan tỏa, nhất là tại Hà Nội - niềm tin và hi vọng của cả nước.

“Nhân sự kiện này, một lần nữa tôi khẳng định Chính phủ kiến tạo không thể và không chỉ dừng lại ở lời nói. Chính phủ kiến tạo phải được chuyển hóa thành hành động từ các ngành, các cấp, từ các tư lệnh ngành và lãnh đạo tất cả các địa phương”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng biểu dương những nỗ lực trong năm qua của các lãnh đạo Hà Nội. Thủ tướng cho biết, mới đây có doanh nghiệp đã chia sẻ với ông rằng một lãnh đạo của Hà Nội đã giải quyết thấu đáo một vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải chỉ trong 1 ngày, sau 1 tin nhắn của doanh nghiệp.

“Đó chính là hành động kiến tạo của lãnh đạo địa phương. Qua ví dụ này, tôi muốn nhấn mạnh rằng mọi bộ máy cơ sở phải chuyển biến nhạy bén, kịp thời, sâu sát với các quyết sách từ Chính phủ và Trung ương. Người dân, doanh nghiệp mong mỏi sự chuyển biến cả hệ thống từ Trung ương tới xã phường”, Thủ tướng nói.

Về “địa lợi”, vị trí chiến lược quan trọng của Hà Nội, Thủ tướng nhắc lại Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ cách đây hơn một nghìn năm: Vùng đất này nằm chính giữa nam bắc đông tây, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh, xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương.

Trải qua một nghìn năm, Thủ đô Hà Nội là nơi đất lành chim đậu, với nhiều di sản thiêng liêng, sức mạnh văn hóa - tri thức độc đáo, là nơi khởi nghiệp của nhiều giá trị tinh hoa trong nước và quốc tế, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới. Những điều kiện và nguồn lực đó không chỉ thay đổi Hà Nội ngày càng tốt hơn, hiện đại hơn mà còn phát huy, lan tỏa ra nhiều tỉnh thành lân cận và cả nước, đưa Hà Nội thành động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội phải là nơi gieo mầm những ước mơ khởi nghiệp kinh doanh, những hoài bão xây dựng sự nghiệp có tầm ảnh hưởng vượt khỏi biên giới quốc gia.

Để thu hút được nhiều nhà đầu tư, lôi cuốn được những ý tưởng xuất sắc và tầng lớp tinh hoa, chính quyền Thành phố cần hành động hiệu quả mỗi ngày, có phương thức kết nối, đồng hành, động viên toàn diện sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế vào mục tiêu Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, bản sắc, hướng tới một thành phố toàn cầu, một Thủ đô có vị thế nổi bật trong ASEAN và rộng hơn.

Cùng với đó, quyết liệt cải cách quản trị các cấp hành chính, xây dựng một bộ máy trách nhiệm, tin cậy và hiệu quả, thông qua việc phát triển và phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, hướng tới kỹ trị, tăng cường trách nhiệm giải trình.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, tiếp tục tăng thứ hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, giáo dục, y tế, dịch vụ khác…

Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội hiệu quả hóa công tác quy hoạch, phát triển đô thị đồng bộ, tương thích với hạ tầng xã hội thông qua tăng cường hợp tác, liên kết mạnh mẽ và chặt chẽ với các địa phương nhằm xóa bỏ sự manh mún và dàn trải trong chính sách phát triển, tối ưu hóa chi phí sử dụng hạ tầng, đẩy mạnh phân công sản xuất, xây dựng giá trị liên vùng, liên kết với các chuỗi giá trị quốc gia và quốc tế.

Với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, Chính phủ, Thủ tướng cam kết kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư, bảo đảm ổn định chính trị, tinh thần thượng tôn pháp luật từ Trung ương đến địa phương, cải cách thể chế theo hướng cởi mở, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đóng góp và hưởng lợi một cách tương xứng và bình đẳng mọi thành quả phát triển.

“Các Bộ trưởng và Chính phủ xắn tay áo cùng Hà Nội thực hiện quyết tâm liêm chính, kiến tạo. Chính phủ, Thủ tướng tin rằng với cách làm mới, quyết tâm mới, Hà Nội sẽ có bước phát triển mạnh mẽ và phát triển bền vững. Tin tưởng các nhà đầu tư sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng Hà Nội phát huy mọi tiềm lực, vật lực, đặc biệt là tiềm năng rất lớn lao về vốn trí thức, vốn xã hội và văn hóa”, Thủ tướng bày tỏ./.