TCCSĐT - Đó là nội dung chính của Hội thảo “Ứng dụng công nghệ giảm phát thải trong phát triển kinh tế đô thị và tăng cường khả năng thích ứng” do Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN - Habitat), cơ quan chuyên ngành của Liên hợp quốc về vấn đề đô thị, phối hợp tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 17-3-2017.

Tham dự hội thảo có hơn 80 đại biểu đại diện Ủy ban nhân dân, các sở, ban ngành thành phố Cần Thơ; lãnh đạo một số thành phố trong nước; các chuyên gia về phát triển đô thị, đại diện tổ chức Adelphi và Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI) của Cộng hòa Liên bang Đức, một số doanh nghiệp của thành phố Cần Thơ và thành phố Fukuoka (Nhật Bản).

Hội thảo tập trung chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và định hướng xây dựng chính sách, áp dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới trong phát triển thành phố Cần Thơ bền vững theo hướng thích ứng và giảm thiểu những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu; giới thiệu một số giải pháp công nghệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm phát thải khí cac-bon, bảo vệ môi trường như: sử dụng năng lượng tái tạo, xử lý rác và nước thải, xây dựng hệ thống chiếu sáng thông minh, xây dựng các công trình xanh,…

Là một trong 5 đô thị lớn của cả nước, trong tiến trình đô thị hóa, thành phố Cần Thơ, trung tâm động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đang đối diện với nhiều thách thức về môi trường như: xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, ngập lụt, ô nhiễm nguồn nước,… Tình trạng này làm giảm chất lượng sống và sức hấp dẫn của Thành phố đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì thế, trong những năm gần đây, việc tìm hiểu, ứng dụng các sáng kiến công nghệ để tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng của đô thị được lãnh đạo Thành phố xác định là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong xây dựng các dự án thu hút đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật để phát triển đô thị.

Trong định hướng phát triển đô thị sông nước theo mô hình sinh thái, thành phố Cần Thơ đang hướng đến mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải cac-bon thông qua việc hợp tác quốc tế xây dựng các dự án nâng cao chất lượng môi trường đô thị, tiết kiệm năng lượng từ các công trình riêng lẻ đến các khu vực đô thị có quy mô lớn, phát triển đô thị gắn với phát triển hệ thống giao thông công cộng, tăng cường sử dụng năng lượng sạch và tái chế năng lượng,… Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức về môi trường, cũng như nhiều thành phố khác trong nước đang trong tiến trình đô thị hóa, thành phố Cần Thơ cũng đang đối diện với nhiều thách thức mang tính toàn cầu.

Theo TS. Nguyễn Quang, Giám đốc UN-Habitat Việt Nam, những thách thức lớn mà các đô thị, trong đó có Cần Thơ đã, đang và sẽ đối diện là: Thứ nhất, thách thức về môi trường (tác động do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chi phí sử dụng nhiên liệu hóa thạch gia tăng, ô nhiễm môi trường đô thị ngày càng trầm trọng do quản lý kém,..). Thứ hai, thách thức về thể chế (chuyển từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền quản trị” với sự tham gia của các đối tượng ngoài nhà nước, yêu cầu phải tăng cường sự tham gia của nhiều bên trong quá trình ra các quyết định,…). Thứ ba, thách thức về kinh tế (áp lực việc làm do làn sóng di cư gia tăng, bất bình đẳng trong thu nhập, kinh tế phi chính thức gia tăng nhanh, một bộ phận người có thu nhập thấp và trung bình khó tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu về ăn, ở, đi lại, chữa bệnh,…). Thứ tư, thách thức về xã hội - không gian (phân tán, chia cắt, mở rộng đô thị thiếu kiểm soát, khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân cư ngày càng gia tăng,…).

Để giải quyết căn cơ những thách thức này, bảo vệ môi trường và bảo đảm cho sự phát triển đô thị bền vững, nhiều đại biểu tại Hội nghị thống nhất nhận định trong tương lai, các thành phố cần có mô hình phát triển mới sáng tạo hơn và các giải pháp xanh - thông minh có tính chiến lược nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chiến lược tăng trưởng xanh của đô thị cần hướng đến sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua việc tăng cường đầu tư đổi mới và ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường.

Hội thảo xác định ba giải pháp chiến lược để giảm phát thải trong phát triển kinh tế đô thị và tăng cường khả năng thích ứng của thành phố Cần Thơ cũng như nhiều thành phố khác của cả nước trong thời gian tới: Một là, chú trọng ứng dụng công nghệ xanh để giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; hai là, phát triển sản xuất xanh; ba là, thay đổi lối sống cư dân đô thị theo hướng chuyển dần sang lối sống xanh, khuyến khích tiêu dùng thân thiện với môi trường.

Một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới cũng được các đại biểu gợi ý cho lãnh đạo thành phố Cần Thơ và các thành phố trong nước cùng tham khảo. Đó là: Sử dụng đất hiệu quả trong phát triển các khu nhà ở, khu công nghiệp mới, phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; quản lý rủi ro thiên tai tốt hơn bằng cách phát triển không gian xanh; nhân rộng các mô hình du lịch sinh thái; cải thiện thể chế để tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều người lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua phát triển giáo dục đào tạo và y tế công cộng để hỗ trợ các hoạt động kinh tế; chú trọng tham khảo ý kiến và tạo điều kiện cho người dân được tham gia vào quá trình xây dựng hạ tầng, không gian đô thị; xây dựng, từng bước hoàn thiện và thực thi tốt hệ thống pháp luật về đô thị; tăng cường hợp tác kết nối giữa các đô thị trong vùng đồng bằng sông Cửu Long;…

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp của thành phố Fukuoka (Nhật Bản) và thành phố Cần Thơ đã giới thiệu một số giải pháp công nghệ, công trình để giúp thành phố Cần Thơ giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu như: lắp đặt hệ thống chắn ngập cho những nơi đông dân cư, xây dựng hệ thống bể ngầm thu nước mưa để hạn chế ngập và cung cấp nước trong mùa khô hạn, hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, hệ thống lọc nước sạch từ biển và các công nghệ xử lý nước, công nghệ biến rác thải thành năng lượng,…/.