TCCSĐT - Ngày 18-01-2017, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế tổ chức Lễ trao giải cuộc thi viết về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2016. Dự Lễ trao giải có đồng chí Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế; các nhà báo đạt giải cuộc thi.

Quyết định số 229/QĐ-TTg, ngày 25-01-2013, của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020” đã xác định: “Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá là giải pháp chủ đạo”. Để nâng cao hơn nữa công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2016 (ngày 31-5-2016), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế phát động cuộc thi viết về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2016.

Trong 8 tháng, Ban Tổ chức nhận được 205 tác phẩm dự thi, bao gồm 4 thể loại báo in, báo điện tử, báo hình và báo nói. Đối tượng tham dự cuộc thi rất đa dạng, bao gồm: các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài ở Trung ương, địa phương; những cán bộ truyền thông của các trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe các tỉnh, thành phố; các tác giả không chuyên, như: các cụ hưu trí, người dân tộc thiểu số, các em học sinh, sinh viên…

Các tác phẩm dự thi của các tác giả chuyên nghiệp thể hiện cái nhìn đa dạng, sắc sảo của người làm báo về các góc cạnh khác nhau của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, từ việc bảo đảm thực thi các quy định của pháp luật, công tác chống buôn lậu thuốc lá, đến việc đưa ra các nhân chứng, tài liệu, số liệu cụ thể để chứng minh cho những tác hại khôn lường của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động… Với những tác giả không chuyên, bài viết của họ mộc mạc về câu từ nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự trải nghiệm của chính bản thân về tác hại của thuốc lá, sự quyết tâm, nỗ lực trong việc từ bỏ hút thuốc lá, trong đó có cả những kết cục buồn mà chính người viết phải gánh chịu về sức khỏe cùng những hệ lụy khác do sự tàn phá ghê gớm của thuốc lá.

Các thể loại tác phẩm dự thi cũng hết sức đa dạng, bên cạnh những loại thể truyền thống, như: phóng sự, ghi chép, điều tra, bút ký báo chí, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, xã luận…, Ban Tổ chức cũng nhận được những tác phẩm dự thi thể hiện dưới dạng bài thơ, bài hát có phổ nhạc với âm vần, giai điệu dễ nghe, dễ nhớ, dễ đi vào đời sống. Đây cũng là điểm mới trong công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Ban Tổ chức nhận được hơn 200 tác phẩm dự thi, là những tác phẩm báo chí có nội dung tuyên truyền sâu rộng, ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Việc tổ chức cuộc thi viết về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2016 tạo điều kiện để các phóng viên, biên tập viên và các tổ chức, cá nhân nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, điều tra, khảo sát thực tiễn… để cho ra đời những tác phẩm báo chí có chủ đề mới, cách thể hiện sáng tạo, phản ánh được góc nhìn đa chiều, trong đó có những vấn đề “nóng” đang bức thiết đặt ra trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá; nội dung thông tin trong tác phẩm chính xác, kịp thời; xác định các thông điệp truyền thông một cách rõ ràng, ấn tượng. Đây chính là những kênh thông tin quan trọng góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của xã hội về tác hại của thuốc lá, từ đó giảm dần số người nghiện thuốc.

Với việc lựa chọn các tiêu chí chấm thi dựa trên 3 yếu tố: nội dung, hình thức và tác dụng truyền thông của tác phẩm dự thi, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi làm việc công tâm, khách quan để lựa chọn được 40/205 tác phẩm vào vòng chung khảo; tại vòng chung khảo chọn ra 36 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Tại Lễ trao giải, Ban Tổ chức đã trao mỗi loại hình báo chí 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 3 giải khuyến khích. Có thể kể đến giải Nhất trong thể loại báo in có bài “Trôi nổi “Thuốc lá điện tử” của Nguyễn Ngọc Khải, Báo Tuổi trẻ; giải Nhì cho tác phẩm “Hút thuốc lá điện tử: nguy cơ ung thư gấp 15 lần thuốc lá” của Phan Quang Lộc, Báo Tiền Phong; tác phẩm “Chấp nhận giảm doanh thu để thực hiện “Nhà hàng không khói thuốc” của Trần Thịnh An, Báo Pháp luật và Xã hội. Thể loại báo điện tử, có giải Nhất cho chùm 3 tin bài: “Khói thuốc lá và sự thật kinh hoàng”, “Bệnh tật và đói nghèo, cái vòng luẩn quẩn”, “Chế tài phải đủ mạnh” của Nguyễn Thị Phương Liễu, Báo Đồng Nai. Bài “Phòng chống thuốc lá - câu chuyện của lý và tình” của Tuyết Chinh, Thu Hiền, Thanh Bình, Minh Thuận đạt giải nhất thể loại báo hình. Giải nhất của thể loại báo nói có bài “Từ bỏ thuốc lá - Lấy lại sức khỏe” của Trần Thị Thanh Thủy, Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội,…

Với mỗi giải thưởng được trao, bên cạnh những giá trị về vật chất, tinh thần, còn là sự ghi nhận, cổ vũ, động viên các phóng viên, biên tập viên, các cá nhân, tổ chức tích cực hơn nữa tham gia vào công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá, để “mặt trận” truyền thông trên ngày càng có nhiều bài viết hay, chân thực, có sức lan tỏa sâu rộng và đạt hiệu quả hơn nữa, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của toàn xã hội đối với những tổn thất về sức khỏe và kinh tế do thuốc lá gây ra./.