TCCSĐT - Đúng 11 giờ 30 phút trưa 23-11, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Siem Reap của Campuchia.

Tại đây, Thủ tướng sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ chín (CLV 9), theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Việt Nam được tổ chức tại dân bay Siem Reap. Về phía Campuchia, có lãnh đạo Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế.

Về phía Việt Nam, có Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Thạch Dư, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Battambang Nguyễn Sơn Thủy cùng đông đảo cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia.

Với mục tiêu hình thành Khu vực tam giác phát triển nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác; đồng thời thúc đẩy bảo đảm an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, sau 17 năm hình thành, cơ chế hợp tác khu vực này đã không ngừng được đẩy mạnh.

Quan hệ hợp tác giữa 3 nước Campuchia, Lào và Việt Nam liên tục mở rộng trong nhiều lĩnh vực như an ninh - đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường…

Tại Hội nghị cấp cao Khu vực tam giác phát triển CLV 8 năm 2014 tại Vinetiane của Lào, các bên đã ủng hộ đề xuất của Việt Nam về mở rộng quy mô hợp tác Tam giác phát triển thông qua tăng cường kết nối 3 nền kinh tế thay vì chỉ giới hạn ở 13 tỉnh biên giới; đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực như giao thông, viễn thông, điện lực, du lịch, ngân hàng…

Lãnh đạo Việt Nam - Campuchia muốn sớm hoàn thành phân giới cắm mốc

Chiều cùng ngày, ngay trước thềm Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ chín (CLV-9) tại tỉnh Siem Reap của Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen, nước chủ nhà của hội nghị lần này.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị; tin tưởng rằng Hội nghị sẽ thành công và góp phần quan trọng tăng cường hợp tác giữa ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam để phát triển kinh tế - xã hội, vì sự phồn vinh của nhân dân mỗi nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn mong muốn củng cố và phát triển quan hệ với Campuchia theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và của Thủ tướng Hun Sen.

Thủ tướng Hun Sen cũng khẳng định chủ trương của Chính phủ Campuchia tăng cường và củng cố mối quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa Campuchia và Việt Nam.

Hai thủ tướng đã trao đổi toàn diện các vấn đề trong quan hệ hai nước, các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, bảo đảm an ninh, ổn định chính trị của mỗi bên.

Hai Thủ tướng bày tỏ mong muốn sớm hoàn thành phân giới cắm mốc để xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển giữa hai nước, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế vùng biên cũng như thúc đẩy giao lưu nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Chính phủ Campuchia, Thủ tướng Hun Sen tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để người dân Campuchia gốc Việt được ổn định đời sống pháp lý, kinh tế, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước Campuchia.

Hai thủ tướng cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các hoạt động trọng thể kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24-6-1967 - 24-6-2017) và khẳng định sẽ cùng chủ trì lễ khánh thành cầu Long Bình, tỉnh An Giang và Chrey Thom, tỉnh Kandal vào đầu năm 2017 để mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm sự kiện quan trọng này.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng mời Thủ tướng Hun Sen và Phu nhân sớm sang thăm Việt Nam. Thủ tướng Hun Sen cảm ơn và cho biết sẽ sớm thu xếp thăm chính thức Việt Nam trong thời gian sắp tới.

CLV cùng nắm bắt cơ hội

Cũng trong buổi chiều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 9 (Hội nghị Cấp cao CLV 9) tại thành phố Siem Reap, Campuchia.

Tham dự Hội nghị còn có Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen nhấn mạnh hội nghị lần này là cơ hội đánh giá kết quả hợp tác giữa các quốc gia thành viên; đồng thời là dịp khẳng định quyết tâm của Lãnh đạo Cấp cao ba nước đưa quan hệ hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam ngày càng phát huy hiệu quả, đi vào chiều sâu, hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Hội nghị cũng là cơ hội để tiếp tục củng cố và mở rộng quan hệ truyền thống giữa ba nước.

Thủ tướng nước chủ nhà Samdech Hun Sen cũng đánh giá cao kết quả hợp tác của khu vực này thời gian qua đã góp phần đắc lực giữ vững ổn định chính trị, nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm; thúc đẩy phát triển hạ tầng, du lịch và kinh tế nông nghiệp mỗi nước. Các bên cũng giải quyết kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giao thương, góp phần nâng cao tiềm năng đầu tư, hợp tác và không ngừng cải thiện đời sống người dân.

Thủ tướng Samdech Hun Sen đề nghị các bên liên quan tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt nhằm tạo môi trường thuận lợi đưa khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam ngày càng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, duy trì bảo đảm an ninh và hữu nghị.

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cũng hoan nghênh Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị và đánh giá, thời gian qua, Chính phủ ba nước đã đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ vào khu vực Tam giác phát triển này; qua đó nâng cao đời sống người dân. Thủ tướng Lào đề nghị ba nước cần hợp tác một cách chặt chẽ hơn nữa, đưa cơ chế hợp tác chung ngày càng đạt được những thành tựu mới.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng của hợp tác CLV trong xây dựng và triển khai các chính sách phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm an ninh, ổn định xã hội và sự ấm no, hạnh phúc của người dân ba nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh cùng với sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Campuchia-Lào-Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Ba nước cùng nhau vượt thách thức chung của khu vực, nắm bắt cơ hội phát triển mới và cùng chia sẻ lợi ích. Trên tinh thần đó, để hợp tác CLV có thể phát huy hết thế mạnh, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng của mỗi nước và cả khu vực, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ba nước cần tập trung thúc đẩy kết nối giữa ba nền kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hút đầu tư và mở rộng quy mô thị trường.

Các bên cũng cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý ổn định, thông thoáng và tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, dịch vụ và di chuyển của người lao động qua biên giới; tạo thuận lợi thu hút đầu tư, kinh doanh vào Tam giác phát triển CLV.

Ngoài ra, theo Thủ tướng, ba nước cũng cần bảo đảm an ninh và chính trị ổn định; bảo vệ môi trường sinh thái; phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030, đồng thời chung tay tìm kiếm và xây dựng giải pháp lâu dài cho quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước chung và thu hút nguồn lực từ các đối tác phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bảy đề xuất của Việt Nam để ba nước phối hợp nhanh chóng triển khai trong thời gian tới gồm xây dựng cơ chế để phương tiện (đăng ký tại) các tỉnh thuộc Khu vực Tam giác phát triển CLV được đi lại thuận tiện trong Khu vực không hạn chế về số lượng; thực hiện mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Việt Nam-Bà Vẹt, Campuchia trong năm 2017; thiết lập cơ chế đối thoại định kỳ giữa đại diện các cơ quan của Chính phủ Campuchia, Lào, Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào ba nước để kịp thời nắm bắt và giải quyết những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tăng số lượng học bổng đào tạo dạy nghề cho hai nước Campuchia và Lào và huấn luyện cho tham gia các cuộc thi tay nghề ASEAN, nâng mức học bổng để tăng chất lượng cuộc sống của sinh viên hai nước Campuchia và Lào.

Việt Nam kêu gọi Lào, Campuchia tham gia Công ước về Luật sử dụng dòng nước quốc tế cho mục đích phi giao thông thủy đồng thời cùng Việt Nam nghiên cứu tham gia Công ước về bảo vệ và sử dụng các dòng nước xuyên biên giới và hồ quốc tế.

Thủ tướng cũng mong muốn Chính phủ ba nước phối hợp xây dựng chương trình vận động ODA và xây dựng chương trình chung xúc tiến đầu tư và du lịch của ba nước.

Công ty Viễn thông Viettel sẽ đầu tư hiện đại hóa mạng viễn thông ba nước bằng công nghệ 4G, hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử cho ba nước và áp dụng mức cước gọi giữa thuê bao của Viettel tại ba nước tương đương với mức cước trong nước.

Đáp lại đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng đề nghị Viettel hỗ trợ xây dựng cầu truyền hình giữa ba Thủ tướng và giữa các cơ quan ba nước để tăng cường trao đổi và tiết kiệm ngân sách.

Hội nghị đã rà soát tình hình hợp tác CLV trong hai năm qua kể từ Hội nghị Cấp cao CLV 8 tại Vientiane. Ba nhà Lãnh đạo đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong các lĩnh vực then chốt như an ninh, quốc phòng, thương mại - đầu tư, nông nghiệp, giao thông vận tải, du lịch. Các hoạt động này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm hòa bình và ổn định tại khu vực.

Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã trao đổi về tình hình và triển vọng của Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và vai trò của hợp tác Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) đối với sự phát triển của mỗi nước.

Các nhà Lãnh đạo khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác CLV trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng tốt đẹp, cùng có lợi, đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau. Các nhà Lãnh đạo cũng khẳng định quyết tâm hợp tác hướng tới phát triển bền vững và bao trùm tại khu vực CLV, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phối hợp cùng các nước ASEAN khác hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường kết nối giữa ba nền kinh tế cả về hạ tầng cứng, hạ tầng mềm và giao lưu nhân dân. Hội nghị ghi nhận những kết quả đạt được trong việc xây dựng Kế hoạch hành động Kết nối 3 nền kinh tế Campuchia- Lào-Việt Nam đến năm 2030 và giao Ủy ban điều phối chung tiếp tục hoàn thiện tài liệu quan trọng này để sớm đưa vào thực hiện.

Nhằm phát huy tiềm năng của 13 tỉnh biên giới Campuchia-Lào-Việt Nam, Hội nghị nhất trí giao Bộ Nông nghiệp ba nước phối hợp xây dựng Kế hoạch phát triền ngành công nghiệp cao su và giao Ủy ban điều phối chung xây dựng Quy hoạch phát triển ngành du lịch khu vực Tam giác phát triển CLV.

Các nhà Lãnh đạo cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc bảo vệ môi trường, sử dụng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên nước và rừng; nhất trí triển khai các chương trình hợp tác về khí tượng thủy văn, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước. Để bảo đảm an ninh và an toàn cho doanh nghiệp và người dân, trong thời gian tới, hợp tác rà phá bom mìn và đấu tranh phòng chống buôn bán ma túy, buôn người, khủng bố, các loại tội phạm xuyên quốc gia sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Các nhà Lãnh đạo cũng kêu gọi sự tham gia tích cực hơn của cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác phát triển vào các dự án hợp tác CLV; thống nhất tăng cường phối hợp với các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong.

Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam đã ký kết Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao CLV 9; thông qua danh sách 15 dự án ưu tiên của khu vực Tam giác phát triển CLV để phối hợp vận động đầu tư từ các đối tác phát triển.

Ba nhà lãnh đạo cũng đã cùng họp báo chung; chứng kiến Lễ ký “Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại trong khu vực Tam giác phát triển CLV” và nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao CLV 10 tại Việt Nam vào năm 2018./.